Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Chuyện Ngày Xưa
Hải là đứa bạn gái thuở còn tiểu học của tôi, tuy Hải lớn hơn tôi dễ có đến bốn tuổi nhưng vì đi học muộn nên hai đứa lại cùng một lớp và cứ xưng hô mi tau thoải mái mà không câu nệ lớn nhỏ gì. Nhà Hải có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình nó là người Bắc di cư vào Nam, bố nó nghe nói đã tử trận, mẹ ở vậy nuôi năm anh chị em ăn học rất vất vả. Nhà gia đình tôi đang ở là nhà trên của U nó bán cho, còn mấy mẹ con thì xuống ở gian dưới. Hai gia đình chúng tôi coi nhau như ruột thịt, có gì cũng chia sẻ từ miếng ăn cho đến những buồn vui. Còn hai đứa tôi thì khỏi nói, cứ như chị em trong nhà, chơi chán thì chọc ghẹo, cãi nhau chí choé khiến người lớn phải hết lời la rầy, nhưng sau đó lại thân thiện như không có chuyện gì ...
Năm tôi học lớp bảy không hiểu sao gia đình tôi không ở nhà của U Hải nữa mà dọn vào trong cư xá nơi ba tôi làm việc. Thế là tụi tôi cũng phải xa nhau, nhưng thỉnh thoảng đi học về tôi xin phép ba má cho ngủ lại nhà Hải một đêm, hai đứa lại tíu tít chuyện trò cười rúc rích. Rồi nhà tôi mở quán bán hàng ăn, gia đình Hải lúc đó ngày càng túng quẩn, nó có ý định nghỉ học. Ba tôi xin phép U Hải cho Hải về nhà tôi ở vừa đi học vừa phụ giúp buôn bán với Má tôi. U Hải và nó đồng ý. Vậy là từ năm học lớp chín Hải đã đến ở cùng tôi, nó học trường Sao Mai còn tôi học trường Nữ, nhưng không sao, miễn hai đứa lại gặp nhau hàng ngày là vui rồi.
Sở dĩ tôi phải dài dòng nhập đề lung khởi như vậy vì Hải có liên quan đến ''Chuyện ngày xưa ...''mà tôi sắp kể đây. Như đã nói, Hải hơn tôi đến gần bốn tuổi và khi tôi mới bước vào tuổi mười lăm thì Hải đã là cô gái mười chín đôi mươi rồi. Ở lứa tuổi đó dĩ nhiên là không thiếu những anh chàng theo Hải vì nó rất dễ thương, đôi mắt lá răm lúng liếng biết cười, lại là con gái Bắc nên ăn nói dịu dàng khéo mồm khéo miệng, chả bù cho tôi, cứ như ''dùi đục chấm mắm cáy'' rất tồ. Má tôi lúc đó vừa bán hàng ăn vừa kiêm luôn việc nấu cơm tháng cho những anh lính xa nhà độc thân vui tính. Khách hàng thường xuyên phải kể đến anh Tính, một chàng người miền Nam là dân Sài Gòn chính gốc. Anh ta lại là ''lính'' của ba tôi nên ngoài hai bữa cơm trưa chiều, thỉnh thoảng tối tối anh lại đến chơi và có lẽ Hải đang nằm trong tầm ngắm của chàng ta. Đúng như tôi dự đoán, hai anh chị ngày càng thân thiết hơn, có những buổi chiều Hải đi học về muộn chàng Tính bỏ cả ăn tối cất công đi đón, rồi những chiều chủ nhật hai anh chị rủ nhau đi dạo phố, ăn kem, ăn chè ... và không quên mua những bịch chè thơm ngon về cho tôi vì biết tính tôi rất hảo ngọt. Có dạo Hải bị đau nặng phải nghỉ học cả tuần lễ, thế là chàng Tính ta lại chịu khó gò lưng chép lại bài vở cho Hải cả mấy đêm ròng. Chuyện tình yêu hai người đẹp như trong tiểu thuyết, tôi nghĩ vậy nên cũng không hay tò mò hỏi han gì Hải, tôi bây giờ không còn thân thiết với Hải như trước nữa vì nó quá bận rộn với người yêu rồi. Mặc kệ Hải và tình yêu của nó, tôi nhủ thầm ''chuyện người lớn'' mà. Buồn cười nhất là cách xưng hô, tôi không bao giờ gọi Tính bằng anh mà chỉ ''ông ông, tui tui'' rất cục mịch, và anh Tính cũng vậy, chắc là trả đũa nên cứ ''bà với tui'' ... mà không anh em ngọt ngào như nói chuyện với Hải. Dẫu vậy tôi vẫn hằng cầu mong cho anh Tính và bạn Hải của tôi ngập tràn hạnh phúc ...
Nhưng có một buổi Hải đi học về muộn, Hải bỏ cơm tối mặc cho tôi gọi liên tục. Rồi tôi nghe tiếng vải sột soạt trong phòng, tôi chạy vào. Hải đang cầm kéo cắt rồi xé phăng những chiếc áo mới mà chắc là của anh Tính mua cho. Tôi ngăn Hải và gặng hỏi nhưng nó không nói mà chỉ khóc nức nở thêm ...
Sau hôm đó, chàng Tính vẫn ngày hai bữa đến nhà tôi ăn cơm nhưng thái độ có vẻ dè dặt hơn và Hải cũng im lặng không chuyện trò gì cùng anh ấy nữa. Tôi cũng chịu không moi được từ Hải điều gì và cũng chẳng muốn hỏi anh Tính lý do. Hải trở nên lặng lẽ không cười nói vui vẻ như trước, khuôn mặt hốc hác hẳn đi. Chừng nửa tháng sau Hải xin phép ba má tôi để về lại nhà với U viện lý do là U dạo này hay đau ốm. Ba má tôi đành chìu theo ý Hải, tôi cũng chẳng biết khuyên can gì hơn, có lẽ Hải bị cú ''sốc'' tình yêu mạnh quá chăng?
Hải về nhà nhưng thỉnh thoảng tụi tôi vẫn gặp nhau. Hải không hề hỏi thăm gì về anh Tính và tôi cũng chẳng đề cập chi đến chuyện hai người chia tay, tôi biết nó đã dứt khoát, nói ra chỉ thêm khơi lại vết thương lòng. Còn anh Tính thì vẫn qua lại nhà tôi như một người khách nhưng tự nhiên tôi cảm thấy ghét ''ổng'' dễ sợ dù không biết tan vỡ này là do lỗi tại ai. Hồi đó ba tôi là cấp trên của Tính nên khi nào ba tôi bận việc là lại nhờ anh chàng chở mấy đứa em nhỏ của tôi đi học bằng xe máy của ba. Tính rất sốt sắng trong những việc như vậy nên ba má tôi coi anh ta như con cháu trong nhà. Có một dạo tôi bị mất xe đạp chưa kịp mua lại và ba tôi lại phải nhờ Tính chở tôi đến trường. Tôi ngồi lên xe với guơng mặt hình sự lạnh như băng để anh ta chở đi học và đón từ trường về nhà mà không nói một lời. Anh ta cũng lặng thinh không hỏi han gì tôi. Chắc Tính cũng biết tôi đang bực anh ta về chuyện chia tay Hải nên cũng ngại chuyện trò. May mà chỉ vài hôm sau là tôi được ba mẹ mua cho xe đạp mới nên thoát khỏi ''cuộc chiến âm thầm'' với Tính. Thấm thoát, Hải rời gia đình tôi cũng đã hơn một năm rồi ...
Chẳng mấy chốc đã hết nửa năm học và khắp nơi chuẩn bị đón Tết. Cuộc sống gia đình tôi vẫn bình thường, Hải thì đã nghỉ học để đi làm thêm giúp gia đình. Mỗi lần nghĩ tới nó tôi lại thầm thương nhưng chẳng biết giúp được gì . Tết sang, anh Tính không về quê vì bận trực, ba tôi bảo: ''thôi, cháu cứ tới nhà chú thím ăn Tết cho vui cũng được''. Anh chàng nghe vậy càng hay lui tới, việc gì cũng sốt sắng làm nên Ba tôi rất mến, dần dần tôi cũng đỡ ác cảm với anh ta …
Tháng ba năm ấy, tình hình đất nước bắt đầu chộn rộn. Nhà tôi ở gần phi trường nên những ngày này tấp nập người vào ra tìm cách lên máy bay để vào Sài Gòn. Có lần Tính nói đùa với tôi: ''ước gì tui bỏ được bà vào valy để đưa dzìa quê với tui luôn''. Tôi liếc xéo Tính: ''tui chớ phải cái chi mà ông đòi bỏ vô valy'' nhưng rồi bỗng giật mình chột dạ về câu nói đùa nhiều ngụ ý đó của ổng ...
Cuối tháng ba ... Đất nước đã thực sự biến động, cuộc biến động lớn làm đảo lộn cuộc sống êm đềm của gia đình tôi nói riêng và cả nước nói chung. Chúng tôi hốt hoảng rời bỏ căn nhà yêu dấu trong cư xá vì sợ hãi, để lại tất cả tài sản chỉ mang theo mình những vật dụng nhẹ cho dễ di chuyển và ra ở nhờ nhà người quen ngoài phố. Anh Tính cũng nhiệt tình tham gia giúp chúng tôi dọn nhà như người anh cả trong gia đình. Khi mọi việc đã ổn định thì Tính cũng đến ở nhờ nhà người bạn và tìm việc làm kiếm sống. Từ một quân nhân ăn lương nuôi cả nhà, nay cuộc sống bị đảo lộn, Ba má tôi vất vả vô cùng để lo cho bảy, tám miệng ăn. Anh chị em chúng tôi còn khờ dại quá, lâu nay chỉ biết ăn học, bây giờ biết làm việc gì để giúp đỡ gia đình đây? Má tôi phải ra chợ trời lao vào buôn bán qua ngày, anh chị em chúng tôi đành tạm nghỉ học, mọi ước vọng trong tôi dường như sụp đổ chẳng còn chút tương lai sáng lạng gì.
Còn anh Tính, cứ cách một buổi tối là lại đến thăm chúng tôi và lần nào cũng không quên mua cho tụi tôi những bịch chè ngọt lịm. Anh vào nhà nói chuyện thời sự, ôn lại chuyện lúc còn ở căn cứ với ba tôi, những chuyện mới ngày hôm qua, hôm kia đây thôi mà tưởng như đã xa lơ xa lắc lắm rồi. Ba tôi cứ mỗi lúc Tính ra về là tấm tắc khen: ''cái thằng thiệt là có tình có nghĩa''.
Chừng hơn tháng sau, một buổi sáng anh Tính xuất hiện với túi xách trên tay và chào từ biệt gia đình tôi để cùng vài người bạn liều lĩnh đi xe máy về Sài Gòn đoàn tụ với gia đình mặc dù tình hình chiến sự lúc đó đang rất căng thẳng. Ba tôi ngỏ ý can ngăn nhưng Tính bảo là đã hẹn với bạn rồi. Trước khi ra về Tính gọi tôi ra ngoài nói nhỏ:
- Ngọc có thể ra ngoài quán nước kia cho tui nói chuyện một chút được không?
Tôi từ chối không do dự:
- Có chi mà phải ra ngoài, tui không thích, ông cứ nói ở đây cũng được.
- Chuyện này dài lắm, tôi chỉ muốn nói riêng với Ngọc thôi.
Tôi nhất quyết:
- Không, tui không ra đâu ...
Tôi vừa nói vừa vào nhà lấy xe đạp, đạp đi một cách vội vàng. Tôi không muốn dính líu chuyện tình cảm gì với Tính vì hình như lúc nào tôi cũng nhìn thấy đôi mắt lúng liếng của Hải nhìn tôi cười cười. Không nhìn Tính nhưng tôi cũng có thể tưởng tuợng ra khuôn mặt đầy thất vọng của anh ta.
Tôi đi vòng vòng thật lâu trên phố mà lòng dạ ngỗn ngang. Tôi có quá tàn nhẫn khi từ chối lời hẹn của Tính chăng? Tôi cố ý chờ cho anh ta đi thật xa rồi mới thong thả đạp xe về nhà tận gần trưa. Vào phòng nhìn lên bàn tôi thấy một tờ giấy nằm chặn dưới cây thước gỗ. Chắc là thư của Tính. Tôi vội cầm lên đọc, thư chỉ có vài hàng:
''Tính ra đi nhưng vẫn còn thương Ngọc rất nhiều. Khi yêu thực sự thì người ta mới có hạnh phúc, Ngọc biết điều đó không?
Tính có lấy của Ngọc một bức ảnh, một cuốn tập và một chiếc mũ, hẹn ngày gặp lại sẽ trả cho''
Và câu cuối cùng được trân trọng viết in hoa mà khi đọc tới, tim tôi như muốn thắt lại: ''EM YÊU DẤU CỦA ANH''.
Lần đầu tiên Tính dám gọi tôi bằng ''em'' và xưng ''anh'' có phần âu yếm đến vậy. Có phải là lời tỏ tình quá muộn màng chăng? Lại còn câu: khi yêu thực sự thì người ta mới có hạnh phúc. Tính yêu tôi từ khi nào vậy? Tôi thẩn thờ một hồi và thoáng ân hận vì lời từ chối gặp Tính lúc sáng. Không hiểu Tính ''cảm'' tôi ở điều gì? Tôi chỉ là một con bé ương bướng hay cải chầy cải cối, hay lườm lườm nguýt nguýt và chưa hề có một lời dịu dàng gọi Tính là anh. Thế mà ... Thôi thì tận đáy lòng mong anh hãy hiểu và tha lỗi cho tôi. Giờ này chắc anh đang dong ruổi trên quốc lộ để về với gia đình, hy vọng chiếc mũ rộng vành tôi hay đội đi học sẽ che chắn một chút gió sương cho anh trên dặm đường cát bụi mịt mờ. Và còn bức ảnh, khi nhìn vào mong anh sẽ đỡ nhớ tôi hơn ...
Đã mấy mươi năm qua rồi, tôi chưa một lần gặp lại Hải và Tính. Nghe đứa cháu ruột của Hải cho biết là Hải bây giờ đang yên ấm gia đình với chồng con ở tận Lâm Đồng. Anh Tính thì bặt vô âm tín từ ngày ấy đến nay và cũng ngần ấy năm tôi thuộc như in từng chữ trong bức thư từ biệt và cũng là lời tỏ tình muộn màng của Tính dành cho tôi. Dẫu Tính không phải là cố nhân nhưng tôi sẽ mãi mãi trân trọng tấm chân tình ấy vì các bạn ơi, hạnh phúc nào hơn khi có người yêu ta chân thành như thế phải không?
Trương T. Thu Nguyệt
Ngày 7, tháng Giêng, năm 2010