Bây giờ em có là ai …

Ai trong đời cũng có một quá khứ để có lúc quay đầu nhìn lại. Quá khứ hạnh phúc, hay buồn đau rồi đến một ngày nào đó đều trở thành kỷ vật. Ông năm nay đã gần sáu mươi tuổi rồi. Số tuổi không còn trẻ để có thể làm tất cả những gì mình muốn, nhưng cũng không là già để nhìn đời mình trôi qua như chiếc bóng mà thôi.
Hơn ba mươi năm từ những tháng ngày liêu xiêu chân bước. Cuộc đời ông bỗng một ngày vụt trở nên tối đen như mực. Có ai học được chữ ngờ … (bỏ bớt một trăm chữ) Nhưng dù cuộc đời có ra sao, thì trái tim ông ngày ấy vẫn là trái tim cuồng nhiệt của chàng trai trẻ. Biết yêu, biết ghét, biết hận thù và biết khát khao ...
Ngày ấy khi đang lang thang trên chiếc xe Lambrette trắng, ông bỗng dừng mắt nhìn cô gái đi bộ bên kia đường. Cô mặc một chiếc áo màu hồng nhạt có điểm những bông hoa nhỏ xíu như nắng rơi, và một chiếc quần đen sa tanh không còn mới. Bộ đồ của những cô gái thời ấy trông buồn bả, nghèo nàn đến tội nghiệp. Nhưng cô gái vẫn vô cùng xinh đẹp với những bước đi uyển chuyển, nhẹ nhàng. Ông như thiếu điều muốn dừng xe lại vì mái tóc đen tuyền phía trước cắt ngang che vầng trán, xoả xuống ngang vai làm nổi bật gương mặt thanh tú - đôi mắt to màu hạt dẻ, cánh mũi nhỏ nhắn và cái miệng tuy không cười nhưng tươi rói như cánh hoa đang độ hàm tiếu. Ông đã gặp nhiều cô gái đẹp trong đời, thích cô này cô kia cũng không là ít, nhưng quả thật chưa bao giờ ông chới với vì một nhan sắc đến vậy. Ông vội bẻ tay lái, theo chân cô gái đang rất hồn nhiên cất bước, không biết có một anh chàng lẻo đẻo đi theo.

Lần ấy ông biết cô gái đang cùng với gia đình sinh sống nhờ một quán bán café bên đường. Mấy chị em ai cũng trắng trẻo, hiền lành đã giúp quán đông khách mỗi ngày. Riêng ông, không đêm nào là ông không đến quán. Uống một li cafe, ngắm nhìn cô gái không biết từ khi nào đã trở thành bóng hồng trong tim ông. Chàng trai trẻ không cưởng nỗi lòng mình. Dù có đêm mưa rơi, ông vẫn choàng vội áo mưa đi đến quán, chỉ để cùng cô nói vài câu bâng quơ. Cô gái dịu dàng, hiền lành và xinh đẹp quá đã hút hết hồn ông. Cô tên là Diễm Hồng, là cánh hoa hồng xinh đẹp. Nhưng rất tiếc cánh hoa ấy không dành cho riêng ông. Mỗi ngày ông đến, và biết cũng như ông, nhiều chàng trai ngày ấy thương thầm Diễm Hồng, cũng ngày ngày đến quán. Cũng như ông, họ đến rồi đi mà không biết người con gái ấy có chút tình cảm nào với mình không? Cô nhả nhặn, dễ thương với tất cả mọi người. Ngày ấy, ông say đắm cô nhưng cũng hờn giận cô nhiều lắm. Sao cô không chọn lấy một người. Dù người ấy có thể không phải là ông, thì thôi cũng một lần thất vọng, còn hơn ông cứ phải sống trong thấp thỏm, đợi chờ. Cảm giác bất an cứ làm trái tim ông thổn thức.

Một lần cô ngỏ ý nhờ ông kiếm dùm mấy cuốn sách tiếng Anh cần thiết cho việc học của cô nhưng nhà sách thời ấy không dám bán. Bây giờ nhớ lại, ông như vẫn thấy cảm giác sung sướng khi phải cất công đến nhà mấy thằng bạn để lùng sục cuốn sách ấy. Cuối cùng thì ông cũng tìm ra nó, năn nỉ gãy lưỡi thằng bạn mới chịu cho ông. Đem đến cho cô, nhìn đôi mắt to long lanh như cười dành cho mình thay lời cám ơn, ông thấy thật là đáng giá cho những ngày vất vả lùng sục cuốn sách. Ông  hăng hái nói:

- Khi nào cần cuốn gì Hồng cứ nói với anh nghe.

Đúng là thời trai trẻ. Dại khờ mà dễ thương lắm.

Nhờ cuốn sách tiếng Anh, ông và cô thân nhau hơn. Cô cùng với người bạn gái một hôm đến nhà ông chơi. Chu cha ơi, ở trên lầu thấy hai cô gái dắt xe bước vào nhà, tim ông như nhảy ra khỏi lồng ngực. Có hẹn trước rồi mà chân ông vẫn run. Thằng em nhảy hai bậc thang lên tìm, thấy ông đang lúng túng xỏ ống quần dài, nó cười hi hi:

- Hai người đẹp đến tìm anh kìa.  Cô mô rứa?

Ba mạ ông cũng đứng trong lom lom dòm ra phòng khách. Là người Huế di cư vào từ những năm năm mươi, ba mạ ông tuy chọn ĐN làm nơi sinh sống, nhưng lúc nào ông bà cũng hướng lòng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nghe cô gái nói giọng Huế dịu dàng, nhỏ nhẹ, ông bà mê tít nên lúc Diễm Hồng cùng bạn ra về rồi thì từ đó ông ngày ngày nghe một điệp khúc không thay đổi:

- Con nớ dễ thương hí. Ngó bộ hiền lành. Được đó con. Lấy hắn được đó con.
- Ba mạ thiệt là. Có chi mô nờ. Bạn thôi chớ có chi mô mà vợ với con.

Mặc cho ông phản đối, ba mạ ông vẫn đinh ninh đó là người yêu của ông, chớ hai người nào biết cô chỉ là người ông yêu thôi.

Nhưng từ đó, suy nghĩ của ông cũng băt đầu thay đổi. Nếu một ngày nào đó ông chiếm được trái tim cô, thì liệu ông có sẵn sàng cho một cuộc sum vầy. Cuộc sống bấp bênh không biết ngày mai ra sao, ông có dám giang tay gánh vác thêm một trách nhiệm làm chồng, làm cha? Liệu ông có đủ bản lĩnh xông xáo ra một nơi không có đất dành cho mình, để kiếm miếng cơm, manh áo cho ngưòi ông yêu thương? Ông biết mình không thể vuợt qua nỗi sợ ấy. Cuối cùng ông quyết định ra đi không nói lời từ giã. Đêm cuối cùng ông tìm đến cô, nói chuyện với cô mà lòng ước gì được ôm cô một lần cuối. Ngày mai sẽ là chia ly, là vĩnh biệt. Vậy mà hôm nay lời yêu ông chẳng thể thốt ra. Chúng dồn ứ làm đau thắt trái tim ông đến nghẹn ngào!

Khi đặt chân lên đất Mỹ, cuộc sống trở lại điểm khởi đầu. Một điểm khởi đầu không hẳn là thuận lợi. Nhưng thật tình lúc ấy ông không còn sự lựa chọn nào khác. Không thể quay về, vì nơi ấy không còn là vùng đất lành chim đậu. Cuộc đời trước mắt thì lắm chông gai. Nhưng dẫu sao thì ông làm chủ được cuộc đời mình. Những tháng ngày đầu gian nan nơi đất khách ông may mắn gặp một cô gái người Việt gốc Hoa, kém ông sáu tuổi. Hai người cưới nhau không lâu sau đó. Cô mạnh mẽ và giỏi giang, không là gánh nặng của ông mà là nơi ông tìm chốn an lành khi gặp trắc trở. Người ta hay nói sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người vợ. Ông biết, nếu không có người vợ đảm đang lúc nào cũng kề cận, sẽ chia thì cuộc đời của kẻ tha hương là ông không thể được như ngày hôm nay. Ông có tài sản, cuộc sống vẫn ổn định cho dù nước Mỹ bây giờ đang trong cơn khủng hoảng. Đứa con gái đầu lòng của ông sau khi tốt nghiệp đại học ngành tài chính đã cưói một  anh chồng ngưòi Mỹ gốc Đức. Hai đứa đều làm việc cho chính phủ, ông khỏi phải lo lắng gì cuộc sống của vợ chồng nó. Đứa con gái thứ hai học nghành y tá nên ra trường là có việc làm ngay. Lúc con vào học trường này theo ý của mẹ, ông không phản đối nhưng thầm lo cho con gái sau này sẽ phải vất vả. Nhưng bây giờ ông biết đó là một chọn lựa may mắn. Khi xã hội đang chao đảo vì nạn thất nghiệp tràn lan, thì con gái ông vẫn sống yên ổn với công việc không bao giờ thừa nhân lực. Đứa con gái thứ hai này ông rất thương vì nó ngoan hiền. Tuy được sinh ra trên đất Mỹ, nhưng nó ảnh hưởng mẹ nhiều nên còn giữ nét Á Đông từ dáng dấp bên ngoài cho đến cách suy nghĩ. Nó không khó chịu và phản kháng khi phải chìu ý cha mẹ điều gì. Và con bé nói tiếng Việt khá sỏi. Bạn bè của ông có con trai đến tuổi lấy vợ đều dòm ngó con bé. Ông biết họ cũng như ông, muốn duy trì một gia đình thuần Việt cho dù đang sống trên đất Tây. Điều ấy không dễ chút nào nếu không muốn nói là không thể.
Chỉ có thằng con út là gây nhiều lo lắng cho vợ chồng ông. Nó không hư hỏng, nhưng dứt khoát chỉ dừng lại ở bậc Cao Đẳng nghề. Và oái oăm thay nó say mê ngành xây dựng. Một công việc đã theo ông mười lăm năm trên đất khách, và kết thúc với một sổ lương hưu (a pension book) khi ông chỉ mới năm mươi  tuổi. Lần ấy, khi cái máy khoan bê tông nặng hàng tấn đè trúng ông, ông cứ tưởng vậy là mình hết đời. Ba tháng trời nằm bệnh viện. Vợ ông chạy ngược xuôi nuôi ông và lo cho ba đứa con nhưng không một lời than thở. May mà trời thương, rồi ông cũng bình phục cho dù từ đó sức khoẻ yếu không thể làm công việc cũ. Qua cơn hoạn nạn, ông nghĩ ông nợ người vợ đảm đang của mình một ân tình không dễ trả. Nhờ công việc xây dựng mà ông có của ăn của để, nhưng nỗi ám ảnh của tai nạn lần ấy cho đến bây giờ vẫn còn theo ông trong những cơn ác mộng. Tỉnh dậy lần nào ông cũng vả mồ hôi vì sợ hải. Vậy mà thằng con trai duy nhất của ông cương quyết theo nghề này. Nó để ngoài tai những lời ngọt nhạt của mẹ. Người mẹ Á Đông chưa bao giờ quen với cách sống, cách suy nghĩ độc lập của con cái phương Tây, đã hờn giận con một thời gian khi không thuyết phục được nó.

Chiều nay ông lái xe lên phi truờng đón cô bạn từ VN qua chơi, người bạn thân của vợ thời còn học đại học SG mấy mươi năm rồi chưa gặp lại. Trước khi đi làm vợ ông cẩn thận dặn dò:

- Anh chịu khó đến đón sớm một chút, sợ nó ra không thấy ai đón đi lạc thì chết.

Cô bạn chỉ mới nhìn qua ảnh nhưng ông nhận ra ngay khi cô xuất hiện ở lối ra. Ông đưa cái bảng có ghi tên Dung lên cao. Một cách nhận ra nhau thật là tiện. Cô nhanh chóng đi về phía ông. Dù không “tà ý” gì nhưng ông cũng quan sát người đàn bà hơi bị kỉ. Điều nổi bật mà ông thấy ngay là làn da của phụ nữ VN ở VN thua xa phụ nữ VN ở đây. Có lẽ vì ánh nắng gay gắt của xứ nhiệt đới đã làm mất đi vẻ mịn màng, tươi tắn đã giúp người đàn bà trông trẻ trung hơn tuổi. Nếu khách quan mà so sánh, thì cô bạn nhìn già hơn vợ ông ít nhất ba bốn tuổi chứ không ít.

Dung vui vẻ nói chuyện suốt con đuờng về nhà. Khi câu chuyện trôi lan man về những tháng năm xưa cũ, về ĐN thì ông đột nhiên hỏi về một người đã từ lâu rồi ông chỉ nhớ thầm thôi mà chưa hề nhắc với một ai:

- Chị Dung có biết Diễm Hồng không? Cô Hồng ngày xưa bán cafe ở đuờng Độc Lập đó.

Chỉ là một câu hỏi tưởng chỉ để hỏi cho vui câu chuyện, nhưng đêm đó ông trằn trọc không sao dổ giấc ngủ. Diễm Hồng của ông, của một thời trai trẻ, đang sống một cuộc đời bất hạnh mà bấy lâu nay ông nào hay biết, dù trong một lần về VN, ông đã nhờ thằng em chở đi vòng vòng mấy con đường chính, thấy quán cafe nào có tên của một trong số mấy chị em là tấp vào hỏi có phải của gia đình Diễm Hồng không. Ông ngây thơ cứ tưởng mọi thứ đều dừng lại sau khi ông ra đi. Diễm Hồng mãi mãi vẫn là cô gái bán cafe ngày nào.

Theo lời kể của Dung, ông biết hiện nay cô đang sống cô quạnh một mình với chứng bệnh nan y không thể chửa trị. Căn bệnh không cướp đi mạng sống, nhưng nó đã biến cuộc đời cô thành gánh nặng cho chồng con, và bản thân cô không còn thấy cuộc sống có ý nghĩa gì. Căn bệnh quái ác ấy sao lại rơi vào cô gái xinh đẹp, hiền lành nhất mà ông từng gặp trong đời. Ông đã từng yêu say đắm vẻ dịu dàng, xinh xắn không phải cô gái nào cũng diễm phúc có, nên lúc này ông cảm thấy tim nhói đau khi nghĩ về số phận hẩm hiu của cô. Phải chăng hồng nhan thì bạc phận? Cô quá tuyệt vời nên ông trời ghen ghét, đày đoạ cô phải sống lay lắt đớn đau. Ông nghẹn ngào khi nhớ về cô, tưởng tượng cô đang thui thủi một mình trong căn nhà lạnh lẽo. Trái tim ông thổn thức với cảm giác yêu thương  lâu rồi ngủ yên nay vì lòng xót thưong đã bừng tỉnh giấc. Thương quá Diễm Hồng ơi! Người phụ nữ ông chưa bao giờ quên được.

Ngày Dung trở về VN mang theo lời hứa sẽ giúp ông liên lạc lại với người xưa, ông trông ngóng từng ngày mong nhận được email của cô bạn. Khi có trong tay số phone của cô em gái Diễm Hồng, ông vội vàng gọi về mà quên rằng lúc ấy ở VN đã gần nửa đêm. Một giọng Huế ngọt ngào trả lời ông. Ui cha, cái giọng Huế chay nghe gần gũi, thân thiết vô cùng. Đã mấy mươi năm rồi, đôi khi lâu lắm không được nghe ai nói chi rứa, mô nà…. ông cảm thấy nhớ da diết. Ôi Huế của ông, cội nguồn của ông, quê hương ĐN của ông, tất cả đều nằm trong trái tim của kẻ tha hương vẫn đau đáu nỗi nhớ miền Trung nắng cháy của một thời trai trẻ.

Buổi nói chuyện ấy đã khiến ông thêm nhiều đêm trăn trở. Đúng như lời cô bạn kể, Diễm Hồng của ông bất hạnh quá chừng. Tuy cô em gái dè dặt đúng phong cách Huế, nhưng trước sự nhiệt tình của ông cuối cùng cũng cho ông biết sự thật đúng là như vậy.

- Đúng là như rứa đó anh à. Chị Hồng chừ đang bị bệnh. Thương chị lắm mà không thể chia sẻ chi được hết…

Nhưng khi biết ông có ý định quay về chốn cũ, tìm gặp người xưa thì cô em từ chối:

- Em nghĩ anh hãy để chị Hồng vẫn là chị Hồng ngày xưa, trong trái tim anh. Vậy sẽ đẹp hơn đó anh à.

- Không, bây giờ chị Hồng có ra sao thì anh vẫn thương.

Ông biết mình hơi sến, hơi bốc đồng, nhưng ông thật lòng nghĩ như vậy. Có hề gì nếu bây giờ Diễm Hồng của ông đã già nua, xấu xí, một phần vì tuổi tác, một phần vì bệnh tật. Có ai thắng nỗi thời gian để có thể trẻ mãi không già, để luôn giữ nét thanh xuân của thời hai mươi tuổi. Cũng như ông đó thôi, bây giờ tóc đã muối tiêu, vóc dáng nặng nề vì cái bụng càng ngày càng bự, dáng đi khập khiểng khi trái gió trở trời vì một bên chân phải nhức nhối, là di chứng của tai nạn nghề nghiệp năm nào. Nhưng đâu có ai vì sự già nua ấy mà kém yêu thương ông. Chỉ có điều vài ba năm nay, khi công việc buôn bán của ông không còn thuận lợi vì kinh tế xuống, năm thì mười hoạ mới có một món hàng mua bán được, thì cảm giác buồn chán cứ mỗi ngày mỗi lớn hơn trong lòng ông. Và ông càng nhớ quê hương kinh khủng. Ông nhớ cái ồn ào, thân tình của cái quán café cóc mà lần về trước sáng nào ông cũng ra đó uống café. Mấy thằng bạn thời ấy bây giờ còn ở lại, đén đó ngồi tán dóc với ông. Bao nhiêu kỷ niệm cũ cứ ào ào tuôn ra từ miệng đứa này rồi đứa khác. Chỉ có ba mươi cent cho một li café đen mà ông mua được biết bao niềm vui. Ở đây buổi sáng ngủ dậy không còn phải tất bật vì công việc, ông thấy thời gian trôi qua sao lê thê quá. Vợ ông đã đi làm, hai đứa con cũng đứa nào việc nấy, chỉ có ông thơ thẩn ra vô trong căn nhà rộng lớn không biết làm gì cho hết buổi sáng. Ngồi vào bàn check mail, xem những file bạn bè gởi, rồi trả lời bạn. Tất cả việc ấy cũng chỉ chiếm của ông một hai giờ. Có khi ông ôm cái điện thoại gọi về cho thằng em ở VN nói chuyện cho đỡ buồn. Bên ấy đang là buổi tối, nên thằng em cũng chi sôi nổi chuyện trò với ông cở vài mươi phút, rồi cũng cáo từ để đi ngủ. Gọi sớm hơn thì nó bảo phải đi chơi chổ này chổ nọ. Riết rồi ông phải hiểu là nó cũng chán phải nghe nỗi niềm của ông. Cái thằng thiệt là, sao nó không nghĩ tới cái tình của ông đã gởi tiền về để nó xây lại cái nhà cũ kỹ
ngày xưa, nay biến thành căn nhà ba tầng lầu to đùng, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng con cái nó hưởng, chớ ông thì mới về một lần, ở chỉ một tháng rồi đi. Sao nó không nghĩ tới cái tình đó mà chịu khó cho ông thời gian để ông nói tầm bậy tầm bạ một chút cho qua những ngày trống rổng? Đúng là cái thằng tệ thiệt!

Ông gởi quà cho Diễm Hồng nhờ cô em chuyển giúp. Ông còn cẩn thận gởi kèm một bức ảnh của ông hy vọng Diễm Hồng sẽ nhận ra ông dù bao năm xa cách. Nhưng cô em gái trả lời với ông là chị cô không nhớ ông là ai.

- Chắc là do chị bệnh đó anh à. Anh đừng buồn nghe.

Không sao cả, ông nghĩ thầm, dù Diễm Hồng có nhớ ra ông hay không, thì trái tim ông vẫn dành cho cô một nơi sâu kín nhất. Một nơi tuy nhỏ nhoi thôi nhưng sáng lấp lánh như viên kim cương trong bóng đêm. Cô là những gì tươi đẹp nhất của một thời trai trẻ, một thời yêu thương dại khờ nhưng vô cùng mãnh liệt. Nay cô bất hạnh nên ông càng thưong cô nhiều hơn, càng nghĩ về cô nhiều hơn, và càng ngóng trông một lần quay lại nơi chốn cũ, tìm gặp cô dù chỉ để đứng xa xa nhìn tới mà thôi.

Chỉ là tình đơn phương mà đôi khi da diết, nồng nàn, mà đôi khi không bao giờ phai nhạt. Diễm Hồng ơi!

ĐN 05/2011