Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Tháng tám ở vùng Finger Lakes này không nóng lắm. Dọc theo bờ hồ nước xanh tĩnh lặng là những vườn nho mướt như ngọc, cành trĩu nặng với những chùm nho chín mọng. Tháng chín mới là mùa hái nho, nhưng bây giờ hằng ngày, du khách tấp nập đến bằng xe hơi, xe buýt, đi từ vườn này qua vườn khác để thử rượu của mùa nho năm trước.

Nhà tôi năm nào đến mùa này cũng có khách xa đến chơi, thử và mua rượu rồi ở lại qua đêm, hay suốt cuối tuần. Tôi lại dọn dẹp, hút bụi phòng ngủ của hai cô con gái để tiếp khách. Con gái tôi trưởng thành, tự lập, làm việc xa nhà đã nhiều năm rồi, và mặc dù về thăm một năm chỉ vài lần, phòng ngủ của tụi nó vẫn để y nguyên như ngày trước...Tủ riêng của hai đứa đầy ngập sách, từ truyện trẻ con thời tiểu và trung học - xem lui xem lại nhiều lần, nát cả bìa - cho đến sách giáo khoa khô khan về chính trị, triết lý, của đại học, những hàng chữ tô màu những điểm nổi bật, từ điển Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ngổn ngang trên bàn, trên kệ...


Hôm nay tôi vào phòng quét dọn, lại tìm thấy thêm trong phòng quần áo (closet), hai, ba thùng lớn chứa những kỷ vật thuở học trò của chúng nó.


- Mẹ cất hộ cho con, kẻo con chưa có chỗ ở apartment của con bây giờ.


Con gái trả lời khi tôi hỏi, rồi nói thêm:

- Mẹ đừng quẳng đi nhé, con hứa sẽ về lấy một ngày gần đây.

Một thùng bằng plastic lớn chứa búp bê Barbie đủ mọi quốc gia trên thế giới (cái này có hơi giống mẹ), một thùng khác chứa những tờ báo, giấy đã ố vàng, những huy chương, những "trophies", những tấm "plaques" đánh dấu những thành tích về âm nhạc, về "dance", về Science Olympiad, chứng nhận những kết quả từ sự cố gắng và đam mê của tụi nó. Có một thùng giấy nằm trong cùng chứa cuốn sổ nhật ký nhỏ (có chìa khoá), một bó hoa hồng khô với dây ribbon màu xanh olive, màu dây cùng màu áo của cô con út mặc lúc có dạ tiệc cuối năm trung học, những tấm thiệp chúc mừng sinh nhật, mấy cuốn album đầy hình ảnh của những ngày ở trại hè, một bản "nháp" của bài diễn văn nó đọc ngày ra trường trước mặt bạn bè, cha mẹ và thầy cô, trong đó có trích dẫn một câu của Colette :"I love my past, I love my present. I am not ashamed of what I have had, and I am not sad because I no longer have it.”
(Tôi thương quá khứ của tôi, tôi thương hiện tại của tôi, tôi không hổ thẹn về những gì trong quá khứ, và tôi cũng không buồn vì nó đã qua rồi).

Còn quá trẻ, và náo nức về tương lai, con gái tôi bỏ lại một thời trong sáng ở trong cái closet chật tối của nó, không một lần nhìn lại trong mười năm qua. Trong cuốn nhật ký kia, có chứa một mối tình thơ ngây nào đó không, mà bốn mươi, năm mươi năm sau, đọc lại, nó sẽ thấy bùi ngùi vô cùng? Nó có bâng khuâng về người bạn thơ ấu ấy, bây giờ ở đâu, làm gì, có hạnh phúc không, có khi nào nghĩ về nó không? Con gái tôi không biết là nó may mắn chừng nào, nó vẫn còn nguyên những "kỷ vật" của từng chặng đường của tuổi thơ, không như tôi, đã mất tất cả sau một biến cố của cuộc đời.

Samuel Taylor Coleridge, một nhà thơ người Anh của thế kỷ thứ 19 tự hỏi, "Nếu một người đi qua Thiên Đường trong một giấc mơ, và nhận một đóa hoa như bằng chứng là linh hồn của mình đã đến đó, khi thức dậy, thấy trong tay mình còn giữ đóa hoa, thì người đó phải làm thế nào đây". Orhan Pamuk, nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuốn tiểu thuyết "Museum of Innocence", đã kể lại, sau khi cuộc tình của hai nhân vật chính đã chấm dứt, người đàn ông đi góp nhặt những kỷ vật tầm thường (như chiếc bông tai của người tình, điếu thuốc lá thừa lại sau mỗi lần gặp gỡ cô ấy, vé đi xem xi-nê...) cất giữ trong một nhà "bảo tàng"- cũng như đóa hoa của nhà thơ Coleridge - để nhắc nhở đến một mối tình, một thiên đường đã mất, nhưng cũng như một bằng chứng về sự hiện hữu của thiên đường ấy.

Hôm nay, bên cạnh những thùng chứa đồ của con gái tôi, tôi ngồi nhớ lại căn nhà bên dòng sông hiền lành ở một thành phố xa lắc, xa lơ đó. Tôi nhớ về căn phòng nhỏ của tôi, nhớ cái hộp carton đựng cuốn sổ nhỏ chứa những ý nghĩ vụng dại, nhớ những mảnh giấy mỏng với mực tím ghi lại những bài thơ tình dịu dàng, nhớ khúc gỗ nhỏ khắc tên mình như quà sinh nhật, nhớ cuốn sách "Exodus" của Leon Uris, và những dải ribbon màu hồng, nhớ một bức tranh màu nước trừu tượng...và tận dưới đáy của chiếc hộp có mùi nước hoa "Joy de Jean Patou" của me tôi, một vài cây bút chì và một vài cục gôm thơm mùi dâu tây hay mùi bạc hà... Đó là những "đóa hoa Coleridge" của tôi, chứng nhân một khoảng trời thật đẹp, đã hiện hữu một lần nhưng đã mất, mất đi mãi mãi, a "Paradise Lost".

Minh Phương
Tháng 8, 2017
Chin Bon
Chin Bon
Bảo Tàng Viện của Tuổi Thơ
Thanh Thu