Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Ba Tôi Làm Người Mẫu
Năm đó Ba tôi đã 65 tuổi, sau hơn mười năm bị giam ở trại cải tạo, sức khỏe của ba đã tàn nhưng tinh thần còn sáng suốt lắm. Tuy vậy, quyết định đưa đàn con đi định cư ở một đất nước xa xôi khiến Ba tôi ray rức nhiều ngày tháng. Thực tế chẳng bao giờ giống như mình tưởng tượng. Những lá thư từ bạn bè, người thân gởi về trình bày hoàn cảnh nơi sống mới không chính xác, thật ra, họ cũng chẳng am tường gì cho lắm. Mấy cha con tôi lê thê lếch thếch ra đi, ra khỏi nước bằng máy bay hẳn hoi, không phải vượt rừng, vượt đại dương gì cho cam go.
Tôi nhớ rõ ràng, sáu người người trong gia đình tôi đặt chân đến vùng đất tự do này với vẻn vẹn hai trăm đô la trong túi, không kể là biết bao nợ nần còn vương vấn nơi quê nhà. Vậy mà cái xách tay đựng tiền đó tôi đành đoạn bỏ quên trên máy bay khi chuyển phi trường ở Los Angeles. Máy phóng thanh réo tên mình oang oang tôi cũng chẳng nghe được, đến khi có nhân viên của chương trình IBM đến giúp đỡ, tôi trình bày đúng những gì trong xách tay của mình, và được hoàn lại nhanh chóng, dễ dàng. Buổi tối đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, tiếng Anh đầu tiên tôi xử dụng là lắp bắp hai chữ thank you trong ràn rụa nước mắt.
Mấy cha con sau một đêm nghỉ lại ở một hotel sang trọng, món gà chiên cho buổi ăn tối đầu tiên nơi xứ người đã khiến chúng tôi muốn ói vì chưa quen với mùi bơ. Cả nhà ăn tạm bánh tráng, bánh in mang từ VN trong ba lô. Sáng hôm sau, chúng tôi được lên máy bay sang Denver rồi về Georgia. Chỗ ở đầu tiên là căn nhà ngay trung tâm thành phố Atlanta. Ngày ngày chúng tôi đón xe bus đi học tiếng Anh, học chữ và học cả cách giao tiếp. Mỗi học sinh có mặt trong buổi học trước khi ra về được cô giáo cho hai đồng token, là loại tiền để dùng trả cho xe bus hoặc tàu điện ngầm, đó là một cách khuyến khích những người di dân đến với lớp dạy tiếng Anh. Chúng tôi vừa học sinh ngữ vừa lo học lái xe, những tháng đầu, cuối tuần nào cũng có môt vài người Việt đến thăm và chở chúng tôi đi chợ mua thức ăn, có người mang gạo, nước mắm, bánh mì hay thịt hộp đến biếu. Thỉnh thoảng có người từ các cơ quan từ thiện đến đưa chúng tôi đi nhận áo quần ở những nơi bán áo quần cũ. Mỗi người trong gia đình được phát một cái bao nylon loại lớn, đi vòng vòng trong tiệm tha hồ chọn những món mình ưa thích, miễn sao đầy bao là được. Chị em tôi tham lam chọn toàn là đồ vét, com lê bằng nĩ dày cộm, cháu bé con gái tôi thì ôm vô số gấu nhồi bông, búp bê…Ai cũng mừng rỡ vì khỏi phải chi tiền ra mà có đồ dùng, tiết kiệm được những đồng tiền trợ cấp, ai cũng vui. Tôi nhớ có lần tôi đi chợ, muốn mua một cái chổi quét nhà mà ngần ngừ mãi, giá một cái chổi là $7, tôi nhẩm tính ra tiền VN mà hoảng hồn, không dám mua. Vậy mà Ba tôi trong một lần đi chợ, ông mua một bộ dao kéo, tông đơ điện để cắt tóc, tôi nhớ dạo đó chừng $19.99, thật là một khoảng tiền khá lớn, Ba tôi giải thích: Nhà có hai người đàn ông, mỗi lần ra tiệm cắt tóc mất cũng hai ba chục rồi, chưa kể là phải nhờ người ta chở đi nữa. Mình cắt môt vài lần là lấy lại vốn. Sau khi Ba tôi nghiên cứu tập giấy kèm trong bộ đồ nghề về hướng dẫn cách xử dụng, ông đem tự điển Bách Khoa Toàn Thư ra tra tới, tra lui, thái độ rất tự tin, vui vẻ, yêu đời.
Thế là một ngày đẹp trời, Ba tôi hy sinh làm người mẫu cho chị em tôi luyện tay nghề. Đầu tiên là cô gái út, nổi tiếng khéo tay và từng là thợ cắt Âu phục bên VN. Không biết sao, mới gắm điện vào, đưa một phát, đầu tóc ba tôi bên phải trắng hếu. Con nhỏ hoảng hồn la lên, chết, sao nó ủi nhanh quá vậy. Con bé lấy cái kéo sửa tới sửa lui, nó lẩm bẩm, cắt bằng kéo coi bộ chắc ăn hơn. Hì hục cả buổi con nhỏ vẫn chưa dám đưa cái gương cho Ba tôi soi. Cô em kế ngồi nhìn em mình làm thợ cắt tóc, coi bộ không xong bèn làm khôn lên tiếng: Để tau, tông đơ bằng điện mà mi giởn hoài. Cô bé cẩn thận để cái lược lên rồi mới bấm tong đơ, vèo…liếm sát da đầu, trắng hếu nửa. Kỳ ghê ta, con nhỏ sửa tới sửa lui, chê cái đầu Ba mình bị méo nên khó cắt cho đẹp. Cậu em tôi chê hai con em gái không biết xử dụng đồ nghề bằng điện, nó cũng thử tay nghề, húi một phát, phía trước, mặt tiền của Ba tôi bị xẹt một phát, bên cao bên thấp. Đến phiên tôi ra tay nữa thì trời ơi, trông Ba tôi ngố như một người thường trú ở bệnh viện tâm thần đi lạc ra ngoài. Vậy mà ba tôi soi gương, dòm khuôn mặt khùng khùng của mình rồi cười cười, kệ, xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy lúc, mai mốt tóc dài ra mấy hồi.
Thằng em trai nhìn thấy mái tóc quái đản của Ba tôi thì e dè. Không dám chê, không dám phê bình, ngậm ngùi leo lên ghế ngồi đưa đầu tóc cho ba đứa tôi thực hành tiếp. Hắn khôn ngoan phán cho một câu, cắt tự do, đi ra ngoài tui đội mũ lên là chắc ăn nhất.
Tôi thương cái tính của Ba tôi dễ dãi, hiền hòa, ông chẳng những không phàn nàn về mái tóc không giống ai của mình mà còn lạc quan kể về những ngày mới vào trại cải tạo. Trên đó cũng đâu có ai biết cắt tóc là gì. Có một chú vì quá ốm yếu, không đi ra ngoài lao động được nên khi cán bộ hỏi ai biết cắt tóc, chú giơ tay lên. Hy vọng làm chức thợ cạo này được nhàn nhã một chút. Đồ nghề giao cho chú chỉ là một cái kéo cùn. Ba tôi kể, khi chú nhắp nhắp, cắt tới cắt lui xong cái đầu tóc thì đúng là cha mẹ còn nhận không ra nữa, đừng nói gì chính đương sự.
Vậy đó mà ba tôi chấp nhận làm người mẫu cho chị em tôi dài dài suốt gần hai mươi năm. Đến nay, em gái út tôi đã có bằng cắt tóc, con nhỏ chỉ cắt tóc cho người nhà. Ba vẫn là người mẫu trung thành, dễ dãi, dễ thương nhất trên đời.
Anh Trinh
Tháng 7/2011
Chin Bon
Chin Bon