Trở về San Jose kịp giờ đi ăn tối với các em, lần này tôi được mời thưởng thức các món ăn Huế, ở một
nhà hàng có cái tên rất Đà Nẵng: Mỹ Khê. Thức ăn, nói chung là không có gì đặc sắc, nếu so sánh với
những món này do chính tay Má tôi nấu. Chỉ một điều tôi chú ý là trong quán trang hoàng thật nhiều hình
ảnh về Đà Nẵng như cầu quay Sông Hàn về đêm … thôi tạm coi như cũng được điểm … tình cảm đi!

Tối hôm đó, Oanh và Hải nghe tôi sẽ đáp xe đò đi Santa Ana rồi du lịch San Diego thì bắt đầu “bùi lang”
bàn lui:

- San Jose còn nhiều chỗ để đi chơi, cô Trinh à!

- Con nghe cô đi San Diego nhiều lần rồi, đi khu Phước Lộc Thọ cũng rồi … Đây là lần đầu cô đến San
Jose, chưa thăm thắng cảnh San Jose, tụi con chưa mời cô được một bữa ăn mà! Cô …đi đâu?

Tôi từ tốn:
- Thiệt ra, cô muốn xuống Santa Ana thăm một người bạn, đang bịnh ung thư, đã gần 40 năm không gặp.
Người này có hoàn cảnh gia đình khá bi đát, cô nghĩ nên đi thăm. Còn San Diego thì cô cũng muốn gặp
mặt một cô bạn khác, học chung lớp từ hồi mười lăm mười sáu tuổi, mới kiếm ra trẻ lạc đây, nói chuyện
với nhau mỗi ngày nhưng chưa gặp lần nào. Đi thăm bạn là chính …

Hải và Oanh gật gù:

- À, cô đi thăm bạn … Nhưng mà con nghĩ … cô ngồi xe đò 6 giờ đồng hồ đi xuống, thăm viếng sơ sơ
rồi mai cô lại ngồi hơn 8 tiếng trở về, mất cả ngày ngồi trên xe đò một mình … Hay là … để con coi book
vé máy bay cho cô tối mai bay về cho khỏe. Cô có được một ngày ở San Diego mà … khỏe người nữa.

Thế là hai vợ chồng Hải cặm cụi online tìm kiếm, mua vé máy bay để tôi bay về, thay vì ngồi xe đò. Hải
còn nói:

- Để con lo cho, cô Trinh khỏi trả tiền.

Bé Oanh thì ân cần dặn:

- Sáng mai, cô Trinh thức con dậy, con chở cô ra bến xe đò Hoàng nghen, tám giò rưởi xe chạy đó. Thôi
cô nghỉ sớm đi, ngày mai còn lãng du tiếp.


Khi hai cô cháu ra đến nơi thì đã thấy đông người ở đó. Tôi thật tò mò, đã gần 20 năm ở Mỹ, tôi đọc báo
thấy người Việt ở Cali rất ủng hộ xe đò Hoàng. Đây là một phương tiện đi lại phổ biến, thuận tiện nhưng
không kém phần văn minh, giá cả cũng phải chăng, phục vụ cho cộng đồng người Việt vùng nam bắc Cali.
Oanh dừng xe và vội vàng xách vali của tôi đến giao cho bác tài xếp vào ngăn hành lý:

- Cô Trinh, mới tám giờ mà xe đầy khách rồi, chắc hôm nay khởi hành sớm. Cô lên xe đi!

Tôi líu ríu bước đến cửa xe, một cậu thanh niên đón tôi:

- Dạ, chào chị, chị đi đâu?

- Westminster, Santa Ana. Trả tiền ở đây hả em?

- Dạ … Westminster, chị cho $40.

Tôi mở ví lấy tiền, trong khi cậu tiếp:

- Dạ, chị cho em gởi …

Tôi đưa tay đón, một ổ bành mì đặc biệt gói lại gọn gàng và một chai nước lạnh, kèm theo một túi nylon.

- Chị dùng bánh mì nghe, hay chị thích xôi?

- Được rồi, cám ơn em.

- Dạ, không có chi, mời chị lên xe.

Tôi đi vào giữa hai hàng ghế, chỗ tôi ngồi gần cuối xe, có một băng ghế đã có một cô lớn tuổi ngồi sẵn,
tôi ghé vào:

- Con ngồi đây được không cô?

- Được, ngồi đi …

Giọng Huế của người phụ nữ nhẹ nhàng. Chỉ năm phút sau, tài xế đi từ đầu xe xuống cuối xe, cười vui vẻ:

- Qúi khách đã yên vị, hôm nay mình đi sớm chút nghe.

Khi xe bắt đầu lăn bánh thì loa phát thanh trong xe cũng bắt đầu trình bày những qui định cho hành khách
… bằng hai ngôn ngữ Việt, Anh với hình ảnh chiếu trên màn ảnh của 4 TV nhỏ gắn trong xe. Hành khách
dường như đã quá quen thuộc, tôi đoán chắc chỉ có mình tôi là người đi xe đò lần đầu nên với tôi khá là
thích thú. DVD trong xe bắt đầu chiếu những chương trình ca nhạc mới, âm thanh vừa đủ, dễ chịu. Tôi
nhớ tới lời dặn của Ngọc Anh qua email hôm qua: Nhớ lắng tai nghe chuyện tào lao trên xe đò rồi kể lại!
Tôi cười cho sự nghịch ngợm của nhỏ bạn mình. Thật sự … tôi cũng lắng tai, quan sát vì tôi biết, sau
chuyến đi này tôi nên viết một thiên phóng sự nhiều tập. Tai nghe, mắt thấy và những cảm xúc vốn là nền
tảng cho bài viết mà, lơ là sao được? Xe chạy êm êm thật thoải mái, tôi thả hồn nghĩ đến bạn bè mình. Tôi
nghĩ đến bạn già Kim Liên, ít khi nào tôi được thong dong đi như vậy, Kim Liên rất thích đi chung nhưng
bổn phận đối với ba mẹ già đã không cho phép, tôi tiếc cho nó quá chừng. Tôi lại nhớ đến Nhạn, phải chi
tôi có thể hoản chuyến đi khoảng một tuần, chờ Nhạn về lại Cali thì thế nào tôi cũng kéo Nhạn đi cùng.
Đâu có thể một mình một ngựa, cô đơn như thế này. Tủm tỉm cười với mình, chợt chàng thi sĩ Liều ghé
vào tai tôi:

Cụ Rùa ơi, đi lâu quá chưa về
Tui bay đông sang tây, đường xa vạn dặm
Thăm bạn bè, khôn chộ cụ nơi mô
Nhà con trai, con dâu tui ở lại
Ngắm vườn sau, hoa cỏ nhớ cụ Rùa
Phố San Fran, cầu Golden gió lạnh
Đứng chụp hình Vân nhắc đến cụ luôn
Rồi mình tui lên xe đò thăm Huệ
Sáu giờ dài thăm thẳm, tôi ước ao
Phải chi có cụ cùng tui rong ruổi
Cảm thấy đường gần, qua tâm sự tỉ tê

Ui chà, cám ơn chàng thi sĩ đã nói dùm tôi tâm tình này.
Xe chạy về phía nam, qua nhiều khu đồi núi, ánh nắng hè chiếu vàng trên những dãy núi xa xa. Cali là tiểu
bang nổi tiếng với các loại trái cây như cam, dâu tây nhưng suốt chặng đường xa, tôi chưa thấy cánh đồng
cam nào. Thỉnh thoảng có đoạn như chạy qua vùng núi đá, nhiều cây cọ hai bên đường lả lơi trong gió.
Trong xe vẫn hoàn toàn im lặng, cụ bà người miền trung ngồi bên cạnh tôi bắt đầu lấy gói xôi ra thong thả,
nhóp nhép. Tôi cũng bắt đầu gặm ổ bánh mì, ngon ghê! Bé Oanh thật tỉ mỉ, sáng nay đã lấy hộp bánh
custard gói cho tôi hai cái bỏ vào xách tay. Xe chạy cừng 4 tiếng đồng hồ thì ngừng lại ở một khu giải lao,
tài xế mời bà con cô bác xuống xe, tản bộ, mười lăm phút sau vui lòng trở về vị trí. Cụ bà ngồi bên cạnh
nhắc nhở tôi mang theo giỏ xách khi xuống xe. Phải công nhận hệ thống xe đò Hoàng ở Cali thật chu đáo,
dù chỉ một mình tài xế vừa lái xe, vừa chăm hành khách nhưng thái độ rất vui vẻ lịch sự. Trước khi xe
chạy, anh ta còn đi tới đi lui hỏi han bà con xem có bị sót người nào không, và anh còn dự báo xe sẽ đến
bến Westminter sớm 30 phút, túc là khoảng hai giờ chiều. Tôi gởi cho Ngọc Anh một tin nhắn: Tui sẽ
chống gậy đến nơi lúc 2 giờ nghe. Ngọc Anh trả lời đang trên đường đi.
Cali có hai miền khí hậu rỏ rệt, buổi sáng tôi rời San Jose trời còn lạnh, sương mờ mờ, đến Santa Ana trời
nắng chang nhưng có gió man mát. Xe đò ngừng lại ở bên là khu chợ ABC. Tôi tiếp tục nhắn tin, Ngọc
Anh hỏi địa chỉ. Ui chà, mình là khách phương xa mà hỏi kiểu này là tiêu rồi. Tuy nhiên, còn quá sớm nên
sau khi nhận hành lý, tôi kéo vali đi lang thang. Nhìn quanh đây, tất cả bảng hiệu hàng quán đều chữ Việt,
khách đi đường qua lại cũng 99% là người Việt. Một ni cô đang đứng quyên góp trước cổng chợ cũng A
Di Đà Phật, Việt Nam. Tôi nhặt một hóa đơn của ai rơi dưới đất và nhắn địa chỉ chợ cho Ngọc Anh. Khép
nép đứng dựa vào một bên ngắm nhìn người qua lại, tự hỏi: Mình đang ở đâu đây, hình như là Sài Gòn,
Việt Nam? Chung quanh tôi tiếng cười nói, chào mời lao xao như đang ở chợ Bến Thành. Tôi đang hình
dung cuộc gặp gỡ với cô bạn tuy xa mà gần, không biết con nhỏ lái xe tới đâu rồi? Ánh mắt tôi nhìn ra sân
bãi đậu xe, có thật nhiều khuôn mặt phụ nữ trông giống nhau, thấy quen quen. À, thì ra đa số các người
đẹp đều được tân trang từ một lò, hèn gì! Một cô gái đeo kiếng đen, đội nón rộng vành đang đi vào, đôi
guốc cao, mái tóc dài tha thướt gây cho tôi sự chú ý. Hình như hơi giống chị Quỳnh, tuy nhiên, cô gái cứ
xăm xăm bước đi, còn tôi thì lại dỏi mắt kiếm Ngọc Anh, đang phân vân, không biết xe nó màu gì đây.

- Trinh hả, Anh Trinh phải không?

Tôi giật mình, nhìn ra cô gái tóc dài tôi để ý lúc nảy, ngay tức khắc tôi nghĩ đây là chị hoặc em của Ngọc
Anh đi cùng. Tôi quấn quýt hỏi, mắt nhìn quanh:

- Ngọc Anh đâu, Ngọc Anh đâu ?

Khi tôi quay mặt nhìn ra phía sau thì … Ô trời, mợ Ngọc Anh mặt chiếc áo hoa màu xanh, tương tự màu
áo tôi đang mặt, đang núp sau một cái cột ở phía góc chợ, khuôn mặt lém lỉnh, tay cầm máy ảnh đang
bấm lia bấm lịa, miệng cười toe.
Thì ra cô nàng đang đạo diễn cho cô em gái đóng vai mình để gạt tôi. Đâu có dễ vậy bạn. Tôi cũng cười
to:

- Đạo diễn chọn diễn viên dở quá, không giống chút nào hết. Tóc dài tha thướt vậy mà đóng vai Ngọc
Anh sao được?

Cả ba chúng tôi đều phá lên cười, dắt nhau ra xe … Ngọc Anh không khác trong ảnh bao nhiêu, cũng mắt
xếch và nụ cười có hạt gạo, hình như mới cắt tóc nên trông rất điệu đà. Châu nhận xét tôi ngay cái nhìn
đầu tiên:

- Chị Anh Trinh … nhìn ở ngoài đẹp hơn trong hình nhiều, ri là … ai chụp ảnh cho chị mà xấu rứa?

Ngọc Châu, bây giờ tôi biết chính xác đây là Ngọc Châu, em gái út và duy nhất của Ngọc Anh. Cô bé có
giọng nói rất Huế, dịu dàng và yểu điệu y như một cô “Công Tằng Tôn nữ”. Lên xe rồi tôi mới nghe Ngọc
Anh kể về âm mưu hai chị em định gạt tôi, Ngọc Anh chê bé Châu đóng phim chưa đạt, không nghe lời
đạo diễn nên bể mánh hết. Tôi cười:

- Phải chi hồi mới nhìn thấy tui, em Châu bay tới, dang hai tay chào đón nồng nhiệt … thì chắc tui hơi lúng
túng. Em dịu dàng nhỏ nhẹ quá nên tui biết chắc không phải là Ngọc Anh rồi.

Ngọc Châu bắt đầu chỉ đường cho Ngọc Anh chở chúng tôi vào quán Hỷ, một quán bán các món ăn miền
trung để chờ Huệ ra cùng ăn trưa. Tôi gọi Huệ, giọng con nhỏ mau mắn, khiến tôi nghe cũng mừng:

- Được rồi, ta biết quán nớ rồi, ta tới liền nghe hông.

Các món ăn đã được bày ra: Hến trộn xúc bánh tránh, Mỳ Quảng, bánh ram bánh ướt, bánh bèo … Câu
chuyện xoay quanh đoạn phim vừa đóng, hai chị em cũng hỏi han về tình hình người em tôi. Tôi có phần
lo lắng cho sức khỏe của Huệ và tâm sự vói Ngọc Anh là chuyến này mà không thăm được Huệ thì rất tiếc
nên bằng mọi cách tôi phải bôn ba đi cho được.
Trong lúc đang nghiên cứu cuốn lưu bút niên khóa 1974 của tôi thì một người đẹp bước vào quán, Huệ
xuất hiện trong ánh mắt ngỡ ngàng của ba chúng tôi, váy đầm hở vai, mái tóc ngắn nhuộm hightlight rất
hợp thời trang, mặt mày sáng rỡ. Không phải là “trái khổ qua” đắng ngắt đâu Thu nguyệt ơi, Huệ bây giờ là
một trái táo chín đó!

8/17/2013