Bão và Tâm
Mấy ngày nay, cả thành phố Đà Nẵng nhà nào cũng xôn xao chống bão. Nhà nhà, người người
mua cát, mua cây, mua dây thép để gia cố cửa trước, nhà sau, mái tôn. Riêng cửa hàng của tui thì ba
Hiệp có sáng kiến là chất cao những chồng lốp chắn ngang cửa sắt để chống bão. Nhìn những hàng
lốp cao ngất nằm sát ngay sau những dãy cửa kéo. Hiệp tui ngắm nghía có vẻ hài lòng và cho đóng
cửa tiệm sớm hơn mọi khi. Thế là Tía tui sướng quá lăng xăng gọi chị Nga hàng xóm đi mua lương
thực dự trữ. Mặc dù sáng nay hai chị em đã đi mua đủ thứ rồi, nhưng vẫn thiếu một món đó là bánh
mì, là thực phẩm quan trọng phòng khi cúp điện. Hai chị em phóng xe đến cửa hàng bánh mì số 70
đường Hùng Vương.
Vừa đến cửa hàng cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt hai chị em, chao ôi! Người đâu mà lắm thế,
chen chúc hỗn độn. Mỗi người cầm sẵn một túi nilon trống, để có bánh mì ra lò là trao tiền, nhận
bánh. Tui và chị Nga cũng chen vào xin bịch nhưng cửa hàng đã ngưng phát. Hai chị e đứng tần ngần,
có vẻ thất vọng, định ra về. Sau đó, may quá, nhân viên bán hàng thông báo: “Bây giờ phát phiếu chứ
không phát bao nữa, lượng bánh mì trong lò ra rất ít, mà khách thì lại quá đông, số lượng chỉ vỏn vẹn
là 70 cây mì gối (loại bánh sandwhiches giống cái gối nhỏ)”. Thế là mọi người nhốn nháo vứt bao
nylon để chen nhau lấy phiếu. Tui thì lại … chiều cao hơi khiêm tốn, không làm sao chen vào được,
lại … may quá, nhìn thấy chiếc ghế bên cạnh, tui bèn leo lên đứng trên đó, quơ tay ra hiệu, nhờ vậy tui
trở thành người cao nhất, đồng thời là người cũng nhận được phiếu đầu tiên. Nhưng chợt nhớ, trước
khi đi, có cô em hàng xóm gửi mua một phần, thế là tôi cũng với tay xin thêm một phiếu nữa nhưng
người ta từ chối vì tui đã nhận được một phiếu rồi. Nhìn sang thì chị Nga,thấy chị cũng vừa xin xong
được một phiếu, tôi nảy ra sang kiến là cúi xuống cầm bàn tay chị Nga đưa vào. Động tác giả này lại
gặp may! Tôi nhận được phiếu thứ hai. Sau khi đã phát xong số phiếu thì chúng tôi phải chờ đến 30
phút sau mới có xuất bánh mì đầu tiên được ra lò. Lượng người không có phiếu lần lượt thất vọng, rời
quầy đi về. Cửa hàng bây giờ cũng ổn định, ít chen lấn.
Cùng đứng ở tiệm bánh mì mọi người bàn tán xôn xao, chia sẻ với nhau khinh nghiệm chống bão,
nỗi lo âu hằn lên những khuôn mặt, ánh mắt. Ôi thiên tai, ông có chừa một ai đâu. Riêng tôi, tuy cũng
nôn nóng nhưng lòng yên tâm vì bản thân mình hôm nay đã gặp khá nhiều may mắn. Sau đó, bánh mì
đã được tới tay những người may mắn có phiếu. Ai nấy hoan hỷ trả tiền, nhận bánh mì, lòng vui như
trẻ con được quà!
Chúng tôi chuẩn bị ra khỏi cửa hàng thì thấy một nhà sư già đến mua bánh mì, sư đến muộn nên
không còn cây nào cả. Mặc dù biết bánh mì đã hết nhưng sư ông vẫn cố gắng hỏi để xem thử có ai
vui lòng nhường cho sư một cây không. Vì lượng bánh mì có hạn và cũng đã bán hết nên nhân viên
bán hàng đành phải từ chối một cách thẳng thừng. Nhìn thấy sư như vậy, lòng tôi áy náy, tôi đi cũng
không đành. Thôi thì nhường cho sư phần bánh mì mà tôi đã chen lấn cả tiếng đồng hồ để mua được,
gọi là “miếng khi đói bằng gói khi no”. Nghĩ vậy nên tôi trao phần bánh mì còn nóng hổi cho sư ông.
Nhận khúc bánh mì từ tay tôi, khuôn mặt nhà sư có vẻ xúc động và nói: “Nam mô a di đà Phật, thí
chủ cho sư gửi lại tiền bánh mì”. Tui chấp tay xá, và nói: “A di đà Phật, con xin cúng dường sư”. Ánh
mắt già nua của sư ông nhìn tôi tỏ vẻ biết ơn. Lòng tôi ấm hẳn lên. Từ biệt nhà sư, tui và chị Nga ra
về. Mưa xối ướt cả mặt mày, áo quần và ướt luôn cả số bánh mì còn lại. Tuy bị ướt lạnh và nỗi lo
toan về cơn bão dử dằn sắp đổ ập vào thành phố không biết thiệt hại cở nào đây, nhưng lòng tui lại
thấy hân hoan một cách lạ thường. Niềm vui đến vì tui đã làm được một việc tốt, vui vì đã san sẻ sự
may mắn cho sư ông già cả, và vui vì tự thấy tui không giống những người khác. Có lẽ sự may mắn tui
đem đến cho nhà sư đã lan toả một cách rộng lớn, khi tôi viết những dòng san sẻ này, cơn bão đã qua
đi mà cả thành phố không bị thiệt hại gì nặng nề.
Sau việc này, tui càng tin hơn vào sự may mắn, vào sự chở che của Đức Phật và tui nghĩ rằng khi
chúng ta có được may mắn thì nên san sẻ với mọi người. Niềm vui khi ban phát có khi mang lại hạnh
phúc gấp bội lần được tiếp nhận. Cũng như mình đã gieo được một hạt giống tốt cho cây Phước
Hạnh đời này và cả đời sau.
Phạm Thị Ba
Ngày bão đến Đà Nẵng 11/11/13