Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Anh Chi Yêu Dấu
Đinh Tiến Luyện


Chương 1
Chi đứng ở cuối sân kia, đưa tay vẫy tôi rối rít. Anh Huy, anh Huy. Tôi cười với em. Đáng lẽ tôi đã ném tất cả mấy cuốn sách và chiếc xách trên tay để chạy bay đến chỗ Chi đứng rồi nắm chặt lấy tay cô bé nhưng tôi lại đứng yên. Và Chi cũng đứng yên, mỗi đứa ở mỗi đầu sân và ngó nhau. Chi cười, mái tóc dài nghiêng vừa xõa xuống vai. Chúng tôi đứng trong mắt nhau một lúc lâu như thế. Nhưng Chi không có thật ở trước mắt tôi, cuối sân kia. Tiếng cười nhắc nhở hành khách từ trong phòng đợi của phi trường vang ra. Yêu cầu khách hàng lên xe ca để về thành phố. Tôi dụi mắt mà tưởng mắt mình đang cay xè. Chỉ còn một mình đứng ngẩn ngơ giữa sân bay, tôi vội vàng bước tới, dù không có Chi đang đứng đợi. Tôi là người bước lên xe ca sau cùng. Trên băng trước chỗ tôi ngồi có tiếng con gái khúc khích cười. Tiếng động cơ chuyển bánh át đi cùng với gió lùa vào khiến tôi ôm ngực ho. Sức khỏe tôi không khá lên một chút nào sau khi rời bệnh viện. Người đàn bà ngồi bên cạnh bảo tôi kéo chiếc cửa lùa xuống, tôi cám ơn nhưng không làm theo ý bà. Bà bắt chuyện hỏi tôi, mấy giờ rồi cậu. Năm giờ thưa bà. Năm giờ mà đã thấy tối. Tôi khoanh tay trước ngực nhìn lên cây cối, đồi núi chập chùng ở phía ngoài. Ngay cạnh đường đi, sương mù nằm dưới thung lũng như một hồ nước bạc. Xe đổ xuống con dốc một cảm giác để tôi liên tưởng cái cảm giác khi còn ở trên máy baỵ. Tôi lại cuối người xuống để ho lúc xe quanh ở một chân đồi. Người đàn bà bên cạnh nhìn lên cái then cửa kéo trên đầu tôi thay một lời nhắc lại. Hai người con gái phía trước quay xuống ngó tôi thôi cười. Có lẽ tất cả họ đều là người ở đây và đang lo ngại cho một người khách vừa tới miền đất lạnh này. Người đàn bà nói: - Đi chơi vào mùa này lạnh lắm. Tôi đáp vâng và đưa hai bàn tay ấp lên miệng, che cả lấy mũi. Người đàn bà lại hỏi:
- Cậu có người quen ở đây chứ?
- Dạ có.
- Ở đâu?
- Thưa bác, ở khu bờ hồ. Người đàn bà tiếp tục hỏi tôi định ở chơi lâu không. Tôi đáp chưa biết. Thật sự nếu tôi có là du khách thì là vài tháng trước đây cơ, sau những ngày tôi đi tĩnh tâm ở Đan viện Châu Sơn. Tôi lên đây để ghi danh mà nếu còn kịp thì, hình như có một sự xếp đặt, tôi sẽ ở đây học. Rất nhanh tôi đã nghĩ tới Chi. Có ai biết được, mẹ Chi có ngờ rằng tôi đã lên đây, một tháng sau khi bà gởi Chi vào nội trú Domaine de Mariẹ. Làm sao chị Hà và ba mẹ tôi hiểu được lý do tôi đã ghi danh học Kiến trúc rồi lại đột ngột đổi ý bỏ lên đây để học Chính trị Kinh Doanh. Cũng chỉ vì Chi. Tôi đã quyết định điều mà chính tôi cũng không ngờ, như một sự liều lĩnh mà chắc rồi sẽ nối tiếp những phức tạp khác. Tôi theo Chi. Tôi bất chấp những ngăn cản của ba mẹ, bất chấp cả ý kiến của bạn bè và mặc chị Hà trố mắt nhìn thấy tôi đang có một sự mất bình tĩnh, thay đổi lớn. Chị Hà là người ngăn cản tôi dữ dội nhất. Đà Lạt lạnh, sức khỏe Huy không hợp đâu. Huy có một dạo hăm hở với Kiến trúc lắm cơ mà. Ở nhà cô Ngàn tẻ như nhà hoang Huy chịu sao được. Không thuyết phục nổi tôi, buổi tối trước ngày đi, chị Hà nói chuyện lâu với tôi, cố ý gạn hỏi để biết lý do nào tôi đã thay đổi ý kiến đột ngột và cương quyết như vậy. Huy có điều gì thay đổi lớn lắm chăng. Huy có vẻ mất bình thường rõ rệt. Hình như một và lần chị có nhắc tới chuyện Quỳnh này nọ nhưng tôi không để ý lắm. Tôi ậm ừ cố tránh né phải tâm sự với chị. Làm sao tôi có thể tâm sự với chị bây giờ, trong khi chính tôi cũng mơ hồ về tôi. Và nhất là, làm sao để nhắc tới Anh Chi, con chim bé nhỏ của tôi, để mọi người hiểu rắng cô bé đã quá ảnh hưởng nhiều và rồi có lẽ sẽ trở thành quá cần thiết trong cuộc đời tôi. Chiếc xe của hãng Hàng Không về đến thành phố thì trời đã tối đậm, đèn đường thắp lên những chấm sáng khiêm nhường nằm lẫn với những đám lá xanh. Ở "Trạm Đến" hành khách của chuyến xe trước đang chen chúc chờ nhận hành lý. Người đàn bà ngồi cùng băng với tôi hỏi:
- Cậu có hành lý nhiều không?
- Dạ, một cái va-li nhỏ.
Bà cười trong giọng nói, cậu đưa vé đây tôi lãnh ra cho, coi bộ cậu ốm yếu chen không lại với người ta đâu. Tôi cám ơn bà và nghĩ rằng đó là một lời yêu cầu thành thật. Trong khi đợi lấy hành lý thì tôi ra đứng ở cửa nhìn vu vơ lên ngọn tháp chuông của ngôi nhà thờ Chính tòa mà tưởng như có một điều gì thân thuộc. Tôi nhớ tới cái tên trường mà mẹ Chi ghi trong tấm danh thiếp của bà, kèm theo mớ sách bà mừng tôi thi đỗ. Tôi đã gửi em Chi vào học ở Domaine de Marie Đà Lạt. Một cái tên trường xa lạ mà mai mốt tôi sẽ hỏi những người ở đây để biết. Tôi quanh quẩn trong ý nghĩ, để biết rồi sao nữa. Tâm hồn tôi như muốn vỡ ra khi trả lời mình rằng: rồi tôi và Chi sẽ tiếp tục gặp nhau, như dạo nào. Tôi ho liền một cơn dài rũ rượi. Không ngờ sức khỏe của tôi lại bị ảnh hưởng của cái lạnh đến thế. Hai người con gái ngồi băng trước tôi hồi nãy đã có xe nhà tới đón, chắc họ để lại hành lý ngày mai mới lãnh nên tách khỏi đám đông chen chúc về trước. Khi đóng cửa xe cả hai còn nhìn lại tôi và lần này thì họ cười to hơn cả lúc ngồi chung chuyến xe ca với tôi.
- Cậu may mắn quá, vé của cậu kêu trước vé tôi.
Tôi đỡ lấy chiếc vali trên tay người đàn bà đã tử tế lãnh hành lý giùm, một cử chỉ chăm sóc hiếm có.
- Cám ơn bác nhiều. Đúng là số cháu hay gặp quý nhân giúp đỡ.
Có gì đâu. Bà cười và cho tôi địa chỉ tiệm bán đồ kỷ niệm của bà. Nhà tôi ở khu Hòa Bình, gần rạp hát, hôm nào đi phố mời cậu ghé qua chơi. Tôi cám ơn bà thêm lần nữa trước khi xách vali ra lề đường đợi một chiếc taxị. Thành phố này có vẻ không hiếu khách, những xe chở thuê không săn đón hành khách ngay tại cái bến xe như các thành phố khác. Đợi rất lâu không thấy có một chiếc xe nào ngang qua, tôi đành phải sửa soạn một chuyến cuốc bộ. Thực ra từ "Trạm Đến" tới nhà cô Ngàn không xa gì lắm, nhưng leo hai con dốc vừa phải với một tay xách vali vừa phải lại không... vừa phải với cái thân hình ốm yếu của tôi. Leo hết con dốc trước cửa nhà thờ xuống tới bờ hồ rồi rẽ phải, leo thêm một con dốc ngắn nữa mới tới lối vào nhà cô Ngàn, tôi mệt phờ người. Đứng trước cổng nhà cô mà tôi thở mạnh, hơi nóng đầy hai lòng bàn tay ấp lên mặt. Lúc lâu sau tôi mới kêu được người ra mở cổng. Cô Ngàn thấy tôi ngạc nhiên:
- Ủa, cháu mới tới hả?
- Vâng, cháu đi chuyến bay lúc bốn giờ.
Cô Ngàn hỏi thăm tôi rối rít, đi đường có mệt không, tôi đáp chỉ mệt từ quãng đường từ "Trạm Đến" tới đây thôi. Cháu đợi xe không được, leo dốc cực quá. Cháu định ở đây quấy rầy cô lâu. Những lần trước lên đây, có lần với bạn bè, có lần đi một mình, tôi cũng chỉ ghé thăm cô Ngàn chốc lát chứ chưa một lần ở lại dùng cơm hay ngủ lại ở nhà cộ Cô Ngàn ở trong một khu nhà cổ, có lẽ đã tới gần trăm năm không chừng, một vài bức tường đã nứt rạn và có góc đã sụp đổ. Cỏ cây trong vườn, sau nhà, trước nhà um tùm gần như hoang phế. Cô Ngàn cũng già nua với ngôi nhà mà cô ở. Năm chục tuổi, đời nhuộm tóc cô trắng xóa, phiền muộn đè nặng trên lưng còng tội nghiệp của cộ Cô già gấp đôi tuổi người đợi chờ phải gánh chịu. Tôi không hề biết mặt ông chú, người đã trở về nước sau hiệp định 1954 mà không hẹn ngày trở lại. Ông là một sĩ quan Pháp. Tôi chỉ biết có thế. Cô Ngàn sống ở đây từ mấy chục năm nay, từ khi họ hàng bên ngoại ruồng rẫy, cô không rời thị xã này một lần. Cô sống với đứa con trai độc nhất.
- Hiện vắng nhà hả cô?
- Nó đi xa từ lâu rồi mà cháu.
Tôi vô ý ở điều đó, hình như lần trước ghé thăm cô tôi đã hỏi một câu và được trả lời một câu tương tự như thế. Tôi lấy làm ngượng về sự vô ý của mình. Cô Ngàn đi ra khép lại cánh cửa sau lưng tôi, cô chỉ tôi nơi đặt chiếc vali và ngồi xuống chiếc ghế bành rộng tiếp tục công việc đang dở dang của cô, dưới ánh đèn điện vàng cũ kỹ như đèn dầu. Tôi tự động ngồi xuống chiếc ghế rộng đối diện với cô và nhắc lại ý định của mình, sợ những người già thường quên bởi lầm lẫn:
- Thưa cô, cháu định xin được ở trọ nhà cô...
Cô Ngàn hơi nhướng mày lên nhìn tôi lạ lẫm, bỡ ngỡ. Rõ ràng bây giờ cô mới nhận ra một câu nói mang cái gì khác lạ, bởi vì đó là điều không ngờ nơi một người bên ngoại đã đối xử với cô. Một chút lạ nhìn tôi rồi cô cuối xuống trên hai que đan có vẻ xúc động. Giọng cô trĩu xuống, giọng người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng từ bao nhiêu năm ngậm một nốt nhạc trầm sau một lúc lâu im lặng đến làm tôi bối rối.
- Ở đây như một nơi hoang, chẳng biết cháu có quen được không?
- Cháu thích được sống tĩnh mịch cô ạ. Cháu định lên ghe tên học ở đây.
- Chắc cháu có chuyện gì buồn với gia đình phải không?
Cô Ngàn làm tôi giật mình.
- Đâu có ạ, tại cháu thích sống trong cái không khí ở đây.
- Bố mẹ không can ngăn cháu về việc này sao?
- Thoạt tiên thì có, nhưng bố mẹ cháu cũng biết cháu lớn rồi. Ở nhà cháu, mọi chuyện riêng của con cái đều được đối xử tự do một cách dè dặt vừa phải thôi.
Tôi trút người để chặn một cơn ho, nhưng cũng không ngăn được. Cô Ngàn bỏ hờ đôi que đan trong lòng nhìn lại tôi rồi cô đứng lên, tiến lại phía góc phòng:
- Cháu đang đau hả?
- Vâng, cháu không được khỏe lắm. Hình như cháu không chịu được lạnh, từ khi bước xuống máy bay cháu ho hoài à.
Phía góc phòng là bóng tối ẩn một khung cửa, có lẽ đó là lối ra phía sau bếp. Cô Ngàn nói, để cô đốt cái lò sưởi lên. Ở đây lâu rồi cái lạnh trở thành bình thường cháu ạ. Chỉ những ngày tháng chạp mới ngó tới cái lò sưởi, nhưng có khi chẳng nhất thiết lắm. Với lại củi cũng chẳng sẵn gì. Tôi nói, thôi cô à, nhưng cô vẫn đi vào phía trong bếp:
- Cháu có cần tắm rửa gì không, để cô đun nước nóng luôn thể.
- Cháu chỉ muốn rửa cái mặt qua loa thôi.
- Chắc cháu chưa ăn gì?
- Cháu không thấy đói cô ạ.
- Được rồi, cô nấu cho một gói mì, dù no cũng phải có bữa.
Cô Ngàn ôm lên một mớ củi đặt dưới chân lò. Cái lò sưởi xây bằng gạch đỏ ở sát chân tường, giữa phòng, chắc một thời đã rực rỡ than hồng ấm cúng lắm. Bây giờ ở một bờ gạch đã nhả vữa, long ra vài vết thương cũ kỹ.<BR>Khi cô Ngàn châm lửa tôi thấy còn một ít tro than nằm lạnh lẽo, có lẽ từ mùa đông trước, hôm nay mới được nóng lại với đám củi gỗ mới. Đốt lại một lò sưởi trong ngày đầu tiên của mùa đông thật vất vả, như nhóm lại một hơi lửa mới trong đời, tôi bắt đầu nghĩ miên man, hẳn là một lần muộn phiền. Thoáng nhanh, hình ảnh mẹ Chi hiện ra với màu áo nâu, người đàn bà có một tâm hồn lãng mạn, theo tôi suy đoán, thuở còn con gái bà đã xinh đẹp với tâm hồn lãng mạn đó, để một thời ngồi lại muộn phiền. Nhưng bà đã nhóm lên được ngọn lửa ấm trong ngày hôm qua hôm kia đây. Hạnh phúc có màu hồng nhạt, dù đã phôi pha, vẫn vinh quang đầy đủ ý nghĩ như sau một cuộc thắng trận. Mẹ Chi có những cánh cửa lạ lùng lắm, đôi khi bà đã mở cho tôi thấy, sau cái then cất giấu sâu thẳm của lòng mình là một trời mây trời gió, ăn năn có, hãnh diện có. Trong cái thế giới mộng tưởng không cùng, mình là kẻ săn mình lý thú, miệt mài mà mình không biết, đến nỗi vết thương như là một niềm yêu dấu, cần thiết. Tôi mơ hồ trong những khung cửa mà mẹ Anh Chi cho tôi thấy điều ấy. Và mơ hồ thôi, vì như bà nói với tôi, em Huy đang sửa soạn muốn làm học trò của trường tình yêu chăng? Hãy đừng bao giờ mộng tưởng.
Cô Ngàn đứng dậy với một đám khói và một câu gì đó làm tôi bỏ dở ý nghĩ. Lửa đã bén vào gỗ, đám khói tỏa dần và hiện ra một ngọn lửa nhỏ trong lò đang lớn dần, vỡ dần những tản khí lạnh trong phòng:
- Cháu sẽ ở đây, cô Ngàn tiến về phía bóng tối, mờ mờ những bậc tam cấp bước lên một khung cửa khép kín, tôi đứng lên bước theo cô, đây là phòng của em Hiện.
Cánh cửa mở, bốc ra một mùi ẩm mốc của đồ đạc và các bức tường đá làm tôi muốn ho. Các công tắc điện phải bật mấy lần mới làm sáng ngọn đèn treo chùng dây ở góc phòng. Cô Ngàn nói, từ ngày Hiện đi chẳng lần nào cô bước vào. Tôi nhìn tổng quát một lượt và thấy có lẽ vẫn nguyên vậy, mọi thứ đồ dùng của Hiện trong phòng. Chiếc bàn rộng cạnh cửa sổ cái ngăn kéo chưa đóng kín, còn bừa bộn vài thứ. Một mớ sách báo lộn xộn trong cái bệ đá hình một cái khung cửa vòng cung nhỏ, có cuốn còn mở đôi. Nơi cửa sổ đóng kín bị vỡ mấy vệt dài được dán lại bằng băng keo đã rã ra sắp rời, gió đập vào nơi kính vỡ một âm thanh se se từng chập.
Cô Ngàn vẫn còn đứng ở cửa phòng:
- Bừa bộn lắm cháu ạ, phải để dọn dẹp lại.
- Chẳng sao cả, cô để mặc cháu.
Đứng lại ở chiếc bàn rộng, tôi miết những ngón tay của mình thành một vệt dài trên mặt bàn đóng dày lớp bụi bặm. Tôi nhớ đến Chi. Rồi tất cả những gì ở đây sẽ trở thành thân thuộc. Bắt đầu cho những tiếp nối phiền toái khác của đời mình. Ở nơi này, với em cùng một khung trời, thở, ăn ngủ và mơ mộng, nói cười và cùng đi với nhau trên những con đường của thành phố hạnh phúc. Để đêm về mơ thấy nhau.
Tôi trở ra phòng ngoài đã ấm hơi lửa, cô Ngàn đang lui cui bên lò sưởi để sửa soạn một cái bếp. Tôi đã nghe tiếng than nổ khi xé các thớ gỗ. Cô nói:
- Cháu mở rộng cánh cửa phòng đằng đó để lùa hơi lạnh ra.
Tôi làm theo ý cô khi xách vali nhỏ và vài thứ mang theo vào trong phòng, ném ở đó, dưới cái ô vòng cung bừa bộn sách báo.
- Cái phòng có nhiều cái làm cháu thích quá. Chắc Hiện chưa về đây lần nào hả cô?
- Chưa. Cô Ngàn trở mình cho đám củi bằng chiếc que sắt,
- Đi là mất cháu ạ.
Tôi kéo chiếc ghế sắt ngồi xuống bên cạnh lò sưởi và hơ tay gần ngọn lửa mà cảm thấy mình rét mướt.
- Để cháu làm con cô nhé
Tôi áp hai bàn tay lên má mình
- Hiện lớn hơn cháu nhiều không cô?
Cô Ngàn quay sang nhìn tôi, một lát như để tìm một cái thước đo tính cho thời gian, cô cúi xuống trên hai bàn tay gầy guộc trong lòng:
- Hình như suýt soát gì tuổi cháu đó mà, nhưng nhìn người có vẻ lớn hơn. Tôi chống hai tay dưới cằm:
- Cô còn tính được tuổi cháu không? Cô Ngàn cười, những nếp nhăn hai bên má như một mớ vải nhàu căng ra:
- Thằng Hiện hai mốt.
- Như vậy là cháu kém Hiện hai tuổi.
Tôi nói là mong có dịp được gặp Hiện, anh em gì ra đường chắc phải gây lộn với nhau may ra mới nhận được họ hàng. Cô Ngàn im lặng và tôi hiểu được sự vô tình của mình. Tất cả ràng buộc về họ hàng giữa cô và những người thân như một sợi chỉ đã đứt. Đã đứt từ lâu lắm rồi, và cô muốn quên đi một gút mối có thể chắp lại được một cách xót xa.
Nước đã sôi trong chiếc ấm trên ngọn lửa lò sưởi, cô Ngàn chế vào "phích" một nửa bảo để sáng mai pha cà-phê, phần còn lại pha vào nước lạnh cho tôi rửa mặt.
- Cháu đi rửa mặt rồi lên ăn mì.
Phải là bữa ăn mới dễ làm mình xúc động. Một bữa ăn tối ở một nơi mình mới tới sẽ làm nhớ ngọn lửa gia đình nơi mình vừa xa. Ba mẹ chắc đang ngồi xem tivi ở phòng khách và thỉnh thoảng quay sang nói chuyện với nhau, thế nào cũng có nhắc đến tôi. Còn chị Hà chắc là đang ngồi một mình trong phòng, chị hay tính toán vẩn vơ lắm, tôi biết, mong cho chị đừng buồn vì tôi nhiều.
Bé yêu dấu, bây giờ anh đang ngồi ở đây, bên ngọn lửa mới thắp lên của một ngày đầu mùa Đông, anh nhớ bé điên cuồng. Khi anh bước chân tới đây là anh biết mình đang bước chân vào cuộc phiêu lưu của đời mình. Anh dại dột thêm một lần nữa rồi đó bé, biết rồi ta sẽ dẫn nhau tới đâu. Như kẻ đánh mất thiên đường, hay là kẻ còn đang lần mò tìm kiếm một thiên đường, anh cũng chỉ biết bé đã trở thành quá cần thiết trong cuộc đời anh. Làm sao cắt nghĩa được điều đó một cách khác bằng sự có mặt của anh ở đây, bé yêu dấu, ở một khung trời vừa mở ra. Rồi sẽ lạ lắm...
Đêm không ngủ được vì lạnh quá, tôi ho hoài và trở mình hoài. Chi đến hỏi han tôi, đôi mắt cô bé ngọt ngào như một chùm sao đêm. Anh Huy biết không, em Chi cũng nhớ anh biết chừng nào. Làm sao mà em khóc hoài anh ạ. Mẹ đâu có biết điều đó. Mẹ làm em tủi thân. Chi nức nở gục đầu lên vai tôi. Em tủi lắm anh Huy ơi, em muốn có anh ở gần em mãi. Anh xem, hai tay em lạnh ngắt thế này.
Buổi sáng tôi thức dậy trong cái lạnh co của trời Đà Lạt. Nằm im trong giường để cố lắng nghe một tiếng động nào của thành phố nhưng tuyệt nhiên là không, ngoài tiếng gió se se vào mặt kiếng vỡ cửa sổ. Ở đây yên tịnh quá. Những lần lên đây tiện dịp tôi chỉ ghé thăm cô Ngàn trong chốc lát. Không ngờ có một lần tôi lại chọn nơi đây để buổi sáng nằm đợi nghe những tiếng động thức dậy chung quanh. Ra khỏi giường hai tay và hai chân lạnh buốt, tôi phải tìm tới đôi vớ và hai bàn tay giấu dưới hai cánh tay ôm trước ngực. Mãi tới lúc này tôi mới nhớ tới chiếc khăn quàng len chị Hà mua chứ không kịp đan cho tôi, buổi tối trước hôm tôi đi chị đã sang phòng khi tôi đang xếp những quần áo vào vali. Chiếc khăn quàng màu đỏ rượu chát đan hình quả trám, ở đầu khăn có những tua mềm mại tôi khép chéo trước ngực để chặn một cơn ho nào đó, lúc nào cũng như chực sẵn thoát ra.
Đến ngồi ở bên cửa sổ, hơi lạnh làm đục mặt kính mà tôi phải đưa tay lau trắng một khoảng mới có thể nhìn ra ngoài. Trời có mưa một chút, tôi thấy những đám quỳ vàng mờ mờ lưng chừng dốc, lẫn vào đám cỏ ven đường bị xô dạt trong một trận gió nào tội nghiệp. Con dốc mà tối qua tôi leo lên giờ mới để ý, có một cây thông già bật gốc nghiêng cành như chực ngã xuống vắt ngang đường sau một cơn mưa gió lớn. Ở cuối chân dốc, tuyệt nhiên tôi không thấy gì ngoài lớp sương trắng đục che khuất mất cả con đường ven bờ hồ và mặt nước. Tưởng tượng Chi đang ở cuối con dốc ấy, rồi khi lớp sương mù tan dần tôi thấy rõ cô bé, miệng ngậm một nụ hoa vàng mới ngắt ở ven đường nào đó còn ướt sương. Chi là một con chim bồ câu, áo trắng chùng phủ gót. Chi đi mà như bay là là đến với tôi. Anh Huy ơi, anh Huy ơi, Chi nè anh. Trông Chi có lạ lắm không anh. Chi vẫn vậy, mắt bé vẫn đầy những vì sao. Có điều gì làm anh buồn. Không. Anh giấu Chi. Thật mà. Rõ ràng anh giấu Chi. Và Chi khóc.
Có tiếng động ở cửa phòng, cô Ngàn ló đầu vào hỏi:
- Cháu thức dậy rồi chứ? Tôi bỏ cửa sổ quay lại:
- Cháu thức dậy từ hồi nãy cô ạ.
Tôi phụ với cô vài công việc vặt trong khi cô than thở cảnh sống trơ trọi từ ngày Hiện đi. Nhớ nó quá, nước mắt cô rơm rớm, sự sống mình là chia sẻ, còn được chia sẻ là còn biết có cái gì hạnh phúc. Bất hạnh là mình phải sống lủi thủi với mình, không còn lo lắng hay chịu thiệt thòi cho kẻ khác. Tôi không biết có nên tìm một lời nào để an ủi, thực sự tôi vẫn thấy ngượng ngập, vụng về trong những câu chân tình của mình. Tôi nghĩ được rằng tôi hiểu cô. Tôi sẽ ở đây, nhận khung cảnh này làm thân thuộc. Tôi nói với cô Ngàn mai mốt cháu sẽ giúp cô chém bớt đám cây và cỏ dại mọc um tùm quanh nhà này. Cháu nghĩ trước đây nó đã từng là một ngôi biệt thự đẹp. Cô Ngàn pha cho tôi một ly cà phê và chia cho tôi một miếng bánh mì, tôi nói về vấn đề ăn uống xin cô cứ để mặc cháu lo liệu. Phải khó khăn để diễn tả ý của mình để khỏi phụ lòng lo lắng của cô. Tôi ăn sáng một cách vội vã.
- Cháu phải tìm gặp một đứa bạn trong sáng nay để hỏi thăm nó về chuyện ghi danh học ở đây.
Tôi tìm Trường ở nhà nhưng không gặp. Trường đã đi học. Tôi lần mò lên đồi Đại Học. Ở đây có một điều dễ thương: mỗi trường đều chiếm một ngọn đồi, là cả một học khu rất thơ mộng. Những lần lên đây tôi đã được nghe nhắc tới những ngọn đồi Franciscaine, đồi Couvent des Oiseaux và được tả rất đẹp, nhưng chưa có dịp tới thăm.
Và tôi cũng chẳng quan tâm cho lắm, cho đến khi có một tên trường nở ra như hoa từng chữ trong đầu tôi, nơi mà mẹ Chi đã gửi Chi ở đó.
Trường đang có giờ học trong giảng đường, tôi được dịp đi loanh quanh những con đường nhỏ ngoằn ngoèo lên dốc xuống dốc trong phạm vi của trường để đợi. Qua chiếc cầu nhỏ sơn màu đỏ bắc ngang qua một lũng đất không nước là một bãi cỏ, tôi gặp một nhóm nam nữ, tưởng là sinh viên đang tụ tập chuyện trò, nhưng để ý tôi thấy có một giáo sư trong nhóm đó. Đẹp trời, thầy trò đem nhau ra ngoài, kẻ ngồi người nằm sấp trên cỏ ghi chép hoặc chống cằm chăm chú nghe. Tôi thích cái cảnh này quá. Và tôi thích những cây mimosa vàng chụm đầu nhau bên lối đi, cánh áo len màu của những người con gái ở đây, hai má lúc nào cũng ửng lên vì lạnh. Lại nhớ tới Chi mất thôi.
Tôi ngồi xuống ở một bậc đá, dưới chân nhà nguyện có một cái tên đặt: Năng Tĩnh. Tôi nhớ Chi, cô bé đang ở cùng với tôi trong một khu trường nào đó, trong thị xã này. Và Chi từ trong nhà nguyện bước ra, tay cầm một cuốn kinh nguyện màu đen với những hàng chữ mạ vàng ở gáy. Chi ngồi xuống bên tôi. Anh đang nhớ tới Chi phải không? Ừ, anh đang nhớ Chi vô cùng. Chi biết. Chi biết gì? Khi một người nhớ một người thì đôi mắt như thế nào. Chi có thể đọc được những hàng chữ trong mắt kẻ khác? Mắt anh thôi. Nhỡ khi anh nhắm? Chi cũng đọc được. Nhỡ khi anh khóc? Chi bật cười, con trai mà anh cũng biết khóc à? Có chứ, anh biết khóc giỏi nữa là đằng khác. Chi quả quyết, Chi cũng biết được. Chi nhìn sâu vào đôi mắt tôi và thấy bóng mình nằm trong đôi mắt rộng của cô bé. Lâu lắm, và tôi chực chết đuối trong đôi mắt ấy. Anh muốn nói một câu với Chi. Lạ lắm hở anh? Ừ, lạ lắm. Chi với tay bịt lấy miệng tôi. Đừng anh.
Trường reo lên khi thấy tôi ở đằng xa:
- Lạ lắm đấy nhé.
Tôi cười nắm lấy tay Trường:
- Lạ sao?
- Khi nhận được điện tín của cậu đám em gái nhà tớ cười rộ lên với nhau.
- Có gì lạ đâu nhỉ?
- Lạ chứ, chúng bảo kẻ trở lại nơi mình đã tới trước đây một tháng là kẻ yếu tim. Tương tư bóng hồng nào ở đây chăng?
- Nhảm nào.
Tôi và Trường bá vai nhau. Tôi nói với Trường là mới trở lại đây hôm qua, sốt ruột vì cái vụ ghi danh quá.
- Nhất định học Chính trị kinh doanh à?
- Còn kịp không?
- Trễ thì đã trễ từ lâu rồi. Phải để xem đã.
Trường hỏi thăm tôi về nơi ở, tôi bảo là tôi ở nhà cô Ngàn mà một lần tôi đã nhờ Trường đưa đến. Trường rụt cổ, ngôi nhà hoang ấy à.
- Sao cậu không định ở nhà tôi?
- Phiền quá, với lại mình cũng cảm thấy thích cái ngôi nhà gần như hoang mà mình sẽ ở.
Trường hất mấy viên sỏi dưới chân:
- Cậu lúc nào cũng có vẻ khó hiểu.
Tôi cười:
- Biết chứ, bởi thế sống mới hay vất vả.
Trường vỗ vai tôi rồi cất tiếng cười lớn hơn:
- Bạn ta ngày càng lạ ra.
Buổi trưa có chút hơi ấm của nắng khiến tôi cảm thấy khỏe hơn. Trường nói, dù sao thì ít ra tôi cũng phải bắt cóc cậu về nhà tôi cho tới chiều.
Tôi nói Trường đưa tôi ghé qua dặn cô Ngàn không thôi mới tới đã làm phiền cô đợi cơm trưa. Cẩn thận đấy nhé, Trường bảo, cậu vẫn hiền nhất trong đám bạn bè. Tôi nhìn hắn:
- Cù lần một chút nữa phải không?
Trường cười cười khi chúng tôi vòng bờ hồ. Trường đứng ngoài cổng đợi tôi vào dặn cô Ngàn rồi hắn đưa tôi về nhà hắn. Đám em gái Trường mà ban sáng tôi tới không gặp vì đã đi học, giờ đông đủ cả. Liên và Chúc tấn công tôi tới tấp:
- Nghe anh Trường nói về anh nhiều lắm.
Tôi giật mình và bị bọn con gái bắt bí:
- Đúng là anh có nợ nần gì với ai ở đây rồi.
Tôi nhìn Liên, chị của Chúc, mỉm cười trong câu nói:
- Nếu nợ nần được ai ở đây thì thật là diễm phúc quá.
Tôi nói thế và làm Liên đỏ mặt. Nhưng sau câu nói ấy tôi bị rơi lại chính vực sâu thẳm của tâm hồn mình. Mà ở đó tôi có Chi. Nếu thành phố này không có em, nó có nghĩ gì đâu. Khi em đến đây thì cỏ cây nơi này mới đâm chồi nảy lộc. Và khu vườn tâm hồn anh đất trời vào mùa mới, từ hôm qua, từ lúc anh bước chân tới đây như cuộc hẹn hò như cuộc phiêu lưu trong đời.
Nghe tiếng chị em Chúc cười, tự dưng tôi thèm nhớ lại những ngày của năm trước khi tôi và Chi còn ngồi trên vuông cỏ của tuổi thơ ấu, tiếng cười thủy tinh của Chi vỡ ra cùng với bước chân chim của em, như những ngón tay đuổi nhau trên phím đàn vui tươi, rộn rã. Ngày đó mái tóc ngắn của em hay đậu trên vai tôi. Anh Huy nè, anh Huy biết không, nhỏ Ly Ly nó làm nũng em cả ngày. Anh biết. Anh biết sao? Nó giống chị nó đấy. Ngày đó đôi mắt Chi nhìn tôi trong vắt, tinh anh. Anh nghĩ gì em cũng biết nữa. Những buổi chiều tôi sang với Chi, với đám hoa quỳnh anh quyến luyến trước cái cổng nhà em, Chi đang ngồi trên chiếc ghế xích đu dưới tàng cây hoàng hậu. Em đọc báo và chờ anh. Có nghĩa là như thế, những chăm sóc chúng tôi hướng về nhau khi đời sống hàng ngày ta chia cho nhau đủ cả hai mươi bốn giờ, bởi vì trái tim ta có lúc nào ngưng nghỉ trong chu kỳ ấy.
Tôi siết những ngón tay vào nhau vỡ thành những tiếng kêu nhỏ. Nhớ Chi quá đỗi. Và mỗi lần như thế tôi lại dời chỗ tìm một khoảng trời nào đó để nhìn lên. Con chim nhỏ bé của anh, giờ em đang làm gì? Có ai nghĩ rằng những lúc như thế, tôi có thể ứa nước mắt.
Buổi chiều Trường chở tôi đi một vòng thành phố, vào quán cà phê nghe hết vài bản nhạc. Buổi chiều tôi và Trường lang thang ở mấy phố buôn bán, mua sắm vài thứ lặt vặt cho mỗi đứa. Trường châm cho tôi điếu thuốc nhưng tôi nói với Trường đó là một trong những điều nằm trong lời dặn cấm kỵ của bác sĩ. Tôi nhớ Chi một lần nào đó em đã nói với tôi, anh chả khỏe gì coi chừng anh đau ốm vì những điếu thuốc lá thì chẳng ai thèm thương đâu.
Buổi tối được ăn bánh của chị em Liên làm. Chúc nói, hôm nay là sinh nhật của chị Liên đó anh Huỵ Tôi nói vậy hả, tôi hên lắm mới chọn đúng ngày để được ăn bánh. Chúc đề nghị:
- Mai chủ nhật bọn em nghỉ học, yêu cầu anh Trường cho đi chơi, có anh Huy nữa nè.
- Định đi đâu?
- Vallée d amour!
Trường nhướng mắt:
- Nhỏ này có hẹn hò với ai không mà hớn hở vậy?
Chúc bỏ luôn mẩu bánh vô miệng:
- Em thì không nhưng chị Liên chắc có.
Chúc bị Liên với tay đánh vào đầu nhưng con bé đã né sát tôi:
- Phải thế không anh Huy?
Tôi đối đáp kịp thời:
- Có lẽ thế, tôi đã nghe đồn nữ sinh Couvent nổi tiếng...
Liên tham dự câu chuyện bằng đôi mắt sáng quắc hướng về phía tôi:
- Nổi tiếng sao ạ?
- Nổi tiếng về những mối tình với các anh võ biền.
Liên cúi xuống với mũi dao nghịch ngợm trên lớp kem của miếng bánh:
- Thiên hạ chứ không có Liên đâu nha.
Trường nói:
- Điều đó không biết nhưng có một điều là các sơ Couvent lầm lẫn lớn, càng kín cổng cao tường bao nhiêu thì càng khó giữ học trò con gái bấy nhiêu.
Nói rồi Trường cười. Tôi hướng câu chuyện theo ý mình:
- Tôi có nghe đồi Couvent đẹp lắm nhưng lại không biết ở đâu cả.<
- Cũng chẳng đẹp gì lắm, nếu anh thích thông thì ở đó nhiều, trên đường đi thác Cam Ly đó anh.
Trường hỏi Liên:
- Noel này trường Liên có tổ chức Kesmes không?
- Có lẽ Tết, nghe mấy sơ nói thế.
Trường nói với tôi:
- Có cái cảnh Kesmes là thú, cậu ở đây rồi ta dẫn cậu đi, cam đoan là...
Liên lườm anh:
- Anh chuyên môn phá thiên hạ không thôi, đi với anh năm ngoái vô câu lạc bộ ngượng muốn chết.
- Mấy ngày hội chợ mà bọn này thường bảo là các bà Couvent cho thiên hạ xem mắt con gái nhà mình đấy.
Tôi không cười với Trường. Tôi thấy Chi trên chiếc đĩa sứ trắng trước mặt, trong bộ đồng phục nhà trường. Tôi thấy những khung cửa sơn màu vàng và những cánh áo trắng thấp thoáng đi lại trên các hành lang trường Chi học. Ngày nào tôi đã ngớ ngẩn đến trường đón Chi. Nơi Chi ở bây giờ không biết có làm Chi của tôi vui. Tôi sợ cái cảnh ồn ào của đám học sinh lớn như tôi đang được nghe nói tới. Tôi sợ lắm. Nếu một ngày nào đó bất chợt, em lớn lên, một sợi khói vướng vào mắt em... Tôi cắn chặt môi dưới mà nghe ở góc ngực mình nhói đau.
Tôi hỏi Liên:
- Liên biết Domainne de Marie chứ?
- Liên có nghe nói thôi chứ chưa.
- Cũng như cái kiểu trường Liên à?
- Liên cũng không biết nữa.
Tự nhiên tôi thấy an lòng một chút, một chút thôi, đồng thời tôi cũng tưởng ra một nơi mơ hồ mà Anh Chi của tôi đang ở. Địa danh đó có thực hay chỉ là một cái tên, cái thế giới mà mẹ Chi đã đặt ra khi ghi trong tấm danh thiếp của bà?
- Liên có nghe nói tới Domaine de Marie thôi à?
- Vâng, nghe loáng thoáng bạn bè nhắc tới một lần.
- Chắc xa lắm?
- Liên không rõ, nhưng ở đây xa nhất chỉ có trườgn Franciscaine là ở ngoại ô thôi.
Chúc ngó tôi:
- Sao anh Huy thắc mắc về Domaine kỹ thế. Chúc biết nè.
Tôi cười cái khôn khéo một cách vụng về của con bé:
- Biết thật không?
- Anh cứ cho em biết lý do đi rồi em sẽ tả cảnh cho anh nghe sau.
- Nữ sinh Couvent có khác, đánh hơi thính gớm. Tôi đang định xin vào đó tu không biết các bà có nhận không?
- Anh mà đi tu
Chúc cười lúc lắc mái tóc - có mà anh phá cả tu viện người ta ra.
Cả bọn cùng cười. Nhưng Chi không cười. Chi đang đứng trong chiếc đĩa sứ trắng trên bàn, trước mặt tôi, Chi nói gì đó mà tôi nghe không rõ. Rồi Chi quay mặt đi. Chiếc đĩa sứ trắng mà những miếng bánh đã được chia ra, một giọt nước vừa rớt xuống từ cái tách trà tôi đưa lên miệng. Tôi lại thấy Chi, trong giọt nước ấy. Hình ảnh Chi nhạt nhòa mà tôi đã liên tưởng tới hình ảnh con bé Cibel lúc đứng trên bờ hồ với cái đầu ngọn cây khô in trên mặt nước. Rồi mặt nước vỡ ra. Tất cả chỉ là ảo mộng. Chỉ là mộng ảo mà thôi.
Buổi tối Trường lại đưa tôi đi vòng quanh mấy ngọn đồi khác trước khi trả tôi lại nhà cô Ngàn. Trường nói:
- Ta vẫn nghĩ, nếu cậu dọn đến ở với ta thì hơn.
- Phiền quá.
- Cậu biết mà, ở nhà mình ba mẹ đều dễ, nếu không muốn chia phòng với mình thì cũng có thể dọn dẹp cái phòng bỏ không ở bên cạnh.
Phiền quá. Tôi chỉ biết nói thế bởi thực sự tôi đã thấy ưa cái phòng ở nhà cô Ngàn rồi.
- Cám ơn cậu, biết đâu chả có dịp phiền cậu. Cứ từ từ để xem đã.