Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
TÔI ĐÃ THẤY Trần Đức Thái
Chin Bon
Chin Bon
Tờ mờ sáng hôm 16/7/2017, trên biển đảo Phú Quốc, từ khách sạn Sun&Sea, tôi lang thang một mình, men theo con hẻm nhỏ đi ra bãi Dương Tơ, biển động sóng to gió lớn, chỉ có vài bóng người đi dạo trên bờ biển. Đột nhiên tôi thấy trên bãi cát của bờ biển có một chén cơm đầy, cắm ba cây hương. Phải chăng trong những ngày gần đây trên bãi tắm này đã có người về bên kia thế giới vì đuối nước? họ là ai? nam hay nữ? già trẻ như thế nào? du khách hay người địa phương ở đây? Tại sao họ vĩnh viễn ra đi trên bãi biển sóng to gió lớn này? Tôi tần ngần đứng lại, đến vái bốn vái xin vĩnh biệt người quá cố xấu số đầy thương đau này. Nhanh chân lui về khách sạn, tôi không hề nói cho ai trong đoàn chúng tôi biết cảnh tượng mà chính tôi đã thấy. Tôi càng rợn tóc gáy khi nghĩ về những chiếc thuyền con chở quá trọng tải khách du lịch già trẻ lớn bé đi trên biển ở Bãi Sao hôm qua 15/7/2017 và còn nhiều hôm nữa bằng những chiếc thuyền con không được trang bị áo phao bảo hộ cho du khách.
Phải chăng có một oan hồn đã nằm xuống nơi đây?
Thuyền cho du khách trên biển vừa không có áo phao vừa quá trọng tải
Thuyền đi trên biển kẻ đứng người ngồi, vượt quá vòng đai an toàn lại không mang áo phao
Tất cả vì còn em của chúng ta là như thế này đây! Những trẻ em đi thuyền con trên biển không cần áo phao
Du khách cho lên thuyền để lướt sóng trong mưa to gió lớn mà không có phao
Cùng một đoạn ĐHYD Huế hai tâm trạng không áo phao và có áo phao đã lộ rõ trên từng khuôn mặt
Áo phao luôn luôn đồng hành cùng du khách trên sóng, trên biển
An toàn cho du khách là hàng đầu
Lãnh đạo công ty du lịch Vietravel tại Huế đã đến nhà tôi để xin nhận lỗi về những sai sót trong khâu tổ chức các chuyến bay mà theo hợp đồng là VN Airlines nhưng lại biến thành Vietjet cho đoàn Cựu Giáo Chức Đại Học Y Dược Huế đi nghỉ mát tại Phú Quốc (14-16/7/2017) vừa qua. Dẫu rằng tôi đã cảm thông về những sai sót này của công ty và họ hứa sẽ làm tốt hơn trong những lần đến, tôi tạm tin như vậy, nhưng những ám ảnh về cái chết trên bãi Dương Tơ khiến tôi áy náy bất an, có lẽ do vậy mà anh HDV của đoàn đã dặn dò chúng tôi không được ra tắm tại bãi biển này dù nó rất gần KS chúng tôi lưu trú. Và những cái chết oan của một người lớn và hai em bé ruột thịt trong vụ chìm tàu tại sông Hàn, Đà Nẵng hồi năm ngoái (2016), người chết thì đã yên phận rồi, nhưng tôi tin chắc rằng bố mẹ quê ở Bắc Cạn của hai chị em xấu số trong vụ chìm thuyền này vẫn đau, buồn dai dẳng suốt cả cuộc đời còn lại của họ và còn bao nhiêu vụ chìm ghe thuyền, tàu bè đã khiến biết bao người chết oan trên sông, trên biển, biết bao gia đình phải gánh chịu cảnh khổ đau của người còn kẻ mất... Với những đau thương, tang tóc vẫn còn đó hay là những oan hồn kia mách bảo tôi hãy viết đi, viết đi. Với tư cách là một bác sĩ chuyên cứu người, tôi không thể làm ngơ trước những việc làm du lịch cẩu thả, không an toàn trên biển đối với du khách đã thúc đẩy tôi viết bài này, cho dù bài viết không làm hài lòng các công ty du lịch không chân chính, cũng như chính quyền tại Phú Quốc...
Hầu như phần lớn thời gian của ngày 15/7/17, đoàn chúng tôi có 45 thành viên già cả, bệnh tật, toàn là U60-70-80 đến vui chơi, tắm biển, đi du thuyền tại Bãi Sao. Đây là một bãi biển được báo chí và các trang mạng ca ngợi là đẹp nhất Phú Quốc, nhưng riêng tôi lại có cái nhìn hơi khác, đây là bãi biển không an toàn, tử thần đang rình rập dưới biển dành cho du khách chúng tôi mà chính con người làm du lịch nơi đây đã cố tình tạo nên do cẩu thả, lợi nhuận...
Đi dọc theo bờ biển Bãi Sao, tôi đã thấy những chiếc thuyền máy nho nhỏ, chuyên chở đầy cả người và người, già trẻ lớn bé gì cũng không thiếu, có nhiều em bé đang được bồng bế trên tay cũng đi du thuyền, một điều rất lạ không một ai mang áo phao bảo hộ, mặc dù những chiếc thuyền chỉ là thuyền trung chuyển ra du thuyền, nhưng họ đã vượt quá vòng đai an toàn về độ sâu của nước biển và hầu như tất các thuyền đều đã chở quá trọng tải cho phép. Tôi không biết tên của những công ty du lịch và chủ nhân của những chiếc thuyền là ai? Họ đã cẩu thả, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc vận chuyển du khách.
Tôi đã bơi ra biển một đoạn vượt qua vòng đường phao an toàn thì độ sâu đã hơn 2 mét, tại vị trí các du thuyền neo đậu tối thiểu độ sâu cũng trên 3 mét, nếu có đắm thuyền trung chuyển chắc chắn có người chết, nhất là trẻ con, người già và còn biết bao gia đình đau khổ...
Phú Quốc đang là mùa mưa, trời chợt nắng, rồi mưa to, gió lớn ập đến rất bất ngờ, thế mà những chiếc thuyền con vẫn lướt sóng trong mưa to gió lớn không hề sợ mấy con thủy quái đang chờ sẵn dưới biển sâu để cướp lấy mạng sống của chúng tôi, những du khách đáng thương này.
Buổi chiều, đoàn chúng tôi lên đường ra du thuyền đi ngao du trên biển. Tôi có yêu cầu HDV của công ty du lịch cung cấp áo phao bảo hộ cho chúng tôi, nhưng họ từ chối. Một con thuyền chở 22-23 người ngồi san sát nhau, không cựa quậy được, nhiều khuôn mặt trong đoàn tỏ vẻ lo âu, hình như thuyền đã chở vượt quá trọng tải cho phép, lại không có một chiếc áo phao cứu hộ nào. Vợ chồng tôi dù biết bơi, nhưng không muốn đi một cách phiêu lưu, không an toàn, và vi phạm luật lệ giao thông đường biển như thế này.
Trong chuyến trở lại về bờ, họ lại dùng chiếc thuyền nhỏ hơn lúc đi để làm thuyền trung chuyển, tôi nhất quyết yêu cầu, tất cả thành viên của chúng tôi phải mang áo phao có sẵn trên du thuyền để xuống thuyền con đi vào bờ được an toàn.
Khi về Sài gòn, vợ chồng tôi tách đoàn, để đi Phan Thiết nghỉ dưỡng tại Rock Water Bay mấy hôm, chúng tôi có đi tham quan hải đăng Kê Gà. Nơi đây dù là tổ chức tự phát của dân chúng mang chúng tôi ra đảo Kê Gà bằng ca nô, họ yêu cầu chúng tôi phải mặc áo phao để đi biển. Tôi thử hỏi không cần mặc áo phao có được không? nhưng họ không chấp thuận, bắt buộc chúng tôi phải mặc áo phao để an toàn cho du khách và tôn trọng pháp luật nhà nước dù chiếc ca nô chỉ chở có vợ chồng tôi. Trên đoạn biển từ bờ ra đảo Kê Gà, có nhiều chiếc ca nô to khác, khách du lịch cũng mang áo phao bảo hộ rất nghiêm. Đúng là nơi đây họ chấp hành luật lệ rất tốt, nhất là tôn trọng sinh mệnh của du khách.
Cho đến bây giờ, khi đã trở về nhà bình yên cùng con cái, tôi vẫn còn rùng mình khi nghĩ đến cách vận chuyển khách du lịch trên biển ở Bãi Sao.
Hôm nay không có chuyện gì xảy ra, nhưng ngày mai..., thời gian sau sẽ có chìm thuyền, sẽ có du khách chết đuối nước, sẽ có nhiều gia đình đau khổ…
Với lương tâm của chính tôi, tôi viết bài này để đánh động lương tri những con người làm du lịch ở Phú Quốc. Nếu các công ty du lịch không chấp hành luật lệ giao thông đường biển, không làm việc với lương tâm, trách nhiệm của mình, mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận và chính quyền địa phương thờ ơ với cách thức trung chuyển không tôn trọng luật pháp giao thông đường sông, đường biển như hiện nay thì hậu quả không lường sẽ có ngày xảy ra, mà người thiệt thân không gì bù đắp lại được lại là những du khách chúng tôi.
Giá như nơi Bãi Sao này được xây dựng cầu cảng (như ở Cù lao Chàm, Quảng Nam, như tôi đã từng đến) cho tàu neo đậu và du khách lên du thuyền một cách bình yên, đẹp mắt, không xăn quần vén áo, lội nước lôi kéo nhau để lên thuyền, thì cuộc vui chơi cùng biển cả tốt đẹp biết bao, và như thế bãi biển sẽ thông thoáng đẹp hơn lên rất nhiều, không lộn xộn như tôi đã thấy tại Bãi Sao trong những ngày du lich tại Phú Quốc (14-16/7/2017).
Bài viết này sẽ được gởi đến Sở Du Lịch Kiên Giang, Phòng Du Lịch Phú Quốc, báo Thanh Niên, cùng các công ty du lịch, đăng lên các trang mạng... để đánh động lương tâm những người, những công ty làm du lịch thiếu chân chính không riêng gì ở Phú Quốc mà trên cả nước phải an toàn cho du khách là trên hết.
Trần Đức Thái
ĐHYD Huế
194 Bùi Thị Xuân, Huế
Email: TranDucThai1949@gmail.com