Chín bốn - những ngày bên nhau
Từ Berkeley tôi theo những cánh diều bay đến Atllanta. Cánh diều của tôi mang màu xanh của mây trời rải rộng, màu của đôi tà áo ngôi trường con gái một thời xa xăm. Lòng tôi tràn ngập nổi cảm động với những tô bún bò, cái bánh nhân cam ... trong buổi liên hoan và một ngày picnic mà Nguyệt Nga và gia đình Thu Vân dành cho tôi. Cảm ơn các bạn cùng tình cảm rộng mở để những ngại ngần trong tôi dần rơi rụng. Mấy mươi năm sống trong những cảnh ngộ khác nhau mà tâm tưởng vẫn dành cho nhau những mỹ cảm làm cho lòng tôi trào dâng một cảm xúc bồi hồi đến rơi nước mắt. Cám ơn Ngọc Anh với trang web đẹp như một bài hát tương phùng đã giúp tôi tìm được các bạn từ hơn ba năm qua.
Tôi đến Atlanta với bảy mươi hai tiếng đồng hồ sống chung với các bạn dưới một mái nhà, sống lại khoảnh khắc chỉ từng xảy ra một lần khi tụi mình vừa mới mười sáu, mười bảy tuổi. Tôi chẳng biết nói sao cho đúng cái cảm giác những ngày này các bạn ạ. Sự ấm áp, thương yêu trong vòng tay bè bạn là có thực mà như hoang đường. Rồi có lúc tôi lại có ý nghĩ tụi mình như đang sống trong một ngôi trường nội trú nữ, như chưa từng khôn lớn, chưa từng già đi và tụi mình không hề bận tâm đến cuộc đời vẫn đang tuôn chảy ngoài kia, sau bức tường ngăn cách tưởng tượng. Buổi sáng vừa mới mở mắt còn thoải mái trong những bộ đồ ngủ đã gọi nhau ý ới, kể lể buồn vui. Đứa nằm lăn, đứa ngồi gác chân lên đứa bên cạnh vẫn cảm thấy chưa đủ, những ngón chân nghịch ngợm vẫn muốn khèo đến đứa bên kia cho vừa cái cảm giác gần gũi. Hạnh phúc quá! Những bữa cơm chay, những li chè thập cẩm được Kim Liên chuẩn bị sẵn vì trùng vào dịp lễ vu lan hay bữa ăn trưa toàn những món rau cũ mà Ngọc Nga đã chế biến từ những sản phẩm của khu vườn nhà ba Trinh trồng.
Buổi chiều lại ngắm nghía nhau trong bộ áo dài, cái áo bà ba, áo đầm. Xoay tới, xoay lui rồi Thu Hương lại bắt tôi phải thay áo khác để đẹp hơn. Lần đầu tiên tôi thấy Thu Vân mặc áo đầm, dễ thương và mềm mại lắm! Các bạn biết không, trong kí ức của tôi, luôn có hình ảnh của các bạn, mỗi bạn một hình ảnh khác nhau và lại không cùng thời gian. Như nghĩ về Thu Vân thì tôi lại nhớ đền hình ảnh Vân ngồi bàn đầu trong cái áo len màu đỏ. Nhớ đến Thu Hương thì tôi lại nhớ hình ảnh Hương trong chiếc áo dài có may một nếp tang ở giữa tà áo, Hương đang đi trên hành lang của trường Phan Châu Trinh. Nhớ đến Ngọc Anh thì tôi lại nhớ cái khoảng lưng của chiếc áo dài lụa với mái tóc tém, Ngọc Anh đang đi từ trong lớp học ra, cái phòng học gần nhà của cô Loan giám thị. Nghĩ về Kim Liên thì tôi lại chỉ nhớ hình ảnh Liên nằm xỉu gần bục giảng. Nhớ Nguyệt Nga thì hình ảnh Nga một buổi chiều cùng tôi đi học về ở lại nhà Nga chơi để chờ đến giờ đi học Anh Văn Hội Việt Mỹ, dáng đi của Nga cứ như muốn thâu lại chiều cao cho vừa với chiều cao của tôi. Không hiểu sao trong kí ức của tôi lại không lưu lại hình ảnh của Anh Trinh ngày còn đi học, cái hình ảnh Anh Trinh vẫn còn đậm nét trong trí nhớ của tôi là hình ảnh của một cô gái có đôi mắt nâu thật buồn, làn môi nhợt nhạt. Anh Trinh trong chiếc áo sơ mi màu đen, cái quần tây màu thuốc lá đã cũ cùng với cái nón lá không đủ che cho Trinh tránh được những ánh nắng gay gắt. Tôi thường hay gặp Trinh những buổi chiều trước bến xe Vĩnh Trung khi cùng lang thang kiếm sống. Ngày ấy ở bến xe Vĩnh Trung ngoài tôi và Trinh còn có cái "quầy sách" bé tí ba mét vuông nằm dưới gốc cây trước cổng bến xe của Quang Ấn, Thu Hà thì đứng đâu đó trong mấy hàng thuốc lá. Cái bến ấy từng là "địa bàn" của bốn O! Tụi mình đã từng là những cô gái thật đặc biệt phải không các bạn và giờ đây tụi mình lại hội ngộ nhau trong một hoàn cảnh cũng thật đặc biệt! Có lẽ vì vậy các con của tôi nhiều lúc không thể nào hiểu được tại sao mẹ lại mau nước mắt như vậy khi mỗi lần nghe mẹ nhắc lại những kỉ niệm xưa.
Những buổi sáng ở Atlanta tôi thường mời các bạn cà phê. Ngày cuối cùng lại kéo thêm được Ngọc Diệp về ở cùng, vậy là chín bốn có thêm một bạn và Kim Liên lại chuẩn bị những tô phở từ bốn giờ sáng. Những gói cà phê có mùi thơm của ly cà phê tôi hay uống với Tuyết Hằng và Hoàng Châu mỗi buổi sáng thứ ba, mới đó thôi mà như xa lắm! Hằng và Châu cứ tự hỏi, "Tại sao tôi lại ra đi?" rồi chẳng cần tìm câu trả lời, Hằng và Châu cứ tự nhiên mà tha thứ cho sự im lặng của tôi. Tình bạn của tôi và Hằng, Châu là vậy, đơn sơ và thật đẹp.
Từ khung cửa sổ của nhà Trinh nhìn ra những đọt cây thông vươn cao lên bầu trời tôi cảm thấy sự bình an lạ lẩm như từ mọi nơi đang len nhẹ vào ô cửa rồi quyện vào người tôi. Tôi nhớ lời như thơ của Rabindranath Tagore: "Chúng mình không với tay ngoài khoảng không để tìm điều ngoài hi vọng". Tagore viết cho tình yêu nhưng tôi lại nhận vào mình vì cái cảm giác gần gũi như của chính mình những ngày qua: tôi đã đưa tay ra và niềm vui đã chạm vào tay tôi.
Nhạ Anh
9/28/2012