Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Anh Chi Yêu Dấu
Đinh Tiến Luyện
Chương 9
Cầm tấm phiếu có ghi tên Anh Chi và tên tôi, soeur giám thị đặt vào cuốn sổ bìa đen, xếp lại. Một cử chỉ vô hồn. Tôi lặng thinh chờ đợi cho người nữ tu gỡ mắt kiếng và chậm rãi lau từng chút một. Xong bà đeo trở lại mắt, nhìn tôi chăm chú. Giọng bà nghe như lời nói thầm:
- Em Chi đau.
Đứng lặng thinh lúc lâu sau tôi mới hỏi được một câu:
- Thưa sơ, em ấy đau lâu chưa ạ?
Giọng người nữ tu vẫn khô như một viên sỏi, sỏi đá không bao giờ thấm nước.
- Gần một tuần lễ nay rồi.
Tôi lững thững đi ra phía ngoài, nhìn lên tháp chuông của ngôi nhà nguyện bên kia đường. Bầy chim sẻ chủ nhật đuổi bắt nô giỡn với nhau trên mái ngói sậm, tiếng chúng nối tiếp nhau thành một chuỗi âm thanh nghe bỗng quen bỗng lạ và bỗng buồn đến vỡ từng hơi thở ngắn. Em Chi đau gần một tuần lễ nay rồi. Tôi trở lại bàn giám thị, lúc ấy đang đông những thân nhân trao phiếu tiếp khách.
Mặc họ, tôi chen thẳng trước mặt người nữ tu, hỏi lại cho rõ:
- Em Chi đau nặng lắm không thưa soeur?
Bị cắt ngang công việc, bà hơi chau mày, đáp cụt ngủn.
- Nặng.
Tôi chồm lên, vịn lấy mép bàn.
- Tôi vào thăm em ấy được chứ?
- Không được đâu.
Một viên sỏi không bao giờ thấm nước. Sao tôi bỗng cảm thấy thù ghét những con người có trái tim bổn phận. Họ chỉ làm những công việc thật bình thường, thật đều đặn. Trái tim ấy không bao giờ vo ra được tình thương. Những tảng đá chỉ mọc được loài rêu hôi hám. Quả thật tôi đã không chịu đựng nổi được nữa. Hơi thở nóng bừng bừng, tôi cúi sát mặt vào cuốn sổ mà người nữ tu đang viết, mất bình tĩnh rõ rệt:
- Tôi muốn vào thăm em ấy.
Người nữ tu buông bút, nhắc lại câu trả lời bằng một giọng hằn học:
- Không được đâu.
Tôi to tiếng:
- Tại sao lại không được ạ?
Mọi người trong phòng chú ý đến câu chuyện, dạt ra. Người nữ tu ngồi sau bàn viết đứng dậy, nhìn tôi trừng trừng:
- Ở đây chúng tôi có nội quy, không bao giờ tu viện tiếp thân nhân ở ngoài phòng khách.
- Nhưng mà em tôi đau nặng.
Tôi dằn giọng. Người nữ tu giám thị cũng dằn giọng đáp lại:
- Đó là bổn phận của nội trú, đã có chúng tôi lo. Chúng tôi đã có bác sĩ lo.
Không khí trong phòng khách nặng nề. Mọi người đổ dồn mắt về phía tôi. Một người đàn bà to lớn, môi đỏ má phấn đứng bên cạnh nhỏ lời với tôi:
- Việc gì mà cậu phải sốt ruột, đã có các sơ ở đây lo cho rồi.
Tôi lặng thinh ngó bà. Sơ giám thị ngồi xuống ghế lật đám phiếu tìm tấm phiếu có ghi tên tôi và tên Chi đặt lên trên. Giọng bà đổi khác:
- Được rồi, nếu ông muốn lo thì tôi làm giấy cho ông đưa em về nhà mà lo. Càng đỡ cho trường chúng tôi.
Nhưng vừa ghi vào cuốn sổ được vài hàng, soeur giám thị lại lẳng lặng gạch đi bằng hai đường thước mực đỏ. Bà đổi ý kiến:
- Không được. Trường hợp em Chi không được. Mẹ em ở Sài Gòn nên đã giao em cho nội trú lo tất cả. Chúng tôi không dám giao em cho ai khác.
- Nhưng tôi là anh của em Chi mà.
Phải vận dụng tới một lời xác định khó khăn ấy, nước mắt tôi ứa ra từ bao giờ, đã rớt dài xuống miệng.
- Tôi biết chứ, người nữ tu đổi thái độ, hình như bà muốn an ủi tôi phần nào. Nhưng không thể đưa em ấy ra khỏi nội trú được đâu.
Tôi đưa ngón tay gạt vội những giọt nước mắt. Có lẽ trông tội nghiệp lắm. Giọng vẫn còn nghẹn, tôi nói:
- Tôi chỉ muốn vào thăm em ấy thôi mà.
Thấy người nữ tu im lặng, tôi xuống giọng năn nỉ:
- Cho tôi vào thăm em ấy một chút thôi, thưa sơ. Tôi sốt ruột quá.
Khi ấy, cánh cửa phía sau sơ giám thị chợt mở, một sơ còn trẻ thật xinh, mang kính cận bước đến bên bàn sơ giám thị đang làm việc thưa một chuyện gì đó. Lợi dụng cơ hội, tôi sấn tới phía cánh cửa ấy, bất chấp lời yêu cầu của tôi có được sơ giám thị đồng ý hay không, tôi xăm xăm đi vào hành lang nội trú.
- Ơ, ông Huy.
Tiếng sơ giám thị hốt hoảng:
- Không làm như thế được đâu.
Và tôi nghe rõ tiếng bước chân đuổi theo ở phía sau. Đến cuối hành lang thì tôi bị chặn lại đối diện với hai người nữ tu.
Soeur giám thị tái mặt, giọng mất bình tĩnh:
- Ông không thể hành động kỳ cục như thế được. Đây là một tu viện, ông không thể đi bất cứ đâu nếu không được phép.
Tôi nhìn sang người nữ tu trẻ mang kính cận cầu cứu:
- Xin sơ cố giúp tôi.
Người nữ tu trẻ hơi bối rối với lời khẩn cầu, nhưng bà cũng tìm ra được một cách giải quyết. Quay sang soeur giám thị, bà nói:
- Hay để em đưa ông ấy lên xin phép sơ giám đốc?
- Không được đâu - soeur giám thị gạt đi, chuyện không đến nỗi phải phiền đến thế.
- Nhưng thực sự là phiền rồi.
- Ta phải tránh phiền thêm.
- Nhưng em thấy có thể giải quyết êm đẹp được. Hoặc là để ông ấy đem em Chi về hay để ông ấy vào thăm.
Tôi đứng im một chỗ đợi hai người nữ tu dàn xếp chuyện và cố lắng nghe từng mẫu đối thoại của họ.
Người nữ tu đứng tuổi hỏi:
- Hiện giờ nhỏ ấy đang ở đâu?
Người nữ tu trẻ hỏi lại?
- Nhỏ nào ạ?
- Thì nhỏ Chi đó.
- À, em ấy vẫn còn trên bệnh thất.
- Ăn cháo được chưa?
- Qua nay vẫn uống sữa.
- Chị phụ trách phòng của nhỏ ấy đó à?
- Vâng.
- Tôi thấy chưa có trường hợp nào trường để thân nhân vào thăm như thế này cả.
- Nhưng em cho rằng cũng có vài trường hợp ngoại lệ nào đó chứ. Để em cứ thử trình lại với sơ giám đốc xem sao.
- Tùy chị.
Dứt hai tiếng ngắn, sơ giám thị bỏ đi ra phía văn phòng đằng trước. Chừng đã xa dăm bước, người nữ tu trẻ quay sang nói với tôi:
- Ông theo tôi lên xin phép sơ giám đốc.
Tôi lẳng lặng theo sau màu áo xanh và đôi chân mang “săng đan” trắng thoăn thoắt bước đi. Muốn hỏi thăm bà một câu gì đó về Chi, nhưng tôi lại cứ im lặng đi theo như vậy cho đến hết dãy hành lang. Rẽ tay mặt, chúng tôi dừng lại trước một phòng đầu dãy nhà quét vôi hồng. Có lẽ là phòng của sơ giám đốc. Ở đây tôi gặp một người nữ tu nhiều tuổi hơn, đeo kính trắng, (có điều tôi để ý là những người nữ tu áo xanh ở đây sao hay bị cận thị). Bà ngồi sau chiếc bàn rộng mà hai hàng sách xếp hai bên đã chiếm gần một nửa. Bức tường sau lưng bà là một tấm hình màu lớn chụp quang cảnh một ngôi thánh đường vĩ đại nào đó, với những vòm cong cổ kính, với cây cầu bắc qua một mặt sông phẳng lặng, in hình bầu trời và ngọn tháp cao vút.
Thấy tôi và người nữ tu bước vào, sơ giám đốc xếp cuốn sách dày cộm bà đang đọc, sửa lại gọng kính ngó lên. Lần này tôi được mời ngồi xuống chiếc ghế kê sát tường gần phía ngoài nên không nghe rõ những câu đối thoại của họ. Người nữ tu trẻ hình như phải cố gắng lắm để trình bày rành rẽ đầu đuôi câu chuyện và sự có mặt của tôi ở đây. Chừng vài ba phút sau tôi mới được mời tới ngồi xuống chiếc ghế kê sát bàn sơ giám đốc.
Bà nói với tôi:
- Đúng ra nội quy ở đây không trù liệu để cho các thân nhân vào thăm con em khi bị đau ốm, không tiện cho nội trú. Hơn nữa, ở đây lại là một phần hoạt động tu viện chúng tôi nên sự ra vô của những người lạ rất hạn chế.
Sau đó tôi được biết thêm là bệnh thất cho các em ở nội trú và bệnh thất của các sơ áo xanh trong tu viện này chung là một. Người nữ tu trẻ nói với tôi thế, khi tôi theo bà đi sâu hơn vào phía trong, qua một dãy nhà và một vuông sân nhỏ nữa.
- Em Chi nằm trong này, mời ông vào.
Theo người nữ tu áo xanh bước vào một căn phòng nhiều màu trắng, đi qua một hàng giường bỏ trống tôi đứng lại nơi chiếc giường buông kín mùng ở góc phòng. Chi đang nằm trong đó. Người nữ tu vén mùng lên. Ba chủ nhật xa Chi để rồi đến nhìn em xanh xao trên giường bệnh, lòng tôi thắt lại. Cánh áo nhàu, mái tóc rối, Chi nằm ló đầu ra khỏi mép chăn, môi bỏng khô lớp da hồng trông thật tội nghiệp. Giá hồn tôi là tảng đá lớn thì có lẽ bây giờ cũng vỡ tan ra hàng trăm triệu mảnh. Chẳng làm sao để diễn tả nổi điều ấy, nơi góc ngực tôi nặng nề, nghẹn đau. Những giọt máu đi đã chẳng chịu về trong trái tim nhỏ nhoi này. Trong giây phút tưởng tất cả đều ngưng nghỉ ấy, bất chợt tôi ho lên làm vỡ rời từng khoảng không thinh lặng trong căn phòng. Chi đang nhắm nghiền mắt mệt nhọc thở, bỗng choàng tỉnh dậy. Đôi mắt Chi như chiếc lá khô trở mình vô hồn, không còn nhận thức được gì. Em nhìn tôi một lúc lâu rồi lại nhắm lại.
Hai tay tôi bấu chặt lấy nhau để như cố dằn một cơn đau đớn, tôi quay sang hỏi người nữ tu đứng bên cạnh mà muốn khóc.
- Em ấy mệt đến thế sao cơ?
Người nữ tu cúi xuống đặt bàn tay trên trán Chi kêu còn sốt và lấy chiếc cặp thủy trong hộc tủ đầu giường đặt vào miệng Chi. Tôi cũng bắt chước bà đặt tay lên trán Chi rồi ngồi xuống mép giường, trong khi bà ngồi trên chiếc ghế đặt gần đấy, bên chiếc bàn thấp.
Tôi hỏi:
- Có phải đưa em đi bác sĩ không ạ?
- Chúng tôi có bác sĩ riêng, đã mời ông tới khám cho em rồi.
- Bác sĩ có nói em ấy bệnh gì không?
- Ông bảo chỉ cảm cúm thường thôi.
Cám củm thường. Tôi thở phào. Người nữ tu đưa chiếc cặp thủy nghiêng qua nghiêng lại ngang tầm mắt để xác định vạnh thủy ngân trong ống. 38 độ rưỡi. Sơ nói, rồi lau cái cặp thủy nhiệt độ bằng cái khăn riêng trong túi áo của bà, trước khi đặt nó trở lại chỗ cũ.
- Các em nội trú cũng đau ốm cảm cúm luôn, đau ốm trở mùa ấy mà. Nhưng ít ai phải xuống bệnh xá nằm, thường thì chỉ một hai ngày là khỏi. Còn em Chi đến hôm nay là đúng một tuần. Chủ nhật tuần trước giờ cơm chiều không thấy xuống ăn cơm, nghe bạn bè bảo con bé mới khóc vùi từ trưa. Tôi vội lên phòng thăm thì mới biết là cô ta đau đó chứ.
Khi nói chuyện với tôi, đôi mắt của người nữ tu trẻ nhìn xuống đôi bàn tay mình lồng nghiêm trang trong lòng. Những ngón tay nhỏ trắng muốt nổi bặt trên nền áo xanh của bà khiến cho tôi có cái cảm tưởng đó là những ngọn bạch lạp thanh khiết, thánh thiện. Những ngọn bạch lạp ấy giờ được ngồi bên Anh Chi. Dù thật là xót xa, thật là đau đớn. Nhưng trong cái xót xa đau đớn ấy đôi khi vẫn là một thứ hạnh phúc, bởi ở nơi chốn thẳm sâu nhất của tâm hồn mình đã biết mình đang hướng về đâu.
Hơi ngập ngừng một chút, người nữ tu trẻ khẽ ngước lên nhìn tôi rồi lại cúi vội xuống trên đôi tay mình:
- Hình như mấy tuần nay ông không tới đón Anh Chi phải không?
- Vâng, đã ba chủ nhật rồi.
- Tại sao vậy?
- Tôi… bận học.
Tôi bận học nhưng đúng ra chẳng học được gì. Làm sao mà yên chí học được trong khi cái đầu óc bệnh hoạn tôi cứ bay theo Anh Chi hoài, cứ nghĩ rằng không biết giờ này Anh Chi đang làm gì, đang nghĩ gì, hoài hoài mỗi lúc.
- Vậy hả.
Người nữ tu trẻ khẽ kêu lên:
- Kìa ông Huy.
Mắt Chi nhắm nhưng vẫn có hai giọt nước mắt ứa ra không ngờ. Rồi Chi khóc thành từng tiếng nhỏ rấm rức, cái miệng em méo xệch đi trông rất tội. Tôi vội nắm lấy bàn tay Chi, lay nhẹ.
- Chi, Chi. Anh Huy đây mà.
Chi nghiêng mặt giấu bên cánh tay. Em vẫn khóc. Đôi bờ vai nhỏ em co lai với những tiếng nấc tủi thân với những điều mà tôi bảo là bận rộn. Anh Huy bận đến nỗi chẳng tới đón em được như mọi buổi sáng chủ nhật. Răng tôi bậm chặt lấy môi, làm sao em hiểu được hở Chi. Tôi không biết có lời nào để dỗ dành em bây giờ, hơn là chỉ nắm chặt lấy tay em.
- Anh Huy đây mà Chi.
Chi vẫn không thôi khóc, nước mắt em ràn rụa đầy khuôn mặt xanh xao. Thật sự lúc này tôi chỉ muốn khóc theo. Đời sống còn được có lúc khóc vùi bên nhau là còn được an ủi, hạnh phúc. Tôi nhìn sang người nữ tu trẻ ngồi đối diện như cầu cứu. Nhưng cuối cùng không cầm được nữa, nước mắt tôi cũng vỡ ra.
Người nữ tu bối rối, vuốt nếp áo đứng dậy:
- Để tôi lên phòng lấy chai sirop của tôi xuống cho em ấy uống nhé.
Rồi bà thoăn thoắt bước, khuất mất ở cửa phòng còn khép hờ. Tôi nghĩ nếu còn ngồi lại, có lẽ bà cũng sẽ khóc theo chúng tôi mất. Bây giờ tôi mới để ý nhìn chung quanh, cả một khu bệnh thất không có một ai. Những hàng giường trắng xếp dài cho đến tận đầu tường đằng kia trống không, cánh cửa kính mờ ở đó cũng khép kín. Tôi lại lay mạnh tay lần nữa, gọi em:
- Chi… Chi…
Cùng với tiếng nấc còn sót lại, Chi quay ra nhìn tôi. Hai hàng mi bết những hạt nước mắt ấy của em mà tôi chỉ muốn cúi xuống. Và có lẽ một hạt nước mắt nào đó của chúng tôi đã hòa lẫn vào nhau, trên khuôn mặt thật buồn của người con gái nhỏ.
Tôi rút chiếc khăn trong túi chấm vội những giọt nước mắt trên mặt tôi và trên mặt Chi, hỏi em:
- Chi mệt lắm không?
Chi khẽ gật đầu.
- Chi giận anh lắm hả?
Hai hàng mi Chi cụp xuống. Tôi nắm lấy vai em:
- Chi nói với anh một câu đi.
Nhìn tôi, miệng Chi méo xệch chực khóc trong câu nói thì thào:
- Chi mong anh bao nhiêu lần mà chẳng thấy anh đâu.
Tôi quay đi nơi khác để tránh đôi mắt và đôi môi Chi có thể làm tôi lại ứa nước mắt lần nữa trong lúc này. Sao hồn tôi yếu đuối quá sức.
- Chắc anh Huy bận lắm hở?
Tôi lắc đầu:
- Không.
- Sao hồi nãy Chi nghe anh nói…
- Anh nói vậy thôi vì chả biết nói thế nào để cho người khác hiểu được.
- Sao anh không tới đón Chi?
Tôi định nói, anh sợ Chi à, nhưng tôi giữ lại được. Im lặng nhìn ngược lên trần, để tưởng những giọt nước mắt rơi ngược vào lòng mình, xót xa.
- Anh Huy… bộ anh hết thương Chi rồi sao?
Bất ngờ, Chi ôm lấy cánh tay tôi, giọng như muốn khóc. Đôi môi khẽ run run em ngậm lấy ngón tay út, nhìn tôi ngập đầy trách móc.
- Hơn bao giờ hết Chi à.
Tôi cúi xuống hôn vội lên vầng trán thơm của Chi.
- Anh cũng mơi đau khỏi đó Chi.
Chi nắm cánh tay tôi bằng cả đôi bàn tay bé nhỏ của em.
- Anh đau suốt mấy tuần lễ nay sao?
- Không, chỉ một vài ngày thôi.
- Sao những tuần lễ khác anh không tới với em?
Tôi xoay người, xòe cả đôi bàn tay đặt lên mép giường.
- Cho anh mượn tay của Chi đi.
Không chút lưỡng lự, Chi đặt cả hai bàn tay em vào lòng bàn tay tôi. Tôi hỏi em một câu thật lạ:
- Chi tin anh không?
Hai hàng mi Chi khép xuống, em khẽ gật đầu. Tôi nắm chặt lấy tay em, nói khẽ:
- Mọi chuyện rồi Chi sẽ hiểu.
- Vâng.
Tôi nâng bàn tay Chi lên kính cẩn hôn. Đôi bàn tay em nóng như vừa hơ vào lửa.
- Hồi sáng nghe sơ giám thị nói Chi đau nặng, anh lo quá.
Chi rút đôi bàn tay lại, hoảng hốt:
- Sơ giám thị có biết anh vào đây sao?
- Biết chứ. Bà nhất định không cho anh vào thăm…
- Thế rồi làm sao anh vào được?
- Anh tông đại cửa và bị chặn lại.
Bàn tay Chi đặt ngang miệng để ngăn một tiếng kêu kinh ngạc:
- Trời ơi, anh gan thật như vậy sao, anh không sợ gì sao?
- Anh chẳng cần biết gì. Anh chẳng sợ gì. Anh làm náo loạn cả phòng khách buổi sáng. May quá có sơ mắt to ban nãy đó, bà dẫn anh vào gặp sơ giám đốc nên anh mới được phép vào đây đó chứ.
Chi tròn mắt:
- Sơ giám đốc cũng biết anh nữa hở anh?
- Biết chứ. Nhưng có sao đâu.
Chi im lặng. Tôi hỏi:
- Sao Chi lại sợ như vậy?
- Tự dưng vậy. Tại hôm nọ Chi theo sơ giám thị lên phòng sơ giám đốc một lần…
- Bộ sơ giám đốc la Chi hở?
- Không có la gì nhưng mấy bà ấy cứ gạn hỏi em đủ điều làm em sợ.
- Mấy bà ấy hỏi Chi những gì?
- Hỏi thăm về gia đình, về những người quen biết…
Tôi nắm lấy bàn tay Chi:
- Họ có hỏi gì về anh không?
- Có, mấy bà ấy cứ hỏi thăm anh tên gì, học ở đâu.
- Rồi Chi trả lời sao?
- Chi nói như anh đã dặn rồi đó. Mấy bà ấy cứ vặn hỏi lại như đi theo dõi đằng sau, sợ lắm anh.
- Kỳ cục. Sao anh không ưa mấy bà ấy chút nào.
- Nhưng sơ Catherine dễ thương đó chứ anh.
- Sơ Catherine nào?
- Sơ mắt to ngồi đây hồi nãy đó mà.
- Ừ, có Sơ ấy là dễ thương. Sơ mà Chi kể chuyện cho anh nghe là ngồi đàn trong nhà thờ cũng khóc chứ gì?
- Anh còn nhớ à?
- Nhớ chứ.
- Sơ phụ trách phòng Chi đó anh. Tuần lễ này Chi bệnh, tối nào trước khi đi ngủ Sơ cũng ghé ở lâu với em.
- Sơ Catherine coi bộ cũng thương em ghê.
- Con nhỏ Thảo ghen đó anh.
- Ghen sao?
- Nó bảo em có nhiều người thương, nó không thèm chơi với em nữa.
- Rồi sao?
- Rồi em khóc, nó lại tới chơi với em.
- Các cô lắm chuyện thật.
- Lắm chuyện gì đâu. Tại anh hết chứ bộ.
- Sao lại tại anh?
- Em không biết. Anh mà quên em nữa…
- Thì sao?
- Thì em khóc nữa.
- Khóc nhiều mù mắt đấy cô ạ.
- Mù cho mù luôn. Mù không thèm nhìn thấy ai nữa hết.
Tôi cười, hất một lọn tóc loà xòa trước trán Chi:
- Bây giờ coi bộ Chi khỏe rồi hả?
Chi vẫn xị cái mặt xuống:
- Em đau cho em chết luôn.
- Đừng thế chứ.
Tôi cười dứ dứ một ngón tay vào sống mũi Chi:
- Mới đau đây mà đã “xù” lên ngay rồi.
Chi chớp lấy ngón tay tôi, cắn mặnh một cái. Tôi kêu lên vẻ rất là đau đớn.
- Chết anh bây giờ đây nè.
- Ai bảo anh bỏ quên em làm chi.
- Đâu có.
- Em thèm vừa đi vừa có cái gì ăn trong túi ghê cơ. Tuần sau nhớ tới đón em đi phố nghe.
- Nhỡ em còn đau?
- Em sẽ hết đau.
- Sao biết được.
- Thì anh cứ hứa đi là em hết đau liền.
Tôi gật đầu hứa và chẳng muốn mình nghĩ ngợi gi khác nữa, lúc này. Dù thực sự nỗi lo âu lúc nào cũng vây bọc, đeo đuổi bên mình, làm sao quên được. Sự gần gũi của chúng tôi mong manh như sợi khói, thở mạnh là tan biến mất.
Người nữ tu trẻ đến ngay sau lưng tôi mới biết là bà đã bước vào nãy giờ. Bà cầm hộp thuốc màu cam trên tay. Đến bên đầu giường Chi, hỏi:
- Em có ngủ được không, Chi?
- In ít thôi sơ.
Chi trả lời, đôi môi chu dài… dễ ghét. Tôi nghĩ thầm, thật dễ ghét. Người chi đâu mà hễ biết ai chìu mình là làm nũng liền.
- Thế thì nên uống hai muỗng.
Soeur Catherine, người nữ tu mắt to vừa đong thuốc vào chiếc muỗng nhựa hình như vừa ngó tôi dò xét. Nhưng đôi mắt hiền của bà, tôi cảm thấy an lòng hơn là phải lo lắng, giấu giếm gì.
Tôi nói đùa:
- Nhìn sơ có vẻ giống một nữ y tá hơn.
Không ngờ câu nói của tôi làm người nữ tu trẻ luống cuống là đổ mất muỗng sirop bà vừa đong ra. Bà đặt chai thuốc xuống rồi tìm chiếc khăn lau nhanh những giọt thuốc rớt trên áo, mặt đỏ bừng:
- Tôi có là y tá chắc cả đời cũng tập sự thôi.
Tôi đứng lên giúp bà cầm cái muỗng.
- Bây giờ sơ để tôi làm y tá phụ cho.
Sơ Catherien lau những ngón tay bằng miếng bông gòn thấm nước vừa chúm chím miệng cười trong câu nói:
- Này ông y tá, trong trường hợp một bệnh nhân ông chăm sóc nằm khóc thì ông biết phải làm sao để dỗ họ nín không?
Á à, tiếng reo khẽ vang trong đầu tôi. Đồng thời tôi phải vận dụng ngay một câu trả lời thích ứng.
- Thưa sơ, điều đó thật hơi khó.
Quay sang Chi, tôi nói to khi đã đong đầy một muỗng thuốc.
- Anh đong vào ly cho Chi nhé.
Chi nhăn mặt không chịu.
- Em thích uống bằng muỗng cơ.
Tôi quay sang nói với người nữ tu áo xanh, giờ đang ngồi ngay ngắn lại với những ngón tay bạch lặp xếp trong lòng:
- Một bệnh nhân hay khóc có lẽ phải chăm sóc như thế này phải không ạ.
Bà cười nhỏ với tôi, lúc tôi đưa muỗng sirop vào miệng Anh Chi. Hai lần như thế, người nữ tu giúp tôi nâng đầu Chi lên hơi cao một chút để uống những muỗng thuốc.
- Tôi chưa thấy ai uống thuốc như thế này.
Nụ cười của người nữ tu trẻ vỡ khẽ từng tiếng, nở đều những hạt răng trắng muốt dễ thương. Và trên má bà những chỉ máu nổi rõ lên cùng với đôi mắt to long lanh sau lớp thủy tinh, bà nhìn làm tôi đến luống cuống. Tiếng cười như những nốt đàn chạy đuổi bắt nhau trên phím bất chợt ngừng lại, khi tôi định nói với bà một câu.
Lúc ấy, tiếng chuông nhỏ vang lên từ phía sân đổ dồn một hồi. Câu nói của tôi đã bị lẫn vào tiếng động nên người nữ tu khôgn thể nghe được. Bà vuốt vội nếp áo đứng dậy.
- Đã đến giờ nguyện kinh trưa.
Tôi biết là mình chũng phải đứng dậy theo bà ra ngoài. Nắm vội lấy tay Chi, tôi nói:
- Bây giờ anh về nha.
Chi nằm im ngó tôi. Tôi sợ em khóc nên phải đánh thức bàn tay em bằng cái siết mạnh.
- Chi nói gì với anh.
Đôi mắt Chi tối lại, đôi môi em run run:
- Anh nhớ tới đón Chi.
Tôi gật đầu cười tươi với Chi rồi cúi môi xuống trên những ngón tay của em:
- Ngủ ngon nha, và mau khỏi đau.
Đặt tay em ngay ngắn trước ngực, tôi bước theo sơ Catherine. Bà còn quay lại nói khẽ.
- Ngủ ngon suốt một tuần lễ để chủ nhật anh Huy tới đón về chơi nha.
Ra tới cửa tôi quay lại còn thấy Chi nhìn theo. Hình như em khóc. Lòng tôi rã ra từng phiến xót xa. Ngay lập tức tôi muốn biến mình thành vôi thành vữa, thành tường, thành gạch đá, bụi cát để ở lại với Chi. Chân bước theo những bước săng-đan của người nữ tu thoăn thoắt dọc dãy hành lang nhưng hồn phách tôi thì vẫn còn đâu cửa phòng nơi Chi đang nằm dõi theo và đang khóc.
Hơi nghiêng đầu chào tôi, người nữ tu băng vội qua con đường nhỏ trước cửa phòng khác nội trú để sang khu cầu nguyện. Rồi tiếng nguyện kinh cất lên bằng một giọng cao đều đều trong buổi trưa vắng lặng, nghe nao nao buồn. Anh về tha hồ nhớ em, suốt một tuần. Bước xuống những bậc cửa, tôi bỗng cảm thấy buồn chết ngất được với ý nghĩ, anh về để rồi xa em, suốt một đời. Tôi không muốn rời nơi Chi ở một chút nào hết.
Về đến nhà, xoải dài người giường tôi thở mỏi mệt. Nhưng hình như không phải là tôi, mình đã để quên mình ở lại nội trú mất rồi. Và rất nhiều người nữ tu mắt to dễ thương kia, tôi cũng quên mất.
Sáng thứ tư, thay vì phải nhai nốt chương cuối cùng của cuốn kinh tế dày cộm thì tôi lại bỏ dở. Tôi biết mình phải bỏ dở vì sốt ruột quá. Sang nhà Trường mượn chiếc xe đạp của Chúc, tôi phóng tới nội trú trường Chi hôm nào. Chiếc ly, chiếc muỗng và cái khay để Chi pha sữa. Mỗi thứ đều được bọc lại bằng một lớp giấy trắng và được xép vào cái túi xách cũng màu trắng. Qua phố tôi còn ghé lại một tiệm tạp hóa hỏi mua một hộp sữa bột, người bán hàng chỉ tôi hỏi nơi tiệm bán thuốc gần đó. Tôi xếp hộp sữa vào cái túi xách chung với những thứ mà tôi nghĩ là một món quà tặng. Món quà tặng của một người con trai gửi người con gái, lạ nhất trên đời.
Đứng ở phía sau nhà nguyện, khuất bên những cụm mẫu đơn trắng, tôi đợi giờ nguyện kinh trưa tan. Khoảng mười một giờ rưỡi, những người nữ tu áo xanh nối đuôi nhau lặng lẽ rời nhà nguyện. Một số sang phía nội trú, một số leo những bậc đá lên dãy nhà hai tầng, hẳn là tu viện, ngay sát đó. Tôi để ý thấy soeur giám đốc, là những người tôi nghĩ rằng mình phải cẩn thận để giấu mặt, cả hai cùng lặng lẽ đi bên nhau vội vã trở về khu nội trú. Không thấy sơ Catherine, người mà tôi đợi muốn gặp. Dăm phút sau, chừng như tất cả các bóng áo xanh đã khuất hết, tôi mạnh dạn bước vào nhà nguyện khi thấy cửa bên hông còn hé mở và tin chắc người nữ tu trẻ dễ thương còn ở trong đó.
Bà còn lại một mình trong đó, đúng như tôi đã nghĩ. Người nữ tu đạo đức hốt hoảng khi thấy tôi đứng ở cửa. Bà kêu lên:
- Ông Huy, ông đi đâu vậy?
Cùng với câu hỏi bỡ ngỡ, bà vội vã đi ra. Đứng lại cách tôi ngoài hai bước dài, bà lúng túng thấy rõ.
- Ông… ông…
Tôi đỡ lời bà:
- Tôi muốn vào thăm em Chi.
Người nữ tu bẻ bão tay:
- Không được đâu. Ông phải đợi chủ nhật chứ.
- Tôi muốn nhờ sơ giúp. Sao tôi cảm thấy sốt ruột quá.
- Không được đâu.
Người nữ tu từ chối, dằn từng tiếng. Luật lệ ở đây nghiêm lắm, như chủ nhật vừa rồi, đã là phiền lắm. Bà quỳ gối bái lạy ở cửa nhà nguyện trước khi bước ra hẳn ngoài với tôi. Tôi hỏi:
- Thưa sơ, không biết em ấy có đỡ chút nào không ạ?
- Bớt nhiều rồi, người nữ tu khẽ cười với tôi, em ấy đã được đưa trở về phòng hôm qua. Tôi đưa cái túi xách màu trắng cho bà.
- Sơ cho tôi gửi cái này cho em Chi. Đáng lẽ tôi phải được vào thăm em ấy.
- Đáng lẽ phải được cơ à?
Người nữ tu trẻ nhìn tôi, môi hơi mím lại. Tôi thấy đôi mắt bà thật sáng sau lớp thủy tinh, ở đuôi câu nói.
- Vâng tôi không ưa cái cổng nội trú chút nào hết.
Trả lời thế, tôi nhận ra giọng mình có ngậm một chút gì hậm hực, bất mãn. Một điều mới lạ chưa bao giờ xảy đến với tôi. Từ nhỏ, chưa bao giờ tôi biết oán hận, biết bất mãn trầm trọng một điều gì. Ngay lúc này đây, cũng chỉ là hạt mầm.
Người nữ tu đỡ lấy xách từ tay tôi hơi bị hẫng xuống vì không lường được sức nặng. Có lẽ bởi nghĩ nó nhẹ hơn. Bà hỏi:
- Tôi có thể biết cái gì trong đó được không?
- Nếu sơ muốn.
- Nhưng tôi không cần mở.
Người nữ tu có dáng điệu của một thiếu nữ nhí nhảnh vui tươi. Tôi nghĩ, nếu người ta quên chiếc khăn trùm trên đầu và những nếp áo xanh của bà, có lẽ sẽ có… lắm chuyện hơn. Đời sống tu trì hình như là một lớp men phủ bọc lấy tâm tính con người, làm khô cứng lại, mất đi những nét tự nhiên rất đẹp của nó. Lớp men đó chỉ cho ta thấy hình ảnh những người nghiêm trang như tượng, khép nép trong câu nói, khép nép trong cử chỉ. Và, như là một hình ảnh buồn bả. Đời sống không là sự bi thảm, vì đó là một đời sống được chọn lấy tự mình. Chiếc khăn trên đầu người nữ tu trẻ trước mặt tôi bỗng trở thành mái tóc của người con gái, tôi tưởng thế, với cử chỉ và giọng nói của bà, rất hồn nhiên, tươi trẻ. Đó là người nữ tu đầu tiên mà tôi biết tới với niềm quý mến và kính trọng.
Bà ngó thẳng vào mắt tôi:
- Ông Huy này, và tôi còn biết nhiều hơn thế nữa kia.
Tôi hơi chột dạ:
- Biết gì cơ ạ?
Bà cười, nếu là một thiếu nữ có đôi môi tươi như thế, hẳn đã có khối kẻ đòi… vay nụ cười ấy, tôi nghĩ vậy từ lần trước. Nhưng bây giờ thì ba đang làm tôi bối rối.
- Chẳng hạn như biết ông tên Huy và biết người mà ông đòi vào thăm tên Chi.
Như có cơn gió thổi thốc tới, tôi bỗng thấy mình chao đi mất bình thĩnh. Sự liên hệ giữa tôi và Chi đã có người biết rõ? Một điều mà tôi hằng lo sợ sắp xảy tới rồi chăng?
Tôi đánh bạo dọ dẫm soeur Catherine:
- Thưa sơ, có chuyện gì quan trọng lắm không ạ?
- Không, không - Người nữ tu cười khẽ, đùa ông một chút vậy mà. Được rồi để tôi mang những thứ này vào cho em Chi - Nhìn chừng tôi một giây, bà nói, thường những trường hợp này phải trình cho sơ giám thị biết. Nhưng thôi, chả có gì phiền phức. Rồi bà gật đầu chào tôi quày quả bước đi. Hôm nay tôi phải trực giờ cơm, không chừng trễ rồi.
Thưa soeur, tôi định dặn với theo một câu nhưng thấy bà vội vã nên lại thôi. Soeur nói với em Chi là chiều nay nếu khỏe rồi thì ra đứng ở cửa sổ phòng đợi tôi ngang quạ Tôi không nói được câu đó và tiếc là tại sao mình không có một miếng giấy và một hàng chữ cho Chi. Tiếc quá.
Trở về với ý nghĩ miên man, tưởng tượng ra ánh mắt mừng rỡ của Anh Chi khi mở từng thứ tôi gói cho em, với những tiếng muỗng khua lách cách và bờ môi hồng ngậm lấy vành thủy tinh. Nhưng sao tôi vẫn chẳng thấy mình hớn hở được. Hình như tôi linh cảm có chuyện gì rất buồn rồi sẽ xảy tới.