Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
                             Người bạn thời niên thiếu

Lễ Trinh có gương mặt tròn trịa, cái miệng cực duyên, con mắt một mí trông hơi lì, và so với các bạn cùng tuổi ngày ấy, nhỏ có vẻ cao to hơn hẳn các bạn. Nhỏ học giỏi, nhưng ham văn nghệ, thích hát và ưa mộng mơ. Ngôi nhà biệt thự của nhỏ ở đường Lê Lợi ngày ấy chúng tôi đến không biết bao lần để chơi, để tập văn nghệ và để bắt đầu những buổi tối rong chơi đêm Noel theo trào lưu ngày ấy.

Ngày ấy, chúng tôi không đi học chung một con đường, nhưng tôi và nhỏ có biết bao kỷ niệm những lần cùng nhau làm văn nghệ. Nhỏ có ông anh đi du học Mỹ từ hồi nào, nhưng ngày ấy đến chơi nhà nhỏ, tôi biết chị Loan là chị dâu của nhỏ. Chị Loan còn trẻ, dáng gầy gầy, còn có xinh không thì thú thiệt là tôi không nhớ. Chỉ nhớ là vì xa chồng nên buồn và rảnh rổi, chị đã tập cho cả bọn hai tiết mục văn nghệ cho năm lớp 6 và lớp 7. Đó là hoạt cảnh “Bầy thỏ dưới trăng” và tốp ca “Các anh đi” có múa minh hoạ. Hoạt cảnh BTDT có đoạt giải, nhưng bài tốp ca CAĐ chỉ vào đến chung kết thôi. Nhưng đâu có sao, làm văn nghệ chỉ là vì có “máu nghệ sĩ” (?) thôi, chứ thành công hay thất bại thì có hề gì. Vì vậy nên lên lớp 8, cả bọn lại hăng say tập hoạt cảnh BT& 3 CL, hoat cảnh này Lễ Trinh được giao vai bà Hoàng Hậu ưa làm hoa hậu thế giới. Hì, nhỏ nhập vai này “ác” lắm, cứ mỗi lần nhỏ liếc con mắt qua lại để diễn tả vẻ gian ác của bà hoàng hậu , cả bọn không nín được cười. Tôi vẫn nhớ lúc đó nhỏ mặc một cái váy dài bằng sa tanh màu trắng (cũng lạ ha, BT thì mặc váy hồng, còn HH thì lại mặc váy trắng, kỳ hông?), vì nhỏ hơi mập nên cái váy hình như phình thêm ra. Khi nhỏ cầm chiếc gương thần, mặc váy dài xoay xoay ngưòi theo điệu valse trên sân khấu, trông nhỏ như cô thiếu nữ rồi.

Lên năm lớp 10, nhỏ theo học ban C, ban C là ban văn chương, rất hợp với tính cách của nhỏ. Ngày ấy nhỏ bắt đầu lớn, biết mơ mộng, tham gia phong trào du ca, và rất thần tượng anh Trương Xuân Mẫn, hình như là “xếp” du ca ĐN thời đó. Nhỏ mặc bộ đồ màu nâu, mang guốc mộc và tập làm người lớn khi theo đoàn du ca đi đây đó hát hò. Sau năm 75, nhỏ theo gia đình vào SG, và tôi không còn gặp nhỏ. Thời gian này tôi thường hỏi thăm và biết tin của nhỏ qua người em cô cậu của nhỏ là Tứ. Rồi một hôm, Lễ Trinh xuất hiện trứơc cửa nhà tôi, thật bất ngờ với nhiều thay đổi. Nhỏ duyên dáng hẳn ra, và giọng Huế ngày xưa chỉ tròn vành rõ chữ, lúc ấy đã trở nên ngọt ngào, dễ thương hết sức. Nhỏ liến thoắng kể tôi nghe những lần thoát nạn tội đi ngược chiều vì đã cất giọng Huế ngọt ngào đó để nói dối với mấy ông công an rằng mình vừa mới ở Huế vô, chưa rành đường xá mong các anh “thông cảm”. Nhỏ không có nét đẹp hài hoà như chị Cẩm Lai, nhưng vẻ duyên thì đã học được ở chị mình. Một Lễ Trinh đã là thiếu nữ với vẻ rất Huế, khác xưa nhiều trong lần gặp đó. Hai đứa tôi nói chuyện rất vui, rất lâu mà không nghĩ rằng đó là lần nói chuyện cuối cùng. Nhỏ kể về người thầy dạy môn văn, vốn là một văn sĩ viết truyện cho tuổi hoa xanh, hoa tím trước đây, đó là nhà văn Quyên Di. Thầy cảm cô học trò vì giọng nói, vì vẽ duyên rất Huế của nhỏ. Nhìn đôi mắt sáng long lanh khi nhắc đến thầy, tôi nhớ mình đã không tiếc lời “chọc quê” nhỏ. Rồi thì nhỏ đi, và tôi không bao giờ còn có thể nghe lại giọng nói ngọt ngào đó. Qua lời kể của Tứ, tôi biết sau lần về thăm ấy, nhỏ đã ra đi và gia đình không có tin tức gì.

Đã mấy mươi năm qua rồi, hôm nay đọc “Chiều vàng và bé Măng” mà nhỏ đã viết trong tập san “Ngước Mắt” năm lớp chín, tôi như thấy nhỏ đang cười nói với mình. Bạn tôi mỗi đứa có một cuộc đời riêng, có đứa tôi không gặp từ năm 75, có đứa vẫn chia sẻ ngọt bùi cùng tôi từ những ngày khốn khó, nhưng với Lễ Trinh vẫn là nỗi tiếc nhớ đôi khi ngủ yên trong ký ức, đôi khi oà vở trong hoài niệm thời xa xưa. Giá gì bây giờ còn có thể gặp nhỏ một lần, hay ít ra có thể nói cười với nhau trên web chín bốn, như Ngọc Anh, Thu Vân, Mỹ Lợi, Nguyệt Nga,Thu Ngọc hay Quách Ngân,Thu Hương là những người bạn không có dịp gặp nhau từ dạo ấy.

Ừ, nếu nhỏ vẫn còn sống, không biết bây giờ nhỏ là ai giữa cuộc đời này?

08/20/2009