Chuyện O Năm Mươi
Đã có nhà văn viết rằng: “O tám mươi (80) hay cãi ”, hay “Ngộ quá đi, chuyện chi cũng cãi được” !
Tôi vốn không phải được sinh ra và lớn lên ở vùng đất phía nam đèo Hải Vân, nhưng có duyên được sống và làm việc ở Đà Nẵng, ít ra là 12 năm. Càng có
duyên hơn khi tuổi đời còn thanh xuân thì có cơ hội tiếp xúc nhiều với lớp trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng, đặc biệt là nữ sinh.
Kỷ niệm của tôi với Quảng Nam - Đà Nẵng thì rất nhiều, nhưng điều tôi thấy thú vị nhất là khi nói chuyện với họ. Hãy tập trung thính giác thì mới hiểu được
thanh âm của người đối diện với mình đang nói cái gì. Chẳng hạn: Máy bay thì họ nói Má ba, Chảy máu thì họ nói Chả má, Đào sâu thi họ nói đồ sao, Bói bài
thì họ nói búa bừa, Chòi cao thi họ nói chùa cô, Bảo táp thì họ nói bỏ táp…Vì không phải là người địa phương nên tôi nhớ mãi vài câu nhại tiêu biểu như: “En
không en tét đèn đi ngủ, đừng có kèn nhèn chó kén nhen ren” (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, đừng có cằn nhằn, chó cắn nhăn răng) hay: “Mì tơm anh Tốm
Quảng Nôm, hồi mô đúa bụng dô lờm một tô (Mì tôm anh Tám Quảng Nam, hồi mô đói bụng vô làm một tô)…
Dĩ nhiên ngôn ngữ địa phương bao giờ cũng mang nhiều nét đặc thù. Cũng như cá tính , nếu cần nêu bật để có thể phân biệt với người địa phương khác thì
không đồng nghĩa với sự diễu cợt. Bởi vậy, bàn về chuyện “Quảng Nam hay cãi”, tôi nghĩ đó là một đặc tính tiêu biểu của người Quảng Nam. Theo định
nghĩa đơn giản: “Cãi là dùng lời lẽ chống lại ý kiến người khác nhằm bảo vệ ý kiến hoặc việc làm của mình”. Như vậy, người cãi thường có tư tưởng khác
với khái niệm có sẵn. Đó là một thái độ cầu tiến. Vả lại, nếu không trổi vượt hơn thì dại gì để lộ cái ấu trĩ của mình ra để làm trò cười cho thiên hạ? Người
Quảng Nam có bản năng độc lập và ít có tư tưởng thoả hiệp. Tôi nhớ có người bạn đặt vấn đề rằng, thường sau mỗi phiên họp của đồng hương Quảng Nam,
bất kỳ ở đâu, ít khi có biên bản. Tôi hỏi lý do thì được trả lời là có ai đồng tình với nhau về các vấn đề trong buổi họp đâu, thành ra trong các hội đoàn, chức
vụ thư ký thường không quan trọng, nếu không muốn nói là rất nhàn rỗi!
Đặc tính hay cãi của người Quảng Nam thực sự đã nỗi tiếng. Đến O tám mươi mà cũng hay cãi, huống chi người trẻ tuổi và nói chung “ngộ quá đi, chuyện
chi cũng cãi được”!
Những O Quảng Nam của tôi vẫn tìm ra một cái gì khác hơn cái đã có sẵn! Chẳng hạn, nói O 50 chưa ổn mà phải nói là Ô vờ phíp ty. Hoá ra ngôn ngữ đã
biến đổi theo địa lý cư trú. Như giọng nói khác nhau của người Quảng Nam ở Bắc và Nam sông Thu Bồn, khi lấy năm 1402 làm mốc phân kỳ lịch sử. Cụ thể là
giọng nói của người Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An…khác với giọng nói của người Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ…
Xin kể với các O Năm Mươi của tôi một câu chuyện lịch sử có liên quan đến việc hay cãi (có thể là cãi hay) mà hai nhân vật khá nổi tiếng, đó là Nguyễn Thân
và Phạm Liệu là trọng tâm của vấn đề. Trong bài vè Khâm sai có chú thích rằng: Năm 1885, kinh đô (Huế) thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào xuống chiếu Cần
Vương, được sĩ phu khắp nước hưởng ứng. Tại Quảng Nam, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Trước tình
thế đó, Pháp vội vã lập vua bù nhìn Đồng Khánh để chiêu an và dùng mồi đỉnh chung mua chuộc đám quan lại tham nhũng như Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao
Khải, Lê Hoan, Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc…Đặc biệt, Nguyễn Thân được quan thầy Pháp và Đồng Khánh phong chức Khâm Sai đi đánh dẹp các cuộc khởi
nghiã ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và ra tới Hà Tĩnh.
Đã gần hai trăm năm nay mà nhân dân vẫn thuộc, vẫn nhớ những hành động tàn nhẫn do Nguyễn Thân đem ra để đàn áp nhân dân, chỉ vì lòng tham bổng lộc,
mãi quốc cầu vinh của y. Chuyện kể rằng khi Nguyễn Thân chết (1914), các quan trong triều Đồng Khánh, kể cảc các sĩ phu trong nước, không ai có thể viết
được một câu phúng cho có ý nghĩa để đem viếng Nguyễn Thân. Lý do là không ai ưa Nguyễn Thân vì các hành động tàn bạo do Nguyễn Thân đã gây ra.
Ngặt một điều Nguyễn Thân là một đại thần, trong tang lễ, gọi nghĩa tử là nghĩa tận, chẳng lẽ không có một cử chỉ nào, dù khen, dù chê, để bày tỏ thái độ đối
với với một đại thần đã nằm xuống? Cuối cùng người ta đã tìm tới Tiến sĩ Phạm Liệu, một học sĩ trong nhóm Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam.
Thật khó cho Tiến sĩ Phạm Liệu. Chuyện khen chê đối với một nhân vật lịch sử như Nguyễn Thân đã trở thành nan đề. Nhưng xuất thân từ Quảng Nam, đất
ngàn năm hay cãi. Tiến sĩ Phạm Liệu đã vận dụng khả năng của chữ nghĩa (ý tại ngôn ngoại), ông hạ bút viết về cái sống, cái chết và cả công danh sự nghiệp
của Nguyễn Thân như sau:
Sanh như ông, Tử như ông, Sanh tử như ông - Bất,
Công cái thế, danh cái thế, công danh cái thế - Vô.
Có thể hiểu rằng: “sống như ông, chết như ông, sống chết như ông không người sánh kịp. Công cái thế, danh cái thế, công danh cái thế chẳng ai bằng”. Ai có
thể xác nhận Tiến sĩ Phạm Liệu khen hay Tiến sĩ Phạm Liệu chê Nguyễn Thân?
Các O năm mươi của tôi có thể hiểu được một ý nào khác không?
Tháng 12, 2012
Hoàng Đình Hiếu.