Cố nhân và ... nhỏ
Có bạn bè làm chứng, con nhỏ đã tự thú “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” và tự nhận mình có lúc cũng hơi … khùng. Bạn xem nè:
Có gặp lại hắn, chưa chắc tôi đã nhớ mặt. Nhưng tôi vẫn nhớ giọng thút thít, sụt sùi của hắn vì thương mẹ bị ba đánh, nhớ đôi mắt buồn của hắn khi chia tay tôi gần bốn mươi năm về trước và nhớ những cánh thư xanh của hắn luôn bắt đầu bằng mấy chữ “đằng ấy ơi …”
Vậy đó, người bình dân thường chỉ cần thấy nhớ một cái má lúm đồng tiền là … cưới nguyên một con vợ. Huống gì hai đứa nó nhớ nhau y như trong câu ca dao “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ, nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai”, con nhỏ nhớ nhiều thứ thiệt. Con nhỏ cũng là đứa bạn làm tôi ngạc nhiên hết chuyện nọ sang chuyện kia.
Ngày con nhỏ từ Ban Mê Thuộc theo gia đình về Đà Nẵng, nó học chung lớp với tôi ở ngôi trường Nữ Trung Học duy nhất của thành phố. Con nhỏ dĩ nhiên là cũng nhỏ con nên được xếp ngồi cùng xóm nhà lá với chúng tôi: Quang Ấn, Vân, Kim Oanh, Mộng Linh, Phương…và cũng đi về chung một đoạn đường dài.
Con nhỏ có khuôn mặt tròn vành vạnh như trăng rằm. Tôi chỉ ví von cho có mùi vị văn chương thôi, chứ thật sự mà mặt con nhỏ tròn như trăng rằm thì tiêu đời nó rồi. Tóc con nhỏ đen và thẳng mướt, vừa chấm vai. Con nhỏ ít khi để tóc dài đến lưng mà cứ ngang vai thôi. Đôi mắt cũng đen, tròn với hàng lông mi dài mà không cong, hay cặm vào mắt khiến nó hay bị đỏ mắt như sắp khóc. Mới mười ba tuổi chớ mấy, vậy mà con nhỏ oai ghê, có nguyên một người bạn trai để thư đi, thư về. Nó làm tôi ngạc nhiên thật. Lâu lâu có thư bạn, con nhỏ vui ra mặt, kể lể đủ thứ. Tôi đi theo con nhỏ dụ khị hoài, sau khi bắt tôi hứa sẽ giữ bí mật, nó tiết lộ anh chàng tên Ph. là bạn của ông anh nhỏ ở Ban Mê Thuộc. Tôi may mắn được con nhỏ cho xem tấm hình nhỏ xíu của đằng ấy và ông anh. Tôi la lên như bị ong chích:
- Oái, thằng ni để tóc kiểu chi lạ rứa?
Con nhỏ mơ màng:
- Tóc cỏ gà!
Thời đó chỉ có mốt tóc dài hippy choai choai chứ làm gì có model tóc cỏ gà. Thấy tôi trơn mắt ngạc nhiên, con nhỏ giải thích lung tung. Nó càng nói tôi càng…không hiểu, nhưng tôi đơn giản chấp nhận tóc cỏ gà là một ấn tượng trong lòng con nhỏ mỗi khi nghĩ về đằng ấy của nó, vậy là đủ rồi.
Con nhỏ sau đó bày đặt làm thơ ca ngợi mái tóc cỏ gà. Tôi đọc thơ…cũng không hiểu gì hết. Tôi cứ nghĩ tóc đuôi gà, tóc đờ mi, tóc con tít…chứ làm gì có tóc cỏ gà. Con nhỏ nói hoài, thấy tôi không hiểu, cuối cùng nó phán một câu:
- Ban Mê Thuộc mới có loại cỏ gà, mi không biết đâu.
Thiệt tình, tấm hình đằng ấy của nó cũng khá đẹp trai, có vẻ thư sinh lắm chỉ trừ mái tóc đàng trước xén y như kiểu tóc bum bê của con nít là khó hiểu mà thôi.
Thư đi thư về cũng khá lâu, đùng một cái có ngày kia con nhỏ đến trường với mái tóc kinh dị như trong phim khoa học giả tưởng. Tôi và Quang Ấn không dám nhìn con nhỏ để hỏi thăm, hai đứa xầm xì:
- Nè, con nhỏ thất tình hả?
- Ê, răng con nhỏ “chơi” cái đầu tóc như bà điên rứa?
Tôi buộc miệng:
- Tóc cỏ gà đó mà.
Cả bọn xúm lại điều tra, tôi không dám tiết lộ vì…thiên cơ bất khả lậu, tôi có hứa với con nhỏ rồi mà.
Phương ruồi, Mộng Linh, Kim Oanh xúm lại bàn tán sôi nổi nhưng nhìn cái tướng im im của con nhỏ không đứa nào dám hó hé. Ngọc Diệp đoán mò:
- Chắc hắn suốt ngày lo làm thơ, bị ba mạ la nên…tự huỷ hoại nhan sắc đó.
Chỉ có tôi là đoán con nhỏ thất tình. Thuở đó, chương trình ca nhạc trong đài phát thanh hay phát bài gì có câu “Nếu duyên không thành…Điệp ơi, Lan cắt tóc…quên đời vì anh…". Tôi càng nghe, càng thấm thía cho nỗi lòng con nhỏ.
Quả thật sau đó tôi nghe con nhỏ tuyên bố đã cắt đứt dây chuông, không liên lạc với đàng ấy có mái tóc cỏ gà nữa. Nhìn mái tóc con nhỏ phía trước xén cao lên tận gốc tóc, bên cao bên thấp, tôi thán phục cho sự can đảm của con nhỏ quá xá.
Chuyện tình nào chấm dứt cũng sản sinh ra một thi sĩ đại tài. Con nhỏ hay thiệt, nó làm thơ dễ dàng như nói chuyện, dường như bao nhiêu từ văn hoa bóng bẩy nằm sẵn trong đầu nó, cọng thêm cái tướng tà tà của nó, chúng tôi đặt cho con nhỏ biệt hiệu Thi Sĩ kèm theo cái tên của nó. Các nhà nghệ sĩ thường khác người, thường bất cần đời, con nhỏ y chang! Lớn lên một chút, lớp chúng tôi bắt đầu chưng diện, chăm chút nhan sắc bằng bông nơ, kẹp cài, áo dài thì eo rộng vạt ngắn, đủ kiểu…chỉ có con nhỏ là “vủ như cẩn”, hình như tình hình thời sự, thế giới thời trang chẳng ảnh hưởng gì đến nó. Một ngày sắp chia tay nghĩ hè, con nhỏ tặng tôi một bài thơ ký tên Nguyên Phương. Con nhỏ giải thích: Nguyên Phương là Nguyễn Ph. Tên hai đứa ghép lại. Tưởng rằng nhỏ đã quên, té ra nó còn nhớ, lại còn ghép tên nữa. Con nhỏ làm tôi ngạc nhiên ghê. Bút hiệu này được con nhỏ xử dụng trong nhiều năm. Trương thị Thu Nguyệt là trưởng ban báo chí lớp tôi có thể chứng nhận được chuyện này.
Ngày chúng tôi tan hàng để chọn ban ngành, con nhỏ chọn ban B, là ban chuyên về Toán học. Chia tay con nhỏ tôi cũng ngạc nhiên khi biết nó chê thơ văn, triết lý mà lao vào học Tóan, cũng lạ đời thật, con nhỏ là vậy đó, hơi đâu mà thắc mắc.
Sau năm 1975 tôi lao đao cho đường công danh lẫn tình duyên thì nghe đâu con nhỏ ra Huế học Đại học Sư Phạm Anh Văn, thêm một lần tôi ngạc nhiên. Mãi quay cuồng với cơm áo gạo tiền, tôi cũng chẳng quan tâm đến. Ngày con nhỏ lên xe hoa cũng là ngày tôi…lên xe tang. Các bạn đừng vội đánh giá tôi PĐ nhé. Quả là ngày tôi đến chia vui với con nhỏ cũng là ngày đám cưới của người đã “đi qua đời tôi”, cách đây 25 năm. Lúc đó đứa con gái bé bỏng của tôi mới 6 tháng tuổi. Tôi cười trong đám cưới con nhỏ nhưng có ai biết tôi đang khóc trong lòng.
Dù khóc hay cười thì tôi và con nhỏ cũng phải bương chải để sống, hai đứa là hai mảnh đời khác biệt. Tôi rời quê nhà, đi lập nghiệp ở phương xa, con nhỏ học ra trường, nhận nhiệm sở ở đâu tôi nào có biết. Lần đầu tôi gặp lại nhỏ năm 2000. Buổi tối trời mưa lớn lắm, con nhỏ nghe tin tôi về đã cùng với Quang Ấn lặn lội đến thăm tôi. Tôi mừng khi biết con nhỏ làm việc cho một cơ quan quốc tế có tên là “ Tầm nhìn Thế giới”. Tôi ngạc nhiên về cái cơ quan xa lạ nhưng tính tôi đơn giản lắm, cái gì mà dính dáng đến Thế giới là tốt rồi.
Hai đứa tiếp tục trao đổi email, rủ nhau làm việc thiện. Khi lớp tôi có cuộc họp bạn được tổ chức tại nhà con nhỏ, tôi không về dự được, các bạn gởi hình làm tôi lại ngạc nhiên hết sức. Nhà con nhỏ do chính tay nó thiết kế thiệt đẹp, y như là căn nhà trong mơ của nhiều người. Từ cách xây dựng đến bài trí, đến cây cảnh trong nhà, ngoài sân vườn…rất nghệ thuật và đầy sáng tạo. Vậy là tôi đã lầm, đâu có phải nghệ sỹ là sống trong mơ một túp lều tranh với hai trái tim chì!
Mùa xuân 2009 tôi có dịp du lịch xứ Huế với nhóm bạn thời trung học. Con nhỏ tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch, nghề của nó mà. Vẫn giọng Huế nhỏ nhẹ, vẫn dáng người bất cần đời, cái tướng con nhỏ tà tà mà dẻo dai dễ sợ, đi không biết mệt. Vừa đi vừa giảng giải. Tôi lại một phen ngạc nhiên và khâm phục cho vốn liếng kiến thức bao la của nhỏ. Tôi khèo Phương:
- Ê, mi nhớ ngày xưa mình đặt tên nó là Khùng không?
Phương ruồi nháy mắt:
- Ừ, ừ
Rồi chỉ vào cái khăn nó đang quấn trên cổ trong khi bên ngoài nắng chang, Phương nói:
- Hắn khi mô cũng điệu điệu hỉ?
Trước ngày tôi rời Đà Nẵng thì có tin buồn, con nhỏ vĩnh viễn mất đi người mẹ đã gánh gồng nuôi chị em nó lớn khôn. Tôi cùng các bạn đến dự tang lễ, nhìn khuôn mặt phúc hậu của Bác gái trong tấm ảnh chưng trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, tôi hiểu tại sao con nhỏ hay làm thơ ngợi ca về đòn gánh tre của mẹ. Con nhỏ còn có cả một kỷ yếu về mẹ nữa.
Khi xa một vùng kỷ niệm, người ta thường…nhớ quê nhà, được ví von như là “Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” nghe có lý ghê, vì những cái nhớ có mùi vị, lại ăn tưởng tượng được nữa. Vậy mà ở tuổi mười ba, con nhỏ đã biết nhớ một ánh mắt, thương cảm một tiếng thút thít sụt sùi, nhớ một cách xưng hô, lại biết làm thơ nữa.
Có phải rõ ràng là con nhỏ đã yêu từ hồi mười ba tuổi, con nhỏ đang nhớ cái “thằng cố nhân“ với mái tóc cỏ gà không?
Nếu có được giọng ca truyền cảm, chắc tôi nên hát tặng con nhỏ định nghĩa Yêu của nhạc sĩ Văn Phụng:
Yêu…là lòng bâng khuâng…nhớ hay thương một chiều thu vương
Gió êm đưa, xào xạc tre thưa, lá rơi rơi, rơi tả tơi
…
Nhớ thương bao nhiêu, một người thân yêu
Đã đi xa về miền hoang liêu
Những trang thơ là hành trang theo
Cố nhân ơi, giận hờn chi nhau
Đã bốn mươi năm rồi, không biết bây giờ nhớ lại đằng ấy, con nhỏ có còn giận cố nhân không?
Nguyễn Diệu Anh Trinh (viết tặng con nhỏ)