Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Những ngày đầu của Ba Mẹ

Đến hôm nay Mẹ biết nói gì hơn hai chữ cảm ơn những gì Ba đã dành cho Mẹ. Cả tuổi trẻ, cả cuộc đời và tình yêu thương chung thủy. Và các con cũng rất hạnh phúc có được một tình thương phụ tử rất đậm đà. Cảm ơn anh đã thương mình và gia đình mình trong những năm 45, 46. Khi Việt Minh nổi dậy Ba bị bắt, tất cả mọi người phần đông vì sợ bị liên lụy, riêng chỉ có anh lui tới an ủi, săn sóc gia đình, nảy ra tình yêu sâu đậm từ đó. Rồi anh đậu tú tài hai. Anh đi dạy để cưới mình. Mặc dầu lúc ấy anh chỉ mới 20 tuổi. Đến nay đã gần 70 năm chung sống. Đôi lúc mình nghĩ, mình quá ích kỷ, đã dành cả tuổi trẻ của anh, tình thương của anh. Có đôi lúc anh giận hờn, trách móc mình chỉ vì anh quá thương mình. Anh luôn luôn muốn sống cùng gia đình. Mình còn nhớ hồi anh bị điều động về Hà Nội, làm việc trong ban Tu Thư, anh liên lạc với gia đình thường xuyên, một ngày một lá thư thăm viếng, nhớ thương và sau một tháng anh về Thanh Chương để tìm cách đưa gia đình đi Hà Nội, mặc dầu chưa biết mấy gì về Hà Nội và sẽ sống ra sao. Đến năm ấy mà chúng mình chưa biết tiêu tiền. Lúc đó chúng mình đổi ý ở lại.

                                             ***

6.3.2013

Anh Ngọc

Sắp làm lễ 90 cho anh Ngọc, như vậy là đã gần 70 năm sống chung. Với bản thân thì không có niềm đau buồn in sâu vào tâm trí, chỉ còn lại những kỷ niệm êm đềm, vui sướng mà thôi. Còn nhớ hồi về gọi là làm vợ anh, mình mới 19 tuổi, dại lắm, không biết lo, không biết buồn, chỉ biết vui chơi. Đám cưới xong mình đi theo anh không xin, không nói với đại gia đình. Vậy là bắt đầu sống bên nhau đến bây giờ 70 năm mình chỉ giữ lại trong ký ức những kỷ niệm vui, êm ái. Đêm đầu tiên về nhà anh, mình vụng về làm bể mất cây đèn dầu, mình không biết là điềm xấu hay tốt chỉ thấy mọi người đều tha thứ, không la rầy gì, nhất là anh, anh hiền và rất yêu mình.

Ngày lên xe lửa đi ra Vinh, hai đứa rất vui vẻ, hạnh phúc. Rất tiếc đến bây giờ mới biết sai lầm của mình là không chào gia đình trước khi ra đi. Ở Vinh hai tháng cơm hàng, nhà thuê nhưng rất hạnh phúc. Chỉ ở hotel 2 ngày hai đứa sống bên nhau sau đó thuê được chỗ ở, chỉ có một cái giường và một cái bàn mượn của trường. Bắt đầu cuộc sống lang thang, có ít lãng mạn trong độ tuổi 20. Không biết khổ, thiếu thốn chỉ thấy vui sướng được sống bên nhau.

Lên Nam Đàn ở tạm nhà bà Tổng là một phú nông tiến bộ, nhưng người ta chỉ cho ở ban ngày thôi chứ nhất thiết không cho ngủ đêm. Thế là chiều tối phải đi lang thang ngoài đường, sau nhờ một ông lao công ở sở Thủy Điện Nam Đàn thương hại cho ngủ đêm. Ngày thì nhờ bà hiệu trưởng Đào Đăng Hy cho ăn uống.

Một tháng trôi qua thì may có một ông giáo viên cho về ở, ở nhà dưới. Ở đây được hai tháng thì có thai anh Hợp. Từ đó mình bắt đầu lo xoay sở. Ở nhà bà vợ ông giáo đi bán vải và bà bày cho đổi tiền. Lúc ấy đang còn tiêu tiền đồng. Đầu tháng thì tiền giấy hạ, cuối tháng cao, và có người cần thì họ mua cao, thành mình trở thành người buôn tiền và cũng nhờ lúc đi học tiểu học (đời Pháp thuộc) có lớp dưỡng nhi nên mình có nhớ để sửa soạn cho sự ra đời của đứa con đầu lòng là Hợp.

Áo lụa dài của mình cắt ra may áo cho con cho mềm mại và cái quần sọt xanh của anh Ngọc biến thành cái áo ấm cho Hợp. Và đầy đủ tả vuông, tả xéo, mỗi thứ 15 cái nhưng bằng vải thô. Khăn tắm thì sẵn có từ ngày ra đi. Anh Ngọc đi lên huyện Nam Đàn mua cái nôi bằng mây, cũng có mùng mền đầy đủ. Đi về mất 2 ngày vì phải đi đò.

Được hai tháng thì trường đổi đi Tân Hợp, như thế là phải theo trường về Tân Hợp. Ở đây cũng may gặp một người đã từng vào học ở Huế và là cũng một địa chủ, ông tân tiến nên ông cho ở dưới nhà giả gạo. Ông thật tốt, hiểu hoàn cảnh. Đến lúc cái cối giả gạo biến thành cái tủ sách của anh Ngọc và nhờ đó mà có chỗ để sách vở. Và ở đây sinh ra anh Hợp. Mẹ còn nhớ người ta nói, “Cô sinh mà Thầy ở ngoài ni khóc”.  Một hình ảnh sâu đậm nhất nữa Mẹ nhớ hoài là hình ảnh Ba vừa ôm con ru vừa chấm bài. Lúc ấy Ba mới 20 tuổi. Và qua năm sau Ba lập đoàn hướng đạo, lấy tên đoàn Nguyễn Xí, quy tụ được khoảng 100 em, phần đông là học sinh. Trong đoàn anh em rất thương yêu nhau, sinh hoạt đều đặn, cũng có cắm trại, cũng có họp mặt. Sau đó vì nhà nước không bằng lòng, buộc phải gia nhập đoàn thanh niên cứu quốc hoặc giải tán. Vậy là đoàn giải tán từ đó.

                                             ***


Ông Ngoại và Ba

Ba qua thăm Ông Ngoại ở tù cải tạo ở Thanh Chương. Ba làm cho các cán bộ cảm động, Ba cởi áo blouson của Ba để tặng Ông Ngoại. Và 3 năm sau Ba bảo lãnh Ông Ngoại ra ở chung. Trong suốt 3 năm sống chung, Ba rất trọng và thương Ông Ngoại. Cha và con rể không có một tiếng nặng nhẹ vì thế mà trong gia đình Mẹ ai cũng thương Ba. Sau đó chính Ba đã mua xe đạp, sửa sang cẩn thận để xếp đặt Ông Ngoại trốn vào Thanh Hoá. Vì vụ ấy mà Ba phải bị đổi lên tận Thanh Chương. Từ Thanh Chương Ba bị điều động đi Hà Nội để làm trong ban Tu Thư. Trong thời gian 2 tháng sống xa gia đình, Ba luôn nghĩ nhớ đến Mẹ con mình. Hai ngày Ba gởi một lá thư từ Hà Nội về thăm Mẹ và các con. Rồi kiếm được chỗ ở trở lại Thanh Chương, Ba đón gia đình ra sống ở Hà Nội. Về Hà Nội, Ba kiếm cách liên lạc với Bà Ngoại. Bà Ngoại ra Hà Nội tìm và đưa gia đình về Hải Phòng, rồi sau đó về Huế.

                                             ***
Trở lại những năm tháng sống cơ cực ở Nghệ An, thành thật mà nói những ngày tháng ấy Mẹ không cảm thấy buồn bã, đau khổ. Vì có lẽ còn trẻ và sống trong hoàn cảnh tuyệt vời của tình yêu. Nói ra thì có hơi lãng mạn, sống vô tư và hạnh phúc.
Sinh anh Hợp xong thì hết tiền. Mẹ bắt đầu bán nữ trang, bán được một dây chuyền màu ngọc và cái nhẫn cũng mặt ngọc rất đẹp của mấy cô cho. Có một chiếc vàng huyền chạm vàng 4 chỉ, Mẹ đem bán cho ông phú nông nhưng người ta từ chối không mua. Mẹ cũng se sợi (mua bông vải người ta đã se thành từng lọn) nhưng mới tập nên kéo không đẹp thành cũng không bán được bao nhiêu tiền. Mẹ nghĩ ra cách nhận lúa về xay để lấy cám. Mẹ nhớ Ông Ngoại, thấy Mẹ vất vả cũng đứng lên chày giả gạo giúp Mẹ. Nhớ lại những lúc Ông Ngoại lấy khăn lau mồ hôi, Mẹ thương vô cùng.
Vì có Ông Ngoại, Ba Mẹ thuê một cái nhà 2 gian và Mẹ nghĩ cách nấu cơm tháng cho học sinh. Mẹ nấu cho 6 đứa ở trong nhà thì bắt đầu có thai anh Bé và có nuôi một người ở, nhỏ độ 13 tuổi giữ anh Hợp. Vì phải sống, Ba Mẹ kiếm mọi cách để có ăn.
Mỗi lần nhớ đến Ông Ngoại, Mẹ thương vô cùng. Ông rất thương anh Hợp và sau sinh anh Bé Ông cũng giữ, chiều chiều Ông cõng đi tắm, khổ cực nhưng không bao giờ phàn nàn, gắt gỏng. Ông nhỏ nhẹ và rất thương con cháu. Mẹ có thai anh Bé, nhớ lại Mẹ mới 22 tuổi mà cũng biết sắp sinh, Mẹ gởi anh Hợp cho mấy anh học sinh trong nhà. Tám giờ tối Mẹ một mình đi nhà hộ sinh vì Ba đi họp. Và 9 giờ tối Mẹ sinh anh Bé. Ba Mẹ lại phải làm thêm nữa. Ba đổi lên Bạch Ngọc cũng ở nhờ trong nhà một phú nông trẻ, tiến bộ cho ở nhờ dưới bếp. Mẹ cũng phải lo thêm cho gia đình. Mẹ tự đi kiếm củi để dùng và cất vào mùa đông để sưởi. Hái rau, nuôi gà để có trứng mà ăn và thỉnh thoảng cũng có gà mà ăn. Mẹ cũng tập nuôi heo, làm tương, cà để ăn. Ba thì công việc đi họp, đi dạy. Công việc nhà trường nhờ cần cù mà Ba được tin cậy, yêu mến của học sinh và bạn bè. Dù có vàng Bà Ngoại gởi ra nhưng nhà quê, trên núi không ai mua. Ba Mẹ phải tìm cách mà sống.
Chin Bon
Chin Bon