Chuyện ít người kể (phần cuối)
Riêng tôi, niềm hân hoan đó không những theo tôi mãi trên đoạn đường về nhà mà còn lâng lâng trong
giấc ngủ. Về đến condo nơi chúng tôi ngụ lại, việc đầu tiên là mở viber để gởi vài tấm ảnh cho Ba Tín.
Cũng nên tiết lộ rằng tất cả những trang mạng quốc tế thông dụng ở Hoa Kỳ và Việt Nam đều hoàn toàn
"đông lạnh" ở Trung Hoa. Này nhé, không FB, không wifi, không google... Khi mướn chổ ở chúng tôi đã
yêu cầu phải có wifi, thì đã có, nhưng ...vừa bước ra khỏi phòng là hoàn toàn biến mất! Còn trang FB thì
bị khoá đen thui. Mấy đứa cháu và tôi cầm theo IPhone là vô dụng, chỉ để chụp ảnh mà thôi. Chỉ riêng ở
tiền sảnh của Intercontinental Hotel là có thể vào FB, vì hình như người ta cần phải dùng FB để quảng
cáo cho Hotel. Do đó, có dịp ghé đến để liên lạc với con, rể là chúng tôi tranh thủ bỏ hình lên FB, hoặc
trước khi muốn đi đâu, tìm kiếm địa chỉ thì cũng lên taxi qua hotel để search. Nói như thế, có nghĩa là chỉ
đám du khách mới bị hạn chế vậy thôi. Người dân ở đây họ cũng có những trang web riêng trong nước
họ, bằng chữ Hán!
Đúng là một xứ sở tự hào là Ông Anh Cả của toàn cầu! Ngay cả hệ thống tiền tệ cũng không thoải mái
như bên Việt Nam. Muốn đổi từ đô la Mỹ sang đồng Yen của Trung Hoa để tiêu dùng cũng khó, vào nhà
Bank bạn sẽ bị từ chối nếu không có giấy tờ chứng minh là dân bản xứ. Nếu bạn nhờ thì người đem tiền
vào đổi phải khai báo nguồn gốc số tiền đó từ đâu. Vì vậy, con rể tôi phải đem đô la về nhờ vài người
thân thuộc loại khá giả, những người muốn giữ đô la lại; họ chi ra đồng yen để chúng tôi dùng. Đã khó
khăn vậy mà ba vùng tôi đi qua: Hong Kong, Macao, Thâm Quyến là ba hệ thống tiền tệ khác nhau; ba
thể thức di trú khác nhau, thật là rắc rối!
Ngày vui rồi cũng qua mau, từ Thâm Quyến chúng tôi mướn xe đi qua Hong Kong, dĩ nhiên phải làm
thủ tục quá cảnh bên cửa khẩu Trung Hoa. Chúng tôi có thói quen nói lời cám ơn khi nhận lại giấy tờ từ
nhân viên hành chánh, đáp lại luôn luôn là một cái hất đầu, ngụ ý: đi đi hoặc một ánh mắt lạnh lùng,
hờ hửng. Nếu giấy tờ của mình có gì thắc mắc thì nhân viên Trung Hoa này sẽ xí lổ xí lả, lị lị ngọ ngọ
một tràng dài. Hiểu chết liền!
Qua đến Hong Kong thì hoàn toàn khác, từ cách trang phục đến ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ...mọi thứ
đều văn minh hơn, dễ thở hơn. Tôi nghĩ là do ảnh hưởng nhiều năm từ sự "áp đặt" của chế độ tư bản
Vương quốc Anh. Các cháu tôi hớn hở thấy rỏ, không còn chen lấn, không còn căng thẳng mà tuyệt vời
nhất là mình nói có người hiểu! Thế mới biết, ngôn ngữ là một phần quan trọng chính yếu trong giao tế,
sinh hoạt đời thường.
Mười bốn giờ đồng hồ trở về trên chuyến bay American Airline không dài, không mệt mỏi vì tất cả chúng
tôi đều cảm thấy vui, xứng đáng cho một kỳ nghỉ dịp Lễ Tạ Ơn. Các cháu tôi đều thấy được cụ thể sự may
mắn của những con người được sanh ra, lớn lên ở xứ sở tự do mang tên: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ!
Với tôi, ngoài niềm vui khi thấy con gái mình hạnh phúc còn là sự an lòng của một người mẹ đã một thời
đơn độc, âu lo nuôi dạy con trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, bế tắc. Tôi cảm thấy mình thật may mắn.
Cảm ơn Trời Phật và Ba Má tôi cùng tất cả người thân, bạn bè, đã hổ trợ cho mẹ con tôi từ vật chất đến
tinh thần ngày con tôi chào đời, hơn 30 năm về trước cho đến ngày con trưởng thành. Cám ơn người bạn
đời đã song hành cùng tôi đoạn cuối, đã đúng lúc có mặt khi mẹ con tôi cần đến, cũng chính là người đã
cho con gái tôi tiếng gọi: Ba ơi tận đáy lòng. Hôm nay con đã là một người vợ có thể gọi là đảm đang,
sâu sắc, đầy tình cảm, là một phụ nữ chín chắn biết chọn cho mình con đường không phải dẫn đến vàng
son mà là mang lại những gì mình yêu thích, làm hài lòng những người thân yêu, điều mà tôi gọi là
Hạnh Phúc.
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta tháng 1 năm 2016