Chuyện tình cô Ba
Phần I: Ký ức
Chắc hẳn trong các bạn ai cũng có một thời để nhớ, một thời để yêu! Với Ba cũng vậy, tình bạn, tình yêu luôn đọng lại trong Ba nhiều ký ức tốt đẹp …
Thời còn là nữ sinh trường nữ trung học Hồng Đức, có cô bạn tên Bảy - người bạn học cùng trường, ở cùng xóm nhưng khác lớp - luôn là người bạn đồng hành cùng Ba trong các buổi sinh hoạt nhóm, các cuộc đi chơi. Có đứa trong lớp cứ trêu: Đứa tên Ba, đứa tên Bảy đi với nhau, hai tụi bây sẽ ba chìm bảy nổi thôi! Chúng tôi cười: “Dù sao chìm rồi cũng nổi lên, chứ chìm luôn mới sợ!”.
Mùa hè năm ấy, phượng nở đỏ rực trên khắp các con đường, ve kêu râm ran cả ngày đêm làm cho ngày hè càng thêm sôi động.
Đang thiu thiu ngủ, bỗng nghe tiếng ai gọi trước ngõ:
“Ba ơi, đi chơi hông?”
Mắt nhắm mắt mở hổng biết ai rủ nhưng mình cũng ngồi bật dậy, rồi theo quán tính với tay lấy cái nón, nhưng chợt sực tỉnh:
“Ủa! mình đang ngủ mà, ai gọi vậy ta!”.
Rồi nhoài người ra cửa sổ:
Ai kêu tui rứa?
“Bảy đây. Trời đẹp ri mà nằm ngủ hả mi! Phí quá! Dậy đi chơi với ta!”
Cô bạn Bảy tính tình vui vẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn, và cũng khéo ăn nói, chơi thân với Bảy, mình cũng học được nhiều điều hay từ tính cách của cô nàng.
“Đi qua nhà Tỉnh chơi”, Bảy nhanh miệng khi thấy mình đi ra.
“Ừ, đi thì đi”.
Thế là hai đứa đèo nhau trên chiếc xe đạp “cà tàng” của Bảy đạp 5 cây số đến nhà cô bạn tên Tỉnh ở tận thôn 10.
Gần đến đoạn đường nhà Tỉnh, rẽ qua khúc cua, tay lái lụa của Bảy bỗng dưng làm cho xe chao đảo đến suýt ngã.
“Ê! Hiệp! Có bà Tỉnh ở nhà không mi?”
Bảy nhìn về phía đám con trai đang chơi bắn bi ngay khúc đường rẽ hỏi. Rồi có một anh chàng đáp lại:
“Có, ở trong nhà đó”. Tỉnh là bạn cùng lớp với Bảy và cũng là dì họ của anh chàng kia.
Miệng thì trả lời Bảy mà mắt anh ta lại nhìn hướng về phía mình, làm mình thẹn thùng đỏ cả mặt phải nhìn đi chỗ khác. Rồi Bảy gọi lên xe đi vô nhà Tỉnh, mình liền phóc lên xe đi với nàng mà mặt thì cúi xuống không dám nhìn lại đám thanh niên kia, đặc biệt là anh chàng Hiệp vừa liếc mắt tới mình.
Vài hôm sau,
“Ba ơi, có nhà không?”, tiếng Bảy rang rảng từ ngoài ngõ.
“Tao đây. Hôm nay đi đâu chơi rứa?”
“Hôm nay thay đổi kế hoạch, tao dẫn bạn mới đến làm quen nè”, Bảy vừa nói vừa gạt chân chống xe xuống đất. Mình bước vội ra cửa xem người bạn mới kia là ai.
Trời! Mình giật thót, hai con mắt trợn tròn, rồi bỗng dưng mặt đỏ và thấy e thẹn vô cùng.
Bảy thấy lạ liền hỏi:
“Chi rứa mi?”
Còn anh chàng kia thì cười bẽn lẽn vì thấy biểu hiện đó của mình.
“Đây là Hiệp, cháu gọi bà Tỉnh bằng Dì đó, bữa trước ta với mi đi vô nhà Tỉnh chơi gặp Hiệp ngoài đường đó, nhớ không?”, Bảy vừa nói vừa đá lông nheo về phía anh chàng kia như ra tín hiệu.
Anh chàng cũng có đôi chút ngại ngùng, nhưng miệng thì cười tươi bước về phía mình giới thiệu:
“Chào Ba, mình tên Hiệp, rất vui được làm quen với Ba!”.
Từ đó nhóm đi chơi của tụi mình có thêm Hiệp. Hiệp là một anh chàng điển trai và đa tài. Anh thành lập ra nhóm bút tên Hoa Sương là sân chơi của các bạn thích văn thơ, mình nhớ trong nhóm đó có Mỹ Hoa, Võ Thị Nghỉ, Dương Thị Hiệp, Ngọc Diệp … Rồi những phong trào thi thơ ca, văn nghệ, các cuộc đi chơi dã ngoại của nhóm đã làm cho tình cảm của Ba và Hiệp ngày một gần nhau hơn.
Thế rồi chiến tranh loạn lac của những năm 75 xảy ra, nhóm chúng mình mất liên lạc, chỉ còn lại mình với Hiệp là giữ liên lạc. Khi giải phóng về Đà Nẵng, Hiệp đã lên tàu đi theo người anh trai tên Xuyến di cư vào Nam. Ngày tiễn Hiệp đi, mình cảm thấy trong lòng nặng trĩu, không biết người bạn cuối cùng của nhóm có giữ được liên lạc lâu dài không. Hiệp cũng buồn không kém, nhìn mình với ánh mắt buồn sâu thẳm:
“Ba ơi! Dù thế nào đi nữa mình hãy cố giữ liên lạc thường xuyên nhé! Hiệp sẽ viết thư cho Ba ngay khi anh đến Sài Gòn.”
Từ ngày Hiệp đi, ngày nào mình cũng ra bờ sông nhìn ra khơi xa, lòng thầm nghĩ không biết bây giờ Hiệp ra sao, những ngày lênh đênh trên biển có an toàn không, nhỡ gặp tàu giặc thì sao! Đầu óc mình lại quay cuồng khi nghĩ nhiều điều về anh hơn. Dường như mình đã yêu Hiệp nhiều rồi, trong lòng không lúc nào yên tĩnh khi nghĩ đến anh …
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Hiệp trở về bình yên. Và rồi đám cưới của hai đứa mình cũng diễn ra sau đó. Ngày cưới sau thời chiến tranh không như bây giờ, mộc mạc và đơn giản. Do mất liên lạc với bạn bè trong chiến tranh, đám cưới nghèo của tụi mình chì có gia đình hai bên, bạn chú rể chỉ có anh Phan Triệu đi theo chụp hình. Bạn cô dâu chỉ có Mỹ Hoa.
Sau đám cưới hai đứa trở lại Đà Nẵng sinh sống. Cả hai ở nhờ nhà bà con anh Hiệp. Gia tài khi bắt đầu cuộc sống mới của hai vợ chồng là mấy bộ quần áo. Hai đứa làm việc vất vả để cố gắng tạo dựng nền tảng cho tương lai. Mình vẫn nhớ như in anh đã làm một bài thơ tặng mình với mong ước có một cuộc sống kinh tế tốt hơn trong những tháng ngày gian nan đó, nó như lời khích lệ tinh thần cho hai đứa và tình cảm dạt dào anh luôn dành cho mình, bài thơ có tựa đề: Nếu trúng số!
“Trúng số triệu anh mua xe du lịch
Chở em đi khắp các nẻo thành đô
Ăn restaurant nghỉ ở hotel,
Vũ trường đó đôi ta phè cánh nhạn.
Trúng năm trăm anh xây lầu tình ái
Một cái lầu chỉ hai trái tim thôi
Có kẻ sai, có người hạ, có thằng bồi
Đôi ta chỉ ngồi nhịp chân uống nước
Trúng hai trăm ngàn thì em đừng chê trách
Anh sẽ mua một xế nhỏ hai chân
Chở dáng em cho xứng đáng mỹ nhân
Vào quán nhỏ mình ân cần trò chuyện
Không trúng số anh chắp tay cầu nguyện
Cho tình yêu đừng chắp cánh bay xa
Cho đôi ta luôn son sắc, đậm đà
Dù gian khổ luôn cùng nhau em nhé.
Rồi ngày qua ngày, anh sáng dậy sớm đi làm, trưa về phụ vợ nấu cơm và chăm con, rồi lại đi làm tiếp sau bữa cơm vội vã. Lúc đó năm 1979 mình đã sinh đứa con trai đầu lòng. Rồi đến đứa thứ 2, 3, 4, đứa thứ 5 là bé Út Hương sinh năm 1995 và một đứa con gái nuôi. Tất cả gia tài của vợ chồng mình là sáu đứa con: Cu Hoà (sinh năm 1979), bé Hảo (1982), cu Phú (1984), cu Quý (1988), bé Hương (1993), và bé Liên (1979).
Cuộc sống gia đình mình ngày càng ổn định và sung túc hơn. Anh và mình luôn tự hào về mái ấm gia đình với những đứa con ngoan hiền, chăm học, vâng lời ba mẹ. Bởi anh luôn dạy các con theo tiêu chí của gia đình mình là: phải luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ:
Làm con đối với cha mẹ,
Làm chồng đối với vợ,
Làm cha đối với con,
Làm anh đối với em.
Anh luôn dạy các con các điều hay lẻ phải, và cũng không kém hài hước khi anh làm thơ cho đứa con gái thứ 2 - bé Hảo khi nó học lớp 2 vào năm 1989, lúc đó nó ham chơi, không để tâm đến việc học, và hết sức ngây ngô khi nó bị điểm 1 môn toán mà lại chạy từ trường về nhà khoe với vợ chồng mình:
“Ba má ơi, con làm bài sai hết mà cô cho con 10 điểm luôn!”
Vợ chồng mình thấy lạ mở vở nó ra xem, rồi cười vỡ bụng, bé Hảo thì tròn xoe mắt không hiểu chuyện gì! Anh ôm con bé vào lòng:
“Con à, cô ghi số 01 là con bị điểm một chứ không phải điểm mười như con đọc ngược lại đâu!”
Con bé vẫn ngơ ngác nhìn về phía mình. Và bài thơ anh làm tặng nó cũng đã làm cho nó thay đổi cách học nhanh chóng của một đứa trẻ lớp
“Học như bé Hảo chán quá đi!
Học không lo học ngủ li bì,
Biểu đem vở học thì ngồi khóc,
Viết chữ ngoằn ngèo chẳng ra chi!”
Từ những câu thơ đùa mang ý nghĩa nhắc nhở chuyện học hành cho con bé, vậy mà nó đã tự vươn lên thi đậu vào trường phổ thông trung học chuyên Lê Quý Đôn, và cũng thành đứa học giởi nhất nhà trong số các anh em của nó. Nhìn những đứa con ngày một trưởng thành, anh luôn thì thầm cảm ơn mình đã sinh cho anh những thiên thần, đó là niềm hạnh phúc nhất đời anh, mình càng cảm thấy sung sướng khi được sống trong niềm vui của anh và mái ấm của gia đình mình.
***
Sau ba mươi năm, cuộc sống mình giờ đã ổn định nhiều, mình cũng đã có hai cháu ngoại và một cháu nội. Ba đứa con đang định cư ở Mỹ, còn lại sống ở Việt Nam. Bé Út hiện đang học lớp 11.
Những người bạn học ngày xưa của mình cũng dần dần kết nối lại liên lạc. Chúng mình thường tổ chức các cuộc gặp mặt, các cuộc thi thơ, ca, đủ thể loại dành cho lứa tuổi 5X tụi mình mà chỉ có “các bà sồn sồn” như tụi mình mới tham gia thi được! Đó là câu bông đùa của mấy ông chồng dành cho tụi mình.
Với mình, cuộc sống thật tươi đẹp với những gì mình đã qua đi và những gì mình đang có. Mình mong mỗi người trong chúng ta ai cũng có và trân trọng những ký ức đẹp đó để cuộc sống tinh thần của mình ý nghĩa hơn …
***
“Chị Ba ơi, lốp 1200-20 DRC bao nhiêu một cái?”, có tiếng ai hỏi sau lưng.
Giật mình quay lại, thì ra khách vào mua hàng. Thôi mình đi bán lốp cho khách đây!
Chào nhomchin4 nhé! Chúc các bạn luôn vui vẻ và thành đạt!
Thân,
Phạm Thị Ba