Bạn Thân và Nỗi Nhớ Nguyễn Diệu Anh Trinh
Hồi đó, tôi với Phương học cùng lớp từ tiểu học. Phương còn có một người chị sinh đôi là Phượng. Thật khó để mà phân biệt khi hai chị em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, lại học chung một lớp.
Vậy mà tôi lại có thể phân biệt được, tôi chơi thân với cô em là Phương hơn cô Phượng. Điều này làm nhìều người ngạc nhiên lắm. Riêng Má tôi thì cứ nói: ”đó là duyên, làm bạn bè thân cũng phải có cơ duyên mới được”.
Ngày chúng tôi may mắn cùng trúng tuyển vào lớp sáu trường NTH Đà Nẵng, hai đứa xí xọn dắt nhau đi ăn chè để “mừng thắng lợi”.
Niên khoá năm 1970-1971 trường NTH ĐN vẫn còn mới lắm. Trường xây dựng trên một khu đất cao ráo nằm ở đường Thống Nhất, con đường râm mát từ sáng đến chiều, do tàn lá rợp của hai hàng cây kiền kiền với những gốc cây đồ sộ hơn cả một vòng tay ôm của những cô bé mười hai tuổi như chúng tôi.
Sau những ngày đầu bỡ ngỡ tôi và Phương đã làm quen với trường mới, lớp học mới và... bạn bè mới.
Từ cái phòng học bé xíu ở trường tiểu học ĐDT chỉ có hai dãy bàn cho học sinh, vào NTHĐN mỗi phòng học có đến ba dãy bàn ngăn ngắn xinh xinh. Từ cái sân trường đất đỏ với vài gốc phượng già đỏ rực những hoa môi khi hè đến, vào NTH ĐN trường mới trải sỏi ngập những lối đi. Mỗi giờ ra chơi, bước chân đi nghe lao xao, rất vui tai.
Trường mới không có phượng mà đặc biệt là những cây bạc hà ngăn những lối đi trong sân trường.
Lúc chúng tôi học lớp sáu thì những cây bạc hà còn thấp lắm, chỉ cao quá đầu chúng tôi một tí. Cô Hiệu trưởng thì được gọi một cách rất trân trọng là “Bà Hiệu trưởng”.
Sau mấy tuần học chung với nhau ở lớp 6/4, là lớp đầu tiên của khối Anh văn, chúng tôi làm quen với một bạn xuất thân từ trường tiểu học Phan Sào Nam. Tôi và Phương hoàn toàn mù tịt về cái trường này, nghe nói ở đâu trên Chợ Mới, gần phi trường. Bạn mới tên là Thu Nguyệt, nó có một cái răng khểnh, nên chúng tôi gọi nó là “Nguyệt khểnh”.
Thuở đó, bộ ba Phương-Nguyệt-Trinh đã từng làm mưa làm gió, nổi tiếng về “ăn hàng” và nghịch ngợm, mà chủ mưu luôn luôn là tôi.
Tôi nhớ năm lớp tám, có lần nghỉ học mấy tiết cuối, cả bọn rủ nhau xuống Cổ Viện Chàm chụp hình. Tôi về nhà “chôm” cái máy ảnh Nikon made in Japan của ông già. Chúng tôi đến tiệm chụp hình Tân Việt ở cuối Cầu Vồng, gần nhà sách Minh, để mua phim và nhờ người ta bỏ phim vào. Người thợ hôm đó là một thanh niên trẻ, hình như lai người Hoa, đã xem xét kỹ càng và cho chúng tôi biết là: trong máy của ông già đã có phim sẵn, cứ mang đi chụp, xong anh ta sẽ lấy phim ra và cho cuộn phim mới vào trả lại cho ông già.
Bộ ba chúng tôi và một số bạn cùng tổ như: Kim Oanh, Quang Ấn, Thúy Liễu, Lân, Quỳnh Liên, Thu Vân, Kim Liên ... cùng kéo nhau xuống Cổ Viện Chàm. Cả bọn còn cẩn thận mang theo kim chỉ để kết những đoá hoa sứ rụng dưới sân thành những vòng hoa trang điểm trên tóc. Tất cả tưởng tượng ra đủ kiểu dáng, hy vọng có được những tấm hình tuyệt vời, để đời ...
Chiều tối, sau khi đi dạo và ăn hàng xong chúng tôi kéo nhau về giao máy ảnh cho Photo Tân Việt. Cũng chàng thanh niên trẻ kia hẹn chúng tôi:
“Được dzồi ... được dzồi ... ngộ sẽ lấy phim ra, dzồi tuần sau mấy lị tới nhận hình”
Nghe hắn hứa hẹn đám Hồng Đức chúng tôi không tiếc gì mấy nụ cười duyên và mấy cái liếc mắt ... ngọt xớt tặng hắn.
Đúng một tuần sau, nhằm giờ nghỉ học, chúng tôi hăng hái kéo nhau đến tiệm ảnh. Trong lòng mỗi người đều hy vọng mình sẽ là “hoa khôi ăn ảnh nhất” trong bọn.
Nhưng... than ôi! Cái giờ phút tuyệt vời ngắm nghía những “hoa khôi ăn ảnh” đó ... mãi mãi không bao giờ đến. Cảm giác thất vọng ê chề trên khuôn mặt mỗi đứa. Không phải hình sang bị xấu hay máy ảnh bị hư mà ... thật sự hôm đó, chúng tôi đem máy ảnh đi chụp với đủ kiểu uốn éo, làm duyên mà trong máy ảnh ... không có phim. Người chủ tiệm là một người lớn tuổi đã cho chúng tôi biết như thế với ngàn câu ... xin lỗi.
Tôi thực sự nổi giận và hỏi:
- Tại sao chúng tôi đem máy ảnh đến mua phim bỏ vào, thợ của chú nói là có phim sẵn rồi, bây giờ anh ta đâu rồi?
Ông chủ tiệm gãi đầu và nói:
- Cậu đó chỉ là người quen, không phải thợ, cậu ta đứng coi tiệm dùm tôi hôm đó thôi. Các cô gặp không đúng người rồi, tôi xin lỗi.
- Thôi bây giờ tôi lắp phim vào máy cho cô, bảo đảm không sai sót
Tôi vẫn chưa hết giận còn khèo thêm một câu:
- Với điều kiện mai mốt đem phim lại sang, chú phải tính rẻ.
Mặc dù lòng chưa nguôi giận nhưng để cho đỡ quê cả bọn kéo nhau đi ... ăn hàng, và coi như tên người Hoa “trời ơi kia” đã biến mất khỏi trần gian này.
Mấy ngày sau, xui xẻo cho hắn, tôi đi học ngang qua tiệm chụp ảnh thấy cái bản mặt trắng trẻo thư sinh của hắn ở đó. Tôi đi thật nhanh, sau khi lòng hỏi lòng chắc chắn trăm phần trăm là hắn.
Đến lớp tôi thông báo tin vui này cho đám bạn hiền. Thế là giờ tan trường, chúng tôi kéo nhau đến tiệm ảnh xỉ vả hắn một trận cho hả giận. Mấy cái miệng chuyên môn cười duyên kia không tiếc lời xỉa xói “thằng cháu ông chủ tiệm”. Kim Oanh còn cong môi lên:
- Ê! Anh kia, không biết thì nói ngộ không biết nghe, không biết mà cứ bày đặt... ngộ biết dzồi... ngộ biết dzồi.
“Thằng cháu ông chủ tiệm” mặt mày xanh lét trước sự tấn công của mấy cô gái đồ long Hồng Đức. Nghe đâu sau đó hắn phải đi xuống tiệm thuốc bắc Diệp Hải Đường bổ mấy chục thang thuốc bắc về bồi dưỡng mới lại hồn vía.
Đó chỉ là một trong muôn ngàn kỷ niệm của chúng tôi. Tên tuổi của ba đứa tôi thật sự gắn liền với mấy quán ăn hàng là nhiều nhất. Từ hàng chè bà Bắc ở ngã tư Nguyễn Thị Giang - Nguyễn Hoàng cho đến bánh bèo trường Nam, chè Thạch Thảo ...
Thời học sinh thuở đó thì chỉ ăn hàng ở những quán bình dân ở vỉa hè; đi lang thang dưới bờ sông Bạch Đằng; leo vào hội Việt Pháp hái hoa, bắt bướm; xuống Bưu điện Đà Nẵng đứng trước bậc thềm cao nhất của Bưu điện ngắm quá bên kia sông Hàn, nơi có những chuyến đò qua lại, những vạt nắng chia hòn núi Sơn Trà ra làm hai miền sáng tối.
Đến năm chúng tôi học lớp chín thì Thu Nguyệt là đứa đầu tiên trong bộ ba có bồ. Nó thì thầm kể cho tôi và Phương nghe chuyện hẹn hò của nó. Tôi mặc dù là đứa nghịch ngợm nhất và hình như sao đào hoa chiếu mạng hơi trễ, nên nghe mấy chuyện bồ bịch lăng nhăng tôi không lấy làm thích thú.
Buồn cười hơn nữa là cái hôm trường tổ chức hội chợ lễ Hai Bà Trưng chúng tôi lần đầu tiên diện kiến dung nhan người yêu của Thu Nguyệt. Tôi đã tá hỏa tam tinh, vỡ mộng vì đó là một anh chàng nhỏ con, tóc quắn, nước da đen thui và mắt hình như hơi le lé... không có gì giống người yêu trong mộng cả. Vậy mà con nhỏ Thu Nguyệt xinh xắn, mơ mộng, có tài thơ văn nhất trong bọn, đã làm biết bao nhiêu bài thơ ngợi ca mối tình đầu của nó. Tôi thiệt hiểu không nổi!
Phương và tôi đã bí mật bàn tán khá nhiều về anh chàng người yêu của Nguyệt. Phương tuyên bố là:
- Tau thà ở giá chớ không kẹp với một thằng người yêu như rứa.
Thật ra, cũng có rất nhiều người theo Phương, vì Phương nhìn rất có duyên, dù không có một nét đẹp nào có thể kể ra như mắt bồ câu, mũi dọc dừa hay suối tóc mơ màng nhưng nhìn nó thật duyên dáng với một nốt ruồi ăn hàng ở môi trên và nụ cười lúc nào cũng điệu ơi là điệu. Phương có biệt hiệu là Phương ruồi.
Cuối năm lớp chín thì Phương ruồi cũng có khá nhiều cái đuôi đi theo. Có nhiều anh chàng tình nguyệt chết với nụ cười điệu đàng của nó. Trong đó, có một anh hàng xóm, xuất thân từ trường Kỹ thuật Đà Nẵng, đó cũng chính là người chồng gương mẫu nhất ĐN của Phương sau đó và mãi đến bây giờ.
Năm 1976 tôi và Phương được chuyển sang trường Phan Chu Trinh học tiếp chương trình lớp 11, 12. Nguyệt vì lý do gia đình đã nghỉ học và tham gia lao động.
Thỉnh thoảng Nguyệt về thành phố, chúng tôi cũng hẹn nhau đi uống nước mía Viễn Đông. Còn người tình trong mộng của Nguyệt thì không biết đi đâu, cũng không một lời tạ từ. Chúng tôi lại cùng nhau đùa nghịch hồn nhiên như ngày nào. Tình bạn của bộ ba vẫn mãi ngọt ngào.
Không bao lâu sau, Nguyệt giới thiệu với chúng tôi một anh bạn mới của nó, anh tên là Giáo, lớn tuổi hơn chúng tôi rất nhiều. Anh có giọng nói rất ấm vì vậy đã làm Nguyệt xao động và hai người đã nên duyên vợ chồng cách đó không bao lâu.
Lúc này, nhà Nguyệt từ trong cư xá phi trường đã dọn ra tá túc tại nhà một người quen ở con hẻm cụt đường Độc lập.
Tôi và Phương đều không tham dự đám cưới của Nguyệt. Nghe đâu gia đình Nguyệt chuẩn bị đi kinh tế mới nên gia đình bên chồng có sang nhà Nguyệt nói chuyện “hợp thức hoá”. Năm đó tôi và Phương đang học lớp mười một trường Phan Chu Trinh, tuổi đời của chúng tôi mới mười bảy.
Thế là một đứa đã “bỏ cuộc chơi”, Nguyệt khăn gói theo chồng và gia đình Nguyệt lên vùng kinh tế mới, Đắc Lắc.
Tôi không biết là trong cái tâm hồn đầy mộng mơ của nó ý nghĩa của một túp lều tranh với hai trái tim vàng hấp dẫn đến bao nhiêu. Tôi chưa nếm mùi yêu đương nên tôi càng không tưởng tượng ra được cuộc sống nơi vùng cao nguyên đó, với bao khó khăn, có gì để để lôi cuốn đôi vợ chồng trẻ mà cả anh Giáo và Nguyệt đều vui vẻ, hài lòng với sự lựa chọn của mình. Nguyệt có con đầu lòng sau đó không lâu, là một bé trai.
Từ Đắc Lắc thỉnh thoảng có người quen về Nguyệt hay gửi cho tôi và Phương những lá thư viết vội, kể lể đủ thứ về vùng đất mới của vợ chồng nó, tuyệt nhiên không có một chút than van nào. Tôi và Phương chuyền tay đọc thư của Nguyệt, nhỏ Phương ruồi lúc nào cũng mau nước mắt, cứ tiếc hoài những tháng ngày ba đứa còn học ở Hồng Đức.
Nguyệt đi rồi tôi và Phương vẫn tiếp tục gắn bó. Phương nghỉ học đi làm khi chưa tốt nghiệp phổ thông. Với tôi, đó là một điều may mắn cho nó. Tôi thật sự không bíêt mình tiếp tục đi học rồi có được một chỗ làm không. Thuở đó có vịêc làm, mỗi tháng lãnh lương kể như “tiên trên trời” rồi. Vậy mà nó có vẻ xót xa lắm, tôi nhớ Phương ứa nước mắt nói với tôi:
- Ta bỏ cuộc đua nữa chừng rồi T. ơi, còn mi ráng đua cho hết đoạn đường đời học sinh nghe không?
Tôi gật gù lắng nghe những lời tiếc nuối của nó.
Lâu lâu, Phương lãnh lương, nó kéo tôi đi ăn chè. Bộ ba bây giờ chỉ còn hai đứa.
Tôi học xong lớp mười hai và không vào đại học được, sau khi khăn gói đi thi nhiều lần. Tôi thi hoài thi mãi cho đến khi má tôi không còn tiền nữa, tôi mới yên lòng chấp nhận đi kiếm việc làm. Tôi đã nộp đơn nhiều nơi mà không hề có được tờ giấy báo nhận việc
Tôi tập ra chợ buôn bán với một người chị họ. Tôi cố gắng hết mình để vươn lên, bương chải bằng đủ cách để tồn tại.
Ngày Phương đám cưới với anh hàng xóm, tôi bằng lòng làm cô dâu phụ. Đám cưới rước từ ngõ nhà này sang ngõ nhà bên cạnh, vậy mà cô dâu cũng khóc sướt mướt (tôi đã nói: con nhỏ Phương ruồi này mít ướt lắm mà) Tôi mừng cho Phương có được một bờ vai để dựa, một người để cùng chia vui sẻ buồn, lại ở gần nhà mẹ nữa thì nhất rồi.
Vợ chồng Phương làm ăn cũng khá, đời sống hôn nhân của nó êm đềm lắm. Đứa con gái đầu lòng ra đời như khẳng định thêm sự ràng buộc bắt đầu từ tình yêu hàng xóm nhiều năm, cho đến nghĩa vợ chồng.
Lúc này, Nguyệt ở kinh tế mới đã có chút ít thu hoạch, nó nó bày đặt gửi về tặng cho tôi và Phương những gói măng khô, vài ký đậu xanh... làm quà “cây nhà lá vườn” do vợ chồng nó sản xuất. Có khi còn có vài bài thơ được sáng tác trong khi lao động cuốc đất nữa.
Tôi và Phương có lần khuyên Nguyệt về thành phố sống trở lại như bao nhiêu người từ kinh tế mới trở về, nhưng Nguyệt không nghe. Tôi thường đùa với Phương:
- Đắc Lắc là thiên đường hạnh phúc của nó rồi.
Còn tôi ra đời buôn bán ở chợ, quen biết một số người, cuối cùng sa vào một mối tình không có đoạn cuối.
Ngày tôi sắp sanh con gái đầu lòng ở một nơi không phải là Đà Nẵng. Phương đón xe đò đi thăm tôi. Nó ôm tôi khóc nức nở, tặng tôi biết bao là quà, có cả vải may áo cho cháu bé nữa. Tình bạn bao nhiêu năm tôi không biết diễn tả thế nào, chỉ biết đó là những chia sẻ mà cả đời tôi không bao giờ quên được. Nếu không có những sớt chia, an ủi của tình bạn chắc tôi không thể hiện hữu đến ngày nay.
Phương dặn dò tôi đủ thứ để chuẩn bị cho lần vượt cạn một mình. Nó cứ nhìn tôi ái ngại, ánh mắt của Phương nói lên được nhiều điều mà ngôn từ không thể diễn tả được.
Sau đó tôi ôm con về Đà Nẵng như là một chọn lựa đúng đắn nhất. Dứt khoát với một tình yêu, chia tay người đàn ông đầu đời của mình khi đứa con mới một tháng và bản thân không có nghề nghiệp, không có kinh nghiệm làm mẹ lẫn làm người.
Bạn bè thời Hồng Đức của tôi lúc này nhiều đứa đã ra trường, đi dạy đi làm. Tôi và đứa con gái bé bỏng sống trong sự đùm bọc của gia đình tôi và đám bạn cũ.
Phương vẫn đến thăm hai mẹ con tôi và lần nào cũng có quà. Ngoài ra tôi còn có một số bạn nối khố khác giúp đỡ như: Quang Ấn, Kim Liên, Tuyết Huệ, Thủy ... Khi thì xấp vải may áo cho bé, khi thì gói bột gạo lức, lúc thì mấy trái cam, vài viên thuốc bổ...
Ngày Tết con tôi không cần mua sắm vẫn có đầy đủ áo quần, giày dép mới. Bé lớn nhanh, thông minh và khoẻ mạnh, trong khi tôi tuổi đời chưa tới ba mươi mà càng ngày càng tàn tạ.
Phương vẫn ấm êm với hạnh phúc giản dị của nó và Nguyệt vẫn yên lòng với “căn nhà bên bờ suối” lợp bằng ngói đỏ, mà tôi và Phương chỉ biết qua những dòng thư Nguyệt gửi.
Năm tháng trôi qua, tôi trải qua nhiều nghề. Mùa nắng thì bán chè, bán sữa đậu nành, sinh tố; mùa mưa thì bán bánh mì, đan áo len. Khi hết vốn thì đi bỏ sách báo, cuộc sống không có gì bảo đảm cho hai bữa cơm, đừng nói gì đến tương lai.
Khi con người ta quá sức thiếu thốn về vật chất thì hình như đầu óc trở nên đơn giản vô cùng, ngoài ý nghĩ ngày mai làm sao có đủ ăn, tôi không suy nghĩ gì hơn, không ước mơ gì to lớn hơn, xa vời hơn. Với tôi, mọi thứ đều ngoài tầm tay, dù đó là mơ ước khiêm tốn nhất. Hình như tôi cũng không bao giờ oán trách Trời Phật. Tôi câm nín cam chịu, coi như đó là số phận đã buộc vào đời mình.
Em trai tôi có lần đã bực bội nói:
- Chị chưa tới ba mươi mà chị an phận như một bà già.
Có ai biết được những giọt nước mắt âm thầm mỗi đêm, khi con đau không có tiền mua thuốc, khi tình cờ nghe ai hát ru con “gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ … “chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng ...”
Tôi không oán hận người đàn ông đã quay mặt với trách nhiệm của mình, tôi cũng không hề nuối tiếc những gì mình đã cho mà không hề được nhận lại.
Tôi hiểu rằng mỗi người có một hoàn cảnh, một khó khăn riêng cho nên có thể một quyết định có lý với mình thì trở thành nghịch lý, tàn nhẫn đối với kẻ khác. Nếu mình muốn tâm tư yên tịnh thì điều trước tiên là không nên nghĩ xấu cho kẻ khác, tôi tập tha thứ cho người đã gây gió bão cuộc đời mình.
Và như thế, tôi sống lặng lẽ bên cạnh con gái và hạnh phúc trong sự chia sẻ của bạn bè, người nhà của mình.
Một mình nuôi con tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì tôi nghĩ tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người giàu có, đủ vợ đủ chồng mà không có khả năng sinh sản.
Nhìn con mau lớn, khoẻ mạnh, tôi nghĩ trong đời mình có thể có nhiều lần quyết định sai, nhưng sinh ra đứa con này là một quyết định đúng đắn, không hề ân hận. Cho dù cực khổ bao nhiêu tôi vẫn bằng lòng với những gì mình có. Phải chăng đây là hạnh phúc?
Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn sống rất “bầm dập” về vật chất nhưng an ổn về tinh thần. Thỉnh thoảng gặp bạn bè cũ cũng vẫn ấm ớ không biết giải thích thế nào về tình trạng phòng không chiếc bóng của mình.
Khi con gái được mười tuổi, thì hai mẹ con và gia đình được chấp nhận cho đi định cư tại Mỹ. Bạn bè gặp tôi chúc mừng: coi như là cuộc đời hoạn nạn của Thúy Kiều đã chấm dứt. Tôi thật sự không ngờ là có ngày cuộc đời mình sang trang như vậy. Tôi không dám ước mơ nhưng chuyện gì đến thì nó sẽ đến.
Hơn mười năm sống ở đất lạ quê người. Có lần tôi nhận được thư của Nguyệt từ Đắc Lắc gửi về. Nguyệt bây giờ đã có bốn con và sắp làm bà nội. Nơi Nguyệt ở vẫn mùa nắng bụi đỏ mù mịt, mùa mưa sình lầy, đất đỏ ngập gót giày. Nó vẫn sống theo thời vụ, café trúng vụ thì có ăn, còn mất mùa là kể như mất vốn. Nó ao ước có được một số vốn để mở một sạp bán áo quần ở chợ Ban Mê Thuộc. Lâu lâu nó về Đà Nẵng ghé thăm Phương, hai đứa hủ hỉ tâm sự.
Mỗi đứa có một hướng đi riêng, Phương đã thôi việc và mở quầy bán sách báo, nó cũng không ngừng thay đổi đời sống theo thời cuộc. Chỉ có Nguyệt là từ đầu chí cuối, gĩa từ sách vở, chia tay tuổi học trò, Nguyệt chỉ có một lối đi duy nhất.
Có khi tôi tự hỏi, không biết có khi nào Nguyệt nhớ về những ngày xưa. Không biết Nguyệt thì sao, chứ tôi và Phương cứ tiếc cho nó hoài. Nó học giỏi nhất trong bộ ba chúng tôi, nhan sắc cũng trội hơn mà sao nó cứ cực khổ hoài.
Con lớn, con nhỏ ra trường không có việc làm, gửi về thành phố cũng bấp bênh. Nguyệt có lúc muốn đi lao động hợp tác ở Đài Loan.
Tôi về Đà Nẵng lần đầu tiên, đã khuyên Nguyệt không nên đi lao động hợp tác nhưng Nguyệt không đồng ý.
Mấy tháng sau, tôi nghe Phương nói Nguyệt đã đi làm ở Đài Loan và trở về, vì mọi việc xảy ra không như nó nghĩ. Tôi và Phương buồn cho Nguyệt đã phải lận đận cả một đời.
Tôi an ủi nó như tôi đã từng an ủi mình xưa kia: Bằng lòng với những gì mình có, bởi vì có khi những cái mình đang có trong tay mà không biết quý, chính là những cái mà bao nhiêu người mơ ước cả một đời nhưng không được.
Nguyệt có một gia đình và vẫn chung sống hạnh phúc với một người chồng từ hồi mười bảy tuổi đến giờ; Nguyệt có con trai, có con gái, có nhà ngói, kinh tế tuy không được sung túc nhưng cũng không phải là đói rách.
So với tôi và Phương, Nguyệt vẫn hơn chúng tôi nhiều lắm.
Phương lao ra buôn bán thời kinh tế thị trường mở cửa, phải cạnh tranh đối phó mỗi ngày, không có thời gian để soi gương hay để thư giãn nữa. Nó mong có một đứa con trai nhưng kết quả hai lần sinh là hai nàng công chúa.
Tôi thì đã qua khỏi cái thời đói rách nhưng tình duyên không trọn vẹn, quay cuồng trong cái xã hội quá sức căng thẳng. Mỗi ngày bước ra đường là mỗi ngày phải vật lộn với đời sống xứ người để ngoi lên. Có khi nghe một bài hát xưa, nhớ thời học trò muốn chia sẻ vui buồn với bạn bè, thì bạn bè ở quá xa, nửa vòng trái đất.
Tôi và Phương đều mong có ngày hai đứa lên Buôn Mê Thuộc để thăm Nguyệt, coi thử căn nhà bên suối của nó thế nào. Ba đứa sẽ nằm ngủ chung với nhau, kể nhau nghe những buồn vui trong đời sống, cùng cười cùng ứa nước mắt.
Có lần tôi nằm mơ thấy chúng tôi cùng sánh vai chạy trên đồng cỏ cao nguyên, nơi Nguyệt sống. Tôi trổ tài nấu nướng cho hai đứa bạn thân, Nguyệt đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ mới nhất của nó, những vần thơ nói về tình thân thuở học trò, còn Phương ruồi thì cứ cười duyên. Con nhỏ này ưa cười duyên và cũng mau nước mắt lắm. Không biết khi đọc những dòng này nó có ứa nước mắt không?
Nguyệt, Phương ơi! Ta muốn đi xuống Cổ viện Chàm, đi ăn chè chuối, đi lang thang dọc bờ biển Sơn Trà lượm vỏ ốc. Sao không ai trả lời hết vậy?