CHUYỆN THÚ VẬT NUÔI TRONG NHÀ
Chương 1 & 2
Chương một:
I. CÁ KIỂNG
Khi con trai J. của DN lên năm tuổi, nó bắt đầu ý thức về tình huống con một đơn côi của nó và nằng nặc đòi mẹ sinh cho một em bé, hay cho nuôi một con chó trong nhà...
Vào thời điểm bấy giờ, vì DN đã có con đầu lòng khá trễ, ở lứa tuổi ngoài bốn mươi, việc thai nghén và sinh đẻ là một vấn đề viển vông, không thiết thực đối với cô nữa!
Theo các sách y học mà DN đã đọc thêm để nghiên cứu, thì sau bốn mươi tuổi, cơ thể của người đàn bà có khuynh hướng sản xuất noãn bào có thể nhiễm sắc bị trục trặc về cấu trúc. Cho nên, đàn bà lớn tuổi thường hay bị hư thai hay sinh con có tật nguyền; DN không muốn đặt mình vào một trường hợp có thể không may như thế! Đồng thời, nghĩ đến những sự bất tiện và phức tạp của việc nuôi chó: từ chăm sóc, tắm rửa, đến việc luyện tập cho chó không "phá" nhà, đi vệ sinh đúng chỗ, đúng lúc, không "làm bậy" trong nhà..., mua thức ăn riêng cho chó, dắt chó đi bộ tập thể dục hằng ngày, v.v và v.v... , cô biết chắc là mình sẽ không có đủ khả năng, thời gian, hay nghị lực để "nhét" thêm một công việc ôm đồm như thế vào cái thời khóa biểu đã khá cồng kềnh của người mẹ đi làm nuôi con mọn một mình như cô!
Chưa kể đến những phiền phức khó khăn vào mùa hè, khi hai mẹ con thường du lịch gần xa, tìm đâu ra những người đến nhà giữ chó dài hạn, đáng tin cẩn?
Với một người thiếu kinh nghiệm về cá chậu như cô, đồng thời, so sánh giữa ba cái chọn lựa trước mắt: "chín tháng mười ngày" ốm nghén và rất có thể rắc rối về y tế trong tương lai cho cả mẹ lẫn con, trách nhiệm nuôi chó, hay cá chậu... DN nhanh chóng đi đến kết luận dứt khoát là chọn lựa cuối cùng tương đối dễ dàng và ít phiền phức hơn cả.
Rút cuộc suy đi tính lại, DN bèn thuyết phục con trai quyết định nuôi cá kiểng.
Cô còn nhớ vào thuở đang lớn, gia đình cô có nuôi "cá chậu" trong một thời gian ngắn, khi thằng em thứ hai của cô đột nhiên có cảm hứng nuôi cá. Nó tìm đâu ra được ba con cá chọi Thái Lan rất giống nhau, mỗi con có một thân hình màu xanh coban đậm-đen óng ánh và một cái vây tưa rất đẫy đà, diêm dúa, màu xanh-đỏ-đen chen lẫn lộn, nhìn rất lạ và vui mắt. Tuy mỗi con cá không lớn quá ba xentimét chiều ngang, và năm hay sáu xentimét chiều dài từ đầu đến đuôi, DN chẵng bao giờ quên được "cá tính" hiếu chiến của chúng!
Thời đó em trai cô nuôi mỗi con cá trong một cái chai thuỷ tinh màu trong, dung tích khoảng hai lít, vốn là một bình "nước biển" để truyền dịch cũ, từ bệnh viện, đã được tái chế dùng trong nhà. Nó đặt ba cái chai nầy sát cạnh nhau trên một cái kệ nhỏ ngoài trời, ngay trong sân trong giữa nhà, đồng thời cẩn thận ngăn mỗi bình với một xấp giấy báo để đề phòng mấy con cá nhìn thấy nhau. Tuy vậy, trong quá trình thay nước cho bình cá hàng tuần, đôi khi em trai cô chưa kịp đặt mấy miếng giấy ngăn lại và hai con cá láng giềng lập tức đột ngột tấn công nhau, mỗi con quên mất vị trí cá nhân cô lập của mình trong mỗi bình, cả quyết lao vào đối thủ, đập đầu vào thành thủy tinh mạnh đến nỗi tự gây tổn thương chảy máu xuất huyết đầu, thành một đốm đỏ đậm nhìn rất rõ ràng qua lớp vảy ngoài!...
DN cảm thấy vui vui với kỷ niệm thời thơ ấu ngộ nghĩnh nầy, và mạnh dạn hơn trong ý định nuôi cá kiểng của cô.
Vậy là cuối tuần đó, hai mẹ con không khỏi nôn nóng đến PetSmart, là một tiệm chuyên buôn bán các con thú nhỏ nuôi trong nhà và những dụng cụ thiết bị...
Hai mẹ con cứ la cà bên các chậu kiếng, mê say nhìn những con cá to nhỏ với những hình dáng và màu sắc thật phong phú, đầy quyến rũ! Nhất là con trai của cô, con cá nào cũng làm nó mê tít và đòi mẹ mua cả!
Riêng DN thì tuy tâm trạng không khác gì của con, cô tự nhủ là mình phải cứng rắn và thực tế.
DN hỏi ý kiến của người bán hàng trước, xem loại cá nào dễ nuôi nhất và những tiếp liệu cần thiết...
Cuối cùng, hai mẹ con chọn bốn con cá vàng thuộc "loại phổ biến", có thân dài, nhỏ bằng cỡ một lóng tay. Cô cũng chọn một chậu kiếng dung tích một galông, có trang bị hệ thống lọc thác để bơm và lọc nước cho chậu, một vài đồ trang hoàng gồm những cành rong xanh bằng nhựa và một hòn non bộ nhỏ bằng xi măng, một bao sạn để lót đáy hồ, một hộp bông lọc để thay đổi cho máy lọc thác, một lon thức ăn khô cho cá vàng, và sáu bình galông nước lã đã được lọc hết chất clo theo phương pháp thấm lọc, dùng để thay nước trong hồ cá.
Với những món hàng lổm ngổm đầy giỏ xe, hai mẹ con tiến đến quày trả tiền, vừa cảm thấy lòng rộn ràng, phấn khởi với ý nghĩ là hai mẹ con đã chính thức đi những bước đầu hoàn toàn mới lạ của người chơi cá kiểng.
Riêng bốn con cá vàng mới đây còn vô tư bơi lội rất hồn nhiên trong chậu kiếng lớn, hình như cũng linh cảm được sự thay đổi lớn trong cuộc đời bể dâu ngắn ngủi của chúng lúc bấy giờ, nên chỉ an phận, thả mình bập bềnh theo nhúm nước bên trong không gian nhỏ hẹp của chiếc bịch ni lông được buộc chặt bằng sợi dây thun, mà người bán hàng đã thổi phồng, căng thêm hơi để bảo đảm vừa đủ sinh khí oxi cho cuộc hành trình ngắn về địa điểm mới.
**********
Chương hai:
II. NHỮNG CON CÁ VÀNG CỦA J.
Bình thường thì DN mù tịt về máy móc, và cô cũng là người đầu tiên tự thú thật không khéo tay hay có tài tháo vát!... Tất nhiên là gần suốt hai mươi năm làm vợ, DN chỉ phó thác mọi việc kỹ thuật cho chồng: từ lắp ráp đồ chơi đơn giản cho con, bảo quản máy móc nhỏ dùng trong nhà, đến việc duy trì nhà cửa, xe cộ...
Cho nên từ khi li hôn gần hai năm qua, DN phải hối hả chạy nước rút, tự học hỏi và bươn chải...
Như hôm nay, tuy bề ngoài không để lộ một chút lo lắng trước mặt con trai, DN hơi "run" thầm, không biết có ráp được cái hồ cá mới mua hay không!
Cũng may là hai mẹ con đã chọn cái hồ tương đối được đơn giản hóa cho những người mới tập tành chơi cá cảnh. Nhờ vậy mà trong vòng mười lăm - hai chục phút, hai mẹ con đã hoàn thành nhiệm vụ lắp ráp hồ cá với đầy đủ phụ tùng thiết bị đâu vào đó...
Cô lấy tay bật thử công tắc điện; hệ thống lọc thác lập tức lên máy chạy rù rù đều đặn, vừa hút nước lên, đổ nước xuống liên tục như một thác nước tí hon, thật vui tai lạ mắt!
J. thích thú vỗ tay cười sung sướng vang ầm cả nhà, rồi đột ngột lính quýnh nói: "Mẹ ơi, cho con.!...” Như để phòng hờ phản ứng bất đồng của mẹ, nó nhanh nhẹn nắm lấy hòn non bộ trong bàn tay con nít mũm mĩm, trắng hồng đáng yêu của cậu bé lên năm, cẩn thận đặt ngay trên lớp sạn giữa đáy hồ, xong laị xoay qua vơ nắm hết đám rêu nhựa mẹ đặt bên cạnh hồ, khua tay vài lần trong nước vừa rải đều chung quanh hòn non bộ..., rồi thụt lùi vài bước, chăm chú ngắm "tuyệt tác" của nó trong khoảnh khắc, và tuyên bố một cách đầy tin tưởng là hồ cá nhà mình rất tuyệt vời (very cool)!
Thấy con phấn khởi mẹ cũng vui lây, nhưng DN thận trọng khuyên con để mẹ thả cá vào chậu nhằm tránh gây tổn thương cho cá.
J. tuy vẫn muốn được “nhúng” tay giúp mẹ nhiều hơn nữa, nhưng nghĩ là mẹ có lý. Vả lại, nó cũng không muốn lỡ gây “tai nạn” cho mấy con cá vàng yêu, nên răm rắp nghe lời mẹ.
Nó hồi hộp, chăm chú quan sát mẹ cẩn thận hạ bịch cá xuống hồ bằng một tay, vừa dùng tay kia mở rộng miệng túi từ từ, cho nước hồ hòa nhập với nước trong bì, mỗi lúc một ít, nhằm tránh gây sóc (shock) cho cá... Sau một vài phút, mẹ dần dà nhẹ tay kéo bịch ni lông ra khỏi hồ, tạo điều kiện cho cá thích nghi bơi ra khỏi túi...
Trong chốc lát, hai mẹ con vừa hãnh diện lẫn sung sướng, đứng nhìn mãi không chán một chậu cá thật thụ, sống động với bốn con cá vàng nguây nguẩy bơi rộn ràng giữa đám rong nhựa màu xanh lá mạ, và một hòn non bộ mini mới toanh bằng xi măng màu xám, chưa đọng một vết rong rêu...
Chỗ đặt chậu cá là một góc nhỏ, trên mặt bàn tủ bếp, đối diện với bàn ăn, nơi hai mẹ con đoàn tụ bên nhau nhiều nhất: điểm tâm buổi sáng trước khi mẹ đưa nó đến trường, mẹ kiểm soát bài vở nó chiều về, hay nó ngồi làm bài một mình sau cơm tối...
Giữa chừng học bài, J. thích ngẩng đầu lên nhìn những con cá vàng bơi tung tăng qua lại trong hồ..., trí óc con nít giàu tưởng tượng ngây thơ của nó tự hình dung mình đang cùng các "bạn" cá đuổi bắt nhau, chơi trốn tìm, ẩn mình, hoặc ngủ quên trong những ngõ ngách chật hẹp, "bí ẩn" của hòn non bộ...
Vốn yêu thích những phim hoạt họa truyền hình, J. đặt tên cho bốn con cá vàng phỏng theo các nhân vật trong phim mà nó ái mộ lúc bấy giờ là Charlie, Lola, Lilo và Stitch.
Nhiệm vụ cho cá ăn buổi sáng và tối trở thành công việc thú vị hàng ngày của J. Mỗi sáng sớm, sau tiếng reo của đồng hồ báo thức, “mắt nhắm mắt mở” còn ngái ngủ, nó vội vàng xuống lầu, đi chân không thẳng đến chậu cá trong bếp, vói lấy lon thức ăn của cá mà mẹ lúc nào cũng đặt sẵn trên nắp hồ, cẩn thận rắc rắc vài lần vào trong nước để tránh làm văng ra ngoài, rồi im lặng, chăm chú nhìn mấy con cá vàng rộn ràng bơi đuổi theo những mảnh thức ăn lơ lửng trong nước, vừa tham lam mở rộng miệng táp lấy mồi, đôi lúc lại tinh nghịch thổi những chùm bong bóng nhỏ thật vui mắt!... J. cảm thấy hạnh phúc trong lòng và hoàn toàn tỉnh ngủ từ bao giờ!... Chiều tan trường về nhà, việc đầu tiên nó làm cũng là vào trong bếp thăm các "bạn" cá!
J. ngây thơ nghĩ đến bốn con cá vàng với niềm yêu thương của người "anh cả" năm tuổi dành cho đàn em nhỏ mà nó không có, và cảm thấy bớt cô đơn về tình trạng con một của mình!...
**********
(Còn tiếp)
Đoan-Trang Nguyễn Samford
** Tác giả giữ bản quyền **
02/26/2018
J.’s drawing of Charlie & Lola (09/30/2008)