Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Note cho bức tranh của Dali.

Nếu như các bạn xem Phép Hóa Thân của Narcissus mà thấy phải xem đi xem lại là đúng với ao ước của họa sĩ Salvador Dali rồi đó. Bức tranh này lúc mình xem nó lần đầu thấy một cảm giác ám ảnh vì nó vừa thực vừa không thực, như là khi mình nhìn thấy một phong cảnh in bóng dưới đáy sông, nhưng hơn vậy nữa, ngoài độ sâu của sự có mặt và phản chiếu, còn những phối trí kỳ quái khiến thị ảnh có hoang mang. Rồi phép phối cảnh với chủ thể, trọng tâm của tranh, lớn hơi quá độ, khiến cái lạ đánh lạc một lối xem, lối nhìn thông thường. Đó là chưa kể đi sâu vào chi tiết, khi ta để mắt tới từng vùng một của tranh, sẽ thấy những vật thể, hình thể ám ảnh khác. Ví dụ con chó đang ngửi tìm một mùi hương gì trên đường, những thân kiến li ti di chuyển trên điêu khắc đá hình bàn tay. Sự di động của thời gian, qua những thân kiến, chậm tới mức nó bất động, như một bất động hóa đá của Narcissus.

Phép Hóa Thân của Narcissus  quả nhiên là một diễn dịch của Dali về huyền thoại Narcissus của Hy Lạp.  Theo huyền thoại này, Narcissus là một chàng trai sinh ra đã đẹp nhưng nhất định không yêu ai và sự quay lưng này đã khiến những người yêu (đơn phương) của anh ta đau khổ. Những vị thần một hôm quyết định phải trừng phạt, họ tìm cách đưa Narcissus đến một hồ nước họ tạo dựng, xui cho Narcissus thấy bóng mình dưới đáy nước. Quả là các vị thần biết có tài thấy trước, Narcissus đâm ra không còn dửng dưng lạnh nhạt nữa, chàng đã rạo rực một tình yêu như bao kẻ trên thế gian, nhưng đó là thứ tình yêu hướng ngã: Narcissus yêu hình bóng của mình dưới kia, đáy nước. Một tình yêu bất thỏa, mòn mỏi cho tới chết. Thần linh thấy con người này bị đày đọa như vậy đủ rồi thì hồi xét, an ủi cho Narcissus hóa thành hoa thủy tiên (daffodil).

Dali trong tranh vẽ sử dụng kỹ thuật tinh tế về màu mà ông gọi là 'phép nhiếp-ảnh-màu sơn-tay' để tạo tác dụng nhòa nhập thôi miên, rồi lại sử dụng ảnh tượng kép (double images) để thực hiện phép chuyển hóa đem Narcissus (bên tay trái phối cảnh bức tranh) đang ngồi soi mặt xuống hồ qua thành bàn tay đá (bên tay phải). Bàn tay ấy nâng nhẹ chiếc trứng và từ kẽ nứt của trứng đang đâm ra một hoa thủy tiên. Chiếc đầu của Narcissus là phóng-ảnh của quả trứng, thân hình của Narcissus là phóng-ảnh của bàn tay đá. Phía sau Narcissus và bàn tay là cảnh trí thành phố, đám đông, và một tượng quảng trường, bức tượng đó là biểu tượng về Narcissus trước khi các vị thần can thiệp. Anh ta cách biệt với đám đông.

Bài thơ ‘Narcissus’ HD-94 post lên lại là một diễn dịch khác về Narcissus. Nó có qui chiếu tới bức tranh của Dali, nhưng thử diễn giải chỗ tại sao Narcissus xoay lưng với Kẻ Khác (the Other), và, có phải đây chỉ là một thứ đắm say bản ngã thái quá không thôi?
Bất kể ý muốn của Thần linh, Narcissus trước hết tất yếu phải là kẻ đi tìm. Tìm đằng sau thế giới hiện tượng (phù ảo) có những cái gì nữa mà con người ta cần, con người ta mơ mộng, suy nghĩ, tưởng tượng, bị ám ảnh, bị hấp dẫn, khiến họ không yên, họ phải đi tìm

Cái gì đó nó hướng tới chân trời, tới thiên thu, tới lẽ tuyệt đối hơn, Narcissus là kẻ đi tìm, không phải bằng với thứ tình yêu bình thường … Khi một nhạc sĩ (như Schubert, Mozart) hay một nhà điêu khắc (như Rodin), đạt tới các tác phẩm toàn hảo của họ thì như một cách nói, họ đạt được đích tới, ấy là thể của nghệ thuật của họ (the forms of their art). Người làm nghệ thuật tận hiến kiểu này có Narcissus bên trong. Thể: cái đẹp toàn bích của nghệ thuật của họ, tồn tại lâu dài hơn thế giới hiện tượng phù du, mà sẽ tất yếu biến đổi theo dục vọng và hoàn cảnh, và tàn phai, thoái hóa theo thời gian.

Vài chữ chúc các bạn tiếp tục vui thưởng lãm nghệ thuật.
(Narcissus thì không dính tới Narcissism là từ để chỉ khuynh hướng chỉ thấy mình là hay là đẹp là duy nhất.)