Chịu ơn tiếng đàn

Chú Thụy là một nhạc công khiếm thị, sống trong căn hộ đối diện nhà tôi trên tầng một của chung cư. Sớm sớm, tôi
thường thức dậy trong tiếng dương cầm êm ả vang ra từ căn hộ của chú. Dường như sợ quấy rầy nhiều người còn ngon
giấc, tiếng đàn của chú thường chậm rãi dè dặt, thảng hoặc mới gióng lên các đoạn cao trào. Trong bộn bề âm thanh hỗn
tạp của khu chung cư gồm phần đông là người lao động, âm thanh vang ra từ chiếc dương cầm cũ lắm lúc rơi lạc vào
khoảng không thờ ơ của nhiều mảnh đời bươn chải với áo cơm. Nhiều hôm dậy trễ, phải hối hả chuẩn bị đến chỗ làm, tôi
quên bẵng tiếng đàn quen thuộc vẫn réo rắt vang ra chào mình. Chỉ đến khi dắt vội xe ra khỏi nhà, nghe tiếng đàn với theo
xuống tận cầu thang, tôi mới chợt nhớ mình vừa bỏ quên điều gì quen thuộc lắm.

Đánh đàn cho dàn nhạc ở một tụ điểm ăn uống về đêm, chú Thụy rời nhà vào lúc nhá nhem tối và trở về lúc khuya hôm.
Từ căn hộ mình, nhiều đêm tôi nghe rõ tiếng gót giày dò dẫm của chú Thụy bên hành lang chung cư giữa khuya hôm
thinh lặng. Người lái xe ôm đưa chú từ tụ điểm ca nhạc về đến chân cầu thang rồi cẩn thận dìu chú lên tận đầu tầng mới
thả chú lần bước trở về căn hộ của mình. Về đến nhà lúc quá nửa đêm nhưng sáng ra tiếng đàn của  chú Thụy vẫn thánh
thót vang lên tựa thói quen không thể thay đổi. Qua cánh cửa, tôi nhìn thấy đôi tay người nhạc công chậm rãi dạo trên mặt
phím, mặt chú ngước lên cao, như hướng mắt vào một điểm xa xăm nào đó vượt khỏi trần nhà chật hẹp.
Tự bao giờ tôi cũng quen với tiếng đàn đánh thức mỗi sớm mai, khởi đầu ngày mới lo toan tất bật. Sáng nào không nghe
tiếng đàn phát ra từ căn hộ đối diện, tôi hiểu hôm ấy có thể chú Thụy đi vắng hoặc trở bệnh. Tôi nào hay chính mình lắm
lúc vô tình bỏ quên tiếng đàn ấy vì bận bịu với một ngày đủ chuyện buồn vui.

Cảm giác thiếu vắng trở nên rõ rệt khi tôi dọn về chỗ ở mới, xa căn hộ chung cư mà mình từng gắn bó hơn chục năm trời.
Nơi ở mới thanh cảnh, rộng rãi, chim nhiều khi hót vang lừng vào buổi sáng. Nhưng tự xa xăm, như một thói quen còn lâu
mới bỏ được, tôi thấy nhớ tiếng đàn chú Thụy. Nhiều sáng thức dậy ra trước bao lơn nhìn trời mây quang rạng, trong
thinh vắng bốn bề, tôi nghe rõ tiếng đàn dìu dặt, êm đềm và hình dung được đôi tay chậm rãi lướt trên bàn phím cùng cái
dáng ngước mặt như nhìn thấu trời cao của người nhạc công mù. Và tôi hiểu đó là tiếng đàn phát ra từ tâm tưởng có một
phần hoài niệm, một phần hối tiếc, một phần ân hận của người mang ơn nhưng chưa biết làm gì để trả ơn. Bấy lâu tôi
được hưởng cái dìu dặt thanh tân gợi mở cảm hứng bình yên của tâm hồn cho một ngày mới từ tiếng đàn của người nhạc
công khiếm thị nhưng tôi chưa giúp được gì cho chú Thụy ngoài những câu chào hỏi và một lòng thương cảm. Cuộc
sống của chú Thụy, những buồn vui, gian khổ mà người nhạc công khiếm thị phải đương đầu hằng ngày hãy còn xa lạ với
tôi.

Nhà văn Thu Bồn, lúc còn sống, từng kể về một trải nghiệm của chính bản thân ông liên quan đến lòng trắc ẩn. Lần ấy,
ông đáp xe ngựa trong chuyến đi thực tế ở một vùng đất hồi sinh sau chiến tranh, nơi cuộc sống người dân còn nhiều lận
đận gian truân. Trong lòng xe ngựa hôm ấy có nhiều nông dân chân lấm tay bùn, nhiều bà hàng xén về chợ đang chuyện
trò rôm rả về sự tàn độc của cuộc chiến vừa kết thúc cùng những đau thương mất mát mà tất cả họ ít nhiều đều gánh
chịu. Những lời trách cứ, thậm chí xỉa xói gay gắt, hướng về một anh thương binh của chế độ cũ, nãy giờ ngồi co mình
lặng yên chịu trận trong góc thùng xe. Tội nghiệp, anh ta cứ cúi gằm mặt xuống sàn xe chịu  trận vì hiểu rằng những chỉ
trích lên án của bà con là chính xác, ngày xưa anh cũng từng tham gia đánh đập dân thường, từng bắt gà cướp thóc của
người dân vô tội. Lời quở trách chua cay đến nỗi nhà văn cũng thấy chột dạ thương cảm cho anh chàng thương binh chế
độ cũ sa cơ thất thế. Mấy người đàn bà này quá đáng, chửi rủa cũng chừa chỗ cho người ta sống với chứ! Nhà văn thầm
trách mấy bà nông dân, hàng xén dữ dằn và đâm ra ác cảm với những lời đay nghiến kia.

Cảm giác bất bình có thể sẽ theo nhà văn đi hết đoạn đường nếu trời không thình lình đổ trận mưa lớn. Gió thốc từng
cơn, nước mưa tạt vào lòng xe, quất vào mặt hành khách. Bác xà ích quyết định dừng xe để mọi người vào trú mưa ở
một quán lá ven đường. Ai cũng nhanh chân nhảy khỏi thùng xe để chạy vội vào hiên quán, trừ anh thương binh chế độ
cũ. Trong màn mưa xối xả, anh ta vẫn còn loay hoay với chiếc chân gỗ và quờ quạng không biết rời khỏi xe ngựa bằng
cách nào. “Thật tội, anh ta cứ loay hoay mãi trong khi mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Làm sao bây giờ? Phải giúp anh ta vào
quán trú mưa chứ! Trong khi tôi đang nghĩ cách giúp anh chàng thương binh thì bất giác, từ trong quán băng ra cái thân
hình to bè của bà hàng xén lớn tiếng nhất lúc nãy. “Này, bám vào vai tôi, lẹ lên!”, bà ấy vừa kề vai vào thành xe vừa ra
lệnh. Phút chốc, trong màn mưa, người hàng xén tức tốc cõng anh thương binh chế độ cũ rời khỏi xe ngựa để vào quán
trú mưa”, giọng nhà văn xúc động.

Cái người hung hăng nhất, to tiếng nhất trong lòng xe lúc nãy chì chiết anh thương binh chế độ cũ lại chính là người nhanh
chân nhất xông vào màn mưa cứu anh ta khỏi ướt lạnh. Kể xong câu chuyện này, Thu Bồn đúc kết: Nếu chỉ có thương
cảm không thôi mà không hề hành động cụ thể để giúp người thì vẫn chưa đủ. Nhân văn không thể dừng lại ở lòng trắc ẩn
mà phải đến từ bàn tay nồng ấm đưa ra.

Tôi mang ơn tiếng đàn của chú Thụy vào mỗi sớm mai nhưng chỉ nhận ra điều này khi xa tiếng đàn của chú.

26 tháng một, năm 2015
Nguyễn Đình Xê