Ăn Tết ở Sài Gòn
Năm 1979, sau nhiều lần thi đại học không đậu, tôi hạ mình nộp đơn thi vào các trường cao đẳng rồi trung cấp ... cũng không xong. Con đường hoạn lộ của tôi bắt đầu gập ghềnh đầy sỏi đá. Tuy vậy, tôi vẫn vui, vẫn yêu đời. Đầu óc tôi thuở đó ngập tràn những bài thơ của Tố Hữu, Chế lan Viên, tinh thần lạc quan cách mạng, quan niệm với sức người ... sỏi đá cũng thành cơm ... khiến tôi nổi máu giang hồ, muốn đi phiêu bạt đó đây. Tôi ước mong được đứng vào hàng ngũ những thanh niên xung phong đi xây dựng tổ quốc. Má tôi không chấp nhận, bà kiếm đường dây quen biết để đưa tôi đi vượt biên.
Cuối năm đó, tôi vào Sài Gòn chờ ngày đi. Tôi trọ lại nhà một ông chú, là bạn thân của ba tôi. Tại đây, nơi căn gác nhỏ trong con hẻm sâu hun hút của xóm Cống Quỳnh - Bùi Viện gần chợ Thái Bình. Cái xóm có hầu hết người Hoa sinh sống, tôi đón cái Tết đầu tiên xa nhà. Trong xóm chỉ có hai gia đình người Việt là nhà chú tôi và nhà ông tổ trưởng, gốc người Bình Định, Phú Yên.
Là đứa con gái sinh ra và lớn lên ở miền trung, tôi mang cái e dè, nhút nhát vào Sài Gòn. Xóm nhỏ đối với tôi cái gì cũng lạ, hai dãy nhà đối diện nhau mà chẳng ai biết tên, biết mặt ai. Cứ sớm đi tối về, ai lo việc nấy. Những người Hoa ở đây cũng chẳng rành tiếng Việt, bọn trẻ con chơi với nhau thì cứ ... ba xí...ba tú...xí lô...xí la ... cho qua chuyện. Được cái hay là không ai dòm ngó ai, không bao giờ có chuyện hàng xóm cải nhau.
Tết sắp đến, hợp tác xã đọc trên loa phát thanh Phường sẽ bán phân phối cho mỗi gia đình mấy kí lô nếp. Ông tổ trưởng đề nghị với gia đình chú tôi là hai nhà sẽ chung nhau gói bánh tét để ăn Tết vì trong xóm chỉ có hai nhà người Việt, mà cùng là dân miền trung ... đất cày lên sỏi đá.
Thím tôi bận đi buôn bán nên cử tôi thay mặt chú thím ra nhà ông tổ trưởng để gói bánh Tét. Cha mẹ ơi, từ nhỏ đến lớn tôi chỉ biết đứng xem má tôi gói bánh chứ tôi đâu có biết gì ... tuy vậy tôi cũng liều! Ông tổ trưởng người Bình Định, giọng nói rổn rảng, khó nghe. Bà vợ bắt đầu cắt lá chuối, vo nếp ... tôi bắt chước ngồi vào tập sự gói bánh. Tay tôi soạn sành, mắt nhìn theo bàn tay thành thạo của bà tổ trưởng. Rốt cuộc, tôi cũng gói được mấy đòn bánh. Hình dáng thật lạ lùng. Tét không ra tét, chưng không ra chưng. Nhìn lùn lùn, giống cái cà mèn bới cơm đi làm nhưng ... đầu to đầu nhỏ. Tôi không biết là bánh gì đây. Ông bà tổ trưởng thấy tôi cặm cụi gói gói, cột cột. Cái nào như cái nấy cứ tưởng đó là kiểu bánh của người Đà Nẵng nên không dám chê, không phê bình gì cả. Sau một đêm nấu và thức trắng để canh chừng nồi bánh, cuối cùng, mấy đòn bánh của tôi vì cột lỏng dây nên sau khi vớt lên trông èo uột bánh không ra bánh; chè không giống chè; xôi cũng không phải xôi. Tôi ngắm thành tích của mình dở khóc dở cười và lòng đầy ân hận. Tôi tiếc là những ngày còn ở bên cạnh má tôi đã không biết học hỏi những điều hay từ má. Bên tai tôi như còn văng vẳng tiếng má tôi ..."Học ăn, học nói, học gói, học mở ..., chuyện gì, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng phải học mới biết, mới thạo được”. Cũng may là chú thím tôi còn trẻ và khá cởi mở nên tôi không bị la về những cái bánh tét có một không hai này.
Năm đó, lần đầu tiên tôi ăn Tết ở Sài Gòn, không có gia đình bên cạnh. Sài Gòn đông đúc nhộn nhịp thường ngày nhưng đến tết thì vắng vẻ, im lắng hơn. Đa số người phương xa đến đây làm ăn, dịp Tết thì rủ nhau về xứ để lại nỗi cô đơn trong tâm hồn những người con xa nhà. Hai người bạn của tôi là Nguyễn và Dũng đã rủ nhau về quê. Thuở đó, tôi cũng chưa quen biết LTK nên không có ai để rủ đi dạo vườn hoa Nguyễn Huệ ở dưới Sài Gòn.
Mấy ngày đầu năm tôi dạo quanh xóm nhỏ xem lũ trẻ con chơi xóc bầu cua mà nhớ đàn em của mình ngoài trung quá. Ăn cái bánh tét méo mó do chính tay mình gói, tôi nhớ đến những đòn bánh cân đối, tròn trịa của má thuở nào.
Thì ra, khi mọi thứ vuột ngoài tầm tay mình mới biết giá trị của nó.
Anh Trinh
19/1/12