Lúc đó là mùa hè năm 1976, tôi vẫn còn mái tóc đờ mi gạc son. Má may cho hai chị em hai bộ đồ bà ba bằng vải ú, à mà không biết tại sao người ta gọi loại vải thô màu đen là vải ú hè? Tưởng tượng mặc áo bà ba mà tóc đờ mi thì mắc cười làm sao, nhưng má tôi bắt phải mặt để hoà hợp với cuộc sống mới. Thời đó phong trào bán bánh chuối chiên đang ăn khách, nhưng mình trước nay đâu phải là dân buôn bán mà đem cái chảo dầu ra ngồi ngoài lề đường chiên bánh bán thì mắc cở quá. Do đó hai chị em tôi rủ nhau đem lên chợ Nam Ô ngồi bán. Rất thuận tiện vì nhà mình ở cổng sau của ga Đà Nẵng. Mới sau 1975 thì phong trào đi lại bằng tàu hỏa bắt đầu ăn khách, vừa chở được nhiều mà không sợ mìn như trước kia. Hai chị em nghiên cứu cách đi tàu "cọp". Sáng sáng hai đứa soạn bếp lò, củi, bột đường, chuối, dừa tươi cắt lát và một chai dầu phụng. Tất cả cho vô hai cái giỏ đệm. Hai chị em chui qua cái lổ hổng của bờ tường để vô khu đường sắt, hai đứa núp sau mấy bụi cỏ lau, chờ tàu chầm chậm lăn bánh rời ga là nhảy lên, bất cứ toa nào. Từ ga chính đến ga Nam ô rất gần, chưa kịp soát vé là đã tới. Hai đứa canh chừng đến đoạn đường sắp tới ga là ôm giỏ nhảy xuống ...cái bịch!
Tà tà xách đi bộ vô chợ Nam Ô, đứa nặn bánh, đứa chiên...rứa mà tà tà cũng sống qua ngày. Mỗi chiều về thì mua mớ khoai sắn, xách giỏ ra ngồi ở đường rầy chờ tàu chầm chậm chạy ngang là phóng lên, tàu về gần Thanh Khê là lại nhảy xuống, đi bộ về, hôm nào xui lắm thì gải đầu gải tai xin mua vé phạt một chặng thôi.
Tôi không nhớ dịch vụ buôn bán này kéo dài bao lâu. Nhưng tôi nhớ có một lý do khiến tôi "bỏ của chạy lấy người" rất ly kỳ.
Chuyện là hai chị em da trắng, tóc ngắn hay mặc bộ đồ ba ba màu đen bán bánh chuối chiên ở chợ Nam Ô...một hôm bán hết sớm, xách giỏ ra ven đường rầy ngồi chờ chuyến tàu về để nhảy lên đi cọp. Có thằng con trai xấp xỉ tuổi, ăn mặc khá đàng hoàng, hình như con nhà cũng khá giả. Thằng nhỏ thấy hai đứa con gái có vẻ thành phố nên ra ngồi cù cưa tán tỉnh. Con em bỏ đi lơ để con chị giải quyết.
Tôi còn nhớ thằng nhỏ đến lân la hỏi thăm làm quen, biết mình là dân thành phố nó thích lắm, cũng tự xưng là dân ăn chơi, hay xuống Đà Nẵng nhảy đầm...nghe hắn kể tới đoạn nay thì mình hơi ú ớ...thằng bé khoe hay đi bal ở nhà người quen đường Gia Long. Mình cũng phịa là...nhà gần đó, cũng đi nhảy đầm hoài...Tán tới tán lui một hồi, thằng bé có vẻ ái ngại khi biết mình bán bánh chuối chiên trong chợ. Nó hỏi:
- Vốn liếng có nhiều không?
Mình trả lời:
- Cũng ít vốn, vì hàng ăn vặt thôi mà!
Thằng bé dòm tới dòm lui hai cái giỏ rồi hỏi:
- Bồ... có cần dầu phộng không?
Mình trả lời:
- Đương nhiên, có dầu mới chiên được chớ!
- Nhà tui nhiều dầu lắm, để tui về lấy cho bồ nghe!
Mình nghe mừng, cứ nghĩ mua được của nó chắc rẻ nên gật đầu.
Không lâu sau, thằng nhỏ khệ nệ bưng ra một thau lớn, bằng cái chậu giặt đồ đầy...dầu phộng. Nó sè sẹ để xuống đất vừa thở:
- Bà già không có nhà, tui múc cho bồ mớ dầu phộng đó.
Mình hết hồn, réo nhỏ em chạy vô chợ mua cái can nhựa ra đựng. Có thằng nhỏ giúp, hai chị em rốt cuộc cũng xong. Thằng nhỏ ngồi tiếp tục cưa kéo, hứa sẽ đi Đà Nẵng ghé nhà mình, chở mình đi bal với nó. Nhỏ em nghe liếc mắt nhìn! Vì nó dư biết con chị chỉ biết nhảy tàu, làm gì biết nhảy đầm!
Tàu trờ đến, hai chị em lật đật nhảy lên, hôm đó có thêm mấy can dầu phụng nên vất vả thật! Tàu mất hút, vẫn thấy cánh tay thằng "dân chơi Nam Ô" đưa lên vẫy vẫy. Hai chị em trên chặng đường về nhà, con em suýt soa tính toán, mớ dầu phộng mà thằng nhỏ tặng không cho cô hàng chuối chiên thật là nhiều quá sức tưởng tượng. Nếu tính tiền lời bán bánh cả mấy tháng chắc cũng chưa bằng. Còn con chị thì cứ lo lo cho vụ hẹn hò đi nhảy đầm với cậu Ấm Nam Ô. Khi biết được nỗi niềm của bà chị, con em xúi ...giải nghệ! Sau đó hai chị em chuyển ngành, sáng sáng xuống chợ bến xe mua bắp về nướng bán trước ngõ nhà.
Năm đó mới mười bảy tuổi, lâu lâu có dịp đi Nam Ô vẫn còn e ngại gặp mặt thằng công tử...
...Đến bây giờ, nhớ lại, coi như mắc nợ nó một lời xin lỗi!
Anh Trinh
18 Tháng 7, 2015
Chuyện tình chuối chiên
Hôm nay chiên bánh chuối chiên đem ra suối picnic với mấy đứa cháu. Nhớ lại chuyện xưa: