Một niềm vui

       Mùa thu năm 2007, tôi nhân được email của một người bạn thời trung học. Chỉ vài dòng đơn sơ thôi, đã gợi lại trong tôi hình ảnh cô bạn nhỏ, học chung lớp mấy năm, luôn với mái tóc demi-gracon ngổ ngáo như con trai, thật chẳng hợp chút nào trong tà áo dài trắng thướt tha, là đồng phục nữ sinh của chúng tôi dạo ấy.

       Một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi len lỏi vào tâm hồn khiến tôi hân hoan suốt ngày. Sau vài lần trao đổi trên email, tôi được biết thì ra nhỏ bạn đã nhận ra tôi khi đọc được những dòng văn tôi viết về tuổi học trò đăng trên website Nữ Trung Học Đà Nẵng, những kỷ niệm vui buồn ngày chúng tôi còn nghịch ngợm dưới mái trường NTH Hồng Đức của Đà Nẵng một thời dấu yêu. Cái thư của con nhỏ đã làm tôi cảm động.

       Tôi cảm động không phải vì văn chương ngây ngô, mộc mạc của mình đã bay xa, không phải vì những lời khen chân tình của nhỏ bạn. Tôi thật sự cảm động vì sau bao nhiêu năm xa trường xa lớp, miền thơ ấu đã vùi kín trong tiềm thức bỗng ào ạt kéo về. Cảm động hơn là một người bạn thuở còn chung bảng đen phấn trắng, ngày nào cũng gặp trong lớp mà chưa từng nói chuyện. Thuở đó, trong lớp học, con nhỏ chuyên ngồi dãy bàn giữa, xóm nhà ngói, là xóm con nhà giàu học giỏi. Tôi thì luôn luôn chỉ huy xóm nhà lá, lang thang mơ mộng, chơi nhiều hơn học. Giờ đây sau bao nhiêu thay đổi của cuộc sống, nhưng quá khứ không hề thay đổi được. Thật vui, con nhỏ vẫn còn nhận ra đứa bạn nghịch ngợm là tôi. Rồi từ những xúc cảm khi biết được bao nhiêu thăng trầm éo le cho đời tôi trải dài qua các bài viết, con nhỏ đã không ngần ngại thư cho tôi chỉ để: cám ơn bạn đã viết về những kỷ niệm hồi nhỏ, khiến mình nhớ đến những khuôn mặt của lớp 9/4 ngày nào! Con nhỏ nói một cách rất đơn sơ mà trân trọng, chân tình. Nó làm tôi cảm động là phải, thì ra con nhỏ cũng như tôi, luôn ưu ái tưởng nhớ về một khoảng đời học sinh hoa mộng.

       Tôi nhìn cái họ đi kèm với tên con nhỏ và thắc mắc: Ê, ông xã tóc vàng hay tóc đen? Câu trả lời dí dỏm của con nhỏ trả lời làm tôi cười hoài, không đen không vàng mà là…muối tiêu. Những dòng thư tiếp theo, tôi được biết sau biến cố năm tháng ba 1975, nhỏ và gia đình rời Đà Nẵng trên chuyến tàu Trường Xuân di tản vào miền nam. Thời điểm đó, gia đình nhỏ cũng không tránh khỏi những gian nan chung như hầu hết bao gia đình đã tôn thờ chủ nghĩa tự do trước kia. Đất không lành nên chim không đậu, gia đình nhỏ quyết định tìm cách lần lượt ra đi. Để lại quê nhà những giọt nước mắt đắng cay, một nấm mồ là hình hài người anh trai thân yêu của nhỏ đã bỏ mạng oan ức, thân vùi nơi trại giam chỉ vì một mảnh bom nổ trong trại cải tạo sau một năm đất nước thanh bình.

       Nhỏ đã rời quê nhà bằng con đường vượt biển sóng gió nhưng cũng đầy may mắn nên đã đến được bến bờ tự do trong an bình. Đường đời nhỏ đi bằng phẳng hơn tôi. Học hành, đổ đạt, có bằng cấp vị trí tương xứng trong xã hội tự do. Tình duyên cũng êm đềm không tốn nhiều nước mắt. Tính ra, tôi nghèo hơn con nhỏ vì vừa vốn vừa lời, tôi chỉ có một đứa con. Con nhỏ thì sung túc hơn, có hai thằng bé để con nhỏ chăm chút và một thằng lớn để nó la hét. Nhưng bù lại, tôi có nhiều kinh nghiệm đắng cay. Nếu như người ta nói, thất bại là chìa khóa của thành công thì chắc là tôi có nhiều chìa khóa trên đường đời, hơn con nhỏ rồi!

       Chúng tôi biết nhau thuở mười ba nhưng lại bắt đầu một tình bạn ở cái tuổi nửa chừng xuân. Tôi thán phục con nhỏ ở cái tính chịu khó, biết hy sinh, biết nhường nhịn; thích con nhỏ ở sự hòa đồng, nhiệt tình với bạn và thân với con nhỏ từ cái tính biết quan tâm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn một cách chân thành. Dẫu biết chúng tôi không còn trẻ nữa để mà đỏng đảnh hờn giận hay vô tư đùa nghịch, nhưng cũng chưa đủ già dặn để mà chín chắn trong xử sự hằng ngày nên chúng tôi thường bổ sung cho nhau. Tuổi trên 50 thường mưa nắng bất chợt, vui buồn không lý do nên đôi khi có chuyện hờn giận vu vơ. Như có lần, hai ba ngày không email, không nói chuyện qua điện thoại chỉ vì khi tôi buồn ngủ tôi đã ví von con nhỏ là chiếc chiếu manh của mình. Thay vì hiểu ý và cười, con nhỏ đã buồn, tủi thân vì không hiểu sao mình bị ví với mảnh chiếu rách! Khi nghe tôi giải thích, hiểu ra chút ngớ ngẩn nho nhỏ, con nhỏ và tôi cùng cười giòn, mọi buồn phiền bỗng tiêu tan.

       Ngày xưa, hơn ba mươi năm trước, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau nhưng trong lòng tôi nhỏ là một cô nương xa lạ. Mấy mươi năm không gặp, bây giờ vẫn chưa gặp. Hai đứa ở hai bờ đại dương xa cách, hoàn cảnh đời sống cũng khác nhau nhiều. Bên ngoài chúng tôi đều đã thay đổi theo thời gian vì đó là điều tất yếu, chỉ lạ là vị trí của nhỏ trong lòng tôi cũng thay đổi.
J. Churchill đã nói: “Hãy đối xử với bạn thân như đối với một bức tranh quí. Nghĩa là hãy đặt họ ở những góc độ có nhiều ánh sáng nhất”.

       Tôi còn muốn đem tình bạn của chúng tôi trang trải khắp nơi. Tôi muốn nói rằng, khi mái tóc không còn xanh, chúng ta nhuộm nâu, nhuộm vàng vẫn không che hết những sợi tóc bạc, nhưng trong những ngày tóc đã muối tiêu mà tôi vẫn còn tìm gặp được một tình bạn cao quí thì có gì vui và hạnh phúc bằng, đâu có bao giờ trễ cho bắt đầu một tình thân phải không nhỏ.

       Thật cám ơn cái ngày mười ba tháng mười một, ai cũng cho là ngày không đẹp nhưng đối với tôi đó là một ngày đáng nhớ, con nhỏ đã đem đến cho tôi một niềm vui, một tình bạn quí hiếm mà biết bao kẻ giàu có của cải trên đời hằng ao ước.

       Tôi cũng cám ơn ngày hôm nay, ngày con nhỏ chào đời, để tôi có một người bạn khiến tôi ấm lòng khi nghĩ đến. Cám ơn những lời cổ vũ của nhỏ, cám ơn những giây phút chia sẻ thân tình, cám ơn những bản nhạc hay thâm trầm hai đứa đã nghe chung. Cám ơn người bạn đã không làm tôi ngại ngần khi thổ lộ bất cứ điều gì, cám ơn con nhỏ đã cho tôi biết thế nào là một tâm hồn trong hai cơ thể.
                 
       Ngọc Anh ơi, Chúc Mừng Sinh Nhật, vui khỏe, hạnh phúc mãi mãi!

Atalanta 26/04/2010
Nguyễn Diệu Anh Trinh