Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Cái loa công cộng
Tôn Thất Long
2015-03-09


Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
NA 2/18/2018
Sau ngày 30/04/1975, nhiều điều thay đổi mới lạ đã xảy ra làm xáo trộn hoàn toàn nếp sống thường nhật của mọi người dân miền Nam như việc treo cờ, treo hình, đi họp tổ dân phố, lao động công ích… với hình thức gần như là cưỡng ép. Mọi việc thay đổi một cách đột ngột xảy ra từ thành thị cho đến nông thôn, thay đổi ở khắp hang cùng ngõ hẻm với dạng đại trà. Một trong những điều thay đổi mới lạ và làm xáo trộn lối sinh hoạt đến với người dân miền Nam mà bản thân tôi là một chứng nhân và nhớ mãi khi còn ở quê nhà, đó là cái loa công cộng của phường. Mặc dù thời gian đã gần 40 năm trôi qua nhưng ký ức về cái loa công cộng vẫn không bao giờ phai nhòa.
5 giờ sáng, trời còn tù mù, sương phủ dày đặc cái xóm nhỏ, các căn nhà còn đóng kín cửa, mọi vật đều yên tĩnh và êm đềm, chỉ có gió thổi lá thông nghe xào xạc khắp mọi nơi. Đây là lúc mà mọi người say giấc nồng nhất thì cũng chính là lúc mọi người trong cái xóm nhỏ bị dựng dậy bởi cái âm thanh rè rè, the thé, rú rít lên từ cái loa công cộng được gắn cao ngay trên cây thông trước dãy nhà tôi. Xui xẻo sao mà họ lại không bắt ở đâu mà lại đi bắt cái loa ngay đối diện với dãy nhà tôi đang ở trên 1 trong 3 cành cây thông trước một khoảng sân đất rộng là nơi dùng cho tụi trẻ tụi tôi hay chơi đùa mỗi ngày.
Với cái xóm nhỏ tôi ở này thì cái loa đó đủ phát ra âm lượng cho cả xóm cùng nghe, nhưng riêng với dãy nhà tôi ở thì cái âm thanh đó đủ làm cho mọi người dù đang trong giấc ngủ mê say có thể nhảy dựng ra khỏi giường mà mặt mày vẫn còn đầy khiếp đảm. Đầu tiên nó phát ra âm thanh hú rít lên một cách đột ngột với cái tầng âm lượng cao vòi vọi, xói cả vào tai, xoáy vào óc làm lông tóc muốn dựng đứng cả lên, cái âm thanh nó giống như là tình trạng quý vị khi đi hát Karaoke mà đôi khi quên đi nên quý vị để 2 cái micro xích lại gần nhau, nó hú lên một cách đột ngột làm cho những người yếu bóng vía hết hồn có thể té ngã. Sau màn rú rít là tiếng cô hay anh phát ngôn viên thử giọng hay tập đếm "1,2,3...". Sau khi tập đếm xong, chương trình đánh thức tạm ngưng trong giây lát và thay vào đó là vài tiếng đập bịch bịch vào cái micro như để đánh thức cái micro thức dậy trước khi ngâm nga bài ca chính thức trong ngày.
"Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Hà Nội ...", giọng cô xướng ngôn viên phát lên, cái giọng mà tôi không bao giờ quên, tất cả các xướng ngôn viên của đài này họ thích nhấn giọng, từng câu từng chữ đọc ra mà cứ gằn gằn như muốn cho mọi người biết rằng đây là một thông báo rất quan trọng, khẩn cấp mà nhà nước cần phải khẩn báo cho người dân biết mặc dù chỉ là kêu gọi tổng vệ sinh đường phố, thi đua khu phố văn hóa, tăng gia sản xuất hoặc cải thiện cái bếp mà lúc nào cũng nguội lạnh, hay thông tin các lãnh tụ của các nước XHCN đến viếng thăm nhau với tình đồng chí thân ái cùng phát huy tình đoàn kết giữa các nước anh em Cộng Sản, cũng như lên án bọn đế quốc phương Tây tìm cách phá hoại thành trì của CNXH. Với cái giọng tiếng như vậy mà còn đi kèm với cái loa bật hết công suất nó nghe như the thé, nó như gào thét và gầm rú vào tai người dân. Nếu có ai để ý thì tất cả các người xướng ngôn viên của các đài nhà nước Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều giống như một lò mà đúc ra, họ đều nói đúng với một kiểu cách như nhau.
Sau khi tra tấn xong bản tin chính thức của đài tiếng nói Việt Nam là mọi người được thưởng thức những bản nhạc đại loại như "Hà Nội niềm tin yêu và hy vong - Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời..." với giọng ca the thé mà đem so ra không thua gì giọng Sprano hát trong các vở kịch opera mặc dù bản nhạc đang hát là loại nhạc trữ tình. Cho dù bạn có là người đam mê âm nhạc đến bao nhiêu nữa thì sau khi nghe xong những bản nhạc dạng đó ngày qua ngày thì nó trở thành nỗi khủng khiếp nhập tâm chứ không còn dám nghĩ đến thưởng thức món âm nhạc đó nữa. Đó là những bản nhạc trong khoảng thời gian 75-79, từ những năm 79 trở về sau thì các bản nhạc đỏ hùng tráng được thay thế vào như "Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiểu đoàn 307, Năm anh em trên 1 chiếc xe tăng..." để kêu gọi thanh niên xung phong đi bộ đội chống quân xâm lược biên giới phía Tây Nam và bọn bành trướng bá quyền phương Bắc.
Cũng vẫn chưa hết, sau bản tin trong nước thì đến các bản tin của địa phương. Trong thời gian đầu khi họ vừa vào tiếp quản miền Nam, vì không tin vào bất cứ ai không thuộc về bên họ nên họ cho mời các vị thành phần cốt cán nhất là những người vừa mới phổ cập văn hóa hay bình dân học vụ từ trong rừng mới ra để làm cán bộ văn hóa thông tin phường với nhiệm vụ chủ yếu là đọc tin, đó là những giọng nói ngọng, nói vấp vì không rành đọc sách báo được mời vào để lấp liếm chỗ trống cho đủ giờ. Đến mãi sau này mới có một số thành phần 30-4 chạy theo thì mới đỡ khổ và có khá lên cho dân chúng nhờ vì có học hành và giọng điệu đọc trôi chảy hơn rất nhiều.
Cái loa này nó tra tấn, nó ra rả mỗi sáng sớm và mỗi buổi chiều, nó ra sức công phá, lúc thì gào thét, lúc thì nó rú ré, lúc thì thều thào và có lúc thì nó rền rĩ. Nó hành hạ, nó thật khó chịu, nó như là dịch bệnh mà nhà nước muốn cho mọi người phải sống thử để kiểm nghiệm rằng cuộc sống dưới chế độ Cộng Sản là phải như thế. Nó làm ô nhiễm "ỒN" đến đời sống của mọi người, nó vang đi trong không khí, trong hơi thở của mọi người, nó xâm phạm đến quyền riêng tư là được nghỉ ngơi của người già và trẻ em, nó là nỗi ám ảnh của mọi người dân mà không ai dám lên tiếng phản bác hay phẫn nộ chống đối.
Cái loa như là con ngựa chứng mở không đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, nó hỏi thăm mọi người mà chẳng ai mong muốn nó đến thăm, nó chưa bao giờ hiểu "Trời đánh còn tránh miếng ăn, giấc ngủ", nó hành hạ và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người, nó làm việc không ngưng nghỉ kể cả cuối tuần là ngày duy nhất mà mọi người được quyền ngủ trể, dậy trể và lười biếng. Nhưng nói cho cùng, cũng phải ngả mũ bái phục cái vị trời đánh nào đó đã nghĩ ra cách thức tuyên truyền cổ lổ sĩ và tra tấn khủng khiếp này. Tôi còn nhớ lúc xưa, xưa quá đến mức tôi không còn nhớ là lúc nào, các chương trình TV vào thời đó cứ đến đúng 9 giờ tối là người xướng ngôn viên luôn nói câu "Xin quý vị điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để đừng làm phiền những người xung quanh." Cái thời xa xưa thân ái đó đã bị đạp đổ và cướp mất đi để ngày này cái loa nó cưỡng hiếp lỗ tai và cuộc sống của mọi người mà không ai dám chống lại.
Đã 40 năm trôi qua, càng ngạc nhiên hơn nữa là ngày nay với sự phát triển vượt bực và phổ cập của đủ các loại phương tiện truyền thông như báo chí, đài radio, TV và internet, nhưng cái loa công cộng nó vẫn sống dai, sống khỏe ở một số địa phương như là loài ăn bám. Nói cho cùng, cái loa công cộng là công cụ, là đại diện cho chính quyền, nó cũng cổ lổ xỉ và lạc hậu như cái chính quyền đang chấp chính vậy đó, nó chỉ có một chiều là phát ra mà không thu nhận được, nó chỉ biết nói mà không nghe biết mình nói gì, nó không biết rằng nó như là một thứ ghẻ hủi mà không ai dám nhận và cũng không ai dám lên tiếng chê bai. Cái loa công cộng chính là điều đầu tiên mà mọi người muốn vứt bỏ ngay tức thì trong tất cả những thứ mà mọi người sẽ làm đầu tiên khi có điều kiện cho phép. Thật khó mà quên được và đến bao giờ dân Việt mới thoát khỏi được cái loa công cộng này đây dù đã 40 năm trôi qua!