Chân Dung Thầy Tôi
Trần Đức Thái
Tập một: Thời thơ ấu
Tục ngữ có câu “ Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mầy làm nên”, hôm nay công đã thành danh đã toại, đang vui thú điền viên, từ trong ký ức tôi tìm lại các thầy đã góp phần dạy dỗ tôi nên người.
Một buổi sáng đầu xuân năm đinh dậu (1957), trời mưa phùn, gió bấc và giá lạnh, mẹ đưa tôi đến trường, gọi là trường nhưng chỉ là căn nhà tranh, một gian, hai chái, vách đất, ở xóm Nhì Đông (1) (nhà tôi ở xóm Tam Đông), đó là nhà Thầy Trợ Phát, tuổi cùng thế hệ ông nội tôi (1889-1957), râu, tóc bạc phơ, khuôn mặt hồng hào, quắc thước. Thầy ngồi trên cái rương ở ngay giữa nhà để dạy học, trên rương có sách vở và một cây roi mây, chung quanh là bàn ghế cho học trò ngồi học, không có bảng đen, phía sau là bàn thờ cha mẹ và tổ tiên của Thầy. Lớp học khoảng 30-40 em, đủ mọi trình độ. Thầy dạy rất chí tình, nghiêm khắc, cây roi mây luôn luôn nhịp nhịp trên tay, chúng tôi sợ Thầy lắm.
Mang tơi đội nón (Hình internet)
Thầy dạy cho tôi bắt đầu học vần a b c, vần xuôi rồi đến vần ngược, trong thời gian học vần ngược là bắt đầu tập viết. Tôi thuận tay trái, nên cầm viết tay trái, thầy không cho viết tay trái mà bắt buộc phải viết tay phải. Thật là khó khăn để viết bằng tay phải, cho nên tôi cứ bị thầydùng roi mây đánh vào tay trái nhiều lần. Mỗi khi đến buổi tập viết như là một cực hình đến với tôi, Thầy la mắng mãi mà tôi vẫn chưa đổi tay được, trong khi các bạn thuận tay phải thì tập viết dễ dàng. Đã mấy tháng trôi qua mà tôi vẫn chưa cầm được viết tay phải. Rồi một hôm lịch sử, đến giờ tập viết, tôi lại viết tay trái, thầy ngồi trên rương, vung cây roi mây xuống tay tôi, roi không trúng tay mà lại trúng ngay sống mũi làm rách một đường chảy cả máu, tôi sợ quá, khóc bù lu bù loa, xin Thầy chạy một mạch về nhà. Đến chiều mẹ tôi đi bán về thấy cảnh con như vậy mà đau lòng. Mẹ tôi hốt hoảng: “không may trúng vô mắt thì làm răng đây?” Tôi xin mẹ không đi học nữa, mặc dầu mẹ tôi sợ tôi thất học, nhưng đành phải chấp nhận. Ngày hôm sau mẹ đưa tôi đến gặp Thầy, xin Thầy cho tôi nghỉ học, Thầy xin lỗi mẹ tôi và hơi ân hận chuyện xảy ra hôm qua. Hai mẹ con chào Thầy ra về. Cho đến bây giờ nhìn kĩ trên sống mũi của tôi vẫn còn lờ mờ vết sẹo nhỏ để nhớ về Thầy Trợ Phát đã dạy tôi phải cầm viết tay phải năm xưa.
Đầu xuân năm này, tôi đến thăm nhà anh Trương Ngọc Can, nơi đây xưa kia là nhà Thầy Trợ Phát, anh Can kể chuyện về Thầy Trợ Phát cho tôi nghe và cho biết Thầy chỉ là dân ngụ cư ở đây thôi, sau khi Thầy qua đời, con cháu của Thầy không còn ở đây nữa. Tôi muốn tìm nhà Thầy để thắp lên nén hương kính viếng hương hồn Thầy và thầm cám ơn Thầy, nhờ Thầy, tôi đã tự rèn luyện không chỉ cầm viết tay phải, mà còn sử dụng được cả hai tay một cách nhuần nhuyễn trong nghề nghiệp rất tinh tế của tôi.
Trở lại chuyện năm đó, từ hôm thôi học với Thầy Trợ Phát, tôi ở nhà giúp mẹ công việc nhà, bên cạnh đó tự học và tập luyện cầm viết tay phải, ngày nào tôi cũng tập, cũng rèn, có lúc quên cầm viết bằng tay trái thì vết thương cũ lại nhoi nhói nhắc tôi phải đổi tay. Một thời gian sau mẹ đưa tôi trở lại trường, mặc dầu tôi đã viết được bằng tay phải nhuần nhuyễn nhưng tôi vẫn rất sợ cây roi mây của Thầy Trợ Phát nên lần này không học trường Thầy nữa, mà học tại trường Thầy Bích ở xóm Nhì Tây, tôi nghe nói Thầy Bích hiền hơn.
Trường (nhà) Thầy Bích ở trong khuôn viên nhà cụ Thượng Tam, bên bờ sông An Cựu thơ mộng, hình như nhà của quan Thượng Thư, là một căn nhà xưa to lớn nhất-nhì vùng An Cựu, vườn rộng hơn mẫu đất, không ai ở (hình như gia đình cụ Thượng đi qua Pháp hết) nên nhiều gia đình nông thôn lên đó làm nhà ở.
Lớp học của Thầy Bích có đủ bàn ghế, bảng đen, cho nhiều đối tượng học sinh. Tôi chỉ học ở đây một thời gian ngắn vì thầy dọn nhà vào trong kiệt, gần đồng ruộng và chợ An Cựu, chúng tôi cả lớp đi theo Thầy. Lớp học mới của thầy khá rộng rãi, có sân trước, sân sau có hồ nước, phía sau hồ là đồng ruộng nên rất mát mẽ.
Thật sự Thầy không phải tên Bích, vì cử tên nên lấy tên người con trai làm tên của Thầy, chúng tôi khi gọi bằng Thầy, lúc gọi bằng Ôn, Thầy cùng thế hệ với ông tôi, khuôn mặt chữ điền, thông minh, hiền hậu, râu tóc điểm sương (hình như hồi đó đàn ông khoảng 60 tuổi là để râu dài).
Thầy dạy tôi đủ các môn học: toán, tập viết, tập đọc, tập làm văn…Thầy còn ra bài về nhà làm, chúng tôi ai ai cũng chăm học, học tập tiến bộ nhanh chóng. Thầy rất vất vả vì trình độ học sinh khác nhau, thầy lại hiền, cây roi Thầy ít sử dụng, nên bọn trẻ thường nói chuyện riêng trong lớp học gây mất trật tự.
Giờ ra chơi như ong vỡ tổ, nhóm chơi ở sân trước, nhóm ra hồ, ra ruộng, bọn con gái thì chơi các trò chơi như ô làng, đánh thẻ…bọn con trai năng động hơn, chạy ra hồ lội nước, Thầy thấy vậy sợ quá phải rào hồ lại, có khi ra đồng, ra sân chơi đánh bi, đánh đáo, ra đường chạy đua.
Một hôm, tôi chạy đua với các bạn, đến đoạn cuối đường, bị một bạn lấn đường đua làm tôi ngã vào hàng rào kẽm gai gây rách hai vết thương chảy máu, một vết dưới mi mắt trái và vết kia trên ngực trái làm rách áo, máu chảy ướt cả mặt và cả áo, bọn trẻ thấy vậy liền dẫn tôi vào lớp và báo cho Thầy, Thầy chẳng những không la mắng gì mà còn săn sóc hai vết thương cho tôi rất cẩn thận và bảo không được chơi hoang, đúng là Thầy hiền thật sự. Tan học, về nhà, tôi giấu vết thương ở ngực, nhưng vết thương ở mắt thì không thể giấu được đành phải khai ra, tôi bị bố tôi cho thêm một trận đòn mấy roi mây vào mông đau điếng cả người. Thời gian trôi qua, vết thương dưới mắt trái chóng lành, nhưng vết rách ở ngực bị nhiễm trùng nên mãi chẳng lành, cũng may không bị tetanos, nếu bị thì bây giờ chẳng còn ngồi đây để viết những dòng chữ này. Đến năm 18 tuổi, cảnh sát đã dùng vết sẹo dưới mí mắt trái để làm dấu vết riêng trong thẻ căn cước, vết sẹo ở ngực như là một chứng tích thi đua ngày xưa.
Tôi học với Thầy Bích một thời gian khá dài, trình độ học vấn và hoang nghịch đã lên cao, cho đến gần mùa hè năm 1959, khi mẹ tôi làm được giấy khai sinh cho tôi thì tôi chuyển trường gọi là học luyện thi để chuẩn bị thi vào trường tiểu học An Cựu Huế (3).
Cách đây vài tháng, tôi ghé lại thăm nhà Thầy để thắp một nén hương tỏ lòng biết ơn Thầy. Ngôi trường năm xưa tôi học, bây giờ là nhà thờ dòng họ của Thầy, Anh Cừ cháu nội của Thầy, năm nay ngoài 70 tuổi, đã kể lại cho tôi nghe về những năm tháng cuối đời của Thầy thật thanh bạch. Hiện nay cháu, chắt của Thầy nhiều người cũng thành danh trong xã hội. Con trai của anh Cừ là học trò cũ của tôi, bây giờ là BS có uy tín của BV Trung ương Huế. Quả đất xoay vần, ngày xưa Thầy dạy tôi những bước đi tập tểnh của tuổi măng non, hôm nay tôi lại tiếp tục sự nghiệp trồng người như thầy, góp phần đưa cháu của thầy vào đời. Mong rằng cháu BS của Thầy luôn luôn giữ được nếp gia phong của gia đình và hành nghề y lương thiện để cứu người, giúp đời.
Rời trường Thầy Bích, tôi về học luyện thi vào lớp tư tại trường Thầy Duy. Hai vợ chồng Thầy Duy và Cô Thơm mở trường dạy học ở ngay trong xóm Tam Đông gần nhà tôi. Gọi là trường nhưng thực chất chỉ là phần mái nhà nối thêm phía sau nhà chính của Cô, khá rộng rãi, có bảng đen và đủ bàn ghế cho khoảng 40-50 học sinh. Cô Thơm dạy thường xuyên từ thứ hai đến thứ bảy, trong lớp cũng đủ trình độ học sinh. Thầy Duy chủ yếu dạy hè vì Thầy là giáo viên của trường tiểu học Bãng Lãng (4).
Cô Trần Thị Mai Hương (Cô Thơm) (1935-2003)
Thầy Nguyễn Quý Duy (1936)
Photo: Thái (chụp lại ảnh Thầy Cô)
Cô, Thầy là một cặp xứng đôi vừa lứa, Cô xinh gái, hiền lành nhất xóm nên nhiều thanh niên trong xóm, trong làng tranh với Thầy, nhưng chỉ có Thầy là nhất thôi, Thầy đẹp trai, học giỏi, lại còn dạy hay, Thầy dạy luôn cả Cô nữa mà. Thầy rất nghiêm khắc, dữ lắm, thường hay dùng roi với học sinh, nhất là đối với mấy cháu của Thầy. Thầy có biệt tài kể chuyện rất hấp dẫn, đây cũng là ưu điểm của Thầy để thu hút học sinh. Do đó, lớp hè của Thầy rất đông học sinh, không chỉ trong xóm mà nhiều xóm khác, cả trên phố cũng về học, từ lớp tư (lớp 2) đến lớp nhất (lớp 5) cho nên lớp học chia ra nhiều xuất. Trong thời gian học tiểu học, có mùa hè tôi đến Thầy học hè cũng vì mê nghe Thầy kể chuyện. Buổi học nào Thầy cũng dành khoảng nửa giờ để kể chuyện. Tôi còn nhớ mãi câu chuyện về “Khổng Minh bảy lần bắt và tha Mạnh Hoạch” trong Tam Quốc Chí. “Bao Công xử án Quách Hòe”, “Tống Địch Thanh” trong Vạn Huê Lầu…Thầy kể chuyện rất say sưa, lâu lâu lại uống một ngụm nước chè rồi tiếp tục câu chuyện. Mỗi lần Thầy kể chuyện, lớp học im phăng phắc để lắng nghe mà hết giờ học khi nào không hay.
Ba tháng học hè với Thầy Duy trôi qua nhanh, tôi thi vào lớp tư (không học lớp năm) trường Tiểu học An Cựu và kết thúc một thời kỳ học mẫu giáo qua nhiều thầy và kéo dài nhiều năm.
Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, biến cố Tết Mậu Thân đã cuốn đi tất cả vẻ êm đềm, mộc mạc, thanh bình của quê hương tôi. Nhà bố mẹ Thầy Duy, một căn nhà ngói xinh đẹp, có cây cảnh, vườn hoa, cây ăn quả đã trở thành bình địa. Nhà tôi, nhà Cô Thơm và nhiều nhà khác đã bị ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi. Không chỉ có thế mà còn biết bao người đã nằm xuống, nhà Thầy Duy có hai người thân ra đi không bao giờ trở lại. Bố và anh rể tôi đã đi vào lòng đất mẹ và còn bao nhiêu gia đình kẻ còn người mất. Sau Tết Mậu Thân, xóm của tôi trở thành chiến tuyến ngày và đêm, không một ai còn ở lại đó, mẹ tôi đưa các em tôi lên ở trong khuôn viên nhà cụ Thượng Tam, nhiều gia đình khác lên Cung An Định tá túc, Thầy Duy đưa gia đình lên sống trong một hẻm nhỏ đường Hai Bà Trưng, kể từ đó lớp học của Thầy Duy, Cô Thơm chỉ còn lại trong ký ức.
Sau Mậu Thân, Thầy Duy tiếp tục dạy trường Bãng Lãng một thời gian sau đó được đổi về dạy các trường tại Huế và vùng phụ cận, Cô Thơm lo chạy chợ, hai Cô Thầy chung lưng đấu cật làm lụng để nuôi đàn con còn thơ dại cho đến hòa bình lập lại. Những năm đầu thập niên 80, Thầy được chuyển về trường Nguyễn Tri Phương (NTP) vừa giảng day vừa làm giám thị cho đến khi nghỉ hưu năm 1997. Vì kinh tế khó khăn, sau khi nghỉ hưu Thầy xin ở lại trường để giữ xe cho học sinh. Nhiều hôm vào giờ tan trường, có dịp đi ngang trường NTP, tôi chứng kiến cảnh Thầy, Cô, con cái đều đứng ở cổng trường thâu phiếu giữ xe. Tôi tự hỏi làm nghề giữ xe cho học sinh thì sao có được đủ tiền để sinh sống. Ôi số phận của một Thầy giáo suốt cả cuộc đời vì con em, cuối đời lại phải lăn lộn giữ xe cho chính học trò của mình để kiếm sống qua ngày. Nghề giữ xe của Thầy cũng kết thúc sau khi người vợ yêu quý của Thầy qua đời do một cơn bệnh hiểm nghèo năm 2003.
Thấm thoát đã 10 năm cô Thơm đi vào lòng đất mẹ, một chiều cuối Thu, tôi đến thăm thấy Thầy ngồi trong cửa sổ nhìn ra hẻm, ngó lên, ngó xuống, ngó quanh quẩn không biết ngó ai? Không biết tìm kiếm gì? Có người vào, Thầy ra mở cửa. Tôi hỏi: “chú còn nhớ ai đây không?”, nhìn tôi một lúc, Thầy nói: “Thái chứ ai”, rồi Thầy mời tôi vào nhà uống nước.
Ở quê, nhà tôi bên cạnh nhà Thầy, vừa là xóm giềng, vừa bà con, tôi thường gọi Thầy bằng chú, vợ thầy bằng thím hoặc bằng chị vì hồi đó mặc dầu Cô hơn Thầy một tuổi nhưng Cô rất trẻ. Sau này do nghề nghiệp của tôi, cho nên quan hệ giữa tôi và gia đình Thầy càng thêm khắn khít.
Thầy Duy năm nay mới 78 tuổi, nhìn Thầy mà tôi xót xa “sao sức khỏe và tinh thần của Thầy xuống nhanh thế”, các con của thầy cũng được học hành thành tài, có công ăn việc làm, có đứa kinh tế cũng kha khá. Con út của Thầy cho tôi biết: “từ ngày mẹ mất, ba buồn lắm cho nên cả thể xác lẫn tinh thần xuống nhanh lắm, ba thường hay khóc và nhớ mẹ”.
Thầy chậm rãi kể cho tôi nghe: Từ lúc Cô mất cuộc sống của Thầy từ 10 năm nay đơn điệu lắm, chỉ ở nhà, không đi đâu, về quê cũ cũng không. Tình cảnh Thầy như thế, cảm thương Thầy, nhiều học trò cũ của trường Bãng Lãng, nhiều trường Thầy đã dạy và trường NTP ở trong nước cũng như ở nước ngoài có dịp là đến thăm Thầy. Học trò cũ đến thăm Thầy khi nào cũng có quà. Học sinh Bãng Lãng, có bạn nay đã ngoài 60, đến thăm Thầy cùng các món quà quê hương đồng nội. Thầy cho tôi xem 3 cuốn album toàn là học sinh cũ, làm thơ, tặng ảnh. Trong đó có ảnh của một em học sinh NTP có ghi chú dòng chữ “Bị phạt nhiều nhưng em không ghét?” Cho thấy tính nghiêm túc, chuẩn mực và chí tình trong 40 năm của Thầy không hề thay đổi dù cho thời gian, không gian có đổi thay.
Photo: Thái (chụp lại ảnh trong cuốn Album của Thầy Duy)
Học trò cũ trở lại thăm một giáo viên tiểu học là niềm vui, là tự hào, là tình nghĩa đối với một thầy
giáo ở tuổi xế chiều. Nhìn quanh nhà, tôi không thấy cuốn sách, cuốn vở nào cả, bèn hỏi Thầy: “Tủ sách
đầy ngắp truyện Tàu và nhiều sách quý của chú năm xưa đâu hết rồi?” Thầy cười trả lời: “còn đâu nữa
Thái ơi, những năm tháng khó khăn đem bán mua gạo hết rồi”. Nghe sao mà đau nhói cõi lòng.
Thầy Duy tìm lại kỷ niệm xưa. Ba cuốn màu đỏ là album
Photo (10/2013): Thái
Một buổi chiều thật buồn trò chuyện với Thầy giáo cũ, trong một căn nhà giản dị, có phích nước,
bình trà, vài ba lọ thuốc bổ. Bàn thờ tổ tiên cũng đơn sơ. Tôi thắp nén hương lòng nhớ đến Cô, Thầy đứng
bên tôi, Thầy rưng rưng nước mắt, hai dòng lệ chảy dài trên má. Cô ra đi sớm quá để Thầy ở lại một mình
trong nỗi cô đơn, hiu quạnh. Màn đêm buông xuống, tôi chào ra về, Thầy còn níu tôi lại trao tôi bài thơ
khóc vợ lúc chia ly. Đọc xong bài thơ khóc vĩnh biệt vợ hiền, chính tôi cũng không cầm được nước mắt,
ngồi lại hồi lâu để cho cảm xúc lắng xuống tôi mới ra về.
Chân dung ba thầy dạy tôi thời thơ ấu, hai Thầy đã đi vào cõi vĩnh hằng, nay chỉ còn Thầy Duy đang sống trong cảnh cô đơn, túng thiếu ở cái tuổi bóng xế chiều tà.
Mùa Tạ Ơn Thầy Cô Giáo Quý Tỵ (2013)
________________________________________
Ghi chú:
(1). Ngày xưa, xã Thủy An, thuộc Quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Xã có 10 thôn (xóm): 5 xóm đông: Nhất Đông, Nhì Đông, Tam Đông, Tứ Đông, Ngũ Đông. 5 xóm tây: Nhất Tây...Ngũ Tây. Hiện nay: Xóm Nhì Đông, Tam Đông, Nhì Tây (không còn tên hành chánh, nhưng người dân vẫn gọi) đều thuộc phường An Đông, TP Huế.
(2). Tơi là một loại áo kết bằng lá để đi mưa dùng để chống mưa, lạnh. Đôi khi mùa hè nông dân ra đồng ruộng mặc để chống nắng, nóng. Hiện nay nông dân quanh Hà Nội ra đồng ruộng mặc tơi để chống nóng. Như vậy áo tơi lại xuất hiện trên thị trường.
(3). Trường tiểu học An Cựu xưa kia, nay là Trường trung học cơ sở Đặng Văn Ngữ ở đường Đặng Văn Ngữ, phường An Đông TP Huế, hiện tại không còn một vết tích gì của trường xưa, ngoại trừ trường còn soi bóng bên dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong và Thảo Am bên góc trái của trường.
(4). Xưa kia, Trường tiểu học Bãng Lãng thuộc xã Thủy Bằng, quận Hương Thủy (Thị xã Hương Thủy ngày nay). Hiện nay không biết trường còn mang tên Bãng Lãng hay không?
Ngày hai buổi cắp vở đến trường, trên con đường đất gồ ghề có hai lối đi một bên dành cho người, bên kia là của trâu, hồi đó súc vật và dân quê rất thân thiện, cùng chung một lối đi về. Lần đầu tiên đi học, tôi sung sướng, siêng năng và hăng hái lắm không bỏ một buổi học nào. Nhà tôi cách nhà Thầy gần 500m, nhưng đi học rất vất vả, mùa đông trời mưa, lạnh, đường trơn, ra đường là phải có áo ấm, áo mưa, nhưng áo mưa làm sao có được, phải mang tơi (2) (hồi đó cũng có tơi cho trẻ em) để vừa tránh mưa vừa chống lạnh, chân thì đi trần, mười ngón phải bấm trên mặt đường để khỏi té ngã. Mưa dầm, gió bấc, giá rét của xứ Huế cứ kéo dài từ ngày này qua tháng nọ cho đến hết mùa xuân.
Cái rương các thầy ngày xưa ngồi dạy học
Photo: Thái