Chuyện ít người kể (I)
Đầu tháng 12 năm 2015 vừa qua...
Tôi vừa trở về sau chuyến đi hơn mười ngày. Có rất nhiều chuyện để kể ở một đất nước vĩ đại
mang tên Trung Hoa.
Tôi biết bạn bè tôi đã đi du lịch, thăm viếng xứ sở này khá nhiều, đa số là theo các tour du lịch.
Riêng tôi và nhóm con cháu từ Hoa Kỳ về cũng như từ Việt Nam qua; vừa đi tham dự lễ Thành
Hôn đứa con gái duy nhất của tôi, vừa đi chơi các vùng lân cận. Chúng tôi đi Ma Cao, đi
HongKong và dĩ nhiên đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Ngoài con gái, chàng rể, gia đình anh chị
sui từ Hoa Kỳ về còn có 4 cặp trai gái là bạn của con tôi cùng đi. Phía đàng gái tôi có ba đứa
cháu từ Việt Nam bay sang. Nói chung là hai họ cũng đề huề như nhau.
Anh chị sui tôi là những người gốc Mãn Thanh, khuôn mặt có xương hàm rộng và sóng mũi
thẳng. Tổ tiên ngày trước vì có một quyết định sai lầm đã ở lại Trung Hoa lục địa nên bị phe đối
lập trả thù không nương tay. Ông sui tôi mồ côi mẹ từ bé, chỉ nghe kể lại rất mơ hồ về người cha
của ông là tướng lĩnh đã bị chặt đầu dưới thời chủ tịch Mao. Với một gốc gác như thế nên cho
dù học giỏi ông vẫn không được ghi danh vào trường Y như mơ ước. Chế độ đưa ông đi học
ngành nông nghiệp. Một người chị cùng cha khác mẹ lấy chồng là đảng viên đã chạy cho ông
một suất du học Hoa Kỳ. Ông cố gắng học thật xuất sắc, tốt nghiệp tiến sĩ và chọn một việc làm
là giảng sư tại trường đại học Utah, tiểu bang xa xôi để có cơ hội nhận tấm thẻ thường trú. Đó
là cách duy nhất để ông từng bước đưa vợ con sang Hoa Kỳ. Nhưng chính sách di trú của
Trung Hoa hà khắc hơn ông tưởng, nhiều năm sau người vợ mới được ra đi theo diện đoàn tụ.
Hai cậu con trai của ông bà phải ở lại dưới sự đùm bọc của gia đình bên ngoại. Ở Hoa Kỳ, Bà
sui tôi sau đó cũng vừa đi học, vừa đi rửa chén ở các tiệm ăn, mãi bốn năm sau cả nhà mới sum
họp. Năm đó cậu con trai lớn là rể tôi bây giờ được mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi mà tính ra chỉ
ở chung với cha mẹ có vài năm. Tuy nhiên cả hai người con của ông bà đều rất ngoan và thành
đạt. Vậy mà có lần bà rơi nước mắt khi nói với tôi: Nếu cho kim đồng hồ quay ngược lại thời
gian, bà sẽ không bỏ con mà ra đi xa và lâu như thế! Tôi nghe ông bà kể về hoàn cảnh gia đình
ông bà mà tưởng như cuốn phim ký ức của gia đình tôi được quay lại. Từ những điểm tương
đồng như thế nên hai gia đình thông gia với nhau khá gần gũi.
Chúng tôi đến trước ngày cưới cả tuần lễ để đi chơi. Nói về những địa điểm thăm viếng, tôi thích
các di tích lịch sử của khu tự trị Ma Cao, nơi có nền văn hoá Á Âu hoà hợp. Ma Cao nổi tiếng
với các sòng bạc lộng lẫy thâu đêm suốt sáng, nhưng khác với Las Vegas của Hoa Kỳ; sòng bài
nơi đây không cho phép chụp ảnh, còn các nhân viên chia bài thì trông rất giống Mafia vì ai
nấy đều có ánh mắt lạnh lùng, ít thiện cảm.
Chúng tôi leo lên rất nhiều bậc thang bằng đá, cảnh vật cổ xưa huyền bí, các tên đường đều
bằng tiếng Bồ đào nha vì Macao là thuộc địa của Bồ từ thế kỷ 16. Chúng tôi leo lên đỉnh cao
đến thăm Nhà thờ Lớn Thánh Phaolô. Nhà thờ này được xây năm 1602 và bị hỏa hoạn phá hủy
vào năm 1835. Chỉ có mặt bằng đá ở phía nam là còn lại đến nay. Đường phố quanh co, rất
nhiều con dốc cao ngược, cây cối, hoa lá rất đẹp. Có những tiệm bánh nổi tiếng với bánh in
hạnh nhân được làm hoàn toàn bằng thủ công, thêm phần biểu diễn của người thợ làm bánh
thu hút khách hàng. Rải rác trong quán có rất nhiều dĩa bánh cho khách ăn thử. Ma cao là nơi
có mật độ dân số cao nhất thế giới. Ngay trong tiệm bánh mà người ta chen lấn như trong rạp
chiếu phim, ngoài đường phố thì khỏi nói, tôi cầm cái IPhone mà không dám đưa lên chụp tấm
hình vì người đi lại như đô hội. Ma cao là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Hoa, có
hệ thống tiền tệ riêng, nhưng du khách có thể dùng đồng Yen bên lục địa để mua sắm nhưng khi
thối lại thì sẽ nhận tiền Ma cao.
Nằm giáp với Thâm Quyến là Hong Kong, thiên đường mua sắm với rất nhiều nhà cao tầng.
Chúng tôi không mua được gì vì mọi thứ đều mắc gấp đôi bên Hoa Kỳ. Chúng tôi ra bãi biển
chụp ảnh, leo lên vùng núi nơi có nhà của các nhân vật giàu có, đặc biệt đi thăm Nhà bảo tàng
hình ảnh, chụp ảnh với các tượng người nổi tiếng, thật vui nhộn. Đêm xuống, chúng tôi mua vé
tàu đi một vòng quanh vịnh, ngắm Hong Kong về đêm lung linh ánh đèn thật huyền ảo. Xa xa
các toà nhà cao tầng chót vót, gió biển thổi lành lạnh, bầu trời đầy mây, không thấy trăng
sao...bỗng dưng tôi hình dung đến những con tàu vượt biển tìm tự do năm xưa, Hong Kong thuở
đó là cái tên của một thiên đường, là một trong những trạm dừng chân mang lại con đường
sống cho biết bao nhiêu người Việt Nam khốn khổ sau năm 1975. Tuy Hong Kong đã được trả
về cho Trung Hoa đã hai thập kỷ nhưng bộ máy hành chánh vẫn riêng biệt, mỗi khi đi từ lục địa
sang vẫn phải thông qua thủ tục nhập cảnh, hải quan ...
Nơi chúng tôi cư ngụ lâu nhất là đô thị Thâm Quyến sầm uất nhộn nhịp. Trước khi trở thành
đặc khu kinh tế, Thâm Quyến chỉ là một làng chài. Năm 1979, lãnh đạo tối cao của nước Trung
Hoa đã cho thành lập đặc khu kinh tế tại Thâm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên của Trung Hoa
do lợi thế nằm giáp Hongkong, lúc đó còn là một thuộc địa của Vương quốc Anh. Việc thành lập
đặc khu này được coi như là thử nghiệm mô hình cải cách kinh tế Trung hoa. Địa điểm này
được chọn vì cả dân Thâm Quyến và dân Hong Kong cùng có chung ngôn ngữ, tiếng Quảng
Đông. Tuy nhiên giá nhân công, đất đai rẻ hơn nhiều. Ý tưởng này đã thành công rực rỡ, tạo
tiền đề cho Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa về kinh tế. Hiện nay Thâm quyến
là thành phố sầm uất nhất đồng bằng châu thổ Châu Giang là trung tâm kinh tế của Trung
Quốc và là phân xưởng sản xuất của thế giới.
Sáng nào cả nhóm cũng rủ nhau lội bộ ăn hàng dọc đường. Đáng nhớ nhất là bánh bao các
loại, món ăn chính cổ truyền của người Hoa. Thôi thì đủ các loại nhân: thịt xá xíu, thịt heo bằm,
nhân nấm, nhân khoai tím, nhân trứng, thịt gà, nhân rau củ, hẹ...mọi thứ đều ngon tuyệt. Cả
nhóm cũng thích món bánh ướt nóng hổi, sửa đậu nành, cháo với củ cải mặn, trứng gà nấu
bằng nước trà ... Nói về các món nhậu buổi tối thì đa dạng vô cùng, chúng tôi ở ngay một con
phố ăn chơi. Ban đêm hàng hàng lớp lớp quán ăn bày ra: lẩu gà nấu với thảo mộc, lẩu đồ biển,
hàu nướng hành mở, tôm mực lăn ớt chua cay, tàu hủ thúi, các loại há cảo, mì xào, ...và hằng
hà sa số các món ăn hấp dẫn khác. Quán hè phố nên giá cả rất phải chăng. Ở đây cũng như
Việt Nam và vài vùng Á châu khác, không có lệ biếu tiền cho hầu bàn. Khắp nơi người mua kẻ
bán tấp nập huyên náo cả một con đường. Gần đó cũng có hai khu shopping nổi tiếng là:
Window of the world và Holiday plaza, ngoài ra nhan nhản khắp nơi là các cửa hàng Mc
Donald, KFC, Piza, ...nhưng tất cả đều có menu rất khác lạ phục vụ nhu cầu dân bản xứ; ví dụ
cửa hàng KFC thì có món cháo, Mc Donald thì có sửa đậu nành ...giá cả khá rẻ, không chênh
lệch mấy so với các quán ăn bình dân. Nhìn chung, những tiệm ăn kiểu này khá sạch sẽ, rộng
rải và lúc nào cũng đông khách.
Đường phố đô thị Thâm Quyến có rất nhiều cây xanh, làn đường giữa chỉ toàn xe hơi, hai bên
có thêm hai lối đi dành cho khách bộ hành và các loại xe hai bánh. Chúng tôi cũng hay len lỏi
đi bộ vào các khu phố bình dân để ăn quà vặt, gần đó có rất nhiều chợ, hàng tạp hoá y hệt Việt
Nam. Nhà cửa lộn xộn, rác rưới khắp nơi và đêm xuống thì các cống rảnh được mở nắp ra để
thông nước. Nếu bạn đi qua khu này, ngay khi các ống cống mở ra, trước một bữa ăn thì bảo
đảm bạn không thể nào nuốt được một thứ gì sau đó!
Hết phần một.
01/08/2016
Nguyễn Diệu Anh Trinh