Nếu bạn hỏi, khi học ở trường Hồng Đức, thầy cô nào gây ấn tượng với bạn nhất thì tôi không ngần ngại để trả lời rằng đó là cô dạy môn văn học năm lớp sáu.

Cô nhỏ người, dáng ốm, gương mặt nhỏ. Cô không đẹp, không sang, không thu hút ánh nhìn của lũ học sinh tụi mình khi đi trên hành lang. Vậy đó, mà tôi vẫn rất thích những giờ cô lên lớp. Học cô môn Văn học, không những học sinh được cô truyền cảm xúc khi đọc một bài văn, một bài thơ, mà cô còn cho chúng tôi cơ hội được tưởng tượng bằng cảm xúc của một hoạ sĩ. Cô yêu cầu học sinh học bài nào phải vẽ một bức tranh về bài ấy. Thời ấy ban đầu có thể cũng có khó khăn khi đáp ứng yêu cầu này của cô, nhưng dần sau đó chúng tôi mê mẫn khi được tưởng tượng, hay mày mò tìm những bức tranh có sẵn hợp với nội dung bài học rồi vẽ lại trên trang giấy học trò hình ảnh con cọp nằm buồn bả sau song sắt (trong bài Nhớ rừng), hay thác nước đang cuồn cuộn chảy từ trên cao (trong bài Đà Lạt). Thậm chí câu cuối trong một bài học thuộc lòng cũng được các bạn ghi lại kèm theo những nốt nhạc bay theo làn khói chiều...

... Tý ơi về ăn cơm ...

Cô tận tâm đối với học sinh. Nhìn vẽ ngoài nhỏ nhắn nếu không muốn nói là thiếu sức sống của cô, không ai nghĩ cô có thể nói không ngưng nghỉ bốn mươi lăm phút liền để giảng về một bài văn nào đó. Chúng tôi ngồi dưới, lắng nghe cô như nuốt từng lời. Thi thoảng có bạn phân tâm xì xào nói chuyện, là cô gọi tên và nhìn bạn ấy. Không biết bạn còn nhớ không, đôi mắt cô khi nhìn ai  không hài lòng  là như háy họ vậy. Bây giờ nhớ cô, nhớ nhất là  cái háy mắt rất riêng ấy.

Sau một năm học cô, tôi có thói quen ưa vẽ này nọ. Tôi nghĩ đó là thói quen hay. Chỉ tiếc là lên các lớp sau, không thầy cô nào bắt vẽ nữa, nên dần dần rồi học sinh của cô mai một ... tài năng hết cả. Uổng thật. Ngoài ra, từ đó tôi cũng bắt đầu biết viết ra giấy những suy nghĩ của riêng mình. Dù viết ra rồi cất kỷ không dám khoe ai.
Tên cô là Phan Thị Bích Khuê, nhưng thời ấy chúng tôi chỉ gọi tên cô theo tên chồng, chỉ nhớ cô là cô Kỳ thôi.

Nếu bây giờ cô còn sống, e đã hơn tám mươi tuổi nhiều rồi. Cô ơi, cám ơn cô đã chấp cánh ước mơ làm văn sĩ, hoạ sĩ cho lũ học trò nhỏ thơ ngây năm đầu tiên ngơ ngác bước vào ngôi trường trung học.

ĐN 9/20/2013
Cô giáo dạy Văn