Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
BẾN ĐÒ THỪA PHỦ TRONG TÔI
TRẦN ĐỨC THÁI
Chiều nay mồng tám tháng ba (2017), ở nhà một mình lang thang trên mạng tìm xem có ai viết về bến đò Thừa Phủ của một thuở xa xưa hơn 60 năm về trước mà tôi sắp kể dưới đây dù rằng nhớ nhớ, quên quên. Tôi tìm mãi vẫn không thấy ai, kể cả các nhà Huế học, nhà nghiên cứu lịch sử viết về “Bến tắm Thừa Phủ”... Nói đến bến đò Thừa Phủ trên sông Hương (trước UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế bây giơ) ai ai cũng chỉ viết về tính lãng mạn của những tà áo tím, áo trắng thướt tha của nữ sinh Đồng Khánh ngày ngày trên bến đò ngang, hay là viết về lính tráng, công chức, học sinh Quốc học...qua lại giữa hai bờ bắc-nam sông Hương.
Sau này, trong những kỳ Festival Huế 2004&2006, người ta cũng chỉ phục dựng lại những cảnh đó mà thôi. Mới đây trong dịp kỷ niệm 100 năm Trường Đồng Khánh (1917-2017) các cựu nữ sinh ĐK đã tái hiện lại cảnh đò đưa học sinh ĐK sang sông Hương rất thơ mộng và lãng mạn đế nhớ về một thuở xa xưa. Nhưng ít ai biết rằng, nơi bến đò này xưa kia từng có cảnh thương, nhớ, đợi, chờ của nhiều phụ nữ Việt Nam nghèo khổ trông ngóng chồng về.
Bến đò Thừa Phủ xưa kia (ảnh Internet)
Bến đò Thừa Phủ tái hiện trong những kỳ Festival-Huế (ảnh Internet)
Nữ sinh ĐK qua đò ngang sông Hương trong dịp kỷ niệm 100 năm Đồng Khánh (1917-2017) (ảnh Nguyễn Đình Niêm)
Xin đứng ra ngoài khuynh hướng chính trị, không kể người bên này, kẻ bên kia, tôi chỉ muốn viết về tình yêu thương mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
Thuở ấy, sau hiệp định Genève (1954) chia cắt đất nước, nhiều CB tập kết ra Bắc, nhưng ba tôi và nhiều cán bộ khác ở lại miền Nam, ít lâu sau khoảng năm 1955 ba tôi cùng nhiều CB khác bị chính quyền miền Nam bắt làm tù binh giam tại nhà lao Thừa Phủ*. Lúc đó tôi mới lên sáu, lên bảy, đã có 2 em, mẹ tôi ngoài ba mươi. Một mình mẹ phải gánh gồng, mua thúng, bán bưng để nuôi chồng, ông gia và ba đứa con còn đang thơ dại.
Hình ảnh mẹ tôi xưa (Ảnh Internet)
Hồi đó, ngoài những buổi đi thăm nuôi ba tôi chính thức do chính quyền cho phép, mẹ tôi còn có những buổi chiều đi thăm lén ba tôi, những ngày buôn bán về sớm, có thời gian, mẹ tôi thường rủ tôi đi theo, nhiều lúc tôi không muốn đi (tuổi còn thơ dại ham chơi với bọn trẻ trong xóm) mẹ tôi phải năn nỉ tôi đi cùng cho có bạn.
Tôi nhớ có một buổi chiều, mẹ tôi bán về sớm, vội vã chuẩn bị đi thăm ba. Tôi nghe vậy nên lui trốn sau hè (ngày xưa ở nông thôn vườn sau gọi là hè), mẹ tôi tìm mãi mới ra, mẹ tôi bảo đi nhanh cả bóng xế không kịp thăm ba, tôi không chịu đi theo mẹ. Mẹ tôi bật khóc nức nở, nói thằng con không thương ba. Thấy mẹ khóc, tôi ôm mẹ khóc theo, hai mẹ con lau nước mắt cho nhau. Cuối cùng hai mẹ con cùng đi thăm ba.
Từ nhà tôi đến lao Thừa Phủ khá xa, đi thăm tù nhân, nên chỉ đi âm thầm, lặng lẽ, hai mẹ con đi bộ đến con đường mòn phía bên công viên từ lao Thừa Phủ đến bến đò Thừa Phủ, đứng núp núp nơi những gốc cây. Không chỉ mẹ và tôi mà còn có mẹ con của nhiều tù nhân khác cũng cùng chung cảnh ngộ với gia đình tôi để chờ đợi đoàn tù nhân đi tắm.
Có lẽ sau một ngày lao động, chiều chiều một đoàn tù nhân từ nhà lao ra tắm giặt tại bến đò trên sông Hương đó chính là lúc những người vợ trẻ, con thơ được nhìn lén chồng, cha mình và những người chồng, người cha cũng nhìn được vợ con mình. Tôi cũng không biết rõ cảm xúc của bốn mắt nhìn nhau như thế nào? Chắc cũng giống như bao tình yêu thương khác. Có khác chăng là: Tuy rất gần nhau, nhưng xa diệu vợi. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” mà. Những buổi thăm nuôi, giao tiếp không lời ngắn ngủi, chỉ bằng ánh mắt, ngước nhìn, rung động của con tim mà một cái vẫy tay cũng không dám biểu lộ đã từng xãy ra nơi bến đò Thừa Phủ xưa kia.
Cứ như thế, những người thăm nuôi, không ai bảo ai, hay có chia phiên ngầm với nhau thì tôi không biết, nếu ai đến bến đò Thừa Phủ sớm thì có thể vợ chồng nhìn nhau được ba lần, lúc đi tắm, lúc tắm và lúc trở về lao của các tù nhân.
Tôi không còn nhớ rõ trong thời gian ba tôi bị tù tội, mẹ tôi đã đi thăm lén để thương, nhớ, đợi, chờ ba tôi nơi bến đò Thừa Phủ bao nhiêu lần.
Ba tôi ở tù khoảng một năm thì được trả tự do về sum họp với vợ và các con. Tuy thế nhưng bị quản thúc, hằng năm phải đi học chỉnh huấn một vài tuần.
Ôi chiến tranh thật nghiệt ngã, hạnh phúc bên chồng của mẹ tôi chỉ vỏn vẹn có hai mươi năm thôi. Cuộc chiến huynh đệ đã cướp đi sinh mạng người chồng thân yêu của mẹ. Ba tôi đã vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng không một lời từ biệt lúc mới 55 tuổi vào năm Mậu Thân (1968) để lại mẹ tôi lúc còn son trẻ với đàn con 6 đứa đang bơ vơ rày đây mai đó trong cảnh cơ hàn nhà tan cửa cháy trong biến cố Tết Mậu Thân.
Một mình mẹ tôi, bươn chải trên đời, với chiếc đòn gánh đè nặng trên đôi vai nên lưng mẹ đã còng theo năm tháng, mẹ tôi đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đưa đàn con khôn lớn, đến bờ đến bợt, chỉ mong con có một chút danh gì với núi sông.
Mẹ tôi năm 79 tuổi, 2002
Mẹ tôi năm 89 tuổi** (2012)
Mẹ tôi ngồi xem ảnh các con năm 90 tuổi*** (2013)
Đại gia đình tôi, mồng một Tết Đinh Dậu, 2017
Một nén hương dâng lên ba, xin ba phù hộ cho mẹ được sức khỏe để chúng con vẫn tiếp tục được cài hoa hồng (đỏ) trên áo mỗi mùa báo hiếu Vu Lan về, ba nhé.
Kết thúc bài viết ký ức một thời, tôi xin mời mọi người đang còn mẹ hay mẹ đã đi xa mãi mãi, nghe ca khúc Mẹ Tôi của Nhị Hà qua tiếng hát và lời bình của ca sỹ Thùy Trang: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Me-Toi-Thuy-Trang/ZWZA77A9.html. Một ngày mồng tám tháng ba dành riêng cho mẹ.
Con của mẹ
Trần Đức Thái
(*) Lao Thừa Phủ: Năm 1899, người Pháp lấy một phần khu đất trại thủy sư Triều Nguyễn làm trại giam chính của phủ Thừa Thiên, có lẽ cái tên Thừa Phủ có từ đó. Lao Thừa Phủ nằm ngay sau UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (ngày xưa Tòa hành chảnh tỉnh Thừa Thiên). Cả ba thời kỳ Pháp thuộc, VNCH, CHXHCNVN, nơi đây vẫn là nhà tù. Lao Thừa Phủ chỉ cách bến đò Thừa Phủ khoảng 150-200m. Từ nhà lao đi một đoạn giữa BVTW Huế và UBND Tỉnh, băng qua đường Lê Lợi, qua công viên là đến bến đò Thừa Phủ trên sông Hương. Chính đoạn đường 150-200m này, nhất là đoạn phía công viên là nơi xưa kia mẹ tôi đi thăm lén ba tôi. Hiện nay lao Thừa Phủ đã dời đi nơi khác, chỉ còn để lại cảnh phế tích của các thời lao tù.
Lao Thừa Phủ tường rào hai lớp (ảnh Internet)
(**)Ngày xưa mẹ gánh còng vai
Bây giờ con thấy mẹ oai ri hè!
Trần Đức Thái
Mẹ già gồng gánh còng vai
Nuôi con khôn lớn biết bao đoạn trường
Một đời lầm lũi gió sương
Tấm thân gầy guộc dặm trường xá chi
Ơn mẹ lòng tạc dạ ghi
Suốt đời con biết lấy chi đáp đền
Nguyện trời chúc phúc mẹ hiền
Sống đời trường thọ cháu con thảo hiền
Thơ HYPERLINK "https://www.facebook.com/nguyen.t.minh.773" Nguyen Thanh Minh
Ngày xưa mẹ gánh còng vai
Ngày nay mẹ đã sánh vai với người
Ngày xưa dù khổ mẹ cười!
Ngày nay mẹ đã hơn mười ngày xưa
Ngày xưa đi sớm về trưa
Ngày nay con đã đón đưa mẹ về.
Thơ Hồ Khả Cảnh
Những ngày tăm tối đã xa xôi
Mẹ hiền ơi xin tận hưởng niềm vui
Nhỡ mai kia Mẹ quay về cát bụi
Con đau lòng thương tiếc khôn nguôi
“Dẫu bạc đầu vẫn là con của Mẹ
Dẫu làm Vua mất Mẹ cũng mồ côi”
Thơ Lương Thúy HYPERLINK "https://www.facebook.com/profile.php?id=100001070655190" Anh
(***) "Mẹ già cuốc đất trồng khoai"
Nuôi con ăn học tháng ngày
Bây giờ con đã thành người
Mẹ ngồi nhìn ảnh vui cười với con
Thơ Trần Đức Thái
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con ăn học chẳng hoài tuổi xanh
Bây giờ con đã trưởng thành
Nhìn con trong ảnh ánh mắt tươi cười
Dẫu cho vật đổi sao dời
Chỉ mong có mẹ suốt đời bên con
Thơ Nguyen Thanh Minh
Mẹ già cuốc đất nuôi con
Tuổi thơ ngày ấy con còn vấn vương
Trãi qua trăm nỗi đoạn trường
Nuôi con mẹ khổ trăm đường mẹ ơi!
Mẹ già cuốc đất trồng rau
Nuôi con mẹ ước con mau thành người
Bây giờ con đã mấy mươi !
Mẹ ngồi xem ảnh mỉm cười, con vui
Thơ HYPERLINK "https://www.facebook.com/canh.hokha" Canh Ho Kha