Chữ của thầy
“Mấy tháng trước, nghe tin thầy đi xa, lòng buồn quá. Trách mình vô tâm, không cố công tìm thăm thầy lần nữa…”. Từ nơi xa, nghe tin một người thầy thời trung học qua đời, một người bạn của tôi đã viết như thế. Đó là người thầy nghiêm khắc với học trò thời tuổi nhỏ nhưng sẵn lòng bao dung, hào sảng với học trò trong lúc khó khăn. Một chiều mưa miền Trung như trút nước, cô học trò bé nhỏ tìm đến nhà thầy để mong thầy xác nhận quá trình học tập của mình do không còn bản chính học bạ. Thầy lúc đó vừa ra khỏi cổng đã vội trở vào nhà để mau mắn đáp ứng mong mỏi của học trò. “Mi muốn thầy xác nhận thêm bao nhiêu bản nữa thì cứ đến, đừng ngại!”. Trong tiếng mưa rào rạt, lời ân cần ấy làm ấm tâm hồn đứa học trò nhỏ. Ồ, thầy đâu hề khó tính. Thầy thương học trò, lo cho tương lai học trò biết mấy!
Cô học trò ngày ấy đã qua hơn nửa đời người, trải qua bao buồn vui, cứ ray rứt vì mãi đến giờ vẫn chưa gặp thầy cũ để được nghe thêm một lần tiếng “mi” gần gụi, đầy sức chở che. Dòng chữ thầy viết nay đã phai màu trong tấm học bạ cũ nhưng hoài hoài sống động trong lòng cô mỗi bận nhớ thầy. Những cơn mưa xứ người thỉnh thoảng kéo cô trở về ngôi trường cũ có bóng dáng người thầy tận tụy.
Những dòng chữ của thầy cô có đời sống lâu bền trong tâm khảm học trò. Không ai đếm được trong đời mình, mỗi người thầy đã viết bao nhiêu chữ trong tấm bảng đặt trước mặt học trò. Nhưng những người thầy hết lòng với chức phận đều có thể yên tâm rằng chữ của mình thế nào cũng còn lưu giữ trong tâm hồn nhiều thế hệ học trò.
Và câu chuyện dưới đây của Kỳ, bạn tôi trong một lần họp mặt, minh chứng cho điều này.
… Cuối năm thứ tư đại học, tôi được cử về thực tập tại một nhà máy sửa chữa tàu thuyền tại thành phố cảng khá xa trường cũ. Ngoài việc tiếp cận công việc tại hiện trường, thỉnh thoảng chúng tôi họp với viên quản đốc và ban quản lý phân xưởng để làm quen với phương thức quản trị, điều hành.
Phòng làm việc của quản đốc bề bộn đồ đạc. Dưới chiếc quạt trần lâu đời mở hết tốc lực, tôi chú ý đến tấm bảng phân công và kế hoạch làm việc gắn trên bức tường trước mặt. Không như các tấm bảng cùng loại tôi gặp ở các bộ phận khác, bảng phân công của phân xưởng này được trình bày ngay ngắn, lớp lang với tuồng chữ nắn nót, thể hiện tâm hồn phóng khoáng nhưng chuẩn mực của người viết. Tại một đơn vị quản lý lao động, chú trọng các số liệu về năng suất, một tấm bảng phân công được chăm chút như thế quả là điều bất ngờ thú vị. Chữ ai viết vậy cà? Của viên quản đốc hay cấp phó của ông ta? Không, chắc chắn không phải như thế vì tôi đã có dịp nhìn thấy tuồng chữ của họ trong văn bản. Tôi bỗng ngờ ngợ. Tuồng chữ này mình đã gặp đâu đó trong đời, cũng bằng phấn trắng viết trên bảng đen. A, tôi nhớ ra rồi, đó là tuồng chữ của thầy T., thầy dạy môn Lý Hóa thời tôi học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ). Kìa, cái nét “đá” lên mềm mại, duyên dáng của những chữ n, ng, viết ra từ tay thầy, làm sao mà quên được! Nhưng thầy T. của tôi thì sống và dạy học ở quê, cách xa cái nhà máy này gần một ngàn cây số. Lẽ nào…
Công việc của một sinh viên thực tập khá căng thẳng nhưng ngày ngày, có dịp bước vào phòng quản đốc phân xưởng, tôi lại thấy lòng nhẹ nhàng mát dịu vì tuồng chữ thân quen trên bảng phân công. Có một sợi dây hiền hòa êm ái nối tâm hồn tôi với những dòng chữ kia, đến độ nhìn chúng, tôi ngỡ mình như gặp lại một bóng hình thân quen nào đó đã xa, một khoảng trời niên thiếu không còn nữa.
Ngày cuối cùng của chuyến thực tập, không còn cảnh hối hả như trước, chúng tôi được chuyện trò gần gũi với viên quản đốc và các thành viên điều hành phân xưởng. Không khí thân tình khiến tôi mạnh dạn hỏi chuyện viên quản đốc về tác giả của những dòng chữ trên tấm bảng phân công. Nở nụ cười hồn nhiên đáp lại sự tò mò của tôi, viên quản đốc dắt tôi về phía cuối bãi phế liệu rồi chỉ tay vào một nhóm công nhân đang cặm cụi tháo dỡ một thân tàu cũ: “Ông ấy đằng kia, công nhân thời vụ của tổ tháo dỡ. Anh em phát hiện ông ấy viết chữ đẹp nên giới thiệu với tôi. Quả là chữ viết ông ấy đẹp thật. Biết phân xưởng nhờ nên ông ấy sẵn lòng, cứ dăm hôm lại đến một lần để sửa soạn tấm bảng!”.
Theo hướng chỉ tay của viên quản đốc, tôi nhận ra một người đàn ông luống tuổi trong bộ đồ xanh công nhân, tóc muối tiêu, cặp mắt kính dày trục. Như có một nguồn điện rung cảm chạy suốt người, tôi reo lên mừng rỡ: “Thầy T., trời ơi, chính thầy T.!”. Trong nắng trưa chói chang, bỏ mặc viên quản đốc đang trố mắt ngạc nhiên, tôi lao đến ôm chầm tấm thân ướt đẫm mồ hôi của thầy, giọng gần như khóc: “Thầy ơi, Kỳ đây nè! Thầy còn nhớ em không, học trò của thầy ở trường Phan Châu Trinh năm đệ lục?”
Cởi bỏ đôi găng tay dính đầy gỉ bụi, thầy từ tốn nắn vai tôi, lùi lại ngắm nhìn tôi với ánh nhìn tươi tắn, rồi gật gù ra ý thỏa lòng: “Thầy nhớ ra rồi. Có lần giữa lớp, anh bị tôi quở vì để tập vở bẩn chứ gì! Học Bách khoa rồi về đây thực tập phải không nào? Vậy là giỏi đó, thầy mừng!”. Ôi người thầy quý mến của tôi, trông ông vẫn điềm đạm, mực thước như ngày nào dù mái tóc giờ đã điểm sương và gương mặt hằn rõ vết tích tuổi già. Làm sao tôi quên được ánh nhìn bao dung của thầy sau đôi tròng kính cận, môi cười nhẹ nhàng hóm hỉnh và giọng giảng bài từ tốn, vang động.
Sau năm 1975, theo một quy định thời bấy giờ, thầy T. đành phải từ bỏ bục giảng. Rời trường, không có nghề nào khác ngoài nghề dạy học, thầy xin vào làm công nhân thời vụ tại nhà máy này. Không hề ngỡ ngàng lúng túng hay mặc cảm, thầy vẫn điềm nhiên hào hứng với công việc. Những công nhân cùng làm việc với thầy nói rằng họ rất vui khi được làm việc với một trí thức lịch duyệt có lối sống dung dị, hòa đồng, chia sẻ. Họ cũng học được ở thầy niềm tin yêu cuộc sống, nét hóm hỉnh nhẹ nhàng. Tôi không hề ngạc nhiên với điều này. Nhiều năm rồi, trải qua bao biến động của đời người, thầy tôi vẫn giữ vững cốt cách, tâm hồn và phong thái của một người gieo hạt đầy lạc quan và trách nhiệm.
Như tuồng chữ kia không hề đổi thay biến dạng qua bao ghềnh thác của đời người, tâm hồn dung dị và tình yêu cuộc sống của thầy tôi vẫn vững bền, săn chắc như lõi trầm trong thân cây dó. Và dù thầy có viết bằng phấn trắng trên tấm bảng nào- bảng phân công của phân xưởng nhà máy hay bảng đen lớp học- thì chữ của thầy vẫn còn đó, vẹn nguyên súc tích niềm cảm hứng với học trò. Chính tuồng chữ ấy đã đi vào lòng tôi từ thời thơ trẻ như một tín hiệu yêu thương…
Bạn tôi chấm dứt câu chuyện gặp thầy cũ bằng giọng đầy xúc cảm. Cả nhóm chúng tôi cũng miên man trong dòng hồi tưởng về trường cũ, hào hứng với những tiết học ấm áp tình thầy trò, trong đó sống động những dòng chữ mạnh mẽ, nồng nàn.
Nhưng thầy T.- như lời bạn tôi kể lần ấy- lại muốn cảm ơn học trò mình vì một điều thiêng liêng: Bằng cuộc gặp này, các em đã chở thầy về với quãng đời thao thức trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, dù chỉ trong chốc lát…
Nguyễn Đình Xê