Chiếc Áo Dài Xanh

Năm mười hai tuổi, con nhỏ thi đậu vào lớp sáu trường trung học công lập duy nhất của thị xã chỉ dành riêng cho nữ sinh. Trường có cái tên rất oai và gọn gàng, Nữ Trung Học Đà Nẵng. Những đứa bạn nhỏ cùng lớp thời tiểu học chỉ còn sót lại vài đứa. Ba mẹ con nhỏ hãnh diện lắm, đưa nó đi may áo đầm trắng, sắm giày săng đan trắng, … đủ thứ để chuẩn bị cho ngày khai trường, nhưng con nhỏ chỉ thích mặc áo dài, đội nón và đi guốc gỗ.

Năm học đầu tiên ở trường mới thật lắm thú vị. Họp mặt đầu niên khóa, cô giáo cho cả lớp chép bản Nội Quy của trường. Để có mối liên hệ giữa nhà trường và học sinh theo quy củ, học sinh sẽ được nghỉ một tuần hầu có thời gian để chuẩn bị các thứ theo yêu cầu trong bản nội quy.

Con nhỏ có bạn thân thời tiểu học là Phương, năm đó cùng vào chung lớp với nó. Hai đứa chép xong bản nội quy dài lê thê thì cùng nhau duyệt xét, ở mục đồng phục, sẵn đã có câu: ”Mỗi nữ sinh phải có một áo dài màu xanh thiên thanh, quần dài trắng, là đồng phục cho lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai hàng tuần”. Con nhỏ với sự góp ý của Phương, đã âm thầm thêm vào: “Và một đôi guốc trắng, một cái nón lá mười bảy vành”. Hai đứa khoái chí nhìn nhau cười. Chỉ tưởng tượng được mặc chiếc áo dài, đi qua đi lại, khi muốn ngồi thì dùng tay ngoắc cái vạt áo dài sau lên đùi rồi mới ngồi xuống. Chao ơi, cái động tác sao mà duyên dáng, quý phái và người lớn làm sao! Tà áo dài thì phải đi đôi với nón bài thơ và guốc thì mới đúng điệu mà phải là chiếc nón lá mười bảy vành thôi, nón thường mười tám vành chỉ dành cho người lớn. Thế nên âm mưu thêm vào nội quy là chính xác. Con nhỏ mang bản Nội Quy được chép sạch sẽ, rõ ràng về nhà trình cho ba mẹ. Ba nó đọc sơ qua xong bảo mẹ: Mình ơi, sắm cho con đồng phục để nó mặc chào cờ sáng thứ hai ở trường. Hai mẹ con vội vã dắt nhau xuống chợ Hàn chọn vải, mẹ thích KT 4.000 vì đây là loại vải dày, không cần mặc áo lót. Con nhỏ giẩy nẩy la làng, nó muốn áo lụa mềm mại, thướt tha. Cuối cùng hai mẹ con nghe theo lời góp ý của cô hàng vải, chọn may bằng vải KT 3.000, theo lời cô, chỉ có mình hàng này là màu xanh trông dịu dàng, mát mắt nhất. Xấp vải áo dài mang về được mẹ giao cho một chị thợ may trong xóm. Con nhỏ không ưng ý chút nào, nó muốn đem xuống tiệm may nổi tiếng mà mẹ hay may là tiệm Văn Hai, có ông chủ tiệm đeo mắt kiếng mặt mày khó đăm đăm nhưng nổi tiếng may áo dài khéo nhất thị xã. Mẹ con nhỏ bảo, con nít, may đâu chẳng được. Con nhỏ nôn nóng được mặc thử áo dài nên ngày nào cũng la cà ở nhà chị thợ may trong xóm chơi với đứa con nhỏ của chị, hy vọng chị có thêm chút thời gian để o bế chiếc áo dài đầu đời của nó.

Sau mấy ngày chờ đợi tưởng như cả tháng, cuối cùng chiếc áo cũng đã hoàn thành trong sự hồi hộp của con nhỏ. Lần đầu tiên trình diện mẹ, bà chê chị thợ khâu đường tà không khéo. Con nhỏ hoảng hồn sợ mẹ bắt đem đi sửa. Nó vuốt hai vạt áo, phát biểu như người lớn: Con thấy được mà mẹ! may quá, mẹ chỉ lẩm bẩm: Nhỏ xíu, suông đuột, mặc áo dài chẳng giống ai. Ông anh ác ôn của nó thì phán một câu: Y như bà già đắng, đã lùn, còn bày đặt mặc áo dài coi lùn tịt! Con nhỏ giận lắm, hận đời đã không có đôi chân dài như ông anh, nhưng nó tự an ủi, mình thích là được rồi. Vậy chứ, mấy ngày tiếp, con nhỏ vẫn còn giận ông anh và vái trời cho mai này ông cưới được mụ vợ có đôi chân ngắn như loài chim cánh cụt.

Những buổi đến trường tiếp theo là xếp chỗ ngồi, bầu Lớp trưởng và chép thời khóa biểu. Hôm đó, con nhỏ và Phương đã thất vọng nhìn nhau khi khám phá ra cái thời khóa biểu chết tiệt, không có giờ học vào ngày thứ hai. Chao ơi, thế là tan tành theo mây khói, cái ước mơ nho nhỏ là được mặc áo dài, đi guốc gỗ thôi sao mà nó diệu vợi xa xăm quá. Suốt cả năm học lớp sáu, con nhỏ và Phương cứ hậm hực với áo đầm trắng, giày săng đan trắng đến trường.

Cứ mỗi sáng thứ hai thấy thằng nhóc Trí bên nhà diện nguyên một bộ đồ trắng đến trường để dự lễ chào cờ là con nhỏ nổi nóng. Dòm cái tướng hắn nghênh ngang đi qua đi lại, sửa tới sửa lui, ra vẻ ta đây là dân Phan Châu Trinh chính hiệu. Thấy mà ghét, từ phía nhà mình, con nhỏ chu mỏ: ”Đồ … dòi trắng!” và bỏ chạy.

Một ngày trong mùa hè năm đó, con nhỏ nhớ quá, lăm le đem bộ áo dài đồng phục ra mặc một lần. Con nhỏ sè sẹ xỏ chân vào đôi guốc gỗ, khi bước đi nghe cộp cộp. Khoái chí ngắm tới ngắm lui trong gương xong, vuốt ve hai tà áo, rất điệu đàng, con nhỏ từ từ đi ra sân, thình lình nó nghe giọng thằng Trí hàng xóm: “Ê, ê Nữ Trung Học, chọc con trai”. Con nhỏ bị quê, giận tím mặt, hét lại: ”Phan châu Trinh, rinh hủ mắm”. Nhưng thằng Trí đã biến mất tiêu, chỉ còn lại con bé đang khập khiểng vì hậu quả của đôi guốc gỗ là hai ngón chân cái đã bị phồng lên cái bong bóng nước, đau điếng.

Năm học tiếp theo, nội quy của trường Nữ bỏ mất mục phải mặc đồng phục áo dài xanh cho lễ chào cờ sáng thứ hai. Cái mộng ước hãnh diện được thiên hạ biết mình là nữ sinh trường Nữ Trung Học Đà Nẵng qua bộ áo dài màu xanh đặc biệt của con nhỏ mãi mãi không bao giờ đến. Con nhỏ đành ngậm ngùi xếp chiếc áo dài xanh cất vào ngăn tủ.

Mấy năm sau, trường con nhỏ được mang tên là trường Nữ Trung Học Hồng Đức, con nhỏ bắt đầu mặc áo dài trắng đến trường năm học lớp chín. Với bảng tên trường mới, con nhỏ không còn “chọc con trai” nữa. Chưa được bao lâu thì tình hình chiến sự trong cả nước sục sôi như một chảo dầu nóng bỏng. Từng đoàn người từ phía ngoài đèo Hải Vân rời bỏ quê cha đất tổ, chạy trốn bom đạn. Tháng ba đau thương đổ ập xuống thị xã. Ngôi trường Hồng Đức thân yêu biến thành trại tạm cư cho dân chúng. Con nhỏ rời trường học, từ đó, mãi mãi chiếc áo dài xanh năm yên trong ngăn tủ thơm lừng băng phiến. Cho đến nhiều năm sau …

Cuộc đổi đời theo vận mệnh tổ quốc đã đưa cả nước lâm vào cảnh khó khăn, gia đình con nhỏ cũng tang thương không kém. Một sự chia lìa trong hòa bình khiến cả nhà con nhỏ một sớm một chiều trắng tay. Đời sống chật vật khôn lường nên con nhỏ như quên hết phần đời thơ mộng ngày trước, quên cả những ước mơ vụng dại thời hoa niên.

Khi con nhỏ có đứa con đầu lòng trong một hoàn cảnh đơn chiếc, thiếu thốn trăm bề. Thật sự, con nhỏ cũng không ngờ đời mình có ngày bi đát đến thế. Để bao bọc cho hình hài nhỏ bé của đứa con gái sắp chào đời của mình, một hôm, con nhỏ đã lục lọi trong ngăn tủ, tình cờ tìm được chiếc áo dài xanh ngày trước. Một phút ngậm ngùi, nước mắt rưng rưng, mím chặt môi, con nhỏ lấy kéo cắt chiếc áo dài thành tấm áo nhỏ cho đứa con thơ, hai vạt áo dài nhỏ xíu chỉ vừa vặn đủ một tấm áo trẻ sơ sinh.

Nước mắt người mẹ trẻ khổ đau từng giọt rơi xuống theo những nhát kéo. Ôi ngôi trường xưa, chiếc áo dài xanh và những ước mơ ngày thơ dại …

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta tháng 2 năm 2010