Chiếc Guốc Mộc Của Nàng Trinh Nữ
Nói đến hoa chắc có nhiều người thiên vị một loài hoa nào đó vì màu sắc đặc biệt, hương thơm lạ, vẻ đẹp bí ẩn, hoặc khả năng quyến rũ thị hiếu và óc tưởng tượng của người ngắm hoa nói chung... Sự thật là nếu có ai hỏi mình yêu hoa nào nhất, thì chắc là khó trả lời, vì đối với mình, hình như hoa nào cũng đẹp, cũng dễ làm mình rung động như nhau.
Tuy vậy, phải thú thật là trong thời gian còn học ở trường trung học, mình đã đặc biệt dành nhiều "cảm tình" cho một loài hoa mình... chưa hề nhìn thấy ngoài đời(!), chỉ hình dung qua một câu truyện ngắn cảm động, viết bằng tiếng Pháp, do một nhà văn mình rất tiếc đã quên mất tên!
Câu chuyện có tính chất huyền thoại và ngụ ngôn về một loài Lan dại (l'orchidée), với cái tên dài là "Chiếc Guốc Mộc Của Nàng Trinh Nữ" (le Sabot de la Vierge), mình vẫn còn nhớ rất rõ, xin mạn phép kể lại cho các bạn nghe, qua trí nhớ và tưởng tượng của mình, như sau:
Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé nhỏ mồ côi rất ngoan. Cô sống cô đơn, ở một miền quê xa xôi hẻo lánh, với một bà cụ già cằn cỗi, lạnh lùng, ít nói. Để giúp bà cụ mưu sinh, mỗi ngày cô ngồi dệt vải một mình, trong một căn phòng tối, chỉ có một cánh cửa sổ nho nhỏ hầu như luôn đóng kín suốt năm, vì mùa đông ở đó rất lạnh và kéo dài vô tận!
Cô làm việc cần cù, nhẫn nại, vô tư, an phận, ngày qua ngày lại, dưới ánh sáng le lói của một chiếc đèn dầu, và chỉ có con dế mèn đơn độc làm bạn. Thỉnh thoảng, nó lại buột miệng thét lên vài tiếng kêu the thé đau lòng, từ dưới gầm giường đâu đó!
Thế rồi nhiều năm dài lặng lẽ trôi qua, như nước chảy êm ả về nguồn, không thắc mắc, không vấn vương, không để lại một ấn tượng nào đáng kể trong cuộc sống đều đặn, một ngày như mọi ngày của cô bé...
Cho đến một buổi sáng đầu xuân, khi con rạch cạnh nhà đã tan băng, và một dòng nước trong veo quen thuộc đều đặn róc rách trôi trở lại từ sáng đến tối, như chưa bao giờ biết mùa đông. Bà cụ, như mọi năm vào thời gian nầy, bảo cô đi gánh nước ở rạch về nhà nấu nước uống cho mát miệng. Trong lúc luí huí, cong mình sát con rạch để múc nước, cô bé chợt nhìn thấy, lấp lánh trên mặt nước, chân dung một thiếu nữ khả aí, tuy hơi gầy, của chính mình. Không biết vì sao trong giây phút đó, cô chợt nghe lòng mình nặng trĩu bâng quơ, và bản tính hồn nhiên, vô tư của cô bỗng đi đâu mất!
Sự thật là trong căn nhà lạnh lẽo, không có một cái gương soi mặt để cô bé tự ngắm mình, thiên nhiên, theo luật tự nhiên và thời gian, đã âm thầm chuẩn bị tạo điều kiện cho sự biến đổi kỳ diệu mà mọi cô bé đồng lứa tuổi với cô đã trải qua: từ mặt mày lem luốc, tóc tai rối bù vì lười chải, cử chỉ vụng về... để trở thành một thiếu nữ dậy thì duyên dáng, đầy mộng mị trong đầu, như con sâu róm vừa ra khỏi cái vỏ kén chật hẹp, thử vỗ cánh đôi lần, và ước ao một chân trời xa xôi, mơ hồ...
Từ đó trở đi, cô biếng ăn, nhác nói, suy tư, ủ rũ... Ngay cả tiếng kêu buồn bã của con dế mèn, trước đây chỉ làm cô buồn cười, nay nghe não nề, thấm thía như tâm trạng cô đơn, trống trải của cô lúc bấy giờ!
Đến cả bà cụ, bình thường vốn tính lãnh đạm, cũng phải quan tâm về sự thay đổi mới của cô bé. Một hôm, như không kềm chế được nữa, bà tự động đến mở tung cánh cửa sổ mà cô vẫn ngồi dệt vải bên cạnh hàng ngày, khiến ánh sáng mặt trời mùa Xuân tràng vào căn phòng quen bóng tối, làm chói đôi mắt cô vài phút. Bà tặc lưỡi một cái, như cố nén một ý nghĩ miễn cưỡng gì đó trong đầu, rồi điềm đạm nói với cô:
- Đã đến lúc cháu cần để ý nhìn ra đường khi làm việc, nhỡ có thấy hạnh phúc đi qua, thì chạy theo bắt cho được, đừng để nó đi mất! Dưới gầm tủ, cạnh gường của cháu, bà có giấu một đôi guốc thần, rất hữu ích. Nhớ mang guốc vào trước khi đi!
Một hôm, đang cần cù dệt vải trong căn phòng đầy ánh sáng, vừa ru mình theo tiếng chim hót líu lo trên những cành cây cao quanh nhà, cô chợt tò mò, ngước mắt lên nhìn ra ngoài đường, để tìm xem nguồn gốc của một điệu nhạc nàng trước đây chưa hề nghe bao giờ, nhưng ai đó đang huýt gió thật vui nhộn, khiến nàng phải rộn ràng, hạnh phúc lây...
Cũng vừa lúc đó, một chàng trai trẻ, không biết từ đâu đến, đang thong thả cưỡi ngựa ngang qua con đường trước mặt nhà bà cụ. Bắt gặp cái nhìn trộm của cô, chàng lịch sự ngã mũ chào, và tiếp tục đi khuất, miệng không ngừng huýt gió điệu nhạc vui nhộn mà cô bé tự nhiên cảm thấy quyến luyến một cách lạ kỳ, đến mức phải say mê lắng tai nghe, cho đến khi tiếng nhạc chỉ còn vọng lại từ xa, mỗi lúc một yếu dần, rồi tắt hẵn...
Không hiểu vì sao, cô bé chợt nghe tim mình đập mạnh, hồi hộp và phấn khởi, như tâm trạng của một người đã quyết định làm một điều gì đó quan trọng, đồng thời ý thức là quyết định nầy sẽ đưa đến một thay đổi lớn trong cuộc sống hiện tại của mình...
Thật ra mà nói thì suốt thời gian sống lặng lẽ trong căn nhà lạnh lùng, tuy có cơm ăn, áo mặc, và được bình yên, cô chưa bao giờ dám hình dung hay cảm giác hạnh phúc là như thế nào! Cô chỉ nghe trong đầu mình, lúc bấy giờ, vang lên những lời bà cụ dặn mới đây, như những tiếng nói liên tục vọng lại, mỗi lúc một thêm khẩn trương và quyến dỗ: "Hạnh Phúc!"... "Chạy theo!"... "Đừng để nó đi mất!"...
Như một kẻ mộng du, cô chạy nhanh đến cái tủ gỗ kê sát giường, nằm bẹp xuống sàn nhà để nhìn thấy gầm tủ rõ hơn, nhanh nhẹn với tay nắm lấy đôi guốc mộc bé tí tẹo đến buồn cười mà cô chỉ mới nhìn thấy lần đầu tiên. Nhưng đúng như lời bà cụ, khi cô xỏ chân vào, đôi guốc thần lập tức ôm sát lấy chân cô thật vừa vặn! Thế rồi, không lãng phí một giây phút, cô vội vàng đứng dậy, bước nhanh ra khỏi cửa, vừa với tay khép mạnh đôi cánh cửa gỗ sau lưng, khiến những con vít cũ sét trên bản lề đã lung lay, rền rĩ kêu cọt kẹt, và con dế mèn còn ngái ngủ đâu đó dưới gầm giường cũng hoảng hốt phụ họa từng tiếng kêu dài, thất thanh hơn mọi ngày!...
Con đường chính độc nhất ở quê cô chạy dài từ đầu làng đến cuối làng, và băng qua những cánh đồng trước mặt căn nhà nhỏ của bà cụ. Theo con đường này, cô co chân chạy thật nhanh, không biết mệt, mắt nhìn thẳng về phía trước, không nghĩ ngợi, tâm hồn cô vi vút theo tiếng lá lào xào và tiếng chim ríu rít trên những ngọn cây cao ven đường... Chẳng mấy chốc, cô đã nghe tiếng huýt sáo quen thuộc theo gió từ xa vọng lại mỗi lúc một gần... Không bao lâu sau đó, hình dáng phong nhã, lưng dài, vai rộng, mái tóc rậm, màu mâu hạt dẻ (châtain) của chàng bồng bềnh, nhịp nhàng theo chân ngựa, cũng dần dần hiện rõ trước mặt. Một lần nữa, trái tim cô lại vui mừng đập rộn ràng, như cảm giác sắp được đoàn tụ với một người thân yêu từ nơi xa trở về...
Không biết có phải nhờ đôi guốc thần, hay sức mạnh động cơ của cuộc đuổi bắt cái (ấn tượng) hạnh phúc của mình, đã khiến đôi chân dài, gầy gò của một cô gái dậy thì, ít vận động, trở nên có khả năng tương đương với hai cặp giò dẻo dai, quen đường dài, của một con ngựa nòi Ả Rập? Cô chỉ tự bảo lòng là mình không có thì giờ để suy nghĩ mông lung: cuộc hành trình kéo dài liên tục, hết ngày, qua đêm, xuyên qua những đồng hoang hẻo lánh, băng qua những con sông cạn, lên đèo cao, xuống nuí gập ghềnh... đồng thời, cô phải cẩn thận, kín đáo, đi sau một khoảng cách lớn, để không bị chàng bắt gặp...
Vừa ánh rạng đông hôm sau thì họ tới một thành phố lớn. Cô đoán là đã gần đến nơi vì chàng trai có vẻ quen thuộc với vùng địa phương và lúc nầy hình như cũng nóng lòng sớm được về đến nhà, nên không ngừng thúc ngựa chạy nước rút.
Sau một hồi băng qua vô số những đường phố lớn, họ bắt đầu tiến vào một vùng có nhà cửa thưa thớt, sang trọng hơn những vùng vừa qua. Cuối cùng, chàng trai cho ngựa đi chậm lại và bắt đầu tiến vào khuôn viên một biệt thự đồ sộ, lộng lẫy như những lâu đài thần tiên trong truyện cổ tích!
Toà nhà chính nằm khuất sau một lối đi rộng, dài hun hút, có cây cao mọc song song hai bên lề. Cuối lối đi ở đầu kia, đối diện với tòa nhà chính, là một chiếc cổng sắt cao lớn, có vẻ chắc chắn, an toàn, nặng nề với những hình chạm trổ tinh tế. Hai cánh cửa cổng hôm đó đều mở rộng, và không có người canh, nên cô chỉ chờ cho chàng trai vừa khuất bóng là tự động thản nhiên bước vào, mặc dù trái tim cô lúc bấy giờ hồi hộp đập mạnh, như muốn văng ra khỏi lồng ngực!
Toàn bộ nhà và vườn nằm trên một mảnh đất rộng ít ra là vài chục ac-rơ (acres), có khu vực dành riêng cho thú săn bắn của gia chủ, vài đôi ba hồ nước nhân tạo lớn nhỏ, với những cây liễu rũ cổ thụ ven bờ soi mình dưới nước trong xanh, phản ánh một bầu trời vắng mây hôm đó... Phần đất còn lại bao gồm những thảm cỏ bao la xanh mướt, có cây cao che bóng mát đây đó, những vườn hoa lớn nhỏ, rải rác khắp nơi trong khuôn viên chung quanh nhà và dọc theo hàng rào, đầy những cây cảnh đã được tỉ mỉ cắt tiả và khéo léo uốn nắn, bên cạnh muôn ngàn loài hoa lạ, muôn màu, muôn vẻ... Tóm lại, đó là một phối hợp tuyệt tác của thiên nhiên và nhân tạo, mà một người làm vườn tài ba, tinh tế, tin cẩn của gia đình, đã hình dung, sắp đặt, duy trì một cách chu đáo, nhằm quyến rũ người ngắm cảnh, đồng thời kiêu hãnh phô trương sự phù hoa phú quý của chủ nhà...
Rải rác sau lưng toà nhà chính gồm nhiều kiến trúc khác, dành riêng cho khách của gia đình, chỗ ở của những người giúp việc trong nhà, chuồng ngựa, vườn đặc biệt dùng để luyện và cưởi ngựa, v.v... Đặc biệt là chung quanh những khu vực nầy, trong ngày hôm đó, có rất nhiều người làm đang tụ tập, bận rộn với những công việc khác nhau: người thì lăng xăng dựng những chiếc lều rộng, bằng vải bạt trắng (toile), kẻ thì tất tả lo xếp đặt những dãy bàn ghế dài, đồng thời trang hoàng bên trong và bên ngoài những lều vải nầy, như để chuẩn bị cho một buổi tiệc lớn...
Một người đàn bà phụ bếp, sốt sắng, thấy cô đứng lơ mơ một mình, bèn tiến đến hỏi:
- Có phải cháu là cô bé mới từ quê đến để giúp việc không?
Cô gái vội vàng trả lời:
- Dạ phải!
Bà bảo:
- Vậy cháu hãy vào bếp, giúp lặt rau và rửa chén nhé!
Cảm thấy bà phụ bếp hiền lành, cô làm dạn, hỏi thêm:
- Nhà mình có tiệc nhân dịp gì đấy ạ?
Bà cụ nhìn nàng một cách ngạc nhiên một giây, rồi như chợt nhớ ra điều gì, khẽ mỉm cười, và kiên nhẫn giải thích:
- Cháu mới ở quê lên nên không hay, chứ khắp vùng nầy ai cũng biết cậu ấm đích tôn của gia đình vừa ở xa về nhà hôm nay để lấy vợ. Vợ tương lai của cậu ấm xinh đẹp và ngoan ngoãn lắm! Do ông bà tự chọn lấy!... Tối nay là lễ tân hôn và tiệc tiếp tân tại nhà... Sẽ có đến hơn năm trăm người khách đến dự đấy!... Mèn ơi, nhà bếp bây giờ chật vật không tưởng tượng được! Ta vào phụ giúp liền nhé!
Bà nói một mạch, giọng nói không dấu được niềm vui và hãnh diện cho những người chủ của mình mà người nghe có thể đoán không sai là bà rất yêu quý...
Tội nghiệp cho cô gái! Vừa nghe những lời thổ lộ vô tư của người phụ bếp trung thành, cô bỗng thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, như một người vừa bị sét đánh ngang tai! Tất cả những mơ ước riêng tư, những đợi chờ không tưởng, cái sức mạnh, nghị lực vô thường, mà ảo tưởng của một bến bờ hạnh phúc nào đó đang kêu gọi, thúc dục, làm động cơ cho suốt cuộc hành trình dài của cô đến đây, dường như tan biến trong chốc lát! Như một con chim Én, giây phút mới đây còn vô tư sải cánh bay về chân trời mùa Xuân đầy hy vọng,... mà số mệnh không may đưa đẩy viên đạn vô tình, từ họng súng của người thợ săn xa lạ, xuyên qua trái tim non, bây giờ đang thoi thóp nằm yên chờ chết, vết thương rướm máu hoen ướt cả một bụi hoa dại lóng lánh sương mai!...
Cố thu hết can đảm của một siêu nhân, không ngờ là mình có thể có, cô can đảm làm việc quần quật từ sáng đến tối, từ lúc khai trương tiệc, cho đến lúc tiệc tàn, không ăn uống, không giải lao, không than vãn một lời...
Lúc đêm gần tàn, khi đã làm xong việc, cô vẫn không cảm thấy đói vì quá liệt sức! Đôi guốc thần, hết linh thiêng lúc này, trở nên nặng nề, gò bó, khiến đôi bàn chân cô rát bỏng với những vết da trầy... Như một bóng ma dưới ánh trăng, cô chậm rãi lê từng bước chân mệt mỏi đến chuồng ngựa, để tìm một chỗ nghỉ tạm.
Người ta kể rằng, buổi sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên, cả nhà đã nỗ lực đi tìm cô bé khắp mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài vườn, nhưng không thấy!... Một số người tin rằng cô đã trút hơi thở cuối cùng lúc đêm tàn, trong tuyệt vọng...
Thêm một điều hy hữu, không kém phần bí ẩn khác nữa, là trên bó rơm cô bé đã nghỉ lưng đêm qua, có mọc đơn độc một đóa hoa lạ, và mọi người gần xa trong vùng, kể cả người làm vườn thông thái của gia đình, đều thú thật là chưa từng thấy bao giờ!
Đó là một loại Lan rừng, dài khoảng chừng bảy xentimét. Hoa chỉ gồm có ba lá đài màu xanh-nâu và ba cánh hoa. Hai cánh hoa nằm mỗi bên cánh hoa giữa cũng có cùng màu xanh-nâu như lá đài. Đặc biệt là riêng cánh hoa giữa, lớn nhất so với hai cánh hoa kia, thì có màu hồng, và căng phồng lên, như hình cái guốc mộc, vốn rất thông dụng với dân quê người Âu Châu (sabot). Dựa theo hình dáng và hoàn cảnh xuất hiện của hoa, người đời đã đặt cho nó cái tên dài, là Chiếc Guốc Mộc Của Nàng Trinh Nữ.
Thời gian vừa đọc được câu chuyện nầy, khoảng lớp tám hay lớp chín, mình còn "chưa biết yêu", (cũng chưa "có bồ")! Tuy vậy, bài học ngụ ngôn trong truyện khá rõ ràng, dễ hiểu, đã gây một ấn tượng lớn, khiến mình phải ghi lại những suy nghĩ riêng tư trong cuốn nhật ký của mình thời đó... Mình thương hại, đến rơi nước mắt, cho cô bé có số phận không may trong truyện, đồng thời tự hỏi, không biết mình có sẽ may mắn được sáng suốt hơn cô khi đến lúc phải chọn người bạn đời tương lai?
Người ta thường hỏi: -"Biết ra sao ngày sau?" Thử tưởng tượng một thời gian, không gian nào đó, nơi mà mỗi cô bé sinh ra đời đều được tiền định cho một chàng "hoàng tử" xứng đáng với tình yêu của mình, và mỗi bé trai, một "công chúa"...??? Ôi, chỉ là điều không tưởng, viển vông!!!
Trong nhật ký, cô bé ở tuổi mộng mơ, là mình lúc đó, tự hỏi không biết số phận sẽ đưa đẩy mình đến với một ông hoàng trong mộng, "mon Prince charmant"... hay là một kết cuộc buồn, cùng chung số phận của đóa hoa mang tên Chiếc Guốc Mộc Của Nàng Trinh Nữ ???...
Thời gian, một mình thời gian, SẼ trả lời mọi dấu hỏi hiện tại về tương lai...
Thời gian hiện tại ĐÃ là tương lai cho cái quá khứ thời đó!!!...
Xin mời các bạn đọc tuỳ tiện dùng trí tưởng tượng của mình để hình dung kết cục trả lời cho câu hỏi ở trên nhé!
Nguyễn Thị Đoan Trang
Dallas, TX
8/2/2016
*****
Chú thích:
1. Hình ảnh: sưu tầm từ Internet http://en.wikipedia.org
2. Hoa Sabot de la Vierge:
-Thời gian gần đây, vì cần suy nghĩ đến một đề tài để viết về hoa nhằm đóng góp với các bạn chín bốn, mình đã chợt nhớ lại câu chuyện đã đọc năm xưa, và tò mò lên mạng tìm hiểu thêm về hoa nầy.
-Hình sưu tầm ở trên cũng là hình ảnh của hoa mà mình mới được thấy lần đầu tiên, từ khi đọc truyện! Các bạn giỏi toán tính thử xem đã bao năm qua!
-Hoa (Cypripedium acaule) thuộc hệ thực vật nguyên gốc của vùng bắc Mỹ (l'Amérique du Nord) và Canada. (http://fr.m.wikipedia.org)
3. Nhà văn viết câu chuyện đầu tiên:
-Mình chỉ nhớ thời đó có đọc tiểu sử của tác giả, nhưng không nhớ tên.
-Những chi tiết khác mà mình nhớ, tuy không chắc chắn:
>là một đàn bà
>có thể là một ma soeur thuộc công chúa giáo
>có thể là một nhà văn người Canada nói tiếng Pháp (Canadienne-française)
>là một nhà văn có tiếng nhưng không phải là một nhà văn lớn