L Á H O A D U Y Ê N *
Rong ruỗi trên những nẻo đường đất nước, lần đầu tiên, tôi nghe tên hoa dã hương. Từng nhánh dã hương sà thấp, lấm tấm từng chùm hoa nhỏ màu vàng mơ như hạt kê, hương thoang thoảng trong gió heo may trên con đường 4A nối Cao Bằng-Lạng Sơn.
Khác với những cung đường trên cả nước vừa được phát quang mở rộng, chạy tít tắp, thênh thang, không một bóng cây, đường 4A men theo núi đồi-thung lũng, có lúc uốn khúc qua đèo. Đèo Bông Lau xuôi về Đông Khê, Thất Khê, mở ra Chiến dịch Biên Giới 1950 năm xưa. Cách trung tâm thành phố Cao Bằng chừng 60km, hướng Lạng Sơn, nghĩa trang Liệt sĩ Chiến Dịch Biên Giới trên đồi quy tập mộ phần những chiến sĩ… Chiều nghĩa trang/Đồi trung du/Bia trắng như bầy cò đậu. (Quang Dũng.Chiều nghĩa trang). Bia mộ san sát, thẳng hàng, cùng kích cỡ, bia ghi vô danh hay đầy đủ tên tuổi, quê hương, bản quán, dân tộc, nhiều nhất người Tày. Tất cả đặt dấu chấm hết năm 1950 trong chiến dịch Biên Giới. Con người chỉ bình đẳng khi chết. (Jean d’Ormesson). Ý tưởng trên thoáng qua khi đi thăm các nghĩa trang dọc đường 4A, Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Biên Hòa hay xa hơn, dọc bờ biển Normandie, Pháp, nơi quân Đồng Minh đổ bộ cách đây hơn70 năm. Những nấm mộ trắng, thánh giá trắng, xếp thẳng hàng trên thảm cỏ xanh, xa xôi ngoài kia đại dương sóng vỗ. Chiến tranh qua đi, còn lại an hòa, bình đẳng. Chỉ khác một điều, trên đường 4A vẫn còn lưu dấu binh lửa, hoa dã hương rủ mình trên những nấm mồ. Khi khép lại cổng nghĩa trang hoen rỉ vì thời gian, người quản trang, một chiến binh già chỉ nói vừa đủ nghe: Năm nay, giá rét, dã hương ra hoa muộn.
Xuân về trên đất Bắc, nếu có một loài hoa nở rộ vàng rực cả một góc trời, từ miền xuôi lên miền ngược, đó là vàng anh. Hoa vàng anh (ashoka?) nép mình lặng lẽ trong công viên nhìn ra hồ Tây dọc đường Thụy Khuê hay trên lối vào chùa Một Cột. Hoa nở rộ, sắc màu tươi thắm trên đường đi thác Đầu Đẳng, hồ Ba Bể. Từ quán ăn duy nhất của vợ chồng người Tày ven hồ, nhìn về cuối vườn, những cánh vàng anh lớn, màu vàng thắm, đan xen như những bàn tay nắm lấy bàn tay. Màu vàng nổi bật trên nền xanh cỏ cây, màu xám đục tiết trời tháng Ba.
Đến Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, đi tìm vàng anh qua văn thơ Quang Dũng. Rừng Mai Châu riêng với tôi thực có nhiều kỷ niệm. Từ lúc gặp cây vàng anh,tôi đã nhớ lại tất cả những kỷ niệm mười lăm năm trước…* Trôi dòng thác lũ hoa đong đưa, nay ngược dòng, chưa thấy vàng anh, chỉ nhớ một thuở hoa niên yêu Tây Tiến, Đôi bờ…
Tết muộn. Đã hết giêng hai, vậy mà trên con đường chính buồn hiu chạy ngang thị trấn Đồng Văn, Hà Giang, vẫn còn lác đác hoa đào. Về đâu những bước thời gian đã/ In dấu mong manh trên cánh đào? (Huy Cận). Tôi yêu thị trấn tận cùng biên giới phía Bắc mà trung tâm là khu chợ cổ trống hoác về đêm, thích la cà dọc xóm nhà trình tường nằm khuất bên trong phố chợ hay ghé quán Tiến Nhị nhâm nhi món thịt hun khói chế biến tại chỗ, sau chặng đường dài vượt cổng trời quanh co muôn trùng đá và đá... Chỉ sợ mai này bước chân đến Đồng Văn mà cứ mường tượng đang đi qua…Thái Bình hay Tam Kỳ, Quảng Nam. Quang cảnh thị trấn sơn cước bây giờ na ná phố thị miền xuôi.
Nhìn hoa đào vương trong nắng chiều mạn ngược Đồng Văn, thầm mong giữa những phôi pha, vẫn còn chút gì vương vấn ( Đặng Tiến).
Nếu có một loài hoa trên đất Bắc mà hình ảnh rất gần gũi khi những cơn gió mùa Đông Bắc qua đi, đó là hoa gạo. Tháng ba hoa gạo rụng, bà già cất chăn. Tôi học được câu ví von Bắc Kỳ nhờ u già bán nước chè phố Ngọc Hà. Thuở ấy, u già còn chít khăn mỏ quạ. Bấy giờ, hoa gạo đối với tôi là một khám phá. Về sau, lên Tây Nguyên, người Ê Đê, Ba Na gọi cây gạo là cây pơ-lang. Miền Nam thuở ấy hình dung hoa gạo qua sách vở, văn chương. Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ/Nhập vào sắc đỏ của mùa xoan (Nguyễn Bính). Cuối đông, màu đỏ hoa gạo bừng lên trên bờ đê, quán nước, cổng làng, đình, chùa miếu mạo miền châu thổ sông Hồng nhưng hoa gạo đẹp nhất, theo tôi, có lẽ là trên con đường mùa xuân từ Hà Giang, lên Quản Bạ, Yên Minh. Thân cây gạo thẳng vươn cao, màu đỏ cánh hoa nổi bật trên phong cảnh đá vôi trắng xám. Đứng một mình mà chẳng cô đơn. Cây gạo già/lơi tình/lên hiệu đỏ/La lả cành/cởi thắm/để hoa bay./Em về nói làm sao với mẹ. ( Lê Đạt). Giã từ hoa gạo bay bay trong tiết xuân phân, chào cây gạo đứng chơ vơ làm dấu gạch nối giữa hai đền vua Đinh - vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình. Màu đỏ xác pháo hoa gạo cuối mùa lạc loài mất hút trong mảng màu xanh non của những tán lá bàng báo hiệu ngày rét mướt mưa dầm gió bấc rồi cũng qua đi. Tôi vào miền Trung.
Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế.
Em lại hong tình lên ngó sen (Đặng Tiến).
Tôi đến Huế khi mùa sen chưa nở. Đi bộ dọc đường Nguyễn Huệ, dưới tán lá xanh, có con sâu đo trên sợi tơ giăng giăng mùa xuân xứ Huế, rẽ sang đường Hàng Đoác, Hàng Đoác không có bà con họ hàng gì với Hàng Đường, Hàng Đào; chỉ là hai hàng cây thuộc họ cọ, dừa, cây cho trái nhỏ tròn trịa, cơm màu trắng tựa cơm dừa, ăn rất bùi. Thời sinh viên Huế ngày xưa, đường Hàng Đoác quạnh quẻ với hàng cây che bóng bên đường, ẩn khuất dăm ba ngôi nhà tường vôi vàng kiến trúc thuộc địa là con đường tình ta đi. Nay tìm về lối cũ, đường xưa hóa thành đại lộ, trường Văn Khoa, Khoa Học bây giờ là khách sạn, ghé Vỹ Dạ thăm bạn, buổi chiều ngồi uống trà bên gốc mai già. Mùa xuân qua, ve bắt đầu kêu rân ran trên tán lá hàng nhãn Đại Nội, vậy mà bên gốc mai vàng lặng lẽ chỉ mới chúm chím vài bông hoa. Vạt nắng cuối ngày đọng lại trên cánh hoa như dấu quan quyền phủ đệ còn vương vấn đâu đây.
Cổng vào nhà bạn có mái che, ngõ hạnh với hai cây mộc, hoa mộc trắng nhỏ li ti để ướp trà. Thuở ấy, tôn nữ còn cài hương mộc trên tóc…Nét tinh tế nhất của nhà vườn Huế là hàng chè tàu, chè tàu lá nhỏ, chịu thương chịu khó với mưa nắng thất thường xứ Huế. Như hàng rào đá sắp đặt rất tự nhiên, đầy tính nghệ thuật của người Lô Lô miệt Hà Giang, hàng chè tàu Huế màu xanh thân thiện, không quá cao, vừa đủ giới hạn địa giới và…tầm mắt. Bạn tôi lớn lên từ ngôi nhà vườn đó. Thời trẻ, có lúc bạn khước từ tất cả để ra đi, qua biết bao bến bờ ảo mộng mới quay về vườn xưa để thấy: Ra đi là để trở về. Chúng ta đi khắp thế giới để tìm những thứ chúng ta cần và chỉ lúc về nhà mới nhận ra nó (G.Moore).
Tôi đến thăm Mỹ Sơn nhiều lần nhưng chưa hề nhớ tên một loài hoa ngoài bạch đàn hoa vàng rải rác nơi Thung Lũng Thần Linh, vậy mà, khi giã từ đền tháp quay về, nhìn trên cao, từng chùm hoa phơn phớt tím trắng rung rinh trong gió hình như là hoa sầu đông, hoa xoan. Tiết xuân là thời khắc của những nguyện ước… Ước nguyện đầu tiên: cùng nhau trồng thêm hàng sứ bên lối mòn đưa vào tháp cổ để khi xuân về, hoa sứ hay hoa champa màu vàng trắng làm dịu cảnh hoang phế loang loang màu gạch đỏ, hoa tô điểm những bức tượng, phù điêu, tháp cổ còn lại đây đó, hoa thắp sáng nẻo về quá khứ vàng son.
Qua những cung đường Tây Bắc, Đông Bắc, xuôi theo chiều dài đất nước, nghe rét mướt luồn qua từng lớp áo dày mỏng, thèm gió và sông nước miền Tây, tôi muốn hong mình trong nắng ấm, trong sắc màu rực rỡ mai vàng dọc cù lao Bình Hòa Phước ở Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên…Ở đây, mai trồng chậu, trong vườn, bên lối đi, hàng rào, bờ kênh…từng cánh hoa tươi thắm đón nắng xuân. Xuân phương Nam là hạnh ngộ. Khách xa gặp lúc mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử). Đêm Cần Thơ, từ cồn Cái Khế qua cầu Ninh Kiều đến bến thuyền, gió sông Hậu mơn man. Đang là mùa trăng. Đi giữa mùa trăng. Còn niềm vui nào hơn.
Mùa xuân 2016, lần đầu tiên, vượt cầu Năm Căn, tôi háo hức đi về mũi Cà Mau. Mặc dầu tuyến đường tận cùng phương Nam đã được thông xe kỹ thuật, chữ nghĩa hoa mỹ của truyền thông để chỉ đường đang… thi công, gạch đá ngổn ngang, xe ủi, xe lu, công nhân dàn như ở mặt trận. Dù vậy, chưa bao giờ trên những bước đường xuôi ngược, tôi thấy những rừng tràm hoa vàng từng ô, từng ô trải dài vô tận dọc con đường men theo rừng ngập mặn Cà Mau. Cò vạc bay về đâu trắng trời trong ráng chiều phương Nam. Nơi cuối trời tổ quốc, điểm giao hòa của hai đại dương, nhìn làn sóng vỗ nhẹ trên bãi cát màu xám đen đặc trưng của miền đất mũi, tôi lẩn thẩn tự hỏi: liệu sự phát triển của con đường có làm bay đi ít nhiều hương rừng Cà Mau?
Nhớ thời trẻ, đọc sách thầy Nhất Hạnh: Tôi nghĩ phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên than hồng mà là đi trên mặt đất. Hàng ngày, ta thực hiện phép lạ mà ta không hay biết. (Phép lạ của sự tỉnh thức). Ngày ấy, thế hệ bắt trẻ đồng xanh chúng tôi ngông nghênh tự hỏi đi trên mặt đất thì có gì là phép lạ? Năm tháng qua đi, bây giờ bình tâm chiêm nghiệm…Được rong ruỗi trên mặt đất, thấy cỏ cây hoa lá muôn phương là phép lạ mà phép lạ đến hai lần.
Chuyến đi khởi đầu với lời thơ Hoàng Trúc Ly: Em về vui hội lá hoa duyên. Trong hội vui, có lúc nhặt được cánh hoa bên đường hay tần ngần vì một loài hoa vu vơ, có lúc dừng lại hỏi tên hoa, để nhớ nhung một hàng cây, một hình bóng. Hành trình thì miên viễn.
Tống Văn Thụy
* thơ Hoàng Trúc Ly.
*Quang Dũng. Mây đầu ô.Thơ. Thơ văn Quang Dũng. Nhà đồi. NXB Hội Nhà Văn. HN.201