Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Bài Cuối Năm 2020
Chin Bon
Chin Bon
Nhân loại đã trải qua một năm hay đúng hơn là một giai đoạn hiếm hoi trong lịch sử. Một năm với nhiều quá nhiều tang thương.
Riêng gia đình tôi thì cho đến những ngày cuối năm 2020 này vẫn có thể gọi là một năm không tai ương hoạn nạn. Chúng tôi cảm thấy mình đã thật may mắn.
Cuối năm 2019 đại gia đình thật sự vui mừng lẫn ngạc nhiên khi vợ chồng em gái út của tôi tuyên bố chính thức “nghỉ hưu” ngay lúc việc làm ăn đang thăng tiến. Cả gia đình em tôi vui mừng lên chương trình du lịch cho suốt năm tới.
Sinh nhật mừng thọ Má 86 nhằm đúng ngày Tết Tây 2020. Tháng hai, thêm một tin rất vui là người Mẹ 86 tuổi của chúng tôi sau nhiều ngày dồi mài kinh sử với một quyết tâm hiếm hoi của thế hệ U90, bà đã trải qua buổi phỏng vấn và được chính thức xác nhận đủ kiến thức, đủ tiêu chuẩn tuyên thệ quốc tịch Hoa Kỳ. Cả nhà, con cháu chúc mừng và lúc vui vui, em rễ tôi chọn cho bà một cái nickname rất Hiệp chủng Quốc: Elizabeth Nguyễn.
Niềm hân hoan chưa kịp “đăng báo” thì... một thứ có kích thước siêu nhỏ, với sức hủy diệt vô biên đến từ thành phố Vũ Hán - China tên là coronavirus đang xáo trộn toàn cầu. COVID-19 đã đến thế giới này đặt ra luật của nó, đem đến một sự bình đẳng vô cùng tàn nhẫn là lấy đi sinh mạng những ai chạm đến nó, từ người nổi tiếng, có quyền lực cho đến kẻ bần hàn, không chừa một ai trên khắp hành tinh này.
Tháng ba năm 2020 tiểu bang tôi ở có lệnh đóng cửa vì bắt đầu có nhiều ca nhiễm trên toàn nước Mỹ. Người dân khắp nơi nhốn nháo đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm tích trữ: gạo, nước, giấy vệ sinh, nước rửa tay, thuốc tẩy...lên giá ở một vài khu chợ vì là hàng hiếm. Mọi kế hoạch đều đình lại rồi hủy bỏ.
Đường phố vắng tanh, trường học đóng cửa, các quán ăn buộc phải đóng cửa, mọi sinh hoạt dường như đứng lại ở đèn đỏ. Các ngành nghề du lịch, hàng không cũng ngưng trệ một cách đáng lo ngại. Nhà thờ, chùa, đền... Chúa Phật còn đó mà tất cả phải im lìm đóng cửa.
Rồi phong trào may khẩu trang tặng các anh hùng đang đối đầu với đại dịch ở các bệnh viện khiến các mặt hàng vải vóc khan hiếm. Quà tặng nhau quí nhất lúc này là những chai nước rửa tay có chất sát trùng.
Giá xăng dầu giảm mạnh, khí hậu ô nhiễm giảm vì những chiếc xe hơi phải nằm im, không còn ai được ra đường nữa mọi người bắt đầu có thời gian, nhiều đến mức không biết làm gì với nó. Cha mẹ bắt đầu tập tìm hiểu con cái. Con cái tập sống nhiều hơn với gia đình, công việc không còn là ưu tiên. Chúng ta bỗng nhiên nhận ra rằng mọi người đều ở chung trên một chiếc thuyền, cùng đối mặt với những hoang mang khi bệnh viện đầy ắp bệnh nhân và ... tiền nhiều hay ít bỗng trở nên vô nghĩa.
Thật đau lòng, người mắc Covid phải một mình chịu đựng đau đớn trong vô vọng. Không một người thân nào dám đến gần, đừng nói chi tới việc chăm sóc, lo cho miếng ăn hay rót cho ly nước để uống thuốc. Nếu ý chí mạnh mẽ và cơ thể đủ đề kháng để vượt qua thì may mắn còn thờ, được sống còn. Ngược lại sẽ âm thầm thành tro bụi mà không có bất cứ ai đến tiễn đưa.
Bắt đầu những ngày tháng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Người ta sống và cư xử với nhau đầy nghi ngờ. Hai chữ “cách ly” được xử dụng ... vô tội vạ!
Đọc các thông tin trên internet, báo lề trái lề phải làm mọi người lo sợ ... không biết tin ai và nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn.
Trong khi mọi người chán nản lo âu thì đại gia đình tôi cũng thế. Tuy nhiên anh chị em đông lúc này lại có cơ hội gọi là “đùm bọc, chia sẻ”.
Ngày nào cũng vậy, những túi trái cây, những hộp bánh, những lọ vitamin C, bó sả, túi gừng ... hay các món ăn mỗi gia đình tự nấu, tự sáng chế rồi đem đến giao cho mỗi nhà. Thường là để trước cửa gọi điện thoại ra nhận. Ba má cứ ở yên một chỗ, con cái đến thăm đứng xa xa hoặc đem ghế ra ga ra, ra vườn ngồi cách nhau 6ft. Thay vì mỗi sáng cuối tuần chúng tôi gặp nhau ở quán cafe thì bây giờ nói chuyện qua FaceTime, nhà ai nấy ở. Phong trào tự cắt tóc cho nhau rồi phong trào trồng cây, trồng rau, chăm sóc vườn nhà. Dần dần ra đường thấy cảnh vật trong khu phố cũng như gọn gàng hơn, đẹp hơn. Người ta trở nên vô tư, ít để ý đến bề ngoài của nhau vì đã ít gặp được nhau mà ra ngoài luôn phải có mạng che mặt. Đeo mặt nạ trở thành thói quen, rửa tay thường xuyên cũng quen luôn; nhất là bớt tụ tập, bớt “nhiều chuyện” cũng ... tốt mà!
Chuyện dài bệnh dịch cứ xuống rồi lên. Tháng năm, tháng bảy, ... tháng mười ...nó ảnh hưởng từ các kỹ sư phải làm việc tại nhà đến giới lao động bị thất nghiệp. Ngay cả thành phần nghệ sĩ lần đầu tiên trên cuộc đời đành tạm ngưng những chuyến bay những show diễn, nằm nhà nhớ sân khấu nhớ ánh đèn.
Cuối năm, mùa bầu cử tại Hoa Kỳ với muôn ngàn nhiêu khê; cả thế giới bàn tán theo dõi. Tôi thì lo làm cho xong nhiệm vụ công dân. Ai thắng thua thì cá nhân mình cũng thay đổi được. Không phải tư tưởng buông xuôi mà “tự biết sức mình”. Trong khi đó thế giới như đảo lộn mỗi ngày. Nhiều gia đình cha con, anh em bất hoà... bạn bè cũng tuyệt giao nhau vì không đồng tư tưởng chính trị. Bệnh dịch với chính trị mắc nối vào nhau khiến xã hội vô cùng rối reng. Bạo loạn là điều khó tránh khỏi.
Chuyện quê nhà thì càng tang thương, thê thảm với thiên tai lũ lụt đi kèm bệnh dịch.
Coronavirus kéo theo sự phát triển duy nhất của một thứ là mạng lưới YouTube. Từ YouTube sản sinh ra vô số Bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các nhà báo, nhà bình luận, nhà bếp, nhà ... nông, nhà may, nhà sửa xe ... trăm nghìn công việc, tỷ tỷ thắc mắc trên đời vào YouTube là tha hồ mà nghiên cứu rồi thực hành. Tin tức thì mỗi ông bà nói mỗi kiểu; tựa đề nào cũng giật gân như sét đánh. Bảo đảm nghe là không “tin” mà chỉ có “tức”.
Đến khi tôi viết những dòng này thì năm 2020 sắp đi qua, con số người ra đi vĩnh viễn cũng tăng cao. Vaccines đã có, ưu tiên cho những người ở tuyến đầu chống dịch; tình hình chính trị nơi tôi sống vẫn chưa yên ổn.
“Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên.
Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật ... lòng vẫn ác.
Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cũng vẫn thấy bất hạnh.
Ngôi đền, ngôi giáo đường hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi giáo đường, ngôi chùa dựng trong lòng người
Tất cả từ thái độ sống mà ra”. (Sưu tầm)
Buổi sáng ngày cuối năm 2020, tôi đọc và ngẫm nghĩ câu nói trên. Cầu nguyện cho thế giới trở lại an bình. Người người sống và làm ăn yên ổn, dẫu biết rằng rất khó để dựng được ngôi chùa hay giáo đường trong lòng mỗi người.
Ngay cả chính tôi, tôi biết mình cũng phải cố gắng!
NDAT