Cô Tám
Tháng năm lại về, bắt đầu với những ngày nóng oi ả. Phố biển Đà Nẵng chưa có những cơn mưa hạ nên cái nóng
hầm hập thật khó chịu. Năm nay, mùa hè bắt đầu với những cơn bệnh mùa nắng đang đe dọa người lớn lẫn trẻ
con. Với tôi, tháng năm đến cũng gợi lại trong tôi nhiều nỗi nhớ. Mới đó mà một năm đã trôi qua, tháng 5 năm
trước tôi đi Cali thăm các con và dự lễ ra trường của Quốc Hòa, bây giờ kỷ niệm lại đầy ắp tâm trí tôi. Nghĩ đến
các con ở xa, tôi nhớ những ngày mẹ con gần gũi, cùng đi chơi đó đây, nhớ đứa cháu ngoại gái bi bô quấn quýt
bên mình. Và cũng trong cùng niềm nhớ đó, hình ảnh người cô già nua của tôi chợt hiện ra, mái tóc bạc, nụ cười
móm mém và những ngày tháng cuối đời nơi xứ xa, ôi sao là nhớ!
Cô là em gái út của cha tôi. Ông bà nội tôi sinh ra được tám người con, nhưng khi tôi lớn lên và hiểu biết thì bên
cạnh cha tôi chỉ còn lai vỏn vẹn một mình cô Tám, cũng là cô út, cha tôi là anh trai thứ năm của cô. Hai anh em
sống những ngày êm ả bình yên nơi vùng quê Đại Lộc thân yêu. Ông bà nội tôi làm nông nhưng thu nhập chính lại
là nghề tráng bánh tráng, làng quê Đại Lộc vốn nổi tiếng với những lò bánh tráng ngon nhất Quảng Nam. Cô út tôi
thuở nhỏ nghe nói là một người đẹp, hiền lành, nết na nổi tiếng trong thôn. Lớn lên, cô lập gia đình rồi cũng nối
nghiệp ông nội tôi bằng nghề này. Những năm tháng đó, cuộc sống tuy vất vả khó khăn nhưng lúc nào tôi cũng
thấy nụ cười trên môi cô rất tươi, hiền lành và thân thiện. Thuở ấu thơ, ngày ngày trên con đường tung tăng đi học
về, tôi đều gặp cô. Lúc nào cô cũng quang gánh trên vai, một đầu là đứa con dại, đầu kia lủng lẳng thúng bánh
tráng. Vậy mà lúc nào gặp tôi cô cũng cho quà. Khi thì mấy đồng bạc cắc để ăn vặt, khi thì cái kẹo. Tôi nhớ bàn
tay cô vuốt tóc, vỗ vai tôi, ân cần dặn dò đủ thứ, ...đó là hình ảnh người cô dịu dàng, tuyệt vời của tôi thời thơ ấu.
Rồi chiến tranh loạn lạc lan đến miền quê êm ả, gia đình tôi chạy tản cư ra Đà Nẵng, ông ngoại cho cha mẹ tôi
một lô đất để dựng căn nhà nhỏ khu kiệt Tiến Thành. Cô Tám vẫn ở lại quê nhà, vẫn vất vả bươn chải với nghề
bánh tráng gia truyền để nuôi đàn con nhỏ của mình, chồng thì đi lính biệt động quân, hành quân xa nhà liên miên.
Dượng tôi đẹp trai và hào hoa phong nhã nên cô Tám là người vợ chịu nhiều thua thiệt, vậy mà chưa bao giờ cô
than oán một câu. Trận chiến mùa xuân Mậu Thân khiến làng quê tôi tan tác, rồi mùa hè đỏ lửa năm 1972 ... cô
không trụ lại được nên đành dẫn dắt đàn con ra Đà Nẵng nương nhờ sự dùm bọc che chở của người anh trai là
cha tôi.
Sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, đất nước thay đổi chế độ, cô lại trở về quê cũ tiếp tục nghề tráng bánh tráng, để
nuôi con vì chồng cô phải đi tập trung học tập cải tạo tại An Điềm, một vùng rừng núi xa xôi của Quảng Nam. Sau
đó, cô một mình nuôi đàn con bảy đứa, cần cù lặng lẽ bới xách thăm nuôi người chồng suốt gần 10 năm trời mới
được về đoàn tụ với gia đình khi tuổi đời đã cao, thân thể bệnh hoạn. May sao, chương trình HO mở ra một
tương lai mới cho các gia đình có người thân cải tạo trên ba năm. Gia đình cô Tám tôi lúc đó các con cô đã lập
gia đình hết năm người, chỉ còn lại một cậu trai và một út gái còn độc thân được đi với cô dượng sang Mỹ, định
cư tại vùng đất nắng ấm Cali.
Ngày cô rời Việt Nam năm 1999, tôi là người mừng cho cô nhiều nhất và cũng là người buồn nhiều nhất, tâm
trạng cô chắc cũng như tôi .... Tận đáy lòng tôi luôn cầu mong cho cô được sung sướng hết quãng đời còn lại lúc
tuổi già...Thời gian thắm thoát trôi qua, cô dượng cũng đã trở về thăm con cháu, thăm quê hương với cái mác
"Việt kiều". Nhìn cô trắng trẻo, đẹp lão, vàng đeo rủng rỉnh ... tôi mỉm cười mãn nguyện, thầm cám ơn Trời Phật
đã giúp đỡ, che chở cho cô có được cuộc sống vui vẻ nhàn hạ nơi xứ người. Đàn con của cô thấy vậy tưởng
rằng cha mẹ mình khá giả lắm, đứa nào cũng ỷ lại, dựa dẩm vào cô, chẳng đứa nào chịu khó làm ăn cả. Thế là
mèo lại hoàn mèo ... cô tôi lại phải bôn ba nơi xứ xa để kiếm chút tiền đem về giúp các con của cô.
Năm 2005 tôi đến Mỹ lần đầu tiên để dự đám cưới con gái Bích Hảo, đứa con gái lớn của tôi đã sống với cô
dượng gần ba năm những ngày đầu du học Mỹ. Lần đầu tiên được thăm cô dượng sau nhiều năm xa cách, tôi
thật mừng khi thấy cuộc sống hai người đã ổn định, dượng đi làm quản lý cho một tiệm giặt ủi, cô thì nhận vài ba
đứa trẻ về chăm. Tuy bận bịu nhưng tôi thấy chẳng là gì so với cuộc sống trước đây của cô nơi quê nhà ... Tôi lại
trở về VN với niềm vui và thoả mãn khi nghĩ về cô. Tôi kể cho Ba Hiệp nghe, anh rất vui vì tuy là cháu rể nhưng ba
Hiệp cũng thương cô Tám tôi vô cùng.
Mãi đến tháng 5 năm 2014 tôi lại sang Mỹ để dự lễ ra trường con trai Quốc Hoà, lần nầy thời gian đi được thong
thả nên tôi đến thăm cô và ngủ lại tâm sự với cô một đêm. Sáng sớm hôm sau cô thức tôi dậy sớm và rủ hai cô
cháu cùng đi bộ tập thể dục. Tôi dây sớm cùng cô, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi đến ngỡ ngàng, cô mặc
chiếc áo len củ mèm, đầu đội nón lá, chân đi giày ba ta. Tôi bật cười ngặt nghẽo:
- Trời ơi, đi Mỹ bao nhiêu năm rồi mà vẫn vậy hả cô?
Cô cười hiền hoà, móm mém trả lời:
- Kệ cha hắn con ơi, cô thấy khoẻ là được rồi ...
Rồi cô kể ... khi mới qua Mỹ, cô và dượng tuổi đã cao, không biết lái xe, không biết đường sá, có một người
quen dắt đi chợ. Biết mình không thể nào nhớ đường đi, về, hơn nữa ngôn ngữ bất đồng, nói ra không ai hiểu mà
người ta trả lời mình cũng không hiểu luôn. Coi như người câm điếc! Cô tôi khá thông minh, cô lấy tấm áo cũ, cắt
ra từng sợi nhỏ, đi tới đâu buộc vào những cây ven đường, theo lối đi của mình để về nhà, tính ra cứ làm dấu kiểu
đó cũng mấy chục lần cô mới nhớ đường đi chợ và về nhà. Lần khác, có dịp qua TX thăm con gái là út Lệ có
chồng bên đó, lên tới phi trường thì cô đói bụng quá, có tiền mà không biết tiếng Anh, nhìn người ta lấy thức ăn cô
không biết làm sao, đành vỗ vào bụng mình mà nói: "Việt nam mi, ... đói bụng!" thế là người ta bày vẻ, cuối cùng
cô cũng lấy được thức ăn. Tôi nghe mà bật cười, chảy nước mắt vì thương cô.
Sáng hôm đó trên đường cô cháu đi bộ, đang nói chuyện vui vẻ, cô nhìn thấy mấy két vỏ bia người ta uống xong
bỏ ra ngoài đường, cô đứng tần ngần tiếc, đòi lượm cho được chứ không chịu đi. Tôi khuyên thế nào cũng không
được nên đành theo cô tìm cái xe đẩy, loại đi chợ để chở số vỏ đó về nhà. Khi tìm ra được cái xe thì thấy ông
người Mễ đã đang lượm bỏ lên xe họ mất tiêu. Cô tôi chép miệng tỏ vẻ rất tiếc. Sau đó, cô kể tôi nghe ... cô
dượng đã nghỉ hưu, hưởng trợ cấp theo người già của chính phủ, hằng năm ăn uống tiện tặn, chi phí xong cũng
còn dư chút ít để dành về VN thăm con cháu. Các con cô bên đó đâu có thấu hiểu hoàn cảnh của cha mẹ già nơi
xứ xa, hết đứa này than van đến đứa khác xin xỏ. Muốn có tiền gởi cho các con, cô dượng phải đi lượm thêm vỏ
bia bán cho các đại lý ve chai để kiếm tiền phụ giúp các con. Ôi Trời, tôi nhìn hình ảnh cô đội nón lá, chậm rải đẩy
chiếc xe, cuối nhặt từng cái vỏ bia ... tấm thân cô gầy nhom, lưng còng xuống, vậy mà nhặt được mấy cái vỏ chai
là mặt vui hẳn lên. Tôi nghe mắt mình cay cay.
Tôi thương cô Tám như một người mẹ thứ hai trong đời tôi. Các con của tôi nay ở Cali cũng hay ghé thăm bà
Cô, thân thiện và gần gũi. Vì hai người con của cô ở xa nên có việc gì cô cần gọi là các con của tôi có mặt ngay.
Hình ảnh cô, một Việt kiều về thăm các con, thăm quê nhà, giúp đỡ người này người nọ và hình ảnh một bà cụ
lom khom nhặt từng cái vỏ chai, tuy hai mà một, đó là cô Tám của tôi, một người phụ nữ Việt Nam thật nhân hậu,
hiền hòa, với lòng thương con vô bờ bến. Từ những năm tháng thanh xuân trong đời cô, lủng lẳng đôi gánh nuôi
con, lặn lội thăm chồng. Nay tuổi cũng đã cao, gần đất xa trời, đời cô vẫn chưa được an nhàn, lại phải đau đáu
trong lòng, góp nhặt, tiết kiệm từng chút để tiếp tục bảo bọc cho đàn con nơi quê nhà, không than van một lời. Lần
nào về quê cô cũng biếu Cha tôi chút đỉnh tiêu vặt. Tình cảm của cô Tám trải đều cho mọi người. Thương cô, tôi
luôn nguyện cầu cho cô tôi luôn có đầy đủ sức khỏe, tôi nhớ mãi nụ cười móm mém, ánh mắt lanh lẹ của cô. Hoàn
cảnh hai ông bà cụ già nua, đơn chiếc nơi xứ sở với nhiều trở ngại về đời sống, ngôn ngữ, tập quán vậy mà cô
Tám tôi không ngừng bươn chải, hy sinh mọi niềm vui của bản thân để giúp đỡ, bảo bọc cho các con của mình ở
cái tuổi đáng ra cô nên được các con phụng dưỡng. Tình mẹ thương con quả là mênh mông, cao cả không gì
sánh bằng.
Tháng năm lại về, viết những dòng này, nhớ Cali với một phần gia đình tôi nơi đó. Hình ảnh cô Tám ngập lòng, tôi
nhớ cô Tám quá chừng!
Đà Nẵng ngày 23-5-14
Phạm Thị Ba