Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                                   BÁNH XE LÃNG TỬ
                                                          Trần Đức Thái



       Thỉnh thoảng lại nghe được đâu đó câu hát “ta luyến lưu một kiếp giang hồ, dù rằng cuộc sống
vô bờ”, dòng ký ức trong tôi cứ như thước phim ngắn, quay lại một chuyến đi đầy “phiêu lưu” -
một kỷ niệm không thể nào quên, vừa thú vị, vừa mạo hiểm trong suốt hành trình.
       Đến nay (3/2014) tôi đã đi tham quan động Thiên Đường ba lần, nhưng lần đáng nhớ nhất là
lần đầu tiên, vào tháng 6 năm 2011, tôi và bạn là Dương Đình Hùng, ở Sài Gòn ra cùng đi động
Thiên Đường - hang động khô dài nhất châu Á.

       Sau khi tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì ảo của động chúng tôi quay trở lại Huế, trên đường
về thay vì rẽ trái để đi đường cũ, chúng tôi đã nảy ra một ý định khá táo bạo đó là quyết định rẽ
phải. Tiếp tục cuộc hành trình để trở về, chúng tôi quyết định khám phá con đường chưa một lần
ngang qua ghé lại ấy...như thế này đây...
       Tôi không rõ đây là đường Đông Trường Sơn hay Tây Trường Sơn, chỉ là một con đường
nhỏ đã bê tông hóa, vừa đủ cho xe ô tô chạy 1 chiều, nếu gặp xe ngược chiều tránh nhau cũng khó
khăn lắm. Đường cong queo, khúc khủyu, một bên là núi, phía ngược lại là vực sâu thăm thẳm, trên
đường đi vắng ngắt không một bóng người, không xe ngược chiều, đi khoảng 20-25 cây số mới
thấy một khu nhà của bộ đội biên phòng hay trạm kiểm lâm gì đó tôi cũng không rõ, xe tôi leo dốc
mãi cho đến đỉnh đèo, ngoài trời mây mù gió lạnh không khí tựa như đang ở Đà Lạt. Đi một đoạn
đường dài rồi mà vẫn chưa thấy nơi đâu là chốn dừng chân, mọi người trên xe bắt đầu thấy lo lắng,
Hùng ngồi bên cạnh cứ động viên tôi là tay lái lụa, đúng là lái lụa, chỉ biết đi tới, không biết đi lui,
chỉ nhìn đường mà lái, không dám nhìn xuống vực thẳm sợ lệch tay lái, vô cùng căng thẳng. Người
ngồi băng ghế sau thì lẩm bẩm gì trong miệng như đang cầu nguyện, thỉnh thoảng lại hỏi tôi xem
còn đủ xăng không? Mặc dầu vậy, nhưng khi thấy cảnh núi non, mây nước hữu tình là chúng tôi
xuống xe vươn thở, chụp hình, quay film và chỉnh đốn... tư trang, sửa sang...nhan sắc. Mặc đường
đèo dài thăm thẳm, dốc cheo leo, Hùng vẫn say sưa tác nghiệp.
Chin Bon
Chin Bon
Đường đèo thăm thẳm
D.Đ. Hùng đang tác nghiệp
       Khoảng 3 giờ chiều tôi đổ đèo, đến một thung lũng, thấy có người dân tộc sinh sống, có quán
xá, chúng tôi dừng chân, uống café…Tôi hỏi người dân ở đó về Khe Sanh còn xa không? Họ trả
lời còn xa lắm phải qua một ngọn đèo cao nhất nữa rồi mới về Khe Sanh. Chúng tôi cảm nhận ớn
ớn, lạnh lạnh trong người, thoáng lo lắng bởi trời lúc đó thì đã bắt đầu xế chiều, mà con đường
dường như còn bất tận.

       Tạm biệt thung lũng và lên đường tiếp tục vượt đèo, trời lại đổ mưa rừng, mây mù bao phủ,
đèn pha của xe chỉ đủ chiếu sáng đường để xe chạy, tay lái lụa tuổi về chiều như tôi rồi cũng vượt
đèo được, trời nhấp nhem tối chúng tôi mới xuống chân đèo, đoạn đường nầy đang sửa chữa nên
Hùng phải xuống xe signal cho xe tôi chạy, qua khỏi đoạn này tôi mới thấy bảng chỉ dẫn đường về
Khe Sanh, ba chúng tôi khi đó mới thở phào nhẹ nhõm.
Đến Khe Sanh thì mọi người đều thấm mệt, cũng may khi còn ở thung lũng tôi đã gọi điện cho em
họ tôi ở Khe Sanh chuẩn bị cho chúng tôi buổi ăn tối nên vừa đến nơi thì rượu ngon, thịt ngọt đã
bày lên bàn để chúc mừng chuyến đi (xẻ) dọc Trường Sơn lịch sử thành công.
Dương Đình Hùng (trái): Uống cho đời bớt khổ với em họ tôi
       Chúng tôi qua đêm ở Khe Sanh thật tuyệt vời mà quên đi rằng nơi đây xưa kia là một chiến địa ác liệt, không biết bao nhiêu trai trẻ đã đi vào lòng đất mẹ.

       Chia tay với Khe Sanh, máu giang hồ vẫn còn bùng cháy ở độ tuổi trên 60, thay vì trở về Huế theo ngã Đông Hà, chúng tôi lại đi qua cầu treo Đakrông. Từ Đakrông về A Lưới, cảnh đẹp nên thơ, núi rừng hùng vĩ, len lỏi trong các khe đá có dòng suối chảy róc rách. Xe tôi bon bon chạy dọc theo sườn núi, đường rất tốt rộng thênh thang, vừa đi vừa ngắm cảnh, thỉnh thoảng lại bắt gặp những buôn người dân tộc. Đến trưa chúng tôi về thị trấn A Lưới, ăn và nghỉ ngơi tại đây.
Đường Dakrông-A Lưới
Buôn người dân tộc ở huyện A Lưới, TT-Huế.
       Từ giã A Lưới, chúng tôi còn 70-80 km mới về đến Huế, phải vượt qua 3 đèo: Mẹ Ơi, Tà Luông, Kim Quy đều là những đèo cao, bên cạnh vực sâu rất nguy hiểm. Đoạn đường đèo này đang sửa chữa, đất đá ngổn ngang, một chiếc xe ủi đất hết dầu nằm choán lối giữa đường, phải đợi ở đây mấy giờ mới qua được đèo.
Đường đèo lên A Lưới đang sửa chữa (Internet, 2012)
       Vượt ba đèo đến vùng đồi núi, chúng tôi không biết đồi Thịt Băm (đồi A Bia) có ở trong vùng này không? xưa kia cũng là một chiến địa ác liệt, đến nỗi quân đội Mỹ gọi tên đồi là Hamburger Hill. Chạy hết vùng này, chúng tôi đến thị trấn Bình Điền, đi về ngã sau lăng Minh Mạng, qua cầu Tuần trở về lại Huế thì phố xá đã lên đèn, đêm cũng vừa đổ bóng. Kết thúc chuyến đi đầy mạo hiểm đã “Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”, một dấu ấn không thể nào phai.

TĐT, mùa xuân năm Giáp Ngọ