“Ngon như là táo chín … thơm như vườn hoa kín, mong manh như tơ trời, nhẹ êm như làn mây tím …” Tôi muốn mượn một câu trong bản nhạc “Tình cho không biếu không” để diễn tả ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp lại Huệ ròm sau hơn 38 năm. Không, Huệ mà tôi gặp hôm nay, người bạn bệnh hoạn ốm yếu trong suy nghĩ của tôi và nhiều bạn khác … không ròm chút nào, không bệnh hoạn chút nào. Huyên thuyên nói cười, quay qua hỏi thăm người này, quay lại hỏi thăm người khác. Từ cách trang điểm, ăn mặc cho đến lối xã giao … Huệ hoàn toàn lột xác, không còn là một cô bạn nhỏ thó, ít nói, hơi nghiêm nghị như một cô giáo khó tính, nụ cười hiếm hoi … Huệ hôm nay đã hoàn toàn thay đổi. Tôi không giới thiệu mà hỏi Huệ:
- Mi biết ai đây hông?
- Ta nhớ chứ, Nguyễn Đăng Ngọc Anh, ngồi bàn đầu. Hồi xưa cắt tóc tém, mặc áo dài, mang xăng đan, …
- Giỏi, nhớ tỉ mỉ quá, rứa thì giới thiệu nè, đây là Ngọc Châu, em gái của Ngọc Anh.
Ngồi trước mặt tôi, bên cạnh Ngọc Châu, Huệ đang lần giở từng trang lưu bút để tìm lại nét chữ của chính mình ngày xưa, khuôn mặt đầy cảm xúc:
- Trời ơi, mi còn giữ cuốn Lưu bút hồi lớp chín bốn, hay quá Trinh. Ủa, ta viết chỗ mô không thấy? À, đây nè, trang cuối cùng luôn. Trời, hồi nhỏ ta viết chữ cũng đẹp hè!
Huệ ngước mặt lên:
- Ta nhớ hồi xưa mi có cặp mắt tròn, to, màu nâu nè Trinh. Bây giờ mắt mi ít to hơn …
- Phải rồi, bây giờ … tại ta bự ra … nên mắt nhỏ lại.
Hắn cười:
- Mình … lớn tuổi rồi, tròn trịa như mi … mới thấy trẻ, đẹp, đầy sức sống.
Ui cha, một lời khen hay một câu phê bình tế nhị đây bạn?
Ngọc Anh quan sát Huệ rồi nói:
- Mợ Trinh nghe mợ bệnh, nhất định tìm mợ để thăm cho được, ai ngờ nhìn mợ thấy khỏe & tươi tắn. Mừng cho mợ.
Chúng tôi ngồi ôn chuyện xưa và cứ tiếc … sao thời gian qua quá nhanh. Cô bé Châu thỉnh thoảng cũng góp chuyện. Ngọc Anh hồi còn trong lớp không ở trong xóm nhà lá như tôi và Huệ nên ít biết những trò nghịch ngợm của chúng tôi, nghe tôi và Huệ kể lại thì có vẻ thích thú lắm. Một bất ngờ khi chúng tôi rủ nhau chụp ảnh ở một góc đẹp của quán. Nơi có hồ nước nho nhỏ, mấy cây tre cây trúc bên cạnh một băng ghế thơ mộng thì … một chàng trung niên bước vào. Huệ mau miệng nhờ vả:
- Anh vui lòng chụp dùm tụi em tấm hình chung được không anh?
Người đàn ông vui vẻ, mau mắn:
- Được, tôi … làm ở đây mà, hy vọng làm cho các cô vui lòng là … tôi cũng vui.
Ái cha, chắc thấy o Huệ xinh tươi nên anh ta ga lăng hay sao đây.
Sau khi chụp dùm cho chúng tôi vài ba tấm ảnh, Huệ xã giao với anh, vui miệng nói luôn:
- Tụi em học chung hồi trung học bên Việt Nam, 38 năm bây giờ mới gặp lại nhau, đây là những tấm ảnh rất quí, cám ơn anh nghe.
- Ủa, rứa hồi xưa mấy cô học ở đâu?
Trong khi Huệ và anh ta đang đối thoại, tôi phân vân vì chúng tôi đã làm mất thì giờ của anh ta hơi nhiều, tôi định nói Huệ stop để anh ta đi là việc không thì sẽ bị chủ la. Ngay lúc này, Ngọc Anh ghé nhỏ vào tai tôi: Ông ni … là chủ quán Hỷ đó mợ. Á … không, là chồng của bà chủ quán, nghe nói hình như bà chủ hồi xưa là dân Y Khoa Sài Gòn thì phải …
Tôi hơi giật mình, bản tính nghịch ngợm cố hữu không nín được, tôi lên tiếng:
- Té ra … anh là chủ quán hả, chết rồi, tự nhiên lại bắt chủ quán đi chụp hình ...
Anh chàng không trả lời mà tự nhiên ngồi xuống băng ghế, bắt đầu nói chuyện, hỏi han đủ thứ: Học trường nào, định cư năm nào, ...
Ngọc Anh là người tiếp chuyện với anh ta ... Anh tên Nguyên, chỉ học hơn chúng tôi chừng vài lớp. Sau 1975 gia đình anh từ Huế vào Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn.
… Tuy vậy, điều bất ngờ nhất sau khi hỏi tới, hỏi lui … Anh Nguyên khám phá ra, năm xưa đi vượt biên cùng thuyền với Ngọc Anh. Trái đất tròn phải không bạn, và thế giới này nhỏ bé vô cùng! Thế là hai người có duyên đi cùng thuyền ngày xưa ngồi ôn biết bao nhiêu chuyện cũ, hỏi thăm người nọ người kia … cảm giác “tha hương ngộ cố tri” này tôi để dành cho bạn Ngọc Anh tỉ tê cùng các bạn sau nhé. Riêng tôi thì vội vàng lo chộp một tấm ảnh làm chứng. Tôi nói với Huệ trong nụ cười tinh nghịch:
- Ê mi, ông bà mình nói, tu mười năm mới đi chung thuyền, tu trăm năm mới ngủ chung giường. Phải chi Ngọc Anh ráng tu thêm … chín chục năm nữa thì bữa nay bạn mình là … bà chủ quán Hỷ rồi, tụi mình ăn nhậu khỏi trả tiền …
Chúng tôi rời quán Hỷ, không ai ngờ được sau mấy mươi năm trôi giạt lên xứ người trên cùng một con thuyền định mệnh, cùng định cư ở miền đất Cali nắng ấm mà mãi hôm nay bỗng dưng Ngọc Anh và anh Nguyên trùng phùng từ một sự nhờ vả rất tình cờ của Huệ. Niềm vui như nhân đôi, hy vọng nay mai hai người sẽ còn nhiều cơ hội gặp nhau.
Ngọc Anh có hẹn, sẽ dắt tôi và Huệ đến gặp một người quen khác sau khi ghé vào quán chè bưng mấy ly chè Hiển Khánh, nổi tiếng ở Cali. Trong khi hai chị em Ngọc Anh lái xe đi riêng, tôi ngồi chung xe với Huệ. So với Ngọc Anh từ San Diego lên đây chuyên môn “lái lên lề” thì Huệ lái xe rất chịu chơi, đến không ngờ! Quẹo tới quẹo lui, chạy cho kịp xe của Ngọc Anh và Châu đàng trước. Vào một khu shopping khác, trong khi Ngọc Châu dạo mua mấy gói me cam thảo, xí mụi, cam quật làm quà cho tôi thì Ngọc Anh vào một tiệm giặt ủi, sửa áo quần … tôi và Huệ chọn một bàn ngoài trời trước quán chè Bamboo đem hai ly chè của mình ra thưởng thức. Gió mát hiu hiu, Huệ xin lỗi đã không thể mời tôi và các bạn ghé nhà chơi vì những lý do riêng. Khi Huệ nhắc đến Kim Liên tôi mới nhớ, đem mấy tấm ảnh của Liên gởi, kèm theo là chút quà của tôi và Kim Liên tặng Huệ, tuy đơn sơ nhưng rất thực tế. Đó cũng là tấm chân tình của chúng tôi gởi đến Huệ. Con nhỏ cám ơn rối rít thật là khách sáo. Tôi chia sẻ với bạn nỗi buồn khi phải sống đơn chiếc trong hoàn cảnh bệnh hoạn. Huệ tâm sự, ngày nay đã đặt niềm tin vào Đấng KiTô nên cô nàng rất an lòng, chấp nhận những éo le đến với đời mình như là một sắp đặt của Thượng Đế. Không than van, không oán trách. Tôi ngồi nghe, nửa mừng, nửa xót xa cho bạn.
- Ê, hai mợ tới đây đi.
Ngọc Anh réo chúng tôi từ quán bên kia. Khi tôi và Huệ bước vào thì Ngọc Anh hỏi liền:
- Trinh, nhớ ai đây không?
- Thấy quen quen …
Tôi nhìn người phụ nữ đối diện, khuôn mặt thanh thoát, nét đẹp rất đơn giản, nhẹ nhàng. Thua, không nhớ tên gì. Ngọc Anh tủm tỉm:
- Một vì sao bé bỏng đó …!
Nghe câu này tôi biết ngay Ngọc Anh đang nhắc đến một bóng hồng của Trường Nữ, thời Thầy Thụy mới về trường chúng tôi. Thế là ngay sau đó, Ngọc Anh lấy cho tôi một chiếc ghế, ngồi đối diện với chị để tôi bắt đầu làm nhiệm vụ của một phóng viên. “Vì sao bé bỏng” một thời… học trên chúng tôi một lớp, với đôi mắt nhìn vào xa xăm, chị bắt đầu trả lời tất cả những thắc mắc của tôi về những “xì căng đan” ngày xưa. Nào là câu chuyện bài hát “Nỗi lòng”, “Tình cho không biếu không” được phát lên chương trình Nhạc Yêu Cầu mỗi sáng Chủ Nhật cho bà con cả thị xã Đà Nẵng nghe. Hai nỗi oan ức … đã lấy biết bao nhiêu nước mắt của cô nữ sinh mười bảy tuổi, trong sáng, ngây thơ … cho đến những bí mật trong đêm lửa trại ngày hội Trưng Vương tháng 3 năm 1975. Thế rồi …. Đạn nổ bom rơi, nước mất nhà tan đã làm gián đoạn tất cả. Câu chuyện vì thế không có đoạn kết, hai nhân vật chính tuy còn tồn tại cũng không còn gì để kể. Trong lòng của hai người, đó mãi là thứ tình cảm rất trong sáng, rất thánh thiện. Chị bảo, đó không phải là mối tình đầu hay tình cuối của riêng ai. Đó là một mối tình của cả một thời mới lớn, đáng ghi nhớ, đáng trân trọng. Sau này, tuy đường đời hai lối, không ai bảo ai, cả hai có gặp nhau vẫn giữ mối quan hệ đường đường chính chính. Chị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là một mối tình rất e ấp, chưa thổ lộ, chưa bắt đầu nên chưa kết thúc và mãi mãi tồn tại với thời gian. Tình cảm đó thánh thiện đến nổi cả hai, không ai bảo ai đều cố gìn giữ, trân trọng như là một hạt sương, chỉ sợ nó rụng xuống tan đi. “Thời đại bây giờ, làm gì có được những chuyện thật mà thơ mộng như thế!”. Tôi nghe chị thở dài sau câu kết.
Ngọc Anh hối hả giục chị dẹp hàng để đi ăn tối, Huệ bận chuyện nhà nên từ chối. Chúng tôi ra xe khi nắng chiều đã tắt, khí hậu bắt đầu se lạnh. Anh xã tôi gọi phone, nghe nói đi nhậu món “Bò bảy món” thì bắt đầu nhắn với Ngọc Anh: Nếu T sụt một pound thì Ngọc Anh sẽ được thưởng, mà tăng một pound thì sẽ bị phạt! Bạn Ngọc Anh nghe vậy càu nhàu: Thà bị phạt, đi chơi mà xuống cân sao được. Ăn cho đã rồi tính!
Cám ơn bạn tôi đã nói lên chân lý.