Thấm thoát mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày tôi rời khỏi mái trường tiểu học An Cựu vào mùa
hè năm 1963. Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu như hiện ra trước mắt tôi. Từ trong ký ức tôi nhớ lại và sắp kể
ra đây những mẫu chuyện nhỏ, có thể có vài chi tiết chưa hoàn toàn đúng, có nhiều chuyện làm bạn không
vừa lòng thì cũng là chuyện trẻ con ngày xưa để nhớ về một thời chúng mình bên nhau dưới mái trường
thân yêu ấy.
Mệnh trời. Bậc tiểu học năm năm, nhưng tôi chỉ học bốn năm thôi (vì đã quá tuổi), không học lớp
năm (lớp một), có bạn học sáu năm do ở lại lớp. Tôi vào học lớp tư B toàn là con trai, cô Tâm là giáo viên
dạy lớp này, cô lớn tuổi, thuộc dòng dõi vua chúa, dạy giỏi, đặc biệt là rất hiền. Nhìn lên lớp ba B cô
Xuân dạy, nghe học trò lớp trên bảo nhau cô Xuân cũng rất hiền, nên chúng tôi tha hồ hoang nghịch, nhất
quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò mà, vậy là yên tâm về chuyện lên lớp ba cũng sẽ được gặp cô giáo hiền.
Nhưng ai đâu ngờ, học hơn nửa năm, tụi tôi nghe tin, sang niên khóa mới, cô Xuân sẽ sang dạy lớp ba A
(2/3 lớp là con gái) và thầy Lăng dạy lớp ba B (lúc đó thầy đang dạy lớp ba A), nghe thầy bảo tụi con trai
hoang nghịch để tôi trị chúng nó. Mệnh trời đã định, tin đồn đã thành hiện thực. Ngày tựu trường năm
1960, chúng tôi rất hớn hở được gọi tên lên lớp ba B, từng đứa một đi lên lớp ba, nghiêm chỉnh chào thầy,
thầy Lăng đang chễm chệ trên bàn thầy giáo, không ai bảo ai đứa nào cũng có cảm giác lành lạnh dù đang
trong mùa hè, nhìn xuống dưới lớp có một số bạn ở lại lớp vẻ mặt buồn xo, không nói không năng.
Một năm lớp ba B, học với một người thầy mẫu mực, nghiêm khắc, nổi tiếng dữ nhất trong tất cả các
thầy cô giáo, nhưng rất thương học trò. Một năm biết bao kỷ niệm với thầy, hầu như học sinh lớp tôi
không ai là không có kỷ niệm khó quên với thầy. Thầy có một câu nói bất hủ khi chê trách học trò, chúng
tôi ai ai cũng còn nhớ khẩu hiệu đó nhưng thôi tôi không kể ra đây.
Hiện tại thầy sắp bước qua tuổi 83, thầy vẫn còn khỏe là thành viên danh dự duy nhất ở Huế của lớp
chúng tôi. Mỗi lần đùa với thầy, kể những câu chuyện dữ của thầy năm xưa, thầy thường bịt tai lại, cố quên
đi những câu chuyện xưa ấy.
Cái lục lạc. Ngày xưa cha mẹ thường đặt cho con cái tên xấu để gọi ở nhà như chó, mèo, nai, beo,
dao, kéo…và cũng thường mang cho con một lá bùa, vòng tay, vòng chân để hộ mạng, để trừ tà,
yểm…Lớp tôi có một học sinh mang đầy đủ cả hai thuộc tính ấy. Không biết bạn ấy mang cái lục lạc nơi
cổ chân trái từ khi nào? Và tôi cũng không biết đến thời điểm nào thì bạn ấy thoát khỏi cái lục lạc ấy,
nhưng trong suốt thời gian tiểu học, không khi nào cái lục lạc rời khỏi chân bạn ấy, khi đi lại chạy nhảy, cái
lục lạc kêu leng keng nghe cũng vui tai. Bạn ấy ở đâu ai cũng biết, đi đâu là mang âm thanh đến đó, nhưng
cũng không ai chọc ghẹo gì bạn ấy cả. Vì con khó nuôi chăng? Bạn ấy còn có cái tên khá cộc cằn. Chắc
các bạn đoán biết ai rồi chứ? Không những thế, cả trường, cả vùng đều biết, và hiện nay nhiều người còn
nhắc đến. Cái tên ấy đã đi theo với bạn ấy từ tiểu học, trung học và đại học cho đến sau năm 1975 có
phong trào đổi tên, nhân cơ hội này bạn ấy cũng đổi tên cho đẹp, nghe thanh tao hơn. Đó là bạn Trần Văn
Búa, có biệt danh là Búa lục lạc nay là BS Trần Nguyên Vũ. Lớp tôi không chỉ có Búa mà còn có Mác
nữa nên học sinh lớp khác đều “sợ” lớp tôi.
Ỉa trịn là ỉa trong quần rất hôi. Hồi học lớp ba, cả lớp ai cũng sợ thầy Lăng, không dám hó hé gì hết,
ngay cả đau bụng cũng không xin thầy đi ra ngoài để giải quyết chuyện riêng tư. Đó là trường hợp bạn C.
bị đau bụng mà không xin ra nhà vệ sinh, ngồi trong lớp ị luôn trong quần, mùi hôi bốc lên nồng nặc cả
một vùng cuối lớp. Thế nhưng không đứa nào dám hở môi gì cả, mà chỉ biết bịt mũi, quạt tay để xua đuổi
mùi hôi đi. May thay hồi trống tan trường đã điểm, bạn C. mừng quá, không xếp hàng một như thường lệ
để đi về nhà mình theo quy định của nhà trường, mà nhanh chân trốn ra cửa sau trường, băng ra cánh đồng
(nay là vùng Kiểm Huệ) chạy một mạch về nhà để giải quyết mùi hôi ỉa trịn trong quần. Hình như mấy ngày
sau vẫn còn phảng phất mùi hôi do bạn ấy để lại ở góc cuối lớp.
Tặng áo cho học trò. Ngày xưa hình như mùa đông xứ Huế mưa nhiều và lạnh hơn bây giờ. Những
học trò nghèo thời tiểu học như tôi có được cái áo ấm đẹp là hạnh phúc lắm. Năm học lớp ba, tụi tôi dù
con nhà khá giả hay nghèo đứa nào cũng có áo ấm để chống chọi với cái rét căm căm của mùa đông xứ
Huế. Tuy vậy, trong lớp vẫn còn hai bạn không có áo ấm che thân là bạn Khiếu và Đợi, lúc nào cũng chỉ
cái áo mỏng manh trên người. Cảm thông cái hoàn cảnh thiếu thốn của hai bạn ấy, thầy Lăng thương tình,
đã tặng cho hai bạn ấy hai cái áo ấm dạ đen để mặc cho ấm thân, mặc dầu ngoài mặt thầy rất nghiêm khắc
và dữ nhưng trong lòng thầy lại rất thương học trò. Nhờ hai chiếc áo ấm này mà hai bạn chống chọi nhiều
mùa đông giá rét. Chắc bạn Khiếu vẫn chẳng bao giờ quên chiếc áo dạ đen này. Bạn Đợi thì đã đi vào
lòng đất mẹ lâu lắm rồi, không biết ở bên kia thế giới bạn Đợi có nhớ đến thầy mình không?
Đi du ngoạn. Hồi học tiểu học, sinh hoạt dã ngoại cũng chia hai cấp, lớp nhì và lớp nhất hằng năm
được đi cắm trại, từ lớp ba trở xuống thì không được cái diễm phúc này, mặc dầu trong lớp những học trò
đi học muộn như tôi có khi lớn hơn các bạn lớp trên. Bù vào chuyện không được đi cắm trại, thầy Lăng đã
tổ chức cho học sinh hai lần đi du ngoạn. Một lần đi thăm cầu ngói Thanh Toàn, hồi đó biết được chiếc
cầu có mái ngói, bắt qua dòng sông, gió lồng lộng thổi rất mát mẽ, là một điều thú vị vô cùng. Thầy trò
chúng tôi đã qua một ngày du ngoạn mà nhớ mang máng đâu đây câu ca dao “Ai về cầu nói Thanh Toàn,
cho em về với một đoàn cho vui”. Lần thứ hai đi thăm hãng gạch hoa Bảo Trác tức là đi thăm nhà cô Tâm
(cô dạy chúng tôi lớp tư B), gia đình cô là chủ của một hãng gạch hoa. Đó là những lần đầu tiên chúng tôi
biết thế nào là đi du ngoạn. Mới đây chúng tôi đến thăm lại nhà cô, Cô đã đi về cõi Phật lâu rồi, xưởng
gạch hoa cũng không còn nữa, nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ khu nhà xưởng có những quả chùy bằng
đồng to để nén gạch hoa, nhớ những người thợ lành nghề làm gạch hoa theo lối thủ công và những viên
gạch nhiều hoa văn khác nhau rất đẹp được xếp ngay hàng thẳng lối.
Đi ciné. Hồi bé chúng tôi thường đi xem chiếu bóng ở các sân bãi cỏ, một đôi khi ở trại lính 251 gần
cầu An Cựu, hầu như là phim đen trắng, chỉ có một máy chiếu phim, hết cuốn phim thì có thời gian thay
cuốn phim khác, khán giả nhóc con như chúng tôi ngồi bệt giữa đất, sân cỏ, nếu “rạp chiếu phim” gần nhà
thì chúng tôi mang theo ghế, đòn để ngồi xem.
Cũng năm học lớp ba, thầy Lăng tổ chức cho cả lớp đi xem phim rạp ở bên Gia Hội, tôi không còn
nhớ rạp Châu Tinh hay Khải Hoàn. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi và cũng có thể của nhiều bạn khác đi
ciné rạp. Nhìn rạp ciné to lạ kỳ, phim màu, chiếu liên tục từ đầu đến cuối không có thời gian nghỉ như
phim bãi. Tôi còn nhớ rõ tên phim là: “Hai đứa bé chạy khắp nước Nhật”, kể về câu chuyện một đứa bé
trai Mỹ và đứa kia là Nhật, tôi không còn nhớ lý do gì mà hai đứa bé này lại chạy khắp nước Nhật. Kể từ
đó, tôi mê ciné rạp kéo dài trong suốt thời kỳ trung học, đại học, tuần nào cũng đi xem một, hai phim,
nhưng thường mua vé ngồi hạng chót thôi.
Vẽ tự do. Thầy Lợi, vị thầy nói giọng Bắc, dạy chúng tôi lớp nhì B, thầy đẹp trai, hiền, nhà thầy ở
đường Phan Châu Trinh, phía trên nhà cô Tâm. Năm học lớp nhì, tôi chỉ nhớ hai kỷ niệm là đi cắm trại và
vẽ tự do. Lớp tôi có nhiều bạn vẽ đẹp như Bùi Đăng Cường, Lê Đình Châu, Lê Văn Kịch, Ngô Văn Cự.
Một hôm đến giờ vẽ, thầy cho vẽ tự do với chủ đề là vẽ cô giáo dạy trong trường. Trường An Cựu thời đó
có nhiều cô xinh đẹp, cô Hồng đang dạy lớp nhất A là nổi nhất trong các cô, vì vậy cô Hồng là mục tiêu
chính. Bạn Cường vẽ chân dung cô Hồng nhìn nghiêng tóc xõa bờ vai rất đẹp. Các cô giáo ai ai cũng ngạc
nhiên sao bọn học trò bâu quanh ngoài cửa sổ của lớp mình đang dạy. Không biết lúc đó các cô có biết
đây là trò đùa của thầy Lợi hay không?
Cắm trại. Hồi học trường An Cựu chỉ học sinh lớp nhì, lớp nhất mới được đi cắm trại. Năm lớp nhì đi
cắm trại ở đồi Từ Hiếu, năm lớp nhất cắm trại ở đồi thông sau chùa Thiên Mụ. Trong một ngày trại có
nhiều thi đua như thi cắm trại, trò chơi lớn có mật thư, đánh MORSE, Xê ma pho, thi nấu ăn…Tôi nhớ
nhất lần thi nấu ăn của kỳ trại Thiên Mụ. Bạn Bùi Đăng Cường là đội trưởng của một đội trong lớp nhất B,
hồi bé bạn Cường có thói quen không ăn nhiều món ăn, thường thích ăn rau muống luộc và lấy nước rau
làm canh (mặc dầu kinh tế gia đình thuộc loại khá), cho nên trong kỳ trại này với quyền lực của đội trưởng,
bạn Cường cho cả đội thi đua với món ăn rau muống luộc và canh nước rau, trong khi các đội khác đều
nấu cao lương mỹ vị. Kết quả cuộc thi nấu ăn hình như đội bạn Cường về sau cùng.
Đánh trống-Kéo cờ. Hồi học lớp nhất, tôi còn nhớ mỗi khi làm lễ chào cờ là bạn Vĩnh Toàn đánh
trống để học sinh hát quốc ca, bạn Toàn ôm cái trống từ ngang ngực xuống đến chân, bạn đánh trống giỏi
nên được chọn làm người đánh trống của trường. Tôi và bạn Bùi Đăng Cường là hai nhân vật kéo cờ cả
năm, cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi và Cường lại được chọn làm người kéo cờ. Kéo cờ
cũng nghệ thuật lắm chứ, kéo làm sao khi cờ lên đến đỉnh cũng là lúc bài hát quốc ca vừa dứt. Tôi và
Cường nhiều khi hẹn nhau mặc áo quần giống nhau (hồi đó chưa bắt buộc mặc đồng phục quần xanh áo
trắng). Chúng tôi là anh em họ, Cường là con của cô tôi, cứ mỗi năm Tết đến là cô tôi may cho tôi một bộ
áo quần mới giống của bạn Cường do đó nhiều khi tôi và Cường có những bộ áo quần đặc biệt giống
nhau. Mỗi khi chúng tôi mặc áo quần giống nhau là gây ấn tượng cho học sinh toàn trường. Nghề kéo cờ
cũng chấm dứt khi chúng tôi rời khỏi trường An Cựu.
Đánh lộn. Hồi học tiểu học, bọn con trai hoang nghịch lắm, hay đánh lộn, tôi cũng có thứ hạng trong
lớp do lớn tuổi hơn nhiều bạn. Tôi nhớ nhất là những lần đánh bạn Ngô Viết Chi, lúc tan trường học sinh đi
hàng một về nhà. Bạn Chi ở nhà tên Bò, lại có con mắt lé, nên chúng tôi cho biệt danh Bò liếc. Trên đường
đi về nhà, bạn Chi ngó một người mà lại thấy một người khác, tôi hay chọc ghẹo với cái tên Bò liếc, bạn
tức lắm thế là đánh lộn nhau. Lẽ dĩ nhiên là tôi đánh hơn bạn Chi, nhưng tôi lại thua vào đoạn cuối. Nhà
bạn và nhà tôi đâu lưng nhau, mỗi lần bạn Chi bị tôi cho một trận sau buổi tan trường, lúc về nhà bạn Chi
lại ra sau vườn gọi qua mách bố tôi, mỗi lần mà bố tôi nghe được là tôi bị một trận đòn roi mây vào mông
nên thân, nghe tôi khóc la, chắc hẳn là bạn Chi đã ngồi cười thỏa mãn. Cho nên nhiều khi chọc nhau trên
đường về, bạn Chi cũng có những ngón nghề làm tôi tức tối lắm nhưng không dám cho bạn Chi một trận,
vì ban Chi luôn luôn tung bửu bối sau cùng ra. Thôi thì một sự nhịn chín sự lành vậy.
Chút tình. Năm cuối của bậc tiểu học là năm chuẩn bị thi vào đệ thất, học rất căng thẳng, vượt trội mới
mong lọt vào trường công lập. Mặc dầu như vậy bọn con trai chúng tôi có đứa đã dậy thì nên cũng hướng
mắt về các bạn gái bên lớp nhất A. Tôi còn nhớ bên kia bức tường (lớp nhất B gần lớp nhất A) có rất nhiều
bạn gái xinh xinh, cũng gần cặp kê với tuổi trăng tròn: Linh Loan, Linh Lý, Linh Lệ, ba chị em ruột ở gần
cầu An Cựu, Sa Lê, Hồng Loan, Nguyễn Thị Khánh... Bạn Bùi Đăng C. ngước mắt nhìn theo bạn HL mỗi
khi tan trường, bạn Phùng Hữu Ph. để ý đến cô bé Nh. có nước da ngâm ngâm do là con nhà lò mỳ bên
kia cầu An Cựu.
Bọn con trai chúng tôi không chỉ ngước mắt nhìn mà còn viết thư nữa kia. Tôi còn nhớ bạn Hồ Văn
Ch. viết lời cầu nguyện: “Cầu mong Hồ Văn Ch. và Nguyễn Thị Kh. được may mắn vào trường công” tức
là thi đậu đệ thất, mảnh giấy ngây thơ ngày ấy đã được nhiều bạn trong lớp chuyền tay nhau đọc, gây xôn
xao cả lớp. Trong những ngày gần đây, anh em ngồi tâm sự chuyện ngày xưa thì chính bạn Lê Thế Ngọc
L. đã thú nhận ngày xưa chính L. cũng thường hay tơ tưởng đến Nguyễn Thị Kh.
Hơn thế, một bạn trai đã viết cho cô bé lớp bên một lá thư, tôi không biết nội dung tán tỉnh điều gì, tôi
chỉ còn nhớ lá thư trả lời của cô bé con ấy có đoạn viết: “chúng ta còn nhỏ, phải lo học không nên nghĩ
đến chuyện ấy”.
Ngoài những câu chuyện trên tôi còn nhớ nhiều chuyện như là đi hàng một bên phải lúc tan trường về.
Đi lấy đất sét ở An Lăng để làm thủ công. Trường tôi giải nhất về đánh vũ cầu. Thầy Quý tập cho học sinh
trượt Patin… và…
Những mẫu chuyện ngắn thời tiểu học An Cựu còn nhiều lắm, nhưng tôi đành phải dành phần cho các
bạn khác kể tiếp.
Những ngày cuối đông năm Giáp Ngọ
T.Đ.T