Chị Thanh





      


      












                                  
                                              Chị Thanh mặc áo tím, thứ nhì từ bên trái. Anh Bình đứng phía sau Anh Trinh.


Tôi không có chị gái, chị Thanh là chị dâu của tôi, vợ một ông anh họ. Ngày chị về làm vợ anh, làm dâu trưởng của gia đình bác tôi, chị mới mười tám tuổi. Anh tôi thì già dặn gần như gấp đôi số tuổi của chị. Anh Bình, chị Thanh, ngoài hai cái tên nghe rất Thanh Bình của anh chị là nói lên được sự gắn liền cho cuộc đời hai người, tôi thấy chẳng có gì khác để gọi là cân xứng cả.

Anh tôi vóc dáng cao to, năm ấy anh mang quân hàm đại úy, vẻ mặt giống hệt bác tôi, hiền từ với vầng trán thật cao và mái tóc thật ít, nếu không muốn nói là … hói. Chị Thanh trắng trẻo, nhỏ nhắn, đôi mắt một mí nhưng rất to, chị xinh như một con búp bê Nhật Bản vốn thường được chưng ở các tủ kiếng, chỉ để cho ngườì ta ngắm. Về tính cách cũng hoàn toàn khác biệt. Anh Bình có cái xuề xòa, chân chất của người dân miền trung, xứ Quảng Nam. Chị Thanh dáng dấp nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ đảm đang, chị là con gái Hà Nội, năm bố mẹ chị di cư vào Nam chị mới tròn một tuổi.

Nếu so với nhà thơ Hữu Loan tác giả bài “Đồi tím hoa sim” nổi tiếng, cưới vừa xong, là tôi đi…thì …anh chị tôi cưới nhau ở Biên Hòa xong, anh chỉ kịp đưa chị đi Nha Trang cho tuần trăng mật, nhân đó ra miền trung trình diện bà con. Chuyến du hành chưa được hai tuần lể, hương lửa ái ân chưa kịp nồng anh đã vội phải từ giã cô vợ mới cưới xinh đẹp để tiếp tục lao vào cuộc chiến, đó là những ngày đầu năm bảy lăm.

Sau tháng tư năm ấy, anh tôi vào trại tập trung cải tạo ở Suối Máu, Biên Hòa, chị Thanh vừa có thai đứa con đầu lòng mới hai tháng. Chút vốn liếng làm vợ chị chưa có được bao nhiêu ngày vui, nay phải một mình cán đáng mọi việc vì gia đình bác tôi ở mãi tận ngoài trung. Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình. Chị vượt cạn không có anh nắm bàn tay giúp sức cho chị khi đau đớn, cháu bé gái ra đời không có bố bên cạnh. Chỉ hai tháng sau, còn yếu ớt xanh xao vậy mà chị phải ra chợ học buôn bán để có điều kiện thăm nuôi anh.

Những ngày tôi vào miền nam để chờ vượt biên. Sau một trận sốt thương hàn, tôi như một con bé đói cơm, tóc tai không còn một cọng, vô cùng thê thảm. Tôi đã đến tá túc với chị với một hình hài có thể nói là tàn tạ, thê lương đến tận cùng. Căn nhà nhỏ của chị gọn gàng và ngăn nắp, nằm trong một con hẻm bên cạnh cổng xe lửa số 6 đường Trương Minh Giảng. Chị Thanh lần đầu tiên gặp tôi đã nhìn tôi với ánh mắt đầy thương cảm, chị đón tiếp tôi rất thân mật, bao e dè lo lắng của tôi về người chị dâu Bắc kỳ từ trước đến nay bỗng dưng biến mất. Chị lo lắng chăm sóc tôi, đứa em chồng xa lạ mà như một đứa em gái ruột. Chị mua cho tôi một vài loại thuốc bổ để chích cho mọc tóc, có lần chỗ chích thuốc bị áp xe, chính tay chị dùng cái chai có chứa nước nóng lăn qua lăn lại, dịu dàng săn sóc tôi như một người mẹ, chị làm tôi cảm động đến nghẹn lời. Thấy tôi gầy gò xanh xao chị thường nấu những món ăn để bồi bổ cho tôi. Úi giời ôi, con gái chỉ có một thời thôi em ạ! Chị thường suýt soa với tôi như thế. Khi hai chị em đi chợ, gặp người quen, chị hào hứng giới thiệu ”Em gái của bố Bình, ngoài trung vào đấy!”. Chị nói giọng Hà Nội hơi pha tí Sài Gòn, giọng chị không chát mà nghe líu lo như tiếng chim hót.

Tôì còn nhớ, trong bếp nhà chị có một cái thùng to và chắc chắn, loại thùng thường để chứa nước đá của quân đội thời trước. Hàng ngày chị buôn bán, tiêu dùng xong còn bao nhiêu tiền lời kiếm được, chị dành dụm, mua sắm những món hàng khô để thăm nuôi anh tôi. Chị đi thăm chồng không có thời hạn nhất định vì thời đó ở Sài Gòn, chế độ thăm nuôi có phần dễ dãi. Cứ mua được vài ký đường, dăm ký bột ngũ cốc, vài gói thuốc lá … chị cho hết vào thùng. Chị em tôi thường cười với nhau khi chị gọi cái thùng đó là: “Bố Bình”. Chừng vài tháng, dòm thấy thùng đã đầy là chị lục đục ra phường xin giấy tờ đi thăm anh. Chị vừa nuôi dạy bé Linh vừa lo cho anh tôi, vừa phải chịu khó đón tiếp bà con bên chồng từ miền trung vào tá túc … vậy mà chẳng bao giờ tôi thấy chị nổi nóng. Lúc nào chị cũng vui vẻ, chưa hề có tiếng than van, ngoại trừ những lần chị đi thăm anh về, nhìn chị thẩn thờ thiệt tội. Tôi, đứa em chồng không có chút máu mủ với chị mà cũng cảm thấy xót lòng. Năm ấy chị mới hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, quá trẻ cho một cô phụ, quá trẻ cho một người mẹ và cũng quá trẻ cho một vai chính của … hòn vọng phu.

Chị Thanh là một con chiên rất ngoan đạo, mỗi tối thứ sáu chị sang nhà mẹ chị, nơi có cái sân nguyện rộng, có tượng Đức Mẹ đang dang tay, vẻ mặt thánh thiện bác ái. Chị phủ phục cầu nguyện hằng giờ dưới chân Đức Mẹ. Có đêm từ nhà nguyện về, tôi thấy khuôn mặt chị đẩm nước mắt. Tôi nhận ra từ chị có một sức chịu đựng vô hạn, một trái tim dịu dàng bao dung, một tấm lòng rộng mở, thật khác hẳn với cái bề ngoài vô cùng yếu đuối nhỏ nhoi của chị.

Khi đứa con gái được bảy tuổi anh tôi mới được về sum họp với gia đình, chị Thanh tiếp tục lặn lội lo buôn bán kiếm tiền bồi dưỡng sức khoẻ cho anh bù lại những tháng ngày thiếu thốn. Anh chị vượt biên một lần bằng đường bộ qua Campuchia nhưng rồi bị lộ. Sau, sợ nguy hiểm cho vợ con, anh tôi bỏ hoàn toàn ý định vượt biên, anh chị chí thú làm ăn với chút vốn liếng do chị dành dụm lâu nay. Không lâu sau đó, chị Thanh sanh tiếp theo là một bé trai, đặt tên Duy. Và chương trình “Ra đi có trật tự” dành cho gia đình những sĩ quan của chế độ trước được nhà nước chấp thuận, đã là cơ hôi đưa cả gia đình anh chị đến San Jose, California yên ổn vào năm 1991.

Tôi may mắn bất ngờ gặp lại chị Thanh trong đêm Hội Ngộ Liên Trường Quảng Nam Đà Nẵng, tổ chức tại Texas. Đã gần ba mươi năm kể từ ngày tôi rời căn nhà chị. Anh Bình nay đã bảy mươi, nhìn dáng dấp anh vẫn phong độ, càng già anh càng giống bác tôi như tạc, giống cả cái giọng nói, giọng cười nghe rất sảng khoái, vang vang. Chị Thanh gặp lại tôi, hai chị em mừng vui ríu rít, nước mắt chị tuôn như mưa khi nghe tôi nhắc lại cái thùng mà chị đặt tên là: “Bố Bình” năm xưa, cái thùng chứa thực phẩm để chị thăm nuôi chồng, cái thùng ấp ủ những yêu thương của người vợ trẻ, chuyên chở những mòn mỏi đợi chờ, những ước mơ sâu thẳm mà chị đã chắt chiu hàng ngày, cái thùng chị để chỗ bếp và hay thủ thỉ trò chuyện với nó, như hình ảnh của người chồng yêu dấu đã vắng xa. Anh Bình lần đầu tiên nghe hai chị em nói về cái thùng “Bố Bình”, anh ngạc nhiên lắm, thấy chị thút thít anh quàng cánh tay lên vai chị, bàn tay xoa xoa như vỗ về, ánh mắt anh chan chứa yêu thương.

Tôi thật mừng khi thấy chị Thanh vẫn còn rất đẹp, rất trẻ trung so với số tuổi đời dù thời xuân sắc của chị đã đi qua trong vất vả, trong chờ đợi. Chị nói huyên thuyên, chị khoe chiếc áo dài màu tím bằng tơ tằm đang mặc là do Bé Linh đi Việt Nam may cho mẹ. Thằng Duy nay là một quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ, nối nghiệp bố, đang đóng quân ở Irak. Giọng nói chị vẫn líu lo như tiếng chim hót và nụ cười hạnh phúc tươi thắm trên môi.

Tôi ngồi nhìn anh chị trong bàn tiệc đêm hội ngộ, bàn tay chị Thanh lúc nào cũng nằm gọn trong lòng bàn tay anh tôi. Tôi hiểu ra được sức mạnh tiềm ẩn của tình yêu không hề phai mờ theo năm tháng, nó làm cho chúng ta có đủ can đảm vượt qua mọi khó khăn, đưa chúng ta lên thác xuống ghềnh, giúp chúng ta vững chân khi chông chênh bên bờ vực. Tôi nhìn anh chị hạnh phúc bên nhau mà nghe lòng hân hoan vô tả; tấm lòng nhân hậu của chị đã khuất phục được bao nhiêu nghịch cảnh. Trái tim ăm ắp yêu thương mà chị đã trao cho anh tôi từ năm mười bảy tuổi, mãi đến bây giờ hãy còn ấm áp trong tia nhìn của chị, chị khiến tôi hãnh diện và cảm phục vô cùng.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Kỷ niệm lần gặp lại chị Thanh 5/2005