Bể dĩa
TBT nhắn tui: Lân ơi, răng lâu không thấy viết bài?
Hihi bữa ni đầu óc tui mụ lắm, viết khôn ra bài mới. Thôi để tui tìm bài cũ gửi rứa hí. Lấy bài Chú tui, Ba tui nữa hỉ. TBT tha tội đừng la hí.
TBT an ủi: Tui thích bài viết "mụ" đó Lân, vì nó phản ảnh tuổi của mình bây giờ. Tui cũng mụ lắm đó. Nói thật đó nghe.
Hihi tui mụ mẫn lắm rồi. May mà vẫn còn đi tua lai rai. Mà tui cũng không hiểu răng du khách ưng nghe tui nói tào lao và ngâm thơ nữa. Mới ngày qua ngâm thơ bị bễ dĩa mà cũng khen. Mai tui lại đi tua tiếp đây.
Rứa thì Lân kể chuyện đi tua ngâm thơ cho bà con nghe đi chứ chỉ có bà con trên Facebook mới biết Lân đi tua ngâm thơ thôi.
Rứa thì tui kể chuyện ngâm thơ bể dĩa hỉ. Chuyện ni mới xảy ra hôm qua thôi!
Trước khi vô câu chuyện ngâm thơ bể dĩa, tui nói chuyện tào lao một chút.
Số là ôn dôn tui, và hai thằng con trai đều là tua gai, với tui nữa vị chi là bốn. Hai tua gai Tiếng Anh và hai tua gai Tiếng Pháp. Ôn tui và hai thằng con tua gai của tui dặn tui không biết bao nhiều lần:
- Đi tua là phải xem khách cần nghe cái chi thì mình nói cái nấy, không phải ưng chi là nói nấy. Nhất là cái vụ ngâm thơ.
Có ông chủ bự của công ty tàu biển thì cẩn thận dặn dò:
- “Chị nhớ tập trung chuyên môn nghe, đừng có ngâm thơ với hát hò chi nghe”
- Tui hứa!
Ông chủ chưa tin tưởng lắm. Dặn đệ tử ổng nhắc đi nhắc lại trước khi xe lăn bánh.
Ban đầu thì tui cũng giữ lời hứa thiệt. Nhưng chào hỏi, nói chuyện một hồi, thì khách nói:
- Bà có phải cô giáo không?
Tui nói trước kia có, nhưng nghỉ dạy từ lâu lắc rồi. Họ hỏi vì sao thì tui phải giải thích chơ răng.
- Răng tui thấy bà nói chuyện giống nhà thơ ấy.
- Tui không phải là nhà thơ. Nhưng mà tui thích nghệ thuật ngâm thơ. Tui còn ngâm thơ gây quỹ từ thiện nữa đó.
- Nghệ thuật ngâm thơ là gì?
Làm sao để giải thích nghệ thuật ngâm thơ, nếu không ngâm một bài thơ làm mẫu? Và khách yêu cầu tiếp thì hướng dẫn sao dám từ chối thượng đế he he. Vậy là tui phá vỡ lời hứa với xếp lớn ngon lành.
Hình như gần đây có thượng đế nào đó trao đổi với xếp về việc thơ thẩn nên không thấy ổng cấm đoán bắt hứa này hứa nọ nữa.
Khổ cái, ưa ngâm thơ, mà đầu óc không còn thuộc làu nhiều bài như trước, nên phải cầm tài liệu, vì đọc sai một chữ là mang trọng tội với tác giả. Quên mang theo tài liệu thì thôi tui đọc thơ tui trớt, quên chữ mô cũng không răng, không ai la hết.
Tui có cái tật, là khi nhận booking, tui không bao giờ hỏi quốc tịch gì, nam hay nữ, mấy khách, chỉ nhận lời nếu không bận lịch tua. Đến khi công ty gửi chương trình về là để nguyên rứa cất vô hồ sơ. Đến sát ngày mới mở ra xem, đồng thời liên hệ các dịch vụ liên quan.
Cái tua mà tui mới chia tay sáng ni là một ôn giáo sư đại học chuyên về Hóa, nhưng cũng dạy cả toán và Lý, người Barcelona.
Tui có thói quen luôn luôn đến thật sớm, kiểm tra giờ máy bay hạ cánh, rùi kiếm một chỗ gần trước ga đến để đọc báo từ Facebook, khi bắt đầu có khách đến mới đứng dậy đưa bảng đón lên.
Vậy mà tui chưa kịp rút cái bảng đón ra khỏi túi xách đã có một ôn. Mặt mày quắc thước nhìn tui, và nói:
- Tôi đây!
Tui hết hồn, và nhanh trí chào hỏi. Xin lỗi tên ông phát âm sao ạ?
- Phăng Xê.
Ông Phăng Xê là một người quá giản dị. Cái túi xách. Cái ba lô nhỏ xí.
Ông nói:
- Hành lý càng ít, thì đi du lịch càng khỏe, càng tự do, và đi được nhiều.
Thiệt ra, chương trình rất đơn giản:
28 đón, đưa về khách sạn.
29 đi bộ phố cổ Hội An. Ăn trưa.
30 đi Huế. Ăn trưa. Về khách sạn.
31. Thăm Đại Nội, Lăng Vua Tự Đức. Chiều đi Tam Giang và ăn tối ở đó. Quay về khách sạn.
1. Tiễn ra sân bay Huế.
Rứa mà lên xe tui nói chuyện Hội An, nói lan qua Mỹ Sơn. Rứa là ôn đòi đi thêm Mỹ Sơn. Tui điện về công ty, đó là nguyên tắc. Công ty thiệt hào phóng, khuyến mãi cho ôn đi thêm Mỹ Sơn, chứ nếu bán thêm cho Ôn là tui được thêm một khoản tiền thưởng từ công ty rùi. Ôn Phăng Xê là một người thực hành thiền theo một môn phái rất cổ xưa, ôn thích đi thật sớm, thích yên tĩnh. Tôi quyết định cho ông đi lúc 7 giờ sáng.
Bữa ni tui tra, đâm ra nhác, không còn hăng hái đi honda 30 cây số vào Hội An như trước. Mà đi xe buýt thì cũng quá sớm. Làm răng chừ?
Hình như cứ mỗi lần tui bí chi, là ông trời sẽ giúp hay răng á. Điện thoại reo.
- Mai cô đi tua giùm con với.
- Cô bận rùi.
- Rứa chú rảnh không?
Chú rảnh. Rứa là sáng hôm sau, tui có xe thồ miễn phí chở tui vô Hội An, còn hào phóng cho tui ăn sáng nữa chứ.
Đi tua với ông Phăng Xê, tui hơi ngài ngại. Thôi đừng thơ thẩn chi trớt. Rứa mà tới chỗ Bò Thần Nandi đứng cạnh Thần Shiva, vị thần Hủy Diệt trong Đạo Hindu, tui thủng thẳng:
The Holy Bull Nandi is waiting
For the order of God Shiva
To carry him around the universe
To destroy all the crimes in the world
And make it more beautiful and peaceful place to live
- Khoan, chờ tui chút!
Ông bật camera ra: Cô đọc lại bài thơ đi. Tôi muốn quay clip gửi cho vợ và hai con gái tôi.
Rứa là tui đọc lại. Mà nói thiệt, đọc thơ bằng tiếng Anh thì làm sao mà cảm xúc, hay được như tiếng Việt, nên tui ngâm nga, dù không hề có nhạc đệm ngâm thơ.
Bò Thần đợi lệnh Siva
Chờ Thần đi dạo Thiên Hà một phen
Dẹp tan tội ác tối đen
Để cho thiên hạ bình yên thái hòa.
Trên đường về lại Hội An, ông Phăng Xê cho tui xem hình vợ và hai cô con gái của ông. Tui không thể tượng tượng được một phụ nữ tuổi đã 70 lại trẻ đẹp như vậy.
- Sao vợ ông không đi cùng ông?
Bà ấy đang tập trung tu học một khóa Thiền ba tháng. Còn tôi đã xong khóa Thiền nên được tự do.
Vợ ông Phăng Xê cũng là giáo sư dạy đại học. Cô con gái lớn của ông là kiến trúc sư nhưng lại mở một trung tâm dạy Yoga rất lớn. Còn cô nhỏ thì chuyên về các hoạt động thể hình.
Rứa là tui có dịp khoe với ông Phăng Xê là tui được cơ hội theo học một khóa yoga miễn phí, trong khi những người khác phải đóng hai ngàn đô, nhờ một bài thơ, mà tui hát để giúp vui cho một đoàn, ăn mặc rất giống các nhà sư áo vàng, chuyên đào tạo giáo viên Yoga:
Hít vào, mỉm cười
Thở ra, mỉm cười
Yêu cuộc đời
Yêu thiên nhiên
Và yêu mọi người
Hít vào, mỉm cười
Thở ra, mỉm cười
Bầu trời cao cao
Cuộc đời rạng ngời
Chúng ta an lành.
Bài hát ấy, tui sáng tác để…. chữa bệnh cho một bà khách, trông mệt ngất ngư, rã rời như một con mèo ốm khi đón ở sân bay. Hôm sau bà ấy nói. Bài hát đó đã giúp bà khỏe hơn rất nhiều. Cũng không biết là bà ấy noái thật lòng hay thương tua gai tui tận tụy mà noái rứa không nữa. Hay là các bạn hát thử, thực hành thử, rùi noái thiệt cho tui nghe với.
Hôm sau ra Huế. Tui mang theo cái loa nhạc đệm ngâm thơ. Ngâm thơ mà có nhạc đệm mới đúng điệu. Tui định ngâm một bài trong xe thì ông Phăng Xê nói:
- Cô chịu phiền cho dừng xe lại, chọn chỗ có phong cảnh đẹp để tui còn quay phim gửi về gia đình.
Rứa thì mất thời gian quá. Tui hứa sẽ thực hiện một bài ngâm thơ khi thăm Lăng Tự Đức và Đại Nội Huế.
Đến Huế, vẫn còn sớm, nên tui cho Ông Phăng Xê đi thăm Lăng Vu Tự Đức luôn, sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian vì tiện đường đi. Ông Phăng Xê rấ thích phong cảnh nên say sưa chụp ảnh.
- Cô cứ nói, tui chụp ảnh vẫn nghe cô được
Đến chỗ Nhà Bia, tui đọc bản tóm tắt Khiêm Cung Ký cho ông nghe. Nói thiệt, tui nói thì huyên thuyên, nhưng đọc thì rất chậm, vì mắt nhìn chữ không rõ.
Ông Phăng Xê đứng sau, cách bản tóm tắt Khiêm Cung Ký đúng ba bước chân, đọc tiếp, lưu loát, không vấp một chữ.
Tui hoảng quá, nhìn ông: Sao ông có thể nhìn rõ vậy, tôi lui đứng vị trị này chỉ thấy một đống chữ, chứ không thể nào đọc được!
Ông lui thêm bước nữa, đọc tiếp.
Lui thêm mấy bước nữa, tôi vẫn đọc được. Có điều, nó không còn đúng tầm cao của mắt, đọc khó hơn.
Hôm sau, lại đi thật sớm. Đến Đại Nội, còn rất vắng vẻ. Nhiều thời gian nên tui cho Ông Phăng Xê đi thăm thủng thẳng: Cữu Vị Thần Công, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường, Thái Miếu…
Nói thiệt, mấy tua khác, không đi nhiều vậy đâu, vì chương trình ôm đồm nhiều điểm. Với lại ông Phăng Xê rất thích nghe, rất thích chụp ảnh về cho vợ con, thôi cứ để ông thoải mái.
Tui vẫn không quên lời hứa ngâm thơ có nhạc đệm cho ông Phăng Xê quay clip gửi về gia đình, cho nền trước khi ra khỏi khu vực Tử Cấm Thành, tui mới thông báo:
- Chừ tôi ngâm thơ nghe.
- Đợi tí, tui mở máy quay phim đã.
Tui bật nhạc lên, điệu nghệ như một diễn viên thứ thiệt. Bài Đòn Gánh Tre vậy. Bài ni tui thuộc như cháo loãng. Bởi vì tui đã viết tặng mẹ tui khi mẹ tui còn sống. Mẹ tui ưng bài ni lắm. Sau khi mẹ tui mất, tui mần cái CD thơ, theo yêu cầu của Ba tui, trong đó có bài ni, để ba tui thỉnh thoảng lại mở cho mẹ tui nghe.
Thường thì tui ngâm bằng Tiếng Việt trước, rùi mới dịch qua Tiếng Anh sau. Nhưng lần ni tui mần ngược lại, vì mục đích Ông Phăng Xê quay phim là để gửi cho gia đình và để giới thiệu cho đồng nghiệp và học sinh ở trường đại học, nên tui phải có đôi lời chào hỏi cho lịch sự, giới thiệu ngữ cảnh ra đời của bài thơ, nội dung bài thơ bằng tiếng Anh rồi mới đến phần trình bày bằng Tiếng Việt.
Nói thiệt, cứ mỗi lần đọc bài Đòn Gánh Tre là tui thấy xúc động lắm. Tui nhớ, tui thương mẹ tui khổ nhọc bôn ba với gánh nặng trên vai để kiếm sống nuôi con ăn học nên người. Mà cái cảm xúc ấy dâng trào khi ngâm phần Tiếng Việt, còn Tiếng Anh chỉ là để giúp cho người nước ngoài hiểu nội dung thôi.
Khi tôi đang thổn thức được hơn hai phần ba của bài thơ thì không biết có con chi bay vào cổ, mà tui hách xì, ho, rồi tắc tị luôn, dù đã hết sức cố gắng hoàn thành phần ngâm còn lại!!!
Thiệt là bối rối, cơn ho kéo dài, cũng không thể làm lại được nữa.
Tôi xin lỗi. Nhưng ông Phăng Xê noái, đây chính là bài thơ xúc động nhất mà ông từng nghe. Tuy tôi đã không hoàn thành phần Tiếng Việt, nhưng ông đã nghe đủ phần Tiếng Anh và rất thích.
Theo chương trình, buổi chiều Ông Phăng Xê đi Tam Giang cùng hướng dẫn khác và lái xe khác. Đây là phần tua do một công ty địa phương thực hiện. Thật là đáng tiếc cho tôi vì tôi rất thích khung cảnh tam giang và những hoạt động cộng đồng. Ông Phang Xê mời tôi cùng đi, nhưng tôi tế nhị từ chối, để người hướng dẫn địa phương cảm thấy thoải mái hơn.
Sáng nay, trên đường ra sân bay, Ông Phăng Xê nói, vợ và các con gái ông rất thích những bài thơ ngâm của tôi, đặc biệt là bài thơ ngâm dang dỡ.
Tiễn Ông Phăng Xê ra sân bay xong, tôi thuê xe thồ về làng dự đám chạp, đi thăm mộ mẹ tui, thăm O, đi thăm anh Tề bà con đang bị bịnh thận rất nặng. Cánh tay anh bầm tím chi chít dấu kim tiêm. Thương anh quá.
Tui mong mãi có sức đi tua, đi hát thơ dạo, hứng lộc trời ban một cách thành kính biết ơn, và chia sẻ cùng những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn.
Đây chính là động lực mà tui hát thơ và pót thơ liên tục cuối năm ngoái, chắc cũng làm phiền nhiều bạn bè Phây Búc, nhưng tui cũng đón nhận được nhiều ngọn lửa tình thương để chuyển giao đến nhiều bà con gặp khó khăn vì bão lũ, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Cứ được ít lửa ấm là tui tham gia cùng Gia Đình Phật Tử để chuyển lửa tình thương.
Không biết Ông Phăng Xê sẽ gửi tui mấy cái clip ngâm thơ không. Tui mời các bạn nghe tạm clip mà tui tự quay vậy.
https://www.youtube.com/watch?v=SJSmEddarX8&feature=youtu.be
Cũng xin mời các bạn nghe giọng ngâm khàn đậm chất quê trên Youtube hoặc Facebook. Kệ lai và còm men cho tui mừng nghe. Cảm ơn các bạn.
Xin chúc:
Hồng Đức Chín Bốn rộ hoa
Hương thơm bay khắp, nhà nhà an vui…
Tui cũng mời cả nhà mình cười một cái rùi đọc thơ Chú tui nè:
Nụ Cười Hàm Tiếu
Nụ cười mở lối tơ duyên
Tâm tình mở ngõ về miền yêu thương
Nụ cười mở lối mở đường
Trăm hoa đua nở trong vườn ước mơ…
Ước mơ mơ ước mong chờ
Bao giờ gặp lại bây giờ nơi đây
Trăng non lại ước trăng đầy
Nụ cười tươi thắm còn thay nhiều lời
Xa nhau vẫn nhớ nụ cười
Nhiều năm gặp lại nhớ người năm xưa
Bốn mùa thay đổi nắng mưa
Nụ cười theo mãi dáng xưa ban đầu
Để rồi mở cửa ngàn sau
Dệt nên tình sử trao nhau mộng đầu
Nụ cười là cả nhịp cầu
Dù cho bốn biển năm châu cũng gần
Nụ cười là cả mùa xuân
Đêm qua mai nở trước sân một cành
Nụ cười là ánh trăng thanh
Mang về dĩ vãng tuổi xanh xuân thì
Nụ cười mở cửa từ bi
Là tâm vô lượng xả đi muộn phiền
Ngày 1 tháng 9, 2017
Lân Nguyễn