Ba ơi!

Bạn nhắc khéo tôi: ''Mi làm thơ về hoa lá cỏ cây, người xưa người nay nhiều rồi, bây giờ thử viết bài về Ba đi!''

Vâng, tự thâm tâm từ lâu tôi cũng muốn viết dù chỉ là vài dòng chữ cho đấng sinh thành dưỡng dục của mình nhất là trong thời điểm cận kề ngày lễ tôn vinh người cha như lúc này. Nhưng tôi có đôi chút ngần ngại không muốn kể lể dài dòng vì ba tôi hiện đang lâm trọng bệnh, căn bệnh quái ác mà khi đi vào SG chữa trị, người ta đã cắt hẳn hai quả thận của ông và bây giờ ba nằm đó, như ngọn đèn trước gió cháy lắt lay không biết sẽ tắt lúc nào ...

''Gian khổ cuộc đời ai gánh nặng bằng cha''.

Có lẽ gánh nặng cuộc đời của ba tôi bắt đầu từ ngày ấy. Ngày dân tộc thống nhất, nói như ai đó, đất nước có một nửa số người vui và sẽ có một nửa số người buồn. Nằm trong một nửa số người buồn ấy, vì quá bế tắc trong thời cuộc, ba dắt díu đàn con, như cụ Tú Xương tiên đoán ''bồng bế nhau lên nó ở non''. Từ khi ấy cho đến bây giờ, đã quá nửa đời người, tôi vẫn không hề một lời trách móc vì quyết định vẫn biết là sai lầm đó của ba. Âu cũng là số phận. Nhưng cứ mỗi khi có dịp về lại Huế, Đà Nẵng gặp bà O ruột, em gái của ba rồi mấy thím dâu, bà nào cũng ái ngại cho anh em tụi tôi rồi than vắn thở dài: ''Anh ơi là anh, răng anh đem chi các con lên núi mà tội rứa?'' Tôi chỉ biết cười buồn an ủi: ''Thôi mà O, thím. O, thím nhìn mấy con vẫn mạnh khoẻ đây nì, có chi mà lo''. Và sau đó ôi thôi biết bao là quà cáp, bánh trái, đặc biệt là những thẩu mắm đủ loại để các cháu đem lên cho gia đình, thể hiện chút tình cảm của người thành phố dành cho dân ktm.

Ba tôi là người có tấm lòng. Thuở ấy, mới chân ướt chân ráo lên lập nghiệp ở vùng này với rất nhiều khó khăn vì đàn con thơ dại còn ăn học. Vậy mà khi ra chợ gặp một bà mẹ tay dắt tay bồng mấy đứa con lang thang xin ăn, hỏi ra mới hay vì chồng bỏ theo vợ bé, bà đâm ra lẩn thẩn không biết làm chi để nuôi con đành ra chợ sống nhờ lòng từ thiện của thập phương. Ba tôi ngỏ ý với bà mẹ tội nghiệp ấy xin một bé gái trạc tuổi em thứ tư của tôi về nuôi đến tận bây giờ. Nhưng khổ nổi, sau này có lẽ do gene người mẹ nên nó cũng lẩn tha lẩn thẩn như vậy và ... chẳng có chồng. Lại thêm một gánh nặng cho ba mẹ tôi, vậy đó ...

Ba cũng có lắm bạn bè thời còn làm việc. Sau này một số đã định cư ở nước ngoài, trong đó tôi nhớ có một bác tên là Văn, có lẽ là bạn thân nhất của ông. Hai người mất liên lạc với nhau từ ngày bác ấy ra đi. Có đợt ba về Huế, tình cờ qua bè bạn biết được số đ/t của bác ấy. Ba kể lại, vì mừng quá, ăn cơm trưa xong ba ra bưu điện gọi ngay cho bác Văn với tâm trạng hồi hộp, sướng vui là sẽ được nghe lại giọng nói thân quen của người bạn thân xưa. Điện thoại có tín hiệu, chợt ba giật mình vì tiếng đàn ông quát tháo gắt gỏng từ đầu dây bên kia: ''Ai vậy, ai mà giờ này còn gọi, có để cho người ta ngủ không, đi làm về mệt muốn chết đây nè ...'' Ba vội vàng gác máy, không kịp nói lấy một câu. Ôi, ba tội nghiệp của tôi! Vì vui mừng quá mà ba quên mất bạn của ba đang ở cách nửa vòng quay trái đất, bây giờ bên đó đang là một giờ sáng, giờ yên ngủ của mọi người. Tôi vừa buồn thương vừa cảm thấy bẻ bàng cho ba. Sau này hình như ba ''dị ứng'' với những người nào có bạn ở nước ngoài, vì vậy khi đứa bạn thân của tôi ở Mỹ về VN hẹn sẽ lên thăm, ba có vẻ hoài nghi. Đến khi tận mắt thấy tụi nó lỉnh kỉnh chở lên cho tôi đủ thứ quà thì ba mới thở phào và tấm tắc khen: ''bạn bè hồi đi học mà quý hoá thiệt''.

Tính ba rất xông xáo hay tham gia vào các hoạt động xã hội mà người ta gọi là ''thổi tù và hàng tổng''. Ba làm chi hội trưởng chi hội phụ lão của thôn một cách cam tâm tình nguyện chẳng có chút phụ cấp nào. Ấy vậy mà ba vẫn thường đạp xe đạp cả năm bảy cây số đi họp hội rất nhiệt tình, thậm chí cả tiền giấy bút, sổ sách ghi chép cũng tự bỏ ra luôn. Mỗi lần đoàn thể tổ chức đại hội là ba lại bảo tôi làm cho ba một bài văn hay thơ gì cũng được để ba lên đọc trước các cụ, ba rất vui về những đóng góp xã hội này. Tuổi già mà, có được niềm vui nào thì quý niềm vui ấy, tụi tôi vẫn khích lệ ba ...

Ba cũng là người trọng nhân nghĩa, một mẫu người trọng nghĩa khinh tài hiếm hoi trong thời buổi này. Và đây (nếu nói theo tâm linh) cũng là nguyên nhân dẫn đến đủ tai nạn, bệnh tật của ba trong khoảng thời gian mấy năm về sau này. Số là sau khu vườn của ba mẹ tôi có một cây sung cổ thụ lâu đời, có lẽ mọc trước khi ba mẹ tôi lên ở đây. Có người đồng hương xưng cháu và gọi ba tôi bằng chú, vị này cũng khá thân quen với gia đình tôi, hiện đang là phó giám đốc nhà nghỉ của tỉnh. Thỉnh thoảng vị ấy ghé thăm chơi và để ý đến cái cây sung kia rồi thiết tha xin ba tôi bứng cây đem lên cơ quan làm cảnh (chắc để lấy lòng cấp trên). Mẹ tôi không đồng ý vì theo bà cái cây um tùm tốt tươi như vậy thể nào cũng có ''người cõi trên'' trú ngụ nên dù rất nhiều người chơi bonsai đòi mua cây với giá cao nhưng mẹ tôi không bán. Vậy mà vị khách đó chỉ sau một thời gian làm thân, tâm sự với ba tôi đủ chuỵên nhân tình thế thái, trên trời dưới biển, ba tôi thấy cảm mến rồi ''ừ'', cho ông ấy bứng cái cây đi vô điều kiện. Tính ba tôi vốn mang một chút gia trưởng, không ai cản được và rồi chỉ sau một chầu nhậu tưng bừng mời hàng xóm láng giềng về dự đông đủ do vị ấy chi trả, cái cây được máy móc đào xúc và cẩu lên xe tải chở về thành phố làm đẹp cho nhà khách tỉnh. Còn ba tôi từ đó trở đi hầu như tai nạn đến liên tiếp. Năm đầu là té xe, năm sau bị mổ ruột thừa, rồi mổ mắt và tiếp theo là mổ u xơ tiền liệt tuyến. Đến cuối năm ngoái sau trận đau dữ dội ba phải vào SG, ở đó người ta cắt luôn hai quả thận của ba, bảo là do có khối u. Về nhà tưởng là ba sẽ mạnh khoẻ trở lại như thường, nào ngờ ... bệnh ba ngày càng trầm trọng. Má tôi đi cầu khấn khắp nơi nghe các cô đồng về phán là tại ba tôi cho đào gốc cây sung, phá nhà của người âm ở nên người âm ''bắt tội''. Dễ sợ chưa? Còn vị phó giám đốc kia khi đã đạt được ý muốn rồi thì một đi không trở lại bặt vô âm tín, ba tôi đau như vậy mà không một lần về thăm viếng, hỏi han. Ôi tình đời ...

Những cơn đau vẫn liên tục hành hạ ba đến tận cùng làm ba lúc nào cũng nghĩ quẩn. Tụi tôi hàng ngày chia nhau túc trực bên ba. Nhìn hình dáng gầy gò, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ của ba, tôi ứa nước mắt xót xa nhiều nhưng không biết làm sao. Nếu những cơn đau của ba mà là gánh nặng thì dù khổ cực đến mấy tụi tôi cũng xin được gánh vác đến cùng. Trong ký ức của tôi vẫn hiện rõ người cha ngày nào chiều chiều chở mấy anh em tôi dạo mát dọc bờ sông Hàn lộng gió. Những ngày chủ nhật hạnh phúc ba cho tụi tôi đi ăn mì hoành thánh, ăn chè sâm bổ lượng ở Ngã năm. Riêng tôi, ba hay chở vào mấy hiệu bán áo quần của người Ấn Độ mà thời đó được gọi là ''chà và'' ở đường Hùng Vương để mua cho tôi nhũng bộ váy đầm xinh xắn. Thế mà giờ đây ...

Ba ơi! Sao đến bây giờ mà cái khổ vẫn còn dai dẳng đeo bám ba hoài mãi vậy? Xin trời phật phù hộ cho ba tôi được một chút yên lành thơ thới trong những phút cuối đời này ...

17/5/10