Cò …
Các bạn tôi viết về “Cái cò lặn lội bờ sông …”, về con cò của chú bé Bơ ngộ nghĩnh đáng yêu. Hình ảnh hai chú cò có cái cổ cong cong, cái cẳng cao cao … y như trong bài hát thiếu nhi hồi nhỏ.
Thiệt tình, tôi cũng thắc mắc tại sao phải là con cò mới “Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non” đươc. Lạ thiệt ha! Có thể là câu ca dao ngày xưa được truyền tụng cho đúng vần, đúng điệu thì mới dễ dàng trở thành bài hát ru em cũng là một bài học dễ nhớ về đạo làm người. Cò trong ca dao được ca tụng như hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, một đời tận tụy vì chồng con. Nhân đọc những bài bạn tôi viết về “Cò’’ bỗng dưng tôi có một chút suy nghĩ về Cò, bây giờ người ta hay gọi là “tư duy’’ đó bạn.
Có ai biết tại sao danh từ “Ông Cò” ngày xưa lại được dùng để chỉ một viên cảnh sát (police). Rõ ràng trong kho tàng nghệ thuật sân khấu cải lương còn để lại một vở tuồng nổi danh trước 1975, tuồng “Ông Cò quận tám”, với vai chính “Ông Cò‘’ do nam nghệ sĩ cải lương Thành Được diễn rất thành công. Bạn có nhớ không?
Mà còn lạ hơn nữa là trên báo chí, ngoài xã hôi ngày nay chữ “cò” lại được dùng để một thành phần, một nghề tương tự như là “môi giới”. Người mối lái cho việc mua bán địa ốc là “cò nhà “, “cò đất”, người chạy mánh bán vé xe, vé tàu là “cò bến xe”, người thường la cà trước cổng bệnh viện mối lái cho nhiều dịch vụ y tế gọi là “cò bệnh viện “. Thời kỳ thập niên 80 còn có “cò bãi“ tức là làm môi giới bán bãi cho người vượt biên …Tương tự, còn có vô số “cò heo“, “cò thẩm mỹ“, ‘’cò nghĩa trang’’, … Bên cạnh đó, ngày nay các người đẹp muốn có một cuộc hôn nhân với người ngoại quốc chẳng phải do ông Tơ bà Nguyệt se duyên nữa mà đa số là do đám “cò hôn nhân’’ quyết định.
Thật ra, không có những người môi giới này thì cũng khổ thiệt, vì công việc họ làm như là một dịch vụ, phục vụ cho khách hàng và kiếm chút thù lao để kết quả là đôi bên cùng có lợi (ngoại trừ cò mồi ở chốn cờ bạc). Nếu có điều kiện mướn mặt bằng, mở một văn phòng thì tất cả các loại ‘’cò’’ có thể được gọi là "Văn phòng dịch vụ … gì gì đó" … chuyên phục vụ …’’ nghe sang ghê. Ngược lại, nếu chỉ có chiếc xe làm phương tiện chạy tới chạy lui, chút xíu khoa ăn nói cho trôi chảy, cần chút xíu uy tín nữa thì … chẳng cần bỏ ra nhiều vốn liếng, chẳng cần bằng cấp cũng chẳng cần có văn phòng cố định người ta cũng trở thành người phục vụ cho “thượng đế‘’. "Cò’’ là thành phần làm ăn theo mùa, theo cơn sốt xã hội. Biết bao người lanh tay lẹ mắt “nhạy cảm‘’ với đời sống đã thành công vượt bực nhờ chức ‘’cò‘’ này. Từ đó sản sinh ra bao nhiêu “cò‘’ bậy bạ, chuyên lường gạt người dân bằng miệng lưỡi, cái cảnh tiền mất tật mang xảy ra hàng ngày không chỉ ở cổng bệnh viện mà khắp mọi nơi ngay cả chốn “công đường”.
Người xưa thường nói “Chỉ có người hèn, không có nghề hèn”. Con người ta làm gì cũng cần phải có cái tâm trong sáng, nếu không thì hậu quả của một vị thầy thuốc vô lương tâm đâu có gì khác một “cò‘’ lợi dụng lòng tin để lừa gạt người ta đâu.
Cò nào cũng có hai chân, từ Cái Cò đến Ông Cò cho đến cò con môi giới. Hai cò của bạn tôi đã viết ra đích thị là ‘’Con cò có cái cổ cong cong, cái cẳng cao cao, cổ cong cẳng cao … con cò". Còn loại cò môi giới ngày nay có phải có xuất xứ từ chữ “cò kè‘’, một thái độ của Mã Giám Sinh khi ngã giá mua Thúy Kiều:
‘’Cò kè bớt một thêm hai
Giờ đâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm“
11/2009
Comments:
1. Tác giả kể chuyện con nào cũng hay hết trơn: Cò, Chó, Mèo, Gà, Dê,Chuột ... Tác giả hãy đăng ký làm việc cho sở thú đế độc giả được nghe kế thêm nhiều con thú khác nữa nghe.
2. Tui nghi nghi bài cò là của dân ngoại chín bốn. Đúng không hè?
3. Cám ơn tg đã giải thích rất cặn kẻ tất cả các loại cò.