Nghe kể lại, lúc mang thai tôi má rất sợ khi thấy những con búp bê bằng nhựa cứng, hai mắt to và sâu, cái mũi gẩy, nhỏ xíu, ngắn ngủn trên khuôn mặt bầu bỉnh, không cân đối vì cái trán vồ quá cở. Lúc đó ai cũng đoán lần này má sẽ sanh bé gái, má càng sợ hơn, nỗi ám ảnh len lỏi vào giấc ngủ thành những cơn ác mộng.

Thế rồi, tôi chào đời vào một ngày cuối đông - bởi vậy sinh nhật tôi đầu năm Tây mà lại cuối năm âm lịch - Má nói, khi cô mụ la lên: A, con gái! má tôi tuy rất mệt cũng gắng mở mắt nhìn qua. Rồi má nhắm mắt lại, lẩm bẩm lạy trời, xin đừng bao giờ sinh con gái nữa. Ôi, sau chín tháng mang nặng, má vừa cho ra đời một bé gái quá xấu. Nhỏ xíu, chỉ cân nặng hơn 2 kg, đúng là khuôn mặt búp bê, nhưng là con búp bế xấu xí như đã thấy trong những giấc mơ chập chờn thuở mang thai. Trong khi năm trước, Má đã sanh ra anh Hai tôi khá khỏe mạnh, anh tròn quay, cân nặng hơn 4kg, sáng sủa, đẹp như chú bé trong hộp sữa Babilac, ai trông cũng muốn nựng.

Tôi càng lớn càng xấu, má nuôi bằng sửa mẹ nên tay chân dần dần bụ bẩm, tuy vậy, dung nhan không khá lên chút nào. Hai con mắt càng to, càng xa nhau, khiến cái mũi đã ngắn, nhỏ tí trông bẹp dí, không thấy sống mũi, khuôn mặt vì thế trông gãy cúp. Ba tôi lúc đó đi làm xa, nghe tin vợ sanh xin phép về thăm. Má tôi kể, Ba ẳm tôi trên tay và nói: Nữa lớn Ba Má phải bù tiền, con mới có được chồng. Thuở xưa chắc chưa có kỹ thuật thẩm mỹ nên Ba tôi đã an ủi tôi bằng lời hứa nặng ký. Không biết lúc đó tôi có hiểu gì không mà chỉ nhoẻn miệng cười. Lúc tôi được hơn 4 tháng, trong một kỳ về phép Ba bế tôi đến tiệm chụp ảnh lớn của thị xã Đà nẵng để chụp ảnh, khi đó tôi ngồi chưa vững, tiệm có cái ghế mây để các em bé ngồi dựa vào cho khỏi té. Tấm ảnh tôi mặc cái áo đầm ngắn, đội mũ chụp xòe, tất cả đều bằng giấy. Ba má tôi kể, lúc đó có loại áo cho trẻ con, mặc một lần là bỏ luôn, không giặt được vì bằng giấy loại dai. Do áo không thể mặc thêm lần thứ hai nên nhân đó chụp thêm mấy kiểu nữa. Có tấm ảnh Má hăm lăm tuổi, một tay ẳm tôi, một tay dắt anh Hai. Anh hơn tôi chỉ một tuổi mà trông cao to, chững chạc lắm. Má kể hồi nhỏ anh Hai rất sợ bị chụp ảnh, vì anh nghe chữ “chụp” anh tưởng rằng ông kẹ sẽ nhảy tới chụp anh. Do đó những tấm ảnh hồi nhỏ của anh Hai đều thấy mặt anh nhăn nhó, căng thẳng lắm!

Sau đó cứ tà tà, mỗi năm một em, khi … ba má xã hơi thì …ba năm một đôi. Tính đến năm được mười tuổi thì tôi đã làm chị của năm đứa em. Đoạn cuối ba má tôi hơi mệt mõi nên năm năm sau mới cho ra lò em gái út. Tổng cọng tôi có sáu đứa em, ba trai, ba gái. Nhìn chung, trong nhà tôi nhỏ con và xấu nhất, da ngăm đen chứ không trắng trẻo như mấy đứa em hay ông anh trai. Đôi mắt không biết giống ai mà to và màu nâu nhạt, mũi không cao như tất cả anh em trong nhà, tóc thì hoe vàng, thân thể gầy còm. Tôi nhớ lúc bé tôi thường nghe những người bà con đến nhà chơi trêu rằng: Con này lượm được trong đống rác hay sao, không giống đứa nào hết? có lúc tôi đã tủi thân vì nghĩ rằng mình là con nuôi. Thật vậy, tôi và đứa em gái kế không giống nhau chút nào, con bé da dẻ trắng tinh, tóc mướt, mắt đen láy, tay chân mủm mỉm rất xinh, trong khi tôi ốm nhom như một que diêm.

Lớn lên chút xíu, bảy tám tuổi, bắt đầu có phong trào uốn tóc, lúc đó gọi là “phi dê’, chắc là tiếng Tây. Thế là không biết từ suy nghĩ nào, động lực nào mà ba tôi năm nào gần đên Tết cũng chở đứa con gái lớn  xuống phố. Tôi còn nhớ rõ ràng cái tiệm uốn tóc có bảng hiệu bằng bóng đèn neon chớp chớp : “Viện uốn tóc Bính Sau”. Hai cha con phải thức dậy sớm lắm, tôi nhớ lần đầu tiên đi uốn tóc khi trời còn tối, vì nghe nói tiệm rất đông khách, dạo đó uốn xong một đầu tóc mất cả ngày trời. Ba cho tôi ăn sáng bằng món bánh mì ốp la ở tiệm ăn Thời Đại (một nhà hàng sang trọng nằm ở góc đường Độc Lập và Phạm phú Thứ Đà Nẵng). Sau đó Ba chở đến tiệm uốn tóc, cho thêm ít tiền ăn vặt, giao đứa con gái cho ông chủ tiệm là bạn thân của ba. Tôi không bao giờ quên cái cảm giác hải hùng như bị tra tấn của những lần uốn tóc thời xa xưa ấy. Mấy cô thợ, chắc là học nghề thôi, đã quấn những sợi tóc ngắn ngủn của tôi vào những cây nhựa có quấn dây cao su, cột thật chặc, đau ghê lắm, rồi các cô tẩm thuốc vào, thứ thuốc gì hôi nồng sặc. Những chân tóc bị níu đau điếng. Sau khi tẩm thuốc nhiều lần, các cô lấy bông gòn quấn viền quanh để thuốc khỏi chảy xuống mặt, trùm đầu tôi bằng một bọc nylon có dây thun để giữ hơi thuốc luôn “quấn quýt” trong đầu tóc. Tôi được chạy ra ngoài chơi, ăn hàng, ngắm xe cộ chạy trước đường Độc Lập để quên đi cảm giác đau đớn trên mái tóc. Chơi một mình mãi … cũng chán, tôi lại chạy vào tiệm đứng xem người ta làm việc, lâu lâu, các cô thợ mở bọc nylon trên đầu tôi coi thử những sợi tóc đã quăn đúng độ chưa, rồi trùm lại. Mãi đến gần trưa thì tôi mới được tháo tóc ra để gội đầu. Thật là một cảm giác thoải mái, sung sướng đến tận chân tóc. Phòng gội đầu ở phía sau, cách phòng trước bằng một tấm sáo nhựa. Sàn nhà luôn luôn ẩm ướt vì các cô học nghề phải xách nước xả tóc đi đổ. Tôi nhớ mãi cảm giác được xối những dòng nước ấm lên tóc, bàn tay cô thợ xoa nhè nhẹ, xả tới xả lui, cho xà phòng, xả tóc lại bằng nước ấm … và vì quá bé nên cái ghế gội không vừa, nước gội đầu chảy ướt cả cổ, đôi khi cô thợ làm nước tràn vào lổ tai, tôi không dám nói, mãi đến lúc về nhà mới méc má để được chỉ cách làm cho hết lùng bùng trong tai. Tóc gội xong thì lại được quấn thêm một lần nữa bằng những ống quấn lớn hơn và ngồi vào cái ghế có cái nồi to úp lên, gọi là ghế hấp. Úi trời, đoạn này càng kinh hoàng hơn, vì đã nóng rát mà không được chạy đi chơi, phải ngồi tại chổ. Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được nỗi đau khổ đó, một con bé gầy còm, bé tí, ngồi rụt người dưới chiếc ghế hấp, chiếc ghế dành cho người lớn nên tôi cần phải có thêm một chiếc ghế đòn nhỏ, lót bên dưới, có vậy đầu tóc mới lọt vào trong nồi hấp. Tôi nhớ, khi nóng quá thì tôi rụt người xuống, ăn gian chút xíu, thấy có cô thợ nào liếc liếc thì ngồi chững chạc lại. Tôi sợ và ghét nhất cái nồi hấp này vì chính vì nó mà nhiều lần về đến nhà mới thấy đôi chỗ da đầu gần mép tai hay dưới ót, những vùng da non bị cháy rát bỏng, có lẽ do thuốc uốn tóc quá mạnh, thấm vào da đầu khiến nhiều mãng da của tôi sau khi ngồi dưới nồi hấp bị cháy phỏng. Không biết tiếc mục “phi dê” này có làm cho dung nhan của tôi khá lên chút nào trong mắt ba tôi không, chứ riêng tôi khi nhìn lại những tấm ảnh hồi bé, kinh hoàng quá! Cứ thế, suốt thời bé, năm nào tôi cũng được đưa đi tiệm uốn quăn mái tóc, trong khi má tôi vẫn giữ mái tóc dài, thẳng thớm mướt rượt đến tận gót chân, mới lạ chứ.
Gần đây, khi tôi hỏi ba má tôi tại sao hồi nhỏ ba má ưa đem con đi uốn tóc quá vậy. Ba tôi bảo: Vì hồi bé, mắt mũi con rất giống búp bê, chỉ có mái tóc là không giống nên cần phải “phi dê” cho giống. Còn má tôi thì trả lời: Sanh ra đứa con gái xấu ghê quá, ba mi muốn tân trang đó mà! Cho đến bây giờ, má tôi vẫn cho rằng ngày xưa, tôi chào đời đúng là hình ảnh một con búp bê xấu xí mà má thường thấy trong mơ thời thai nghén.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Búp bê xấu xí