“Có rất nhiều định nghĩa về tình bạn, nếu ta ví cuộc đời là một chuyến chạy đua thì bạn thân được ví như người tiếp sức để ta có thêm năng lượng tiếp tục cuộc hành trình.
Người xưa có câu: “Hoạn nạn mới hiểu lòng bạn”. Thật vậy, đó là tình cảm chân thật, rõ nét nhất đến với ta lúc ta sa cơ lỡ vận, khủng hoảng và bế tắc đủ mọi đường, trong khi ta chỉ nhận được thái độ miễn cưỡng hay thoái thác từ phần lớn mối quan hệ, thì bạn thân vẫn tươi cười, nhiệt thành đứng chung chiến tuyến, cùng ta vượt qua “đại hạn” của đời mình. Bạn thân giúp đỡ ta, tốt với ta bởi toàn tâm toàn ý mong ta tốt đẹp và hoàn toàn không mong chờ đáp trả.
Bạn thân cũng được ví như ngôi sao Bắc Đẩu, ta có thể tìm về khi lạc lối;  khi đứng trước một vài ngã rẻ, ta bị mất phương hướng, chẳng biết đi đâu về đâu. Ngay lúc đó, họ sẽ xuất hiện và cùng ta vượt qua những khó khăn hay biến cố.”

Tôi luôn cảm thấy tự hào là mình sung túc, giàu có bởi tôi có nhiều người bạn thân thiết đã đến, ở lại trong lòng tôi khi vui buồn.

Tôi và hắn biết nhau khi hắn từ Ban Mê Thuộc theo Ba Mẹ về quê hương Đà Nẵng sinh sống. Chúng tôi cùng học chung lớp 6 trường NTH Hồng Đức, Đà Nẵng, cho đến lớp 10 thì tan hàng theo vận mệnh ngôi trường. Tuy học chung lớp, chơi chung nhóm, hai đứa hợp nhau ở tánh nghịch ngợm, ưa chọc phá bạn bè nhưng tình thân chưa thể gọi là thắm thiết. Năm lớp mười tôi nghe lời Ba Má theo ban A Lý Hóa Vạn vật thì hắn theo ban B, Toán, hắn là cô học trò cưng của thầy Tường dạy toán, hắn có rất nhiều kỷ niệm với thầy Tường, sau này, khi tôi nghe hắn kể lại thì cũng rơm rớm nước mắt.

Sau biến cố tháng 3 năm 1975, chúng tôi vào đời với cùng một số phận nhưng hắn có nhiều may mắn hơn tôi. Ba hắn chỉ học tập cải tạo ngắn hạn rồi về với gia đình vợ con, nhà nó cũng đông anh em như nhà tôi. Trong khi Ba tôi thì biền biệt hơn mười năm; cái án cải tạo không rõ ngày về đó của Ba, đã đưa tương lai anh em chúng tôi vào ngõ cụt. Hắn có bà Mẹ tảo tần nuôi đàn con với cái quầy tem thư nhỏ xíu đối diện Bưu Điện Đà Nẵng. Trước 1975 đó là nơi lý tưởng cho cả nhóm nghịch ngợm lớp chúng tôi đến la cà những buổi chiều nghỉ hai giờ học cuối; sau 1975 cũng vẫn là nơi lý tưởng để chúng tôi gặp nhau, thăm hỏi nhau, bạn bè đứa nào còn lại trong khốn khổ, đứa nào đã ra đi; đã đến được thảm cỏ xanh bên kia đồi; đứa nào đã gởi thân nơi biển cả hay đang chôn vùi tuổi xanh nơi vùng Kinh tế mới xa xôi...

Hắn và tôi cùng gặp những nghiệt ngã về đường tình duyên. Tôi làm người mẹ đơn thân nuôi con trong nghèo khó vì người đàn ông đầu đời của tôi đã không yêu thuơng tôi và đứa con gái nhỏ hơn cái sự nghiệp anh đang có. Còn hắn, may mắn hơn, gặp người bạn đời sẵn sàng đi cùng trời cuối đất với hắn, bất kể dư luận, bất kể những khó khăn đang chờ đón. Ngày vui của hắn, tôi ẳm con đến chúc mừng; rưng rưng cười với bạn mà xót dạ cho duyên phận hẩm hiu của đời mình.
Tiếp theo đó là một chuổi dài những ngày tăm tối của đời tôi. Đây là quảng thời gian mà chúng tôi gắn bó không rời. Hắn gầy gò nhưng rất bản lãnh, chín chắn; trong khi tôi gia nhập vào lãnh vực của thương trường mà ngu ngơ, khờ khạo, không biết tính toán, có khi còn không mở miệng ra nói cho được một câu ra hồn. Hắn bằng mọi cách cố gắng giúp tôi có công việc làm qua ngày để kiếm gạo cho con. Khi thì bán sinh tố ở gốc cây ngay quày sách báo của hắn, hắn cho tôi mượn vốn, bán xong lấy tiền lời, trả vốn lại cho hắn. Khi thì đi bỏ sách báo dạo cho các quầy báo lẻ khác; hắn còn cố tình kiếm cho tôi một anh chàng đồng nghiệp gốc gác Sài Gòn, đầu mối của các nhà in, để cùng nương tựa. Rất tiếc, hắn không có hoa tay; còn tôi không có số đào hoa nên sau một hai chuyến đưa sách báo từ Sài Gòn về cho tôi bán...Cả tôi lẫn chàng đều bị Công An Bến Xe Liên Tỉnh hốt trọn ổ. Tôi hết vốn, chàng kia cũng vở nợ. Thế là tình tan! Hết vốn, tôi chuyển qua đi nhận cá nục từ các chuyến xe Hội An - Tam Kỳ ra bán ở các chợ nhỏ. Hắn cho tôi để thúng cá ngay trước quày sách của hắn ở ngã tư chợ Cồn để bán lúc về khuya. Những ngày bán ế, hắn từ quày sách nhìn ra, đôi mắt to, đen với hàng mi rậm của hắn sao mà ảo não. Tôi biết hắn đang thuơng cảm cho đứa bạn nghèo khổ của mình.

Đời hắn sau ngày lập gia đình cũng lắm tai ương hoạn nạn, hắn làm ăn chăm chỉ, uy tín nhưng chắc hắn không có số đại gia nên cứ phát tài thì lại gặp tai. Tuy nhiên vơi mẹ con tôi hắn lúc nào cũng là một hiệp sĩ, sẵn sàng giúp tôi mọi lúc, mọi chuyện. Hắn chia cho tôi từ tấm áo mùa đông cho đến ly nước mát mùa hè, những dịp lễ Tết hắn luôn nghĩ đến hoàn cảnh hẩm hiu của hai mẹ con nên hay đưa tôi theo về quê chồng hắn để...chung vui.
Ngày hai mẹ con tôi phỏng vấn được để theo Ông ngoại cháu đi diện H.O, tôi nghĩ hắn còn mừng hơn cả tôi. Những lá thư từ phương xa tôi gởi về thăm hắn, có khi thư hồi âm của hắn khiến tôi phật lòng. Hắn là đứa bạn trọng sĩ diện, cương quyết không nhận bất cứ món quà nào của tôi gởi về. Hắn viết cho tôi: "Hồi mô mi làm ăn khá giả, ổn định, về thăm tau một chuyến là vui rồi, không quà cáp chi hết". Tôi đọc thư mà hình dung ra khuôn mặt hắn ốm nheo, mệt mỏi với nhiều chuyện rối răm, bán buôn và chuyện chồng con, gia nương hai bên; thêm căn bệnh hở van tim khiến hắn hay khó thở, hồi hộp, nhức đầu. Tôi thuơng bạn mà chẳng biết làm gì.

Năm 2002, lần đầu tiên tôi trở về Đà Nẵng, hắn nhìn tôi sững sờ. Sau nhiều lần gặp nhau, hắn nhận xét: Mi...thay đổi quá, mi nói chi cũng có lập luận chững chạc, làm việc chi cũng có lý có tình. Tôi chỉ biết cười với hắn mà lòng cảm thấy lạc lỏng vì thành phố tôi ở thay đổi nhiều quá. Nhất là càng về sau này, giọng nói "Người Đà Nẵng" cũng khác đi nhiều. Hẳn nhiên, đó là qui luật, tôi biết tôi cũng có nhiều đổi thay vậy mà, nhìn những đổi thay của thành phố quê nhà, tôi cứ buồn và cảm thấy cách xa. Nhiều thứ thay đổi nhưng cuộc sống của con bạn thân của tôi vẫn vậy. "Non sông để đổi, bản tánh khó dời". Biển, đảo, đất đai người ta có thể cắt ra từng miếng để bán nhưng tính cách đứa bạn tôi chắc không thay đổi được. Vẫn cứng cáp, mạnh mẻ, nóng nảy mà dễ rơi lệ. Những ngày mới lập gia đình hắn đã gặp nhiều rủi ro, rồi cũng tai qua nạn khỏi. Sau này làm mẹ chồng, làm bà nội hắn cũng không thoải mái hơn xưa. Cứ phồng lên xẹp xuống, bao nhiêu trách nhiệm hắn cứ ưa cáng đáng, ưa ôm lấy một mình, cực khổ éo le vẫn luôn giữ cái sỹ diện, trọng mặt mũi. Với hắn, tiền bạc không xếp hàng quan trọng và nhất là rất ngại sự giúp đỡ của bạn bè.

Không biết từ bao giờ, dường như hắn đã xem tôi là người nhà, trong tất cả những biến cố hay niềm vui của gia đình hắn, tôi luôn có phần tham dự. Ngược lại, hắn cũng coi Ba Má anh chị em tôi như những người thân của hắn.

Cách đây vài ngày, trên đường lái xe từ sở làm về nhà, tôi nhận tin báo qua điện thoại: "Báo cho T biết, Ba mình mất rồi nghe". Tôi ngỡ ngàng, về đến nhà tâm trí tôi mường tượng đến bác trai, người cùng tuổi với Ba tôi; hiền lành, ít nói. Bác cũng là người có cùng chung lý tưởng với Ba tôi trong sinh hoạt CT. Lâu nay bác đã bịnh hoạn, ra vô bệnh viện nhiều lần. Thôi, đời người ai cũng có lúc ra đi, cầu mong cho bác được thanh thản. Tôi vội vàng gởi tin nhắn cho bạn bè trong và ngoài nước, và kèm theo lời nhắn nhờ đi đám dùm. Ngạc nhiên vô cùng khi các bạn ở ĐN, SG đều chưa ai biết tin này. Có bạn nửa khuya còn gọi điện thoại hỏi tôi: Ai báo tin này, có nhầm không? Tôi khẳng định chính hắn báo. Trả lời điện thoại xong tôi lại không chợp mắt được khi chợt nghĩ rằng có biết bao nhiêu bạn bè ở gần, cùng phố, cùng phường; ngay giờ phút mất mát đau thương nhất, hắn đã nghĩ đến tôi để gọi chia xẻ nỗi đau buồn. Tôi xúc động rưng rưng. Hình ảnh đứa bạn gầy gò, sức khỏe yếu đuối nhưng sức chịu đựng dường như vô tận cứ chập chờn trước mắt tôi, kéo những dòng ký ức trở về.

Hắn, đứa bạn cách đây 32 năm đã lặn lội đường xa từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi thăm tôi khi tôi sắp sanh con gái đầu lòng. Làm sao tôi quên được ánh mắt "ngưỡng mộ" của hắn khi nhìn bà bầu sắp sanh ăn hết một tô cháo lòng tổ chảng và một đĩa thịt heo luộc đầy ắp; thấy tôi ăn hết hắn vội vàng trả tiền còn khen tôi giỏi! Hắn cũng là đứa bạn luôn đứng về phía tôi, đạp lên dư luận khắc khe ngày ấy và đã anh dũng tuyên bố: Mi nuôi không nổi để tau nuôi cho. Hắn, bôn ba với cả đống nợ nần cao như núi vẫn luôn để mắt tới mẹ con tôi những ngày tôi làm bà mẹ đơn thân nghèo khổ, không có kinh nghiệm nuôi con. Cả một quảng đời tăm tối của tôi thuở trước, bạn bè bây giờ có đứa còn không tin rằng đã có lúc tôi ngất ngư bên bờ vực thẳm, khổ nhất trong những người đau khổ. Nhưng trong cái đêm đen tuyệt vọng ấy, hắn luôn là người đứng bên cạnh tôi, sớt cho con tôi tô cơm nguội, dặn dò, bày vẻ tôi cách buôn bán; bằng mọi cách hắn luôn là người sẵn sàng chia với tôi một nửa nỗi buồn.

Hôm nay, những ngày hắn bận rộn lo cho tang lễ của người Cha thuơng yêu, tôi thật áy náy khi không được ở gần hắn, nắm bàn tay hay ôm hắn vào lòng để phần nào dịu đi chút buồn đau. Tôi biết mình thật thiếu sót và trong muôn ngàn định nghĩa về tình bạn, tôi muốn thêm vào: Bạn thân là người đầu tiên ta nghĩ đến để chia xẻ nỗi đau khổ, cũng là người tuy ở xa nhưng đồng cảm với những mất mát của nhau.

Với tôi, hắn là đứa bạn thân mà tôi đã may mắn, vinh hạnh có được trong kiếp này. Hắn, một phụ nữ gầy gò, ốm yếu, mau nước mắt, trọng sĩ diện và có cái tên rất con trai: Quang Ấn.

Thành thật chia buồn cùng bạn và cầu nguyện cho Bác trai sớm được siêu thoát nơi Tiên cảnh.


Nguyễn Diệu Anh Trinh
19 tháng 5, 2016
Bạn thân