Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Trong thành phố có hai trường lớn nằm cạnh nhau, chéo góc qua một ngã tư. Bên Nam, bên Nữ. Mỗi lần tan học hay giờ chơi đám con gái ùa ra như bướm trắng nhỡn nhơ. Nhất là những hôm trời trở gió hương sắc thơm lừng bay bay ... ai quái ác nghĩ ra cái chuyện tách đôi nam nữ để cho chúng nó thèm nhau. Cá chắc với các bạn là mỗi người trong chúng ta đều có những CÂU CHUYỆN RIÊNG BÊN NỚ BÊN NI muốn kể.
Để tìm và hiểu được cảm xúc của nhau hồi đó trong lứa tuổi trăng mới lên, hoa mới nở, tụi nó chỉ có thể nghĩ ra cái trò tự sáng tác, tự xuất bản tập san mùa xuân Rồi chạy qua chạy về bán cho nhau (hợp lí và cho phép).
Chuyện xưa qua rồi gần nữa thế kỉ. Bao nhiêu bị kịch vật đổi sao dời những cô gái ngày ấy giờ đã hưu. Hay túm tụm gặp nhau xanh đỏ, nói ba xí ba tú chụp hình khoe nhau. Chưa thỏa, tối về lần dở ra xem rồi like, cờm men khen nhau trẻ đẹp mặc dù ai cũng biết đó là điều hết sức phi lí. Họ hối hả như mai sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau như đám người tăng động. Bọn họ còn không nhiều thời gian trên cõi đời này thì thôi cứ để cho họ vui đi! Ảo tung chảo thì đã làm sao.
Tôi là người say mê thời trang, mê xanh đỏ tím vàng, mê lắm luôn (nhưng không mê hàng hiệu, trừ giày) tự nghĩ ra cái chuyện thiết kế rồi tặng cho các bạn H Đ mình mỗi người cái túi tote. Nói riêng về cái túi tote: Tôi ủng hộ bởi nó chứa thông điệp ngắn gọn bằng hình vẽ hay giòng chữ trên mỗi chiếc túi vv... Nghĩ chi làm nấy (thú của người ngoài 60) cái ngu nhất đời của tôi là chưa làm đã hứa.
Giữa trưa trời hạn hán nắng chan tôi đi làm cái túi - việc đơn giản mà: chọn vải xếp chữ, thuê in, thuê may trong vòng một nốt nhạc, dễ èn ẹc. Trước đây những việc như vầy là chuyện nhỏ rất nhỏ mà sao từ hồi xếp bút nghiên hắn trở nên khó khăn kinh. Đụng đến cái gì cũng gặp trở ngại, ngoài tầm kiểm soát.
Đầu tiên là mua vải, phải chọn loại nhẹ không mềm mà không được cứng vì túi tote là loại túi đeo mãi bên hông không rời khi đi du lịch, cà phê hay picnic. Tuổi 60 mươi quên trước nhớ sau: điện thoại, kính mát, kính lão, chìa khoá, ... v.v ... Thả hết vào trong như bụng Kangaroo vậy. Chọn vải xong đưa in nhưng người ta bảo phải hơn một tuần mới in xong chưa kể thời gian may. Trời! Chỉ còn 3 ngày nữa là tụ tập. Khó quá thì tăng tiền gia công lên nhưng còn chữ là vấn đề vì tôi muốn giữ y nguyên mẫu chữ trong bảng tên ngày xưa. Đích thân cầm mấy chục tấm vải đã cắt nhỏ tới xưởng in. Trước hết nghĩ đến chuyện năn nỉ ỉ ôi. Ông chủ xưởng in trạc sáu lăm đang ngồi trước màn hình vi tính. Thiệt hay, như dò đoán tình huống qua thái độ của tôi ông hơi gắt: “Chị cần gì? Tôi không nhận làm gấp đâu nha. Tuổi này tôi làm cho vui chứ không làm vì tiền. “Dù sao mình cũng đã đến đây nên không thể bỏ cuộc, hết sức nhẹ giọng vừa nói tôi vừa trưng bản thảo ra: “Anh chịu khó tìm giúp em mẫu chữ này để xếp vào đây. “Chị dùng cô reo hay ... dạ! Em Khg biết chi về reo hò hết, chỉ là muốn có cái chữ y chan ri thôi. “Anh bật cười nhẹ rồi mày mò tìm chữ cho tôi. Kiểu này xưa lắm rồi, khó à! Chữ này được chưa? Giống chưa? Dạ chưa? Anh tìm Romance xem thử? - Tui không biết romance nhưng tui tìm chặp thì cũng ra thôi. Xem ra ông chủ có chút hào hứng, anh kéo ghế, “Chị ngồi xuống đây tìm cùng tôi, ưa chi thì nói". Dạ. - kiểu này gần được nhưng anh phóng to nó lên kích cỡ vậy nè! Anh chịu khó xích sát vào cho nó quyện thành một khối, - Ri được chưa? Dạ sát chút nữa mới đẹp! Con số ni anh chọn giúp chữ baton. Baton là gì? Dạ là cây gậy đó! Chữ đều nét không to không nhỏ - dạ được rồi chừ anh làm ơn kéo đuôi con số ni dài ra vượt khuôn khổ trông mới tài tử, phóng khoáng. Dạ! Còn chỗ ni anh đóng cho tui cái hộp chữ nhật đen thui - Để chi ? Dạ trông nó mạnh mẽ, chắc khỏe! Ủa chữ mà cũng có linh hồn và sức khoẻ hả chị? Dạ! Anh làm thêm cho tí ni nữa là xong. Rồi đó còn chi nữa không -chị vừa í chưa? Dạ! Rất tốt. Tôi chưa kịp cám ơn thì có hai đứa trẻ con lau nhau như hết kiên nhẫn: “ông ngoại ơi! Đi biển, quá giờ rồi! - “Tí nữa! Sắp bây yên cho ông ngoại làm việc coi! - “Chị muốn thay đổi chi nữa không?
Làm nhanh là tuần sau chị tới lấy! - Dạ mai lấy được không anh? Hai hôm nữa là họp mà còn phải đưa thợ may. Ông chủ trợn mắt nhìn tôi rồi từ từ dịu xuống: “ Nói thiệt với chị tui là dân Phan Chu Trinh, vì thấy chữ Hồng Đức, chị cũng biết việc nên tui mới giúp chị đó! Tui làm vì vui nhưng in gấp ri thì không vui nữa rồi! Thôi vì hai chữ Hồng Đức tối ni tui thức làm cho chị. Sẽ cố hết sức!
Tôi thấy gần gũi nên mạnh dạn hơn: - anh nì rứa hồi xưa nớ ... anh ...- Thì cũng có chớ! Chắc là bạn của chị vì tui thấy cùng niên khoá.
Cám ơn anh - hồi nãy tôi chưa kịp cám ơn vì sắp cháu ngoại anh ồn quá! Anh trả lời hơi xa xôi lãng xẹt: - “Cô ấy cũng đã là bà ngoại rồi ! “
Riêng tôi dù đã ngoài sáu mươi vẫn phải tự nhủ lòng: - lần sau phải hết sức thận trọng cho một lời hứa.
Cuối hè 2019
Chín bốn & Bạn hữu
Chuyện cái TÚI TOTE
Chín bốn & Bạn hữu