Nhớ Về Bà Hiệu Trưởng

Đoạn I viết vào ngày 23/5/2010

Các em cựu nữ sinh Hồng Đức thân mến,


Hôm qua một đại diện cựu nữ sinh đến nhà thăm chúng tôi, cho biết về đề nghị của các em muốn tôi viết
một bài về bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu, Hiệu Trưởng cũ của trường Hồng Đức. Tôi không rõ bài viết ấy để đăng
vào đặc san Hồng Đức hải ngoại hay để tường trình trước Đại Hội Hồng Đức sẽ tổ chức vào cuối tháng này ở
Houston, Texas. Tôi rất ngại là nhận xét hay tìm hiểu về bà HT của tôi có thể là rất chủ quan, không chính xác, thậm
chí còn là ngoài ý muốn của bà. Ký ức về những chuyện đã xảy ra gần nửa thế kỷ này, đối với một người không
còn sáng suốt như tôi hiện nay, có thể đưa đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Vậy tôi viết những trang giấy này như
một bức thư riêng, cung cấp cho em một số tin tức để em tuỳ nghi sử dụng, điều chỉnh như những lần trước …


Trước năm 1968 tôi không hề quen biết với bà Diệu Liễu và chưa có lần nào gặp gỡ bà ấy. Nhưng vì là
người Đà Nẵng, tôi cũng biết ít nhiều về vị HT của trường Nữ Trung Học (NTH) duy nhất của thành phố này. Bà là
người gốc Huế, thuộc dòng họ Nguyễn Khoa danh giá của đất thần kinh. Bà là ái nữ của ông Nguyễn Khoa Toàn,
một nhà giáo và nhân sĩ miền Trung. Bà cũng là phu nhân của ông Nguyễn Văn Đãi, Đại biểu Chính Phủ VNCH tại
Đà Nẵng trước năm 1968. Trong vụ biến cố Tết Mậu Thân ông Đãi đã bị bắt giữ tại Huế và đưa ra Bắc. Tôi có dịp
tiếp chuyện lần đầu tiên với bà Đãi (thời đó người ta thường gọi theo tên chồng) do ông Lê Quang Cảnh, giáo sư
trường NTH Đà Nẵng đưa tôi tới thăm bà tại ngôi biệt thự trên đường Hoàng Hoa Thám (mà bà phải từ bỏ ít lâu
sau). Tôi diện kiến một người phụ nữ đẹp, đài các, ăn nói điềm đạm. Lúc đó bà chỉ hơn 40 tuổi, xa chồng chỉ hơn
nửa năm, nỗi đớn đau còn lớn nhưng bà che dấu được sự xúc cảm, ngồi nói chuyện với chúng tôi, bà chỉ bàn về
việc dạy học một cách sôi nổi. Năm ấy tôi đang dạy ở trường Quốc Học - Huế, đang có ý muốn thuyên chuyển về
Đà Nẵng để gần gia đình và qua cuộc gặp gỡ lần đó, tôi chọn nhiệm sở ưu tiên là Trường NTH Đà Nẵng để chia
sẻ với bà HT về sự khó khăn thiếu giáo chức của một trường tân lập. Sau này tôi thấy hài lòng về sự lựa chọn này
vì Trường Nữ đã để lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm đẹp.


Tôi về trường NTH Đà Nẵng vào đầu niên khoá 1969 - 1970. Lúc ấy trường đã thành lập được hai năm
nhưng còn thiếu thốn mọi bề. Cả ngôi trường chỉ là một dãy nhà trệt làm lớp học nhìn ra đường Thống Nhất (nay là
đường Lê Duẩn) và một bộ phận văn phòng trên mặt bằng không rộng lớn lắm (nguyên là một nghĩa trang của
người Pháp mới được giải tỏa). Thư viện - đúng hơn là một phòng đọc sách - chỉ là một lớp học được trưng dụng.
Tôi không biết lúc ấy số lượng lớp học là bao nhiêu nhưng trường chỉ mới có đến lớp 11 (ba lớp Ạ, B, C). Số
lượng giáo chức cũng thiếu, các giáo chức chính thức ở Đệ Nhị cấp chưa đến mười người nên trường phải nhờ
sự trợ giúp của các giáo sư dạy giờ ở trường Phan Châu Trinh qua đảm nhận trong nhiều bộ môn. Tôi nêu ra
những chi tiết trên để thấy được sự cố gắng của bà HT trong công việc phát triển Trường NTH của chúng ta. Chỉ
hơn ba năm sau, phòng ốc nhà trường đã tăng lên hơn gấp đôi diện tích: dãy phòng học nhìn ra đường Thống
Nhất được nâng lên một tầng, cánh trái và cánh phải sân trường cũng mọc lên hai dãy lớp với một tầng lầu, gần
khối văn phòng có xây một sân chơi (preau) để học sinh tụ tập trong giờ ra chơi và dùng làm nơi tập dợt thể thao
(dự kiến sẽ xây thêm ở phía trên một hội trường nhưng chưa kịp thực hiện). Đặc biệt năm 1972, Trường khánh
thành một Thư Viện khang trang nằm ở vị trí trung tâm - nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, và một phòng Nữ Công
Gia Chánh lớn. Vẻ khô khan của sân trường được đắp bồi bằng màu xanh của các hàng cây bạc hà, long não và
cây sứ do chính thầy trò Trường Nữ trồng. Những công trình vật chất đó, so với nhiều trường lớn trong nước, thật
ra không phải là quá lớn lao, nhưng nên nhớ, vào thời điểm đó, ngân sách chính phủ dành cho một Trường Trung
học nhỏ tân lập như Trường Hồng Đức không phải là dồi dào, quỹ của Hội Phụ Huynh không lấy gì là phong phú
nên người đứng đầu cơ quan phải cố gắng tìm được các nguồn tài trợ.


Nhưng yếu tố con người mới là quan trọng hơn hết đối với nơi “trồng người”. Đến năm 1972, Trường NTH
đã có số lượng giáo sư dạy đủ cho mỗi bộ môn, trong đó chính bà HT phụ trách dạy môn Pháp Văn ở một số lớp.
Số lượng HS tăng đáng kể, dù được chọn vào học ở lớp 6 hay lớp 10 không phải là dễ dàng. Ngoài việc học tập,
các em còn tham gia hăng hái trong nhiều sinh hoạt ngoại khóa như thể thao, hùng biện, nữ công gia chánh và đối
ngoại. Bà HT là người rất tích cực trong việc đôn đốc các sinh hoạt đó. Trong một bức thư gởi cho tôi từ Mỹ đề
ngày 3/3/1994, bà đã viết: "Không làm sao quên được những năm tháng cùng nhau sinh hoạt, xây dựng cho
trường tăng tiến, cùng đào tạo học sinh nên người trường mình cái gì cũng quý báu hết phải không? Thư viện,
phòng Thí Nghiệm, phòng Nữ công Gia chánh ... không kể con người Hồng Đức còn quý báu gấp bội".


Năm 1974, Bộ Giáo Dục VNCH cho đổi tên Trường NTH Đà Nẵng thành Trường NTH Hồng Đức theo đề
nghị của Hội đồng giáo sư nhà trường. Hồng Đức là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, một minh quân vào bậc
nhất của Việt Nam và là một nhà văn hoá lớn. Thời đại Hồng Đức là một thời đại vẻ vang trên nhiều lãnh vực và
mang tính cách nhân văn. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống, nhà trường đã tổ chức tuần lễ sinh hoạt Hồng Đức từ
ngày 30/1 âm lịch - húy nhật vua Lê Thánh Tông đến ngày 6/2 âm lịch kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, từ ngày
12/3/1975 đến ngày 18/3/1975. Chưa bao giờ trường chúng ta có một lễ kỷ niệm rầm rộ đến thế: gồm cả hội chợ,
triển lãm, sinh hoạt văn nghệ, báo chí, thể thao với sự tham dự của toàn trường trong không khí vô cùng hân hoan.
Nhưng … ngày vui lớn đầu tiên đó cũng là ngày vui cuối cùng vì trường Hồng Đức sắp bước vào giai đoạn giải
thể! Bài diễn văn của bà HT đọc trong ngày bế mạc Lễ Hội Hồng Đức là bài diễn văn cuối cùng trên cương vị HT,
thậm chí trên cương vị một giáo chức phát biểu trước học sinh. Tối hôm 18/3/1975 đó, sau khi xem trình diễn vở
kịch “Quận Chúa Ngọc Khoa” của nữ sinh lớp 11C Hồng Đức tại Hội trường Phan Châu Trinh, bà HT mời các
diễn viên và một số giáo chức đi ăn tối trong không khí căng thẳng khi nghe tin loan báo về tình hình chiến sự xảy
ra ở Tây Nguyên. Đây cũng là cuộc gặp gỡ thân mật cuối cùng của bà HT với học sinh Hồng Đức vì chỉ vài hôm
sau cả trường Hồng Đức đang còn giăng đầy cờ hoa, tranh ảnh chưa kịp tháo gỡ của tuần lễ Hồng Đức biến
thành một trại tị nạn lớn của đồng bào từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chạy vào lánh nạn chiến tranh. Họ chiếm tất
cả các phòng học để ở - ngoại trừ Thư Viện vì may thay trước ngày đó, một số học sinh của trường và chúng tôi
đã kịp thời khiêng bàn ghế chất đầy thư viện và khóa chặt cửa để bảo vệ sách vở. Một ủy ban cứu trợ được thành
lập mà bà HT là trưởng ban phụ trách việc phân phối thực phẩm, thuốc men cho người tị nạn. Đó là một giai đoạn
hết sức nhọc nhằn và khó khăn vì phải đương đầu với nhiều vấn nạn mà chúng tôi không lường trước và chưa
quen giải quết. Niềm vui của Lễ hội Hồng Đức sao quá cận kề với nỗi buồn của trại tị nạn!


Thành phố Đà Nẵng bước qua một trang mới của lịch sử trong ngày 29/3 với chính quyền mới được thành
lập. Trại tị nạn được giải tỏa, đồng bào tị nạn lần lượt rời trường, bỏ lại quang cảnh hoang tàn như một bãi chiến
trường. Ban điều hành mới của nhà trường lo việc tái lập trật tự và vệ sinh, họ huy động học sinh đến trường chùi
rửa lớp học, sắp xếp bàn ghế, chuyển tải các đống rác khổng lồ Bà HT Nguyễn Khoa Diệu Liễu mặc nhiên từ bỏ
chức vụ Hiệu Trưởng, nhưng vì không di tản vào Sài Gòn được, bà còn phải lưu lại trường trong một thời gian
ngắn nữa để bàn giao công việc cho các cán bộ giáo dục mới.


Tôi nhớ vào một ngày đầu tháng 4/1975, bà Đãi đưa một đoàn cán bộ vào Thư Viện để làm thủ tục bàn
giao. Bà vẫn mặc chiếc áo dài rất đẹp, dáng điệu khoan thai, ăn nói từ tốn nhưng nghiêm nghị, tỏ rõ lòng tự trọng
cần thiết. Sau khi ký giấy bàn giao, ban tiếp nhận đi xem các tủ sách và các thiết bị dạy học mà không đưa ra một
ý kiến nào, duy chỉ hỏi là: tại sao miền Nam lại có những trường học dành riêng cho nam, nữ học sinh. Bà Đãi trả
lời theo cách của mình. Thư viện được niêm phong vì chưa tiện để học sinh sử dụng các sách vở chưa được
thanh lọc. Tôi chấm dứt chức vụ Quản thủ Thư Viện kể từ hôm đó, nhưng còn được giữ lại để giảng dạy môn Địa
Lý cho đến hết niên khoá.


Một thời gian ngắn sau ngày 29/3, bà Đãi còn có mặt vài lần trong các buổi họp hội đồng giáo sư nhưng bà
ngồi yên lặng như một chứng nhân trầm mặc. Sau đó bà rời bỏ căn nhà nhỏ xinh ở đường Lê Lợi để vào Sài Gòn,
chấm dứt vĩnh viễn công việc dạy học (ít ra ở Việt Nam). Bà Đãi đã đứng trên bục giảng trên dưới 30 năm, rời xa
Đà Nẵng năm 1975 khi bà được 51 tuổi. Sở dĩ tôi biết được số tuổi này vì trong bức thư gởi năm 1994, bà có viết
“Năm này tuy đã 70 tuổi rồi mà tôi không dám ăn thất tuần vì hết vui rồi”. Kéo dài tuổi thọ đến hôm nay, bà đã 85
tuổi.


Sau 1975, chúng tôi có dịp vào Sài Gòn nhiều lần, lần nào cũng có thăm bà Đãi, tại một ngôi nhà cũ đường
Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận. Lúc đó, ông Đãi vẫn chưa được thả nên bà tỏ ra buồn và lo lắng tưởng là
tuyệt vọng. Tuy nhiên trong câu chuyện, đề tài chính vẫn là Trường Hồng Đức, bà luôn hỏi thăm về các bạn đồng
nghiệp đã đi ra nước ngoài hay còn lại ở Đà Nẵng. Một thời gian dài không liên lạc với bà, tôi không hiểu rõ ông
Đãi đã từ miền Bắc về Sài Gòn năm nào, nhưng qua bức thư từ San Francisco, Mỹ, đề ngày 6/5/1988 tôi được
biết cả ông bà đã rời Việt Nam từ năm 1984 và rất vui mừng về sự hội ngộ của hai ông bà sau bao nhiêu năm chờ
đợi. Bức thư đề ngày 3/3/94 có kèm theo bức ảnh chụp chung của hai ông bà, xem ra hai người rất phong độ,
tưởng còn sống hạnh phúc với nhau lâu dài … Thư tín rồi cũng có lúc đứt đoạn, tôi không biết gì thêm tin tức của
ông bà Đãi. Bỗng một ngày, tình cờ tôi đọc trên một đặc san của trường Đồng Khánh (in tại Mỹ) năm 2007 thấy có
bài viết của tác giả Thu Phong với nhan đề: "Kỷ niệm cuối cùng của thầy Nguyễn Văn Đãi, bút hiệu Hoàng Liên"
mới biết là ông Đãi đã từ trần nhưng bài báo không ghi ngày tháng ông mất. Tuổi của ông Đãi đã quá cao, việc ra
đi của ông là chuyện bình thường nhưng tội cho bà Đãi lại một lần nữa chịu sự chia ly, lần này là vĩnh viễn. Tôi ngạc
nhiên một điều là trước đây tôi cứ tưởng ông Đãi là một nhà hành chánh, nhưng không ngờ ông còn là một nhà văn
với bút hiệu Hoàng Liên và có một thời là nhà giáo nên sự đồng cảm của ông bà càng lớn lao.


Cách đây 5, 6 năm tôi được tin bà Đãi về Hà Nội sống với con trai, anh Nguyễn Quý Đức, hiện đang làm
việc cho một cơ quan ngoại quốc có nhiệm sở ở ngoài đó. Trên 85 tuổi, bà không thể sống một mình mà cần một
điểm tựa, đó là điều tự nhiên và cần thiết. Bà mong có ngày về thăm Việt Nam, thì bà đã về và đang sống ở Hà
Nội rồi đó. Nhưng bà vẫn còn chưa về tới hai thành phố thân yêu là Huế và Đà Nẵng, những nơi đã để lại cho bà
biết bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn và có nhiều người chờ đợi bà. Bà đã viết: “Nhớ lại Trường Nữ mà tiếc nuối một
quãng đời thích thú hăng say. Cũng là nhớ đến đại gia đình Hồng Đức đoàn kết ấm cúng. Còn đâu nữa les neiges
d’antan”.


Dạo nọ tôi có gọi điện thoại về địa chỉ nhà bà ở Hà Nội. Có người trả lời ở đâu giây nhưng một giọng nói
khó nghe, tôi không hiểu gì hết. Về sau tôi được biết bà bịnh Alzheimer làm tôi liên tưởng đến căn bịnh quái ác
của ông TDQ, bạn đồng nghiệp của tôi đã từ trần từ năm 2003 sau một thời gian dài chịu đựng đau đớn. Tôi bỗng
nhiên lo sợ cho bà HT cũ của chúng ta. Có lẽ bà chỉ mới bị bịnh thôi, thời gian còn dài để một ngày kia chúng ta có
thể gặp bà, nhìn lại khuôn mặt vẫn luôn luôn tươi sáng chưa chan tình nhân ái.



Đoạn II viết vào Tháng 3/2012

Các em thân mến,


Tôi lại nghe các em nhắc nhiều lần qua cô Thanh về việc gởi bài cho BBT đặc san Hồng Đức hải ngoại
nhân dịp Lễ hội Hồng Đức ở Atlanta vào tháng 9 năm nay.


Tôi vốn không có khả năng văn chương và gần như chưa gởi bài đăng báo lần nào nên cứ hẹn rày hẹn mai
mãi. Tôi sực nhớ cách đây hai năm có viết một bài về bà HT và đã gởi bản thảo nơi cô Thanh rồi, nhưng bài viết
không chuyển được đến em vì đã quá hạn. Thời điểm tháng 5/2012 ấy nhà tôi, cô Ngọc Khuê, đang đau nặng nên
tôi không đủ tâm trí để lo những việc khác. Mới đây tôi lấy lại bản thảo cũ và gởi cho em đây.


Như tôi đã nói ở trên, tôi rất lưu tâm đến sức khỏe của bà HT, mong có dịp đi thăm bà đang nghĩ dưỡng ở
Hà Nội (sau đó là Tam Đảo) nhưng trong nhiều năm tôi không thể thực hiện được ý muốn. Không ngờ cuối tháng
6/2011, tôi được tin bà HT đã từ trần từ Tam Đảo (do các em loan báo tin trên website Nữ Trung Hoc). Thầy trò
chúng tôi ở Đà Nẵng rất xúc động về tin buồn này, định tổ chức một buổi lễ cầu siêu cho bà. Càng bàng hoàng hơn
khi chỉ trên một năm đã có ba cô giáo Hồng Đức lìa trần: Cô Mỹ Hà (tháng 2/2010), cô Ngọc Khuê (tháng 7/2010),
và bà Diệu Liễu (tháng 6/2011).


Chúng tôi không có ý định ra Hà Nội dự lễ tang bà HT vì đường xá xa xôi, kèm theo những khó khăn khác,
vả lại thời gian cũng quá cấp bách. Nhưng có một yếu tố bất ngờ làm tôi thay đổi dự định: Sáng ngày 30/6/2011,
khi tôi đi ngang qua trường Hồng Đức cũ tối thấy người ta đang đập phá Thư viện và phòng Nữ công Gia chánh
để lấy lại mặt bằng xây dựng một tòa nhà cao tầng, mở rộng cơ sở cho Đại học Đà Nẵng. Công việc đó là thường
tình có thể là lợi ích nữa, nhưng về mặt tình cảm tôi thấy se lòng bởi vì những công trình mà xưa kia bà HT tự hào
khi thực hiện này lại bị phá hủy vào thời điểm mà bà giã từ cõi tạm này. Tôi quyết định ra Hà Nội để gặp bà bởi vì
tôi sợ những gì thuộc về quá khứ thân yêu sẽ không còn nữa. Có hai cựu nữ sinh Hồng Đức cũng muốn ra Bắc với
tôi là TT Thanh Trúc và Trần Thị Em, chuyến bay vào sáng sớm hôm sau 1/7. Chiều hôm đó, lúc 18 giờ, chúng tôi
đến viếng bà HT ở nhà tang lễ thành phố, chia buồn cùng anh Nguyễn Qúy Đức hiện đang ở Hà Nội và cô Nguyễn
Thị Diệu Hà mới từ Mỹ về với mẹ. Nơi đây, tôi cũng gặp cô Đặng Thị Liệu, người bạn thân của bà HT, may mắn
đã về thăm Việt Nam trước đó ít lâu.


Lễ tang được cử hành đơn giản nhưng cũng đủ nghi thức cần thiết, duy số người dự lễ thì quá thưa thớt.
Tôi thầm nghĩ là: nếu bà HT mất ở Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, thậm chí ở Mỹ thì chắc chắn sẽ có không biết bao nhiêu
thân quyến bạn bè và học trò cũ ở bên cạnh bà trong những phút cuối cùng. Sáng hôm sau 2/7, chúng tôi đưa tiễn
bà đến nhà hoả táng Văn Điển trên cùng một chiếc xe tang. Cảnh neo đơn này làm chúng tôi bùi ngùi xúc động
nhưng tôi cũng hiểu là các con của bà đã làm hết bổn phận của mình cho người mẹ thân yêu.


Vĩnh biệt bà Hiệu Trưởng kính mến của trường Nữ Trung Học Hồng Đức chúng ta



Thầy Đỗ Nguyên