Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
BÊN NI BÊN NỚ: NHỮNG NGÃ SÔNG TRÊN DÒNG ĐỜI
Chin Bon
Chin Bon
Nhận được tin nhóm cựu nữ sinh Nữ Trung Học tổ chức Đại Hội tại Houston, tôi mừng đến rơi nước mắt. Bao nhiêu năm, chỉ mong có được lần này, bạn bè cũ từ mọi nơi trên
thế giới về đây hội ngộ. Chẳng phải tại ai, tôi cũng có thể thu xếp về thăm quê hương một
chuyến, gặp lại thầy cô bạn bè cũ, thăm lại ngôi trường xưa. Nhưng nghĩa vụ với con cái, tính hay lo của tôi, nợ áo cơm đã khiến tôi bao nhiêu lần muốn bay về Việt Nam, bao nhiêu lần toan tính để rồi chẳng bao giờ thực hiện được. Lý do là tôi phải thu xếp thế nào để có đủ thời gian ít nhất một tháng để có thể đi đây đi đó cho thỏa lòng mong ước. Mà với nghề nghiệp của tôi, một tháng vacation là điều khó có thể thực hiện. Chỉ tự an ủi mình, chờ lúc về hưu, sẽ tha hồ mà đi. Đã vậy thời gian cứ trôi qua vùn vụt, tính đến nay tôi đã rời quê hương 32 năm rồi, chưa một lần trở lại. Bao nhiêu năm hình ảnh quê hương Đà Nẵng, bạn bè cũ vẫn canh cánh bên lòng. Du lịch ở nước nào, cũng loáng thoáng thấy đâu đó cảnh cũ người xưa. Tôi nhớ nhà văn Võ Đình đã nói về người đàn bà trong một truyện ngắn của ông: ban ngày bà "ở" Mỹ, ban đêm bà "sống" ở Việt Nam.
"Ở" và "Sống", hai khái niệm tưởng chừng như là một, trong hoàn cảnh những người tha hương như tôi, trở thành hai phạm trù khác biệt:ở là tương quan vật chất bên ngoài và sống (đối với tôi thôi nghe) là một tương quan phức tạp hơn nhiều, có gắn bó, có nhớ nhung, có ôm ấp kỷ niệm, hoài bảo, ước mơ. Và cái nơi chốn để sống đối với tôi, là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, trải hồn mình ở đó; đã đi qua, đã ở lại, Đà Nẵng, Sài Gòn, bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu con đường, quán cà phê, Nữ Trung Học, Đại Học Văn Khoa, chợ Hàn chợ Bến Thành....đủ hết.

Và như vậy, email đứa này, điện thoại đứa kia, đứa ở VN, đứa ở bang này bang khác trên đất Mỹ, rủ rê về Houston hội ngộ. Rồi hồi hộp đợi chờ những hồi âm: đứa bạn nào cũng như tôi cũng hân hoan đón mừng tin vui và vẽ vời cho ngày gặp lại. Đứa nào cũng đòi đi một mình, cho chồng con ở nhà, để có dịp hàn huyên tâm sự, bỏ đi bao ngày xa cách.
Tôi như vừa uống thêm thần dược cho mình, tự nhiên thấy hồn mình trẻ lại. Hội ngộ là nhịp cầu nối liền bên ni bên nớ. Ôi bên ni bên nớ, những tao mi, ngôn từ thời đi học, chỉ tưởng tượng gặp lại nhau để được nói những tiếng ấy thả dàn, cũng đủ để cho hồn tôi chắp cánh.

Lần lần tôi hết dần những háo hức đợi chờ. Hoá ra đời sống bên nớ hay bên ni, chúng tôi những người thiếu nữ hồn nhiên ngày nào giờ đây đứa nào cũng chồng chất nghĩa vụ, những ràng buộc gia đình, kinh tế, áo cơm. Ngày mới lớn, khoảng thời gian chúng tôi học đệ tam đệ nhị, cuốn sách gối đầu giường tụi học trò tôi chuyền tay nhau đọc là cuốn "Dòng Sông Định Mệnh" của nhà văn Doản Quốc Sỹ:chúng tôi đã từng mê man với đoạn tác giả tả Trăng 16 và mối tình lãng mạn trắc trở của 2 nhân vật Thiệu và Yến. "Con sông chia làm hai nhánh". Lũ chúng tôi, cũng như đôi bạn trẻ trong truyện, đến một lúc nào đó cũng bị chia lìa vì hoàn cảnh. Ngày nào đó, dưới mái trường ấm cúng, giữa giai đoạn chiến tranh ác liệt, đêm nào ngồi trước bàn học cũng nghe vang vọng tiếng súng đì đùng từ xa, vẫn thấy hỏa châu sáng ngập trời đêm, khói lửa chiến tranh vẫn lờn vờn trên trang sách, bảng đen. Mà nào chúng tôi có nghĩ ngợi gì đâu: vẫn hồn nhiên vui chơi, vẫn quấn chặt 2 vạt áo dài lại để chơi u, vẫn rủ nhau cả lớp cúp cua để xem phim Docteur Zhivago để rồi sau đó cả bọn nhận hình phạt cấm túc của thầy Tổng Giám Thị C.T.M.Thế giới học trò chúng tôi là như thế đó: sách vở, bảng đen học hành chăm chỉ, những ngày rủ nhau đi ăn quà vặt, bánh bèo Trường Nam, bánh cuốn Tiến Hưng, bún thịt nướng chợ Hàn; xôn xao tình đầu; phờ phạc thức trắng những mùa thi...Như những nhánh sông từ bao nhiêu hóc bờ xa lạ, chúng tôi tụm về đây, dưới mái trường Nữ Trung Học, làm thành con sông lớn mà chất bồi phù sa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn thiếu nữ của chúng tôi.
Vẫn biết con sông kia rồi cũng phải chia thành nhiều nhánh, cuộc đời của chúng tôi cũng trôi theo dòng sinh mệnh của đất nước, chúng tôi mỗi đứa một phương. Ba mươi mấy năm sau, những đứa lưu lạc, từ bên kia bờ đại dương, lũ chúng tôi vẫn ngóng về chân trời cũ, tìm kiểm cơ hội để tụ họp lại như ngày xưa. Những tưởng giờ đây chẳng còn mảnh lực nào ngăn cản ý muốn tha thiết chân chính đó của chúng tôi. Ngờ đâu bên nớ bên ni, những biên giới vô hình hay hữu hình vẫn còn ẩn hiện.Trách ai đây? Có phải tự ngàn xưa truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân, 50 đứa con lên núi, 50 đứa con xuống biển tuy rằng cùng chung một bọc? Có phải lịch sử của chúng ta đã từng ghi lại, Sông Gianh chia cắt đôi bờ của cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh; sông Bến Hải đã một thời chia cắt tình Nam Bẳc? Cũng có thể, chúng tôi đã lỡ sinh ra ở một thời điểm mà cơn lốc thời cuộc đã buộc chúng tôi vào thể phải chọn lựa bên nớ bên ni. Cái chọn lựa mà tôi nghĩ rằng không một đứa nào trong chúng tôi phải ân hận hay hối tiếc. Có chăng chúng tôi là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử đầy biến động, chiến tranh và hoà bình đã đưa đẩy chúng tôi, những Nữ sinh dung dị hồn nhiên của ngôi trường Nữ Trung Học ngày xưa, phải nhận lãnh hậu quả của sự chia lìa ấy cho dầu tận đáy lòng kỷ niệm ngọt ngào của những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường vẫn giữ được chúng tôi trên dòng luân chảy của dòng sông mênh mang kia.
Như chuyện thần tiên của thời thơ trẻ, tôi mơ ước có bà tiên hiền dịu với chiếc đủa thần, gõ lại cho chúng tôi một đất nước thần tiên không biên giới vô hình hay hữu hình, cho chúng tôi gặp lại nhau bằng xương bằng thịt, mừng mừng tủi tủi kể cho nhau nghe bao chuyện cũ đời mình, như những nhánh sông con rủ nhau về với con sông Mẹ, chan hoà với dòng nước lớn để đổ ra đại dương.

               
Viết cho Đại Hội Nữ Trung Học Toàn Thế Giới Lần I, khi một số
                 bè bạn và thầy cô từ Việt Nam đã không tham dự được chỉ vì
                 nghi thức chào Quốc Kỳ VNCH
               
                                Thương Thương -12AB- Niên khoá 1972