Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.
Thơ Tô Thuỳ Yên.
Tôi đến phá Tam Giang buổi chiều hoàng hôn xuống chậm. Mưa lất phất gió lao xao, bãi bờ lau lách trắng xoá như bờm ngựa, nước dập dờn.
Ngày chỉ một chuyến phà qua lại phá. Sáng tiễn đưa, chiều chào đón. Đó là sợi dây duy nhất để giao lưu với nền văn minh đất liền.
Phá Tam Giang đón tôi bằng hai câu ca dao cổ:
Yêu em anh cứ anh vô.
Kệ truông nhà Hồ mặc Phá Tam Giang.
Ý là qua đây khó khăn và gian nan lắm! Mà thật vậy dù chỉ cách Đà Nẵng 50 km.
Dậy từ sớm tinh mơ, ra bến xe chen xịt bơ mới mua được 2 cái vé. Xe ì xèo leo lên nửa đèo Hải Vân đã bùm! xẹp lốp. Đón xe khác là đi vé ngoài tiền đâu ra mà trả. Tài xế bảo chờ ... có khi tới chiều mới thay được lốp. Trời hỡi! Mỗi ngày chỉ một chuyến phà trưa qua phá mà thôi! Thân gái dặm trường. Năm 1985.
Sau cùng tôi và em gái phải trút hết gia tài để được leo lên đằng đuôi một chiếc xe đò khác. Đến Đá Bạc thì “Thượng Đế phát khùng “xe chạy bằng than + củi, mặt mũi hai chị em ám khói xỉ đen nhẻm trông như con gấu trúc, nhìn nhau không nhịn được cười. Chợ Đá Bạc có cái am vôi cổ, bên cạnh có cây gạo già hoa đỏ chót, rụng rơi đầy gốc. Một lối mòn nhỏ, gập gềnh quanh những tảng đá to chảng, vòng ra sau am là bến đò để qua phá. Đứng bên này nhìn qua không thấy bờ bên kia. Mờ mịt ... khói sương. Tàu chạy mãi miết từ trưa đến khi bạn thấy tháp chuông chùa Tuý Vân hiện ra trong giăng giăng trùng trùng lớp nước chuyển từ xanh qua tím là lúc trời đã xế chiều. Tàu cập bến.
- [ ] Phá Tam Giang có gì vui? Đọc mấy câu thơ trên biết ngay là PTG không thể có gì vui: chỉ là sực nhớ thôi mà lại nhớ bất tận ... thì vui nỗi gì! Tôi và đám SV bạn bè sẽ ở lại đây hai tháng để lấy tài liệu cho bài tốt nghiệp năm cuối. Bạn đang mơ hồ nghĩ về một câu chuyện, một cuộc tình bất ngờ thi vị kiểu như “Những cây cầu ở hạt Madison “ chứ gì? Không đâu, chẳng có huyền thoại gì ngoại trừ ăn, ngủ, và đi vẽ lang thang dưới chói chang cồn cát hoặc dưới trời u uẩn mưa giăng. Mọi thứ ở nơi này chậm và chán lắm. Tối đến gà ngủ là mình đi ngủ theo gà vì ngọn dầu leo lét như ngọn lưu li cũng không có mà thắp.
Rứa rồi những tháng năm sau đó thì thoảng tôi lại nhớ về ngôi Chùa cổ Tuý Vân nằm cao trên ngọn đồi trong cánh rừng nguyên sinh, nhớ những tháng ngày không nhiều lắm cùng bạn bè dật dờ trên bãi biển Hàm Rồng để đón bình minh với những thuyền thúng ra khơi , những hoàng hôn í ới tiếng trẻ con, tiếng cá tôm lách tách trong mớ lưới lùng nhùng ... Mười năm qua đi còn nhớ, hai chục năm sau vẫn nhớ , ba lăm năm sau “ nhớ bất tận “ .... Có lẽ phải kể về Tuý Vân theo lối tẩu mã như trong tranh thủy mặc ...?
- Rằng .... ngôi nhà tôi ở nhờ là của một mệ già gần trăm tuổi hằng ngày vẫn còn làm bánh bột lọc ra ngồi bán đầu con hẻm. Mệ có cái chân dung khô đét như vị bồ tát trong chùa Đậu, có cái tên kì quá khiến mọi người phải đọc trại đi một chút cho dễ nghe gọi là MỆ LÒN.
- Rằng cuối xóm dưới có thằng Hết thợ mộc ... Quá yêu mái tóc dài của vợ nên cách một ngày hắn lại nấu nồi bồ kết tự tay gội đầu cho vợ. Hôm tôi đi vẽ ngang qua ngõ thấy Hết thợ mộc giờ đã lão, mái tóc bạc phơ đang lúi húi gội đầu cho vợ dưới gốc mít, vợ lão nằm dài trên chiếc ghế băng đó chính tay HẾT XƯA đóng. Biết tôi người lạ lão tặng tôi nụ cười răng rụng, giọng tự hào: “Có ai như tui khôn! Tui gội cho mụ từ hồi mới cưới dau (nhau) đến chừ đó. Coi tề! Già in ri (như vậy) mà mái tóc mụ còn đen mượt.
- Rằng ở Tuý Vân (vinh Hiền) cửa nhà là để tránh gió lùa chứ chẳng bao giờ đóng và khoá kể cả ngày lẫn đêm. Nếu lỡ độ đường cần nước uống bạn có thể vào bất kì ngôi nhà nào. Tìm trong bếp thể nào cũng có ấm nước lá mồng năm hoặc lá chè ủ trong tro đủ ấm để uống cho cả ngày.
- Rằng trên côi độn ( đồi cát ) có cái chòi lá là TIỆM bán bánh ram ít của ôn mệ Sửu. Hôm nào đắt hàng thì khách có thể ngồi ăn ngay trên giường ngủ của ôn mệ. Vài năm sau tôi nghe kể lại mệ Gái đã qua đời, ngày đêm ôn Sửu buồn khóc đến mù mắt. Cả làng Tuý Vân người con tôm kẻ con tép nuôi ôn chu đáo.
- Rằng rằng rằng ...thôi! Kể mãi không hết chuyện đâu! Cái làm tôi luôn nhớ về Phá Tam Giang không phải là cái tôi đã đang nhìn thấy mà là cái cảm nhận thấm sâu trong từng ngày chậm chạp trôi qua. Một cảm nhận an yên nhớ nhung khá mơ hồ và chênh vênh. Đôi lần tôi thử tìm một điểm tựa để đo lường so sánh, để tìm hiểu giá trị thực của nó là gì nhưng thật là vô ích bởi những nơi tôi tựa vào cũng chênh vênh di động.
Ngày nọ, trên đường phiêu lưu đến Myanmar tôi tình cờ vào một ngôi làng có tên Amarapura, đó là một ngôi làng cổ nằm bên một bãi bồi sông rộng (cách cố cung Mandalay chừng 40 km) trong làng có nhiều toà tháp xây bằng gạch thỏi, được gắn kết không mạch vữa như những tháp Chàm ở VN. Lúc tản bộ qua chiếc cầu bằng gỗ rất dài, tôi bắt gặp lại cái cảm giác xa xưa, như đã từng có ở Phá Tam Giang.
Tạm ngưng cả ngán.
Phần tiếp theo: SÁT NA - CHÂN NHƯ
Đọc ớn léc.
ThoTho Ton Nu
22 Thang 10, 2019
Chín bốn & Bạn hữu
Chiều trên phá Tam Giang
Chín bốn & Bạn hữu