Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Một Bông Hồng Cho Anh
Của H/T Minh Quang Lê văn Thẩm
Lời thưa: Kính thưa quý anh chị em huynh trưởng Gia đình Phật tử VN
Bộ môn Văn nghệ trong tổ chức GĐPT của chúng ta càng ngày càng phát triển, KỊCH là là bộ môn mà chúng ta dễ lồng vào những bài học giáo lý, bài học tâm lý xã hội, những tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, thủy chung v.v…mà nội dung sáng ngời BI TRÍ DŨNG. Hoài bảo của tôi muốn viết lên những vở kịch ngắn, để quý H/T tùy nghi, tùy tiện, tùy trường hợp, tùy môi trường, tùy góc độ, kể cả tùy khả năng của diễn viên, quý H/T cứ thay lời, thay cảnh để phù hợp với đơn vị của mình. Mong các H/T đừng ngần ngại để hướng dẫn các đoàn sinh của chúng ta phát triển bộ môn KỊCH sẽ là những bài học quý giá không những trong tổ chức chúng ta mà còn tác động bên ngoài xã hội. Đó là ước muốn duy nhất của người H/T già như tôi. Tôi sẽ lần lượt gởi đến quý H/T những vở kịch mà tôi đã viết và sẽ viết, để quý anh chị tùy nghi.
Cùng với nguyện vọng đó, kính gởi gởi đến các H/T đang lãnh đạo tổ chức các cấp kiểm soát, thêm bớt rồi có điều kiện gởi đến các đơn vị để tùy nghi … vì cá nhân tôi không có địa chỉ các Ban Hướng dẫn và đầy đủ địa chỉ email của toàn thể quý H/T.
Kính chào Tinh Tấn và An Lạc. Xin quý anh chị sửa giúp lỗi chính tả không làm sao tránh khỏi.
Viết để kính dâng các bà Mẹ trong dịp mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Nam mô công đức lâm bồ tát, Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát ma ha tát
Minh Quang Lê văn Thẩm
Nội dung:
Chuyện xảy ra trong xã hội bây giờ. Bà Hai là một góa phụ khi người chồng mất tích trong cuộc chiến vừa qua, để lại môt người con trai duy nhất. Bà chấp nhận sống cảnh góa bụa, hy sinh tất cả tảo tần nuôi con ăn học thành tài. Hiếu người con trai đã đỗ đạt và lập gia đình với người vợ sống xô bồ, chạy theo phù phiếm thiếu đạo đức. Nghe lời vợ, Hiếu đã nhẫn tâm đuổi Mẹ ra khỏi nhà. Mặc dầu ông Năm người bạn thân của bố Hiếu khuyên can hết lời. Sau đó Hiếu bị tai nạn. Cô vợ trẻ ly dị lấy hết tài sản để ra đi … Thùy Trang là nữ y tá cũng là một H/T GĐPT, mồ côi mẹ, đang săn sóc Hiếu tại bệnh viện đã an ủi, tạo điều kiện giúp Hiếu gặp lại Mẹ. Một Bông Hồng tươi thắm Thùy Trang đã cài lên áo Hiếu người diễm phúc còn Mẹ trong ngày đại lễ Vu Lan mùa Báo Hiếu…
Nhân Vật:
Bà Hai: một góa phụ 55 tuổi
Hiếu con trai bà Hai: 30 tuổi, tiến sĩ kỹ sư phó giám đốc
Ông Năm: bạn thân chồng bà Hai, 60 tuổi
Ly Ly: vợ của Hiếu, 24 tuổi
Thùy Trang: nữ y tá cũng là H/T/GĐPT, 26 tuổi
MÀN 1
Nhân vật:
Bà Hai, trang phục người phụ nữ đứng tuổi
Hiếu, trang phục một thanh niên tuấn tú, sơ mi trắng, quần tây đen, cà vạt màu xanh nhạt
Ông Năm, trang phục người đàn ông trí thức đứng tuổi khoát áo vest màu đậm
Ly Ly, trang phục người con gái tân thời không đứng đắn trang điềm nhòe nhoẹt…
Cảnh:
Phòng khách của gia đình, với bộ sofa bằng da màu hồng nhạt, chính giữa phòng là một tủ thờ cẩn xa cừ cao ráo trang nghiêm, phần trên thờ Phật, với hoa quả, phần dưới thờ linh di ảnh chồng bà Hai, với đôi mắt hiền từ, sau hương đèn trang nhã, một vài lẵng hoa màu sáng tươi đẹp treo lủng lẳng hai bên. Bà Hai đang sắp xếp áo quần bỏ vào xách du lịch, nét mặt ưu tư buồn bã, thỉnh thoảng nhìn lên tủ thờ, rồi nhìn Hiếu. Hiếu đi đi lại lại trong phòng nét mặt đăm chiêu, suy tư, thỉnh thoảng đưa tay bóp lên thái dương, nhìn mẹ âu yếm.
Sau hậu trường có tiếng nhạc nhẹ với nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân (Nhạc không lời)
Hiếu: (chậm rãi, ngập ngừng, và bối rối nhìn Mẹ). Mẹ Mẹ chịu phiền vì hạnh phúc của con. Mẹ tạm ra khỏi nhà hôm nay vì vợ con… không muốn… cô ta …
Bà Hai: (nhìn Hiếu, chậm rãi) Mẹ đang làm cái việc vợ chồng con yêu cầu đây. Mẹ chỉ lo nhà không có mẹ chuyện ăn uống của vợ chồng con không ai lo (định nói thêm, thì ông Năm vào)
Ông Năm: Hai mẹ con làm gì mà có vẻ lo âu, buồn bã thế, cửa ngõ lại mở toang…
Bà Hai: Anh Năm đến chơi, mời anh Năm ngồi chơi (ông Năm ngồi lên sofa)
Hiếu: Chào bác Năm. Dạ thưa bác Năm, có gì đâu?
Ông Năm: Con lại dấu bác nữa, có chuyện gì đó chị Hai
Bà Hai: À, cái chuyện cô Ly Ly vợ thằng Hiếu không muốn tôi ở trong nhà này nữa …
Ông Năm: Ủa có chuyện này sao, thế Hiếu con nghe lời vợ đuổi mẹ con ra khỏi nhà hay sao?
Hiếu: (ngập ngừng) dạ, dạ,…không, nhưng vì hạnh… phúc… của con
Ông Năm: (đứng dậy, nhìn Hiếu, dằn từng tiếng) hạnh phúc của con à! Thế con nghĩ sao về mẹ của con, một người mẹ chịu bao nhiêu đau thương khó nhọc để lo nuôi nấng con ăn học đỗ đạt thành tài ngày nay, có người mẹ nào đòi hạnh phúc cho mình đâu, tất cả chỉ vì con mà thôi
Bà Hai: Anh Năm, cháu còn dại ăn chưa no, lo chưa tới đó thôi
Ông Năm: (cướp lời) Dại thì phải khôn ra mà sống chớ chị Hai, đã 30 tuổi đầu rồi đâu còn nhỏ nữa. Hiếu à, từ khi ba con mất đi, mẹ con phải tảo tần xuôi ngược để lo cho con chứ đồng lương giáo viên có bao nhiêu đâu, chấp nhận thiếu thốn phần mình miễn sao lo cho con đầy đủ
Bà Hai: Anh Năm, tôi xin anh, nhắc chi chuyện xa xưa đó nữa
Ông Năm: Chị Hai, để tôi nói chuyện với cháu, dầu sao tôi cũng có trách nhiệm trước hương linh của bố thằng Hiếu, người bạn chí thân từ thiếu thời cho đến khi bước vào đời. Hiếu à, mẹ của con đã gánh chịu bao đau thương mất mác, con hãy nhìn kỹ lại mẹ con, từ khi tóc xanh đến khi bạc đầu, chấp nhận cuộc sống góa bụa, khốn khó để lo cho con, đặt hết hoài bảo vào con, để làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của người mẹ (đoạn này tùy theo quốc độ các Huynh trưởng có thể nói thêm về cái chết của bố Hiếu bằng sự hy sinh chính nghĩa trong cuộc chiến vừa qua … )
Hiếu: (cười gượng khó chịu) con thấy hy sinh của mẹ con thật vô lý, sống mà không có một chút hưởng thụ, để đến ngày hôm nay phải chịu cảnh cô đơn góa bụa, chấp nhận một cuộc sống chôn mình trong vỏ ốc cổ hũ …để làm gì? Con vẫn khôn lớn được mà
Ông Năm: Đúng, con vẫn khôn lớn, nhưng sự khôn lớn, đổ đạt như ngày nay là nhờ ai? Không lẽ con tự nhiên khơi khơi lớn lên à. Nhưng dầu sao giữa hai thế hệ bác và con nhìn cuộc đời bằng hai lăng kính khác nhau. Bác đứng góc độ này, con đứng góc độ kia, nhưng dù dưới lăng kính nào hay góc độ nào đi nữa thì kỹ cương gia phong, thủy chung, hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ vẫn là cái gi thiêng liêng của giống người, cây có cội, nước có nguồn là sao, chắc con thừa hiểu truyền thống đạo lý tốt đẹp cua quê hương và nòi giống dân tộc Việt chứ
Hiếu: (mỉa mai). Bác ạ, sao con thấy thế hệ của bác, của mẹ con của những người lớn mắc nhiều chứng bệnh quá, trong đó có bệnh nói nhiều
Bà Hai: (nghiêm giọng và tha thiết) Hiếu! Con không được nói vậy, bác Năm là người bạn thân thiết của ba con ngày xưa, sống chết, vui buồn có nhau
Ông Năm: Cám ơn chị Hai (nhìn Hiếu ) Hiếu, con mang trong người con huyết thống của ba mẹ con là tấm gương sáng đầy nhân hậu và trí dũng, ba con nằm xuống vì quê hương dân tộc, thế hệ của ba con và bác sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh loạn lạc
Hiếu: (cướp lời) Bác thấy không? Mẹ thấy không? Sự hy sinh của ba con vô ích. Bây giờ ai biết đến, lịch sử đã sang trang có ai ngoái nhìn những người nằm xuống cho cuộc chiến vừa qua? Chỉ để lại những đứa trẻ mồ côi cha, người vợ mất chồng, người mẹ mất con, mà thôi bác ơi, giờ đây lòng con đang rối bời. Xin bác về đi. Viêc nhà con, con không muốn ai xen vào,…
Ông Năm: bác về ngay bây giờ đây. Bác không muốn đứng đây để chứng kiến cái cảnh vong ân, bội nghĩa của con đối với mẹ (xoay qua bà Hai ) bây giờ chị định đi đâu?
Bà Hai: cũng không biết đi đâu, sắp lễ Vu Lan, tôi lên chùa làm công quả ít bữa, rồi tính sau …
Hiếu: (rờ vào túi rồi nhìn mẹ) tiền hưu mấy tháng nay của mẹ đã lấy chưa?
Bà Hai: (nhỏ giọng) hơn sáu tháng nay, vợ con lấy rồi và nói khi nào mẹ cần thì nói với cô …
Hiếu: (nhăn măt hai tay đưa cao) thôi chết rồi cô ta xài hết rồi, tại sao mẹ không cho con biết
Ông Năm: Còn gì mà con hỏi mẹ tại sao? Tại vì cái hạnh phúc to lớn của con đó, nhưng bác vẫn hy vọng một ngày nào đó con sẽ hồi tâm, bác vẫn đợi ngày đó, thôi, bác về, chào chị Hai tôi về…
(Bớt ông Năm thêm Ly Ly) Sau hậu trường có tiếng Ly Ly vọng ra” Bye bye, lát nữa tau lấy xe Lexus của đức lang quân cù lần của tau qua đón mầy đi…”
Hiếu: (dục mẹ) Mẹ, mẹ, vợ con về, mẹ đi đi (bà Hai cầm xách và nón đi ra, thì Ly Ly bước vào)
Ly Ly: Uả, sao? Cái bà này chưa đi há, còn lưu luyến gì nữa đây, hay là bà ở lại thì tôi đi
Hiếu: bối rối hai bàn tay xoa vào nhau một chút xúc động nhìn mẹ đi
Ly Ly: (tiếp) Còn anh anh muốn sao? Đã nói rồi gia đình này chỉ có một vợ môt chồng không có người thứ ba nhất là bà già. Hai người anh chọn một, bà già lưng còng, tóc bạc da nhăn, hay là cô gái son trẻ diễm kiều này há?
Hiếu: Em từ từ một chút, đằng nào mẹ cũng đi rồi, tại sao em lại so sánh kỳ cục vây …
Bà Hai: (bước vào) Mẹ quên chưa nói, mẹ có nấu một nồi xúp các con nhớ ăn tối nay, còn đồ ăn ngày mai con bới đi và để lại cho vợ con, mẹ để sẵn trong tủ lạnh nhớ hâm nóng trước khi ăn
Hiếu: (ngượng ngùng) dạ, mẹ để đó con, con lớn rồi mà ... (hỏi vợ) em đi đâu về, anh trông quá.
Ly Ly: đi chơi với nhỏ bạn, còn anh đã để tên em vào giấy tờ nhà của, xe cộ, ngân hàng chưa?
Hiếu: Xong rồi, em yên tâm tất cả giấy tờ có đủ tên em, anh để trong ngăn tủ
Ly Ly: Thế mới là người chồng yêu quý của em suốt đời. À em cần chiếc xe Lexus của anh để đi đây đi đó, chứ mang tiếng vợ của một phó giám đốc mà đi chiếc xe cũ rích nhìn sao cho được
Hiếu: Í, không được, anh đi làm xa, em tạm đi xe đó, tháng sau anh sẽ mua xe mới cho em
Ly Ly: Anh nói nghe hay quá. Thôi được, tôi gọi thằng bồ cũ đem xe mercedess đưa tôi đi chơi
Hiếu: Em ráng đợi anh, anh sửa lại thắng xe, vì anh đi làm xa quá nguy hiểm ...
Ly Ly: Chuyện đó là chuyện của anh, (rút phone ra nói) OK. Tau đến bây giờ, bye (xoay qua Hiếu) Thôi em đi công chuyện nghe cưng, tối nay em về trễ, hoặc có thể không về, anh ở nhà ngoan nghe ông xã yêu quý, (chay đến tủ lấy chìa khóa xe, vội vàng bước ra)
Hiếu: (sững sờ, nhìn theo và nói theo) Ly Ly, đợi anh nói cái nầy đã…
Màn hạ nhanh
MÀN 2
Nhân vật:
Hiếu
Ly Ly
Thùy Trang (trong phục một nữ y tá)
Bà Hai
Cảnh:
Ngoài sân cỏ một bệnh viện, có ghế đá, thỉnh thoảng một vài người y tá qua lại. Tiếng từ sau hậu trường vọng ra: “Sau đây là bản tin giao thông, chiều nay vào lúc 4 giờ, một chiếc xe đang chạy trên đường cao tốc (tên) bị lật nhào có lẽ vì trượt thắng, người lái ve bị thương nặng, đã đươc xe cấp cứu đưa về bệnh viện “vẫn tiếng nhạc nhe bài Lòng Mẹ vọng ra. Từ trong sân khấu Thùy Trang với trang phục y tá, mặt mày tươi vui nhân hậu đẩy chiếc xe lăn ra giữa sân khấu. Hiếu ngồi trên xe lăn băng bó đầy mình, mặt mày nhăn nhó có vẻ đau đớn …
Hiếu: (nói chậm rãi và mệt nhọc) Hôm nay ngày mấy rồi mà trời mát mẽ, đẹp như thế này
Thùy Trang (nhỏ nhẹ): Trời đã vào Thu, hôm nay là ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu Lan, ngày Tự Tứ, ngày lễ Báo Hiếu ngày Bông Hồng cài áo với ai còn Mẹ
Hiếu: Cô Trang có vẻ am hiểu về đạo Phật quá nhỉ?
Thùy Trang: Tôi đạo Phật mà còn là một Huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử nữa
Hiếu: (thoáng buồn) thế à, mới đó mà đến lễ Vu Lan rồi, có lẽ (ngập ngừng ) giờ này…Mẹ tôi…
Thùy Trang: (nghiêng người nhìn Hiếu) Mẹ, mẹ anh ở đâu? Sao mấy hôm nay, Trang không thấy mẹ anhh đến đây? Xin lỗi, mẹ anh có còn tại thế hay đang đi xa…
Hiếu: (nét mặt buồn ngẫng mặt nhìn Trang) Thôi, cô Trang, tôi không muốn nhắc đến mẹ nữa, tôi là đứa con bất hiếu, một đứa con quá nhiều tội lỗi với mẹ…
Thùy Trang: Ồ, Trang vô tình, xin lỗi anh, nhưng dầu sao thì những ai còn mẹ là còn diễm phúc
Hiếu: Thế mà, tôi đã đánh mất cái diễm phúc thiêng liêng nầy, chỉ một tuần trước đây thôi, tôi đã nghe lời vợ tôi (ngưng một lác). Chắc giờ này mẹ tôi buồn và giận tôi lắm, tôi không còn dám nghĩ đến mẹ tôi nữa
Thùy Trang: (ngậm ngùi) Anh Hiếu à, chuyện đã lỡ xảy ra thì cố để qua luôn, vì không ai kéo lui được thời gian. Nhưng Trang chắc chắn rằng, bác đã và đang tha thứ cho anh và sẽ vui lòng bỏ qua hết, tình yêu thương của tất cả người mẹ đối với con cái là bao dung, vị tha, một tình yêu tuyệt đối, tình yêu không có điều kiện, không đắn đo, không có sự đổi chát, mà chấp nhận tất cả, hy sinh tất cả cho con, anh hạnh phúc lắm, trên đời còn mẹ là còn tất cả… (Trang ngậm ngùi) Trang mất mẹ sáu năm rồi, cứ mối mùa Vu Lan về Trang chỉ có hoa hồng trắng cài lên áo, đối với Trang, màu sắc chỉ thật có ý nghĩa, từ ngày không còn mẹ trên đời, còn mẹ là có tất cả hạnh phúc trên thế gian này, mất mẹ rồi Trang thấy không ai, không có một ai có khả năng thương yêu Trang như mẹ nữa… Anh Hiếu ạ anh phải giữ lấy những tháng ngày này, anh phải dành giựt với thời gian để hưởng được những giây phút tuyệt vời này bên mẹ, anh phải trân quý đóa hoa hồng màu đỏ thắm trên chiếc áo trong mùa báo hiếu Vu Lan về, vì ngày mai ...ngày đó… mẹ sẽ…
Hiếu: (bật khóc) cô Trang, tôi không mặt mũi nào nhìn mẹ tôi nữa, chỉ muốn chết để đền tội, để không còn phải chịu sự ân hận dày vò lương tâm của mình
Thùy Trang: Sao anh Hiếu lại cạn nghĩ thế! Sự sống là một ân huệ hơn hẳn sự chết, nếu có điều không phải với mẹ, thì nên tìm cách chuột lại cái sai lầm của mình, chứ đòi chết làm mẹ lại càng đau khổ thêm nữa, như thế mẹ khổ suốt đời (ngưng một lát). Trang muốn hỏi anh chút tế nhị này, may ra Trang có thể giúp anh. Bà cụ bây giờ hiện ở đâu?
Hiếu: Trước đây mẹ ở với tôi. Có lẽ giờ này mẹ tôi đang công quả ở chùa (tên chùa)
Thùy Trang: (hớn hở) thế thì Trang giúp đỡ anh được ngay, vì Trang đang sinh hoạt GĐPT tại chùa đó, Trang sẽ nhờ một huynh trưởng tìm và đưa bác đến đây thăm anh
Hiếu: (hốt hoảng) Đừng, cô Trang xin đừng báo mẹ tôi biết, xấu hổ, nhục nhã khi gặp mẹ
Thùy Trang: Anh Hiếu, anh đã lầm rồi, người mẹ nào cũng sẵn lòng tha thứ cho con, Trang chắc rằng lần này anh sẽ nhận biết tấm lòng độ lượng cao cả, tình thương con vô điều kiện của mẹ (bùi ngùi ). Anh Hiếu ơi, anh còn được hạnh phúc bên mẹ… Còn…Trang không bao giờ, không bao giờ được hạnh phúc bên mẹ, mẹ mất đúng vào lúc Trang tốt nghiệp ra trường, giữa không khí vui tươi nhộn nhịp, bạn bè reo vui bên người thân trong vòng tay thương yêu khoan dung của mẹ nhìn cảnh đó mắt Trang nhòa đi với những dòng nước mắt, Trang choáng váng và không biết gì nữa cho đến khi chị dìu Trang lên xe về nhà… Những lúc đi học hay đi làm về, bước vào nhà, căn nhà trống vắng, thiếu bóng mẹ, nhớ ngày nào mẹ dành tô cháo hay chén chè cho Trang …Chao ơi một dĩ vãng tuyệt vời, và bây giờ, (khóc nấc lên) tôi đã mất mẹ, mất mẹ thật rồi, mẹ ơi biết bao giờ con gặp lại mẹ, (ôm mặt khóc nấc lớn, Hiếu gục đầu xuống thút thít khóc, sau hậu trường nhạc Lòng mẹ trổi lớn hơn. Trang nhìn Hiếu). Hết phiên trực, anh ngồi đây, Trang vào phòng bàn giao cho phiên trực, sau tiện gọi phone về chùa nhờ một H/T đưa bác đến thăm anh…
Hiếu: Đừng, đừng cô Trang …mẹ tôi đến đây thấy tôi như thế này, mẹ tôi đau xót lắm
(Thùy Trang vào, sau hậu trường có tiếng của Ly Ly. O.K . em ra liền gặp ông ta nói vài câu)
Ly Ly: (vào nhìn Hiếu) Wow! người gì mà ghê rợn vậy, tôi đứng đây có lây nhiễm không?
Hiếu: (ngây thơ) em, em mới đến, mấy hôm nay anh trông em quá
Ly Ly: Trông tôi làm gì vậy, để yên cho tôi sống với chứ! Này lo tìm bà già về săn sóc cho ông, đừng có hòng mà tôi, cũng tin cho ông hay, nhà cửa, xe, ngân hàng, tôi đã thanh toán xong, trong tuần nầy luật sư sẽ đem giấy tờ ly dị đến vui lòng ông ký gấp để tôi tìm tương lai cho tôi
Hiếu: (lắp bắp) vợ chồng với nhau em nở nào nói năng với anh giữa lúc anh đang rủi ro tai nạn ngặt nghèo như thế này, mà em nói giấy tờ gì?
Ly Ly: (Đanh đá) Giấy tờ trả tự do cho tôi, anh khờ khạo hay anh giả bộ vậy. Bộ ông nghĩ tôi là con điên sao? mà ăn đời ở kiếp với thằng chồng phế nhân, lãnh tiền trợ cấp vài trăm bạc, thôi mẹ tiền hưu, con tiền tàn phế, mẹ con hẫm hiu cho qua cuộc đời này đi bye.. Good bye…
(bớt Ly Ly thêm bà Hai vào)
Bà Hai: (bước vào, tay cầm chiếc áo tràng, nhìn dáo dát, chợt thấy Hiếu, bà tung chiếc áo tràng lên, chạy nhanh đến ôm chầm lấy Hiếu, khóc nấc lên) con của mẹ đây, con làm sao ra nông nỗi này. Mẹ của con đây! sao con không cho mẹ hay (bỗng bà nhìn quanh rồi nói tiếp). Mẹ có còn được ở bên con không? Liệu cô ấy có đuổi để mẹ xa con nữa không?
Hiếu: (nghẹn ngào) mẹ ơi, còn đâu nữa, cô ta vừa đến đây báo tin đã làm đơn ly dị con rồi
Bà Hai: Thật không con, mẹ con ta trả nghiệp nhẹ nhàng như vậy hay sao con?
Hiếu: Mẹ ơi! Không còn gì hết nhà cửa, tài sản, xe cộ gì cô ta đã chiếm đoạt hết rồi…
Bà Hai: Bỏ, bỏ hết đi con, đừng nuối tiếc những thứ đó, hơn thua làm gì, thắng bại để làm chi mình đến với đời tay trắng có mất thì thôi, còn sống là được, mạng người là quý trọng, chuyện vợ con, con đừng bi lụy lắm, đành rằng mẹ tiếp tục cầu nguyện cho cô ta thay tâm đổi tánh để có một cuộc sống tốt lành hơn, phải trả cái giá này mà mẹ được gần bên con, mẹ vui lắm rồi
Hiếu: Mẹ ơi, con đã thành phế nhân, người con thương tích đầy mình đau đớn lắm mẹ ơi
Thùy Trang: (trong đồng phục của tổ chức GĐPT trên chiếc áo dài mầu lam cài hoa sen trắng gắn trên ve áo chiếc hoa hồng màu trắng bước lại gần bà Hai và Hiếu). Cháu chào bác
Bà Hai: (nhìn Trang ngạc nhiên) Uả sao Trang, con lại có đây?
Hiếu: Thưa mẹ, cô Trang là y tá săn sóc cho con mấy hôm nay và đã nhắn tin cho mẹ biết
Thùy Trang: (dịu dàng nhìn Hiếu) anh Hiếu, anh đừng lo âu, hôm qua ông chủ hãng của anh đến đây thăm anh trong lúc anh đang ngủ mê, gặp bác sĩ điều trị cho biết anh rất may mắn, bên trong anh không bị thương tích gì cả, chỉ gãy xương chân đã băng bột, sức trai trẻ chỉ trong vòng một tháng hay hai mười ngày gì đó anh sẽ trở lại bình thường và tiếp tục công việc, ông chủ rất mừng vì anh là người giỏi việc, tính tình tốt, ông còn nói tất cả bệnh viện phí bảo hiểm của hãng sẽ trang trải hết và vẫn trả lương đầy đủ những ngày anh nghỉ bệnh như anh đi làm
Hiếu: (vui mừng) thật hả cô Trang, tôi không phải là một phế nhân, tôi sẽ trở lại bình thường, (nhìn mẹ). Mẹ ơi, con là đứa con bất hiếu, con quá nhiều lỗi lầm với mẹ, thật con không xứng đáng là con của mẹ, một người mẹ cao đẹp, suốt đời tận tụy, thương yêu lo cho con, xin mẹ tha thứ cho con, giờ đây đau đớn thể xác của con như đã biến mất rồi, con sẽ được sống bên mẹ như ngày nào. Chao ôi! Sao con được hạnh phúc tuyệt vời như thế này
Bà Hai: (Âu yếm cầm tay con) Thôi, con đừng suy nghĩ gì nữa, tuần sau lấy lại căn nhà của mẹ, vì hết hợp đồng thuê mướn, mẹ con mình về lại căn nhà xưa đầy ắp kỷ niệm của mẹ con ta…
Thùy Trang: (nhìn Hiếu, Thôi anh ngồi trò chuyện với bác, lát nữa có cô y tá người Mỹ thay Trang săn sóc cho anh. Trang phải về chùa, hôm nay là ngày lễ Vu Lan, ngày báo Hiếu, cũng là lễ bông Hồng cài áo cho ai còn Mẹ (Trang nghiêng mình phía Hiếu) hôm nay anh diễm phúc còn Mẹ, Trang vui mừng gắn đóa hoa hồng màu đỏ lên áo của anh, vì anh CÒN MẸ. Còn Trang mãi mãi là chiếc hoa hồng màu Trắng (Trang bùi ngùi gạt nước mắt)
Bà Hai: (xúc động nhìn Trang) Trang con, nếu con cho phép bác sẽ được thay một trong muôn ngàn tình thương của mẹ con đối với con (Trang xoay người ôm choàng lấy bà Hai … Sau hậu trường nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo của Phạm thế Mỹ, ý lời của Thầy Nhất Hạnh, to dần, to dần và màn từ từ hạ)
Viết để kính dâng những người MẸ suốt đời hy hiến tận tụy lo cho con
Minh Quang Lê văn Thẩm
Chin Bon
Chin Bon
Thanh Thu