Nhóm Chín bốn & Bạn hữu - Hồng Đức - Đà Nẵng
Lần nào cũng vậy, tiễn tôi ra phi trường ngoài rể tôi, vẫn là anh. Người anh ruột của chồng tôi.
Tôi đã đọc biết bao câu chuyện, bao nhiêu cuộc đời của mỗi người. Nhưng có câu chuyện ngay bên đời thực, đang hiện hữu bên tôi, cho tôi cảm nhận tình thân của gia đình, cho tôi cái ấm áp êm đềm và rất trân trọng.

Gia đình chồng tôi anh em trai rất đông. Khi tôi là bạn gái của chồng tôi, các anh chị em trong nhà anh đã thân thuộc với tôi. Hai cô em gái, bảy anh em trai, tổng cọng cũng tàm tạm đông: chín người, chưa kể người đã mất. Anh là người anh kề trên của chồng tôi, anh hơn chồng tôi hai tuổi, nhưng thời trung học do trốn lính nên anh học chung lớp với chồng tôi.

Sau biến cố 1975, hai anh em cùng đi làm công nhân đường dây bưu điện, cùng bên nhau trên mọi công trình xa xôi, cách trở. Và anh cũng hiểu mối tình của tôi, đồng cảm với hoàn cảnh xa cách của hai đứa.

Mỗi lần anh về phép mà không có chồng tôi, anh thường đến nhà thăm tôi, rồi dẫn tôi cùng cô em gái anh đi ăn vặt, đi xem phim. Tánh anh hài hước, vui nhộn lại chịu khó. Kỷ niệm lớn nhất trong đời anh dành cho tôi là một hôm anh sắp đi làm xa, anh đem đến nhà đưa tôi mượn cái máy cassette nói, "Em mở nhạc nghe cho đỡ nhớ người yêu". Ngày đó để có cái máy nghe nhạc là một tài sản lớn lắm. Niềm vui không thể diễn tả trong tôi. Một người anh tuyệt vời làm sao!

Tình yêu chúng tôi được ba năm. Đó cũng là thời gian anh gần gũi, cảm thông, thân thiện và luôn xem tôi như một cô em gái.

Ngày cưới của chúng tôi anh là phụ rể. Anh dễ hoà đồng lại luôn vui nhộn nên gia đình, bạn bè tôi đều thương, gần gũi quí mến anh.

Những ngày về làm dâu, tình cảm gia đình còn thấm thiết hơn. Không riêng anh mà cả gia đình mình sống trong thiếu thốn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Về làm dâu em mới biết mấy anh em trai mặc chung áo, đi chung một chiếc xe đạp.

Những năm đầu thay đổi chính quyền, gia đình đông con nào cũng gian nan vất vả, ăn mặc thiếu thốn. Anh nhìn cảnh nhà mình, ba chị em chồng cùng mặc chung chiếc áo lạnh, rồi những bữa cơm độn sắn chấm mắm ruốc. Nhìn ba mẹ thở dài, bất lực nhìn tương lai tăm tối, anh quyết định tìm cách cho anh em ra đi. Những ngày lặn lội đầu non, góc biển để tìm liên lạc môi giới, để rồi bị bạn lường gạt, mất trắng tay. Anh vẫn không nản chí, tìm con đường khác. Anh là một thanh niên lanh lợi, tháo vác. Lo sợ bị mất như lần trước, anh làm quen để xin làm con nuôi một gia đình gần bên biển, sống chân tình yêu thương gần gũi gia đình má nuôi để tính con đường ra đi.
   
Lúc đó tôi là con dâu, nhận đủ tình thương mọi tín nhiệm của mọi người trong gia đình nên tôi biết tất cả mọi chuyện. Có những lúc về nhà, nhìn mâm cơm nghèo nàn, anh giả vờ ngồi bên tôi nói chuyện lớn với gia đình mà lén đưa tiền phía sau nói nhỏ tôi đi mua bún. Chỉ mong ăn tí bún nước mắm thôi nhưng anh sợ mẹ chồng tôi buồn nếu biết anh dùng những đồng tiền ít ỏi lo chuyện đi vào những chi tiêu khác, nên giả vờ mượn tôi. Nếu tiền tôi mua mẹ chồng tôi sẽ không la, không buồn.

Nhưng ngày đi cứ trục trặc này nọ, nhưng anh vẫn không nản chí. Anh muốn vợ chồng tôi cùng con gái ra đi với anh, nhưng tôi không chịu đi, nói là em có công việc, cuộc sống ổn định. Khuyên mãi tôi không đi anh gởi gấm ba mẹ lại cho tôi, và ngõ ý cho em trai tôi đi. Ngày xưa sao tôi khờ dại quá, chưa ý thức chính trị nên không cho em tôi cùng đi theo anh.

Rồi anh cùng với 5 anh em ra đi một buổi chiều nhằm ngày lễ quốc khánh, tiễn chân nơi bến đò Nam Ô. Tôi đứng nhìn chiếc phà đưa người thân về nguồn, cảm giác như chính là nơi chia tay mãi mãi ...

Tàu đi hai hôm thì nghe tin có bảo, cha mẹ chồng tôi bỏ ăn, cơn suyển cha tôi trở nặng. Người đi đối phó biển cả, người ở lại lo lắng, ưu phiền. Viễn cảnh sinh tử thật não lòng. Thế nhưng ông trời thương, mọi việc  cũng qua. Không bao lâu sau anh định cư ở Cali. Anh trở thành vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là người anh cả trông nom, chăm sóc 4 em tại xứ người. Tin vui về nhà, tinh thần ba mẹ chồng tôi sống lại, niềm hy vọng vẫn còn.

Ngày đó, tình thương là những món quà anh chăm bón gởi về chứ ngày gặp mặt vẫn còn là dấu hoi? Anh cũng gởi quà về biếu ba mẹ ruột của tôi. Những lá thư anh thường hỏi thăm ba mẹ, bạn bè, anh em của tôi. Anh là một người thật chu đáo, nghĩa tình.

Anh lo chuyện vợ chồng cho các em mà anh vẫn độc thân. Hơn 10 năm sau anh về thăm quê, người cha không còn. Lần về đó anh cũng đem tất cả số tiền anh có được về cho vợ chồng tôi mượn mua một căn nhà. Tình yêu thương anh dành cho vợ chồng tôi vẫn đầy ăm ắp như thuở nào.

Vợ chồng là duyên số. Lần về đó anh gặp cô em gái của một người bạn để rồi tính chuyện trăm năm. Năm đó anh 37 tuổi.

Năm sau anh về đưa vợ qua. Cũng năm đó ba của tôi mất. Được tin cái chết của ba tôi anh đến nhà khóc như đứa trẻ. Anh thương ba tôi lắm, những lần ba tôi nằm viện anh cũng gởi tiền giúp thuốc men. Một tháng sau, người chồng yêu dấu của tôi bị tai nạn, qua đời! Tôi không bao giờ quên hình ảnh anh cùng tôi đi nhận xác cha của ba đứa con tôi trong Nha Trang. Hai anh em cùng khóc. Tôi khóc chồng, anh khóc em trai. Ôi! Những ngày cuối năm 1993 đầy tang thương với tôi.

Chuyện vợ chồng anh không hạnh phúc. Lần du lịch đầu tiên đến Hoa Kỳ tôi hiểu và thương anh vô cùng. Anh đi làm hai ca trong ngày, đêm về lo con. Thiếu ngủ, đời sống tinh thần dằn vò. Điều may mắn, hạnh phúc nhất là anh em bên chồng tôi rất thương yêu bảo bọc nhau. Vì thương anh, mọi người làm tất cả những yêu sách của vợ anh để gia đình anh được hạnh phúc và các cháu có cha có mẹ. Nhưng cũng không thể cứu vản gì được. Cuối cùng, duyên nợ chấm dứt, vợ anh cũng bỏ anh khi anh đang bị tai biến, nghỉ việc. Cũng là người vợ, người mẹ sao không ai giống ai? Với anh có phải do kiếp trước hay sao mà giờ anh trả cái giá quá đắt. Vợ anh, người đàn bà chỉ biết tiền trên cả chồng con. Chị chia tay, lấy ngôi nhà và anh tôi dẫn ba đứa con nhỏ chưa đầy 5, 6 và 7 tuổi ra khỏi nhà với tấm thân bịnh hoạn.

Gà trống nuôi con, nhưng anh là chú gà trống bịnh hoạn, bầy con hay khóc, biếng ăn. Anh về sống chung nhà vợ chồng người em trai. Được cái tất cả anh em, dâu, rể đều thương anh. Mọi người chung tay lo cho anh. Mỗi lần qua Mỹ nhìn cảnh anh thật đau lòng. Nhưng tình yêu anh dành cho vợ vẫn không thay đổi, anh vẫn mơ một ngày vợ anh quay trở lại ...

Rồi anh mua nhà, với sự hổ trợ bão lãnh của chú em út. Không biết do cái chết của chồng tôi, hay nhìn đời sống vợ chồng anh mà chú út không lập gia đình để rồi tu tại gia. Nói mua nhà cho sang, nhưng thật ra mua nhà để có cái tự do riêng. Ngôi nhà cũng được lại có bàn tay giỏi giang của anh, làm thêm phòng, trồng cây, hoa quả đủ sắc màu ấm áp. Để đủ trả tiền nhà, anh rủ vợ chồng chú em về ở. Ngôi nhà nhỏ cho 3 gia đình chứa 8 thành viên. Ngày bước vào phòng ngủ anh, nước mắt tôi không thể chảy mà lòng đau không tả. Đây là nơi ngủ của một con người có tâm hồn tốt đẹp nhất đó sao ...?

Chồng tôi mất đúng 25 năm rồi. Cũng 25 năm đó tôi chứng kiến cuộc sống của anh. Vẫn tấm lòng hy sinh, chỉ biết sống cho mọi người. Vì gia đình vì người thân. Mỗi lần tôi qua Mỹ, nếu rể tôi đi làm thì anh đi đón tôi. Mọi sự đi lại, ốm đau, giấy tờ bác sỹ... anh đều giúp tôi. Tôi không biết lái xe, không biết tiếng Anh, anh giúp đỡ tôi trong mọi chuyện. Anh sợ tôi buồn, chở tôi đi shopping, đưa tôi đi ăn. Nhớ lúc tôi ở VN, được tin tôi bịnh, anh tức tốc ra dịch vụ gởi thuốc, gởi máy đo đường cho tôi. Sự săn sóc hôm nay cũng như ngày xưa khi tôi là bạn gái của chồng, anh dành cho tôi vẫn nguyên vẹn. Ân cần, chu đáo.

Tôi định cư trên đất Mỹ đã mười năm rồi. Tôi hay về VN và qua ở với con gái nhỏ ở miền đông Hoa Kỳ.  Mỗi lần về Cali có rất ít thời gian, thế mà anh vẫn cố dạy tôi lái xe. Khi tôi chập choạng chạy sai, anh nói lớn tiếng, rồi anh nhẹ nhàng ngay, "đừng giận anh nhé, tại anh nóng, em đừng giận anh nhé".

Anh ơi, thế gian này tìm đâu ra người anh chồng như anh, sao em lại giận anh.
Ba lần anh đưa tôi đi thi, ba lần động viên thế mà tôi vẫn rớt. Tôi không buồn nhưng chắc anh buồn lắm.

Hôm nay, sau 18 năm anh trở lại quê hương, cùng các con. Những đứa trẻ ngày xưa anh dẫn đi, gầy ốm không mẹ thật tội nghiệp. Giờ đã vào đại học, đã lớn khôn đã hiểu được cuộc đời. Chúng yêu thương anh và cùng nhau chăm lo cho anh.

Trở về VN lần này, sức khoẻ anh yếu hơn nhiều. Tóc anh bạc trắng, chân bước thấp, bước cao. Tai nghe không rõ, cơ thể gầy yếu bệnh hoạn. Thời gian đã làm con người anh thay đổi. Anh ít nói, ít cười đùa, không còn lanh lẹ, tháo vát như xưa. Tất cả đã đổi thay, chỉ còn một điều không thay đổi đó là tấm lòng của anh. Một tấm lòng cho đi không mệt mỏi ...

Cuối cùng anh vẫn là người đưa tiễn tôi hôm nay....
 
Phi trường Cali 16/7/18.

Ngọc Nga

Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
Anh của chồng tôi