Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Cơn bão Haizan
Từ khi cơn bão mang cái tên Hải Yến dễ thương còn nằm phía bên kia quần đảo Philippines, thì dân miền Trung đã thất kinh vì nghe nói sức gió mạnh lên đến cấp 15, 16 giật cấp 17 của nó. Đó sẽ là một trong bốn cơn bão mạnh nhất thế giới cho đến nay. Các phương tiện truyền thông cứ cách vài giờ là đưa tin đường bão chạy. Hôm nay nó đang tàn phá Philippines, ngày mai vào biển Đông và chủ nhật sẽ vào đất liền các tỉnh miền Trung. Khi vào đến nơi thì với sức gió này, nó sẽ lật tung các nhà cấp bốn, cấp ba, không chừa một cái nào. Không có một cây nào, trụ điện nào, dù to đến đâu còn sót lại được nếu nó nằm trên đường bão quét qua, gọi là tâm bão. Sẽ có lũ lụt vì mưa từ to đến rất, rất to. Sóng biển có thể quét vào bờ cao tới 5, 10 mét. Có thể sẽ mất điện, không có nước trong từ vài tuần cho đến hàng tháng. Có thể..., có thể... bao nhiêu cái chỉ có thể thôi vì cả nước chưa từng phải đón một cơn bão nào khủng khiếp như cơn bão Haiyan này.
Ai cũng theo dõi truyền thông: tivi, báo chí mạng. Thậm chí trang facebook cũng trở thành nơi cập nhật thông tin nhanh nhất. Ai cũng dõi theo đường bão chạy, ai cũng bàng hoàng, sợ hãi. Nỗi sợ hãi cứ lặng lẽ mỗi giờ qua đi lại mỗi lớn hơn. Mọi người nín thở chờ đợi. Cho mãi đến sáng thứ bảy (9/11), lúc 7 giờ sáng, tin mới nhất vẫn cứ thông báo bão sẽ áp sát bờ biển miền Trung, từ Đà Nẵng cho đến Quảng Bình với sức gió không hề giảm, thì mọi người đã oà vỡ nỗi lo lắng.
Vậy là người ta vội vàng đi chợ, mua thịt cá, rau củ để dành. Khu chợ bán bao tải, đèn pin, đinh, dây thép...trước đây thỉnh thoảng mới có khách, thì từ hôm qua lai rai, đến tối và sáng thứ bảy thì đông nghẹt người. Giá vì vậy đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. May mà mặt hàng này vốn rẻ nên cũng chẳng phàn nàn gì, ai cũng mong mau mau mua cho được để đem đến những cửa hàng bán cát xây dựng, mua cát xúc đầy bao rồi vội vã chở về nhà. Hoặc nếu tiết kiệm thì người ta ra những vùng ven, xúc cát ở những khu đất trống.
Vì nhà không có đàn ông, không ai bưng bê cả một bao cát đưa lên mái nhà, bạn tui nghĩ ra một cách rất ... sáng tạo. Con gái đứng trên, mẹ đứng dưới, chuyển dần những cục gạch xây nhà lên, con bỏ vào bao cát. Vậy là ok, cũng vững như bao cát thôi. Có nơi chính quyền đến những khu dân cư, đổ xuống nhiều xe cát bắt ... dân phải lo che chắn mái nhà. Ông xã nói vui:
- Đường phố tấp nập giống như những ngày chuẩn bị Tết vậy.
Chỉ có điều đông mà không vui. Ai ai cũng căng thẳng cả.
Cũng có người thay vì sử dụng cát, họ dùng những bao nước lớn, cũng phải chứa được 20, 30 lít nước chớ không ít hơn. Tất cả, nước, cát đều được chuyển lên mái nhà. Ai cũng lo được tất cả mọi thứ có thể lo, dù biết là từ đây đến rạng sáng hôm sau, nếu bão vẫn không đổi hướng chệch trở ra biển, thì coi như mọi sự chuẩn bị đều chẳng thấm tháp gì so với sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão huỷ diệt ấy.
Mới ba giờ chiều, tôi chợt nhớ nhà của mẹ một người bạn đang chỉ có một mình bác với đứa cháu, lại là nhà trệt. Không biết bác có biết để chuẩn bị đón bão không. Vậy là lấy xe ra đi khi trời đã bắt đầu mưa bay bay, gió nhẹ nhẹ. Đường xá khu vực tui ở vắng tanh, thỉnh thoảng lắm mới có một chiếc xe vút qua. Người ta chỉ ra đường khi thật cần thiết thôi thì phải. Khi tôi đến nhà bác thì mẹ cha ơi, không có một sự chuẩn bị nào, cả hai o cháu đều thản nhiên khi nghe tôi khuyên nên đi tránh bão ở nhà ai đó kiên cố hơn.
- Không chi mô chị ơi.
Vậy là đành ra về mà lòng không khỏi lo lắng cho hai o cháu. Không biết có bao nhiêu gia đình không thèm lo lắng như gia đình bác?
Khoảng bốn giờ chiều thì trên facebook người ta dẫn đường link báo rằng bão sẽ không vào đất liền. Nó chỉ chạy men theo bờ biển thôi, và sẽ cập bờ Thanh Hoá, lúc bão đã yếu dần. Như vậy là sẽ không còn gió cấp 15, 16 nữa mà chỉ còn 11, 12. Chưa bao giờ mà tâm trạng đón bão lại vui vẻ như vậy. Người ta chia vui với nhau trên fb loạn xà ngầu. Tôi reo lên khi ông xã vừa dừng xe truước nhà, chưa kịp mở khoá cửa:
- Bão không vô ĐN nữa anh à. Nó chệch ra ngoài biển rồi.
Thật là vui hớn hở, đến nỗi khi hỏi móc ông xã:
- Ủa,mới xuống nhà bà hai ủng hộ tinh thần đón bão đó à?
Tui cũng chẳng thèm giữ giọng nghiêm trang một chút cho ra vẽ. (Ha haa, chiêu này gọi là chiêu đón … gió đó các bạn)
Thì ra ở một hoàn cảnh nào đó, ta chấp nhận đều xấu...ít nhất có thể với một tâm trạng hết sức thoải mái. Vậy mới biết, có người sau tai nạn không giữ được nguyên vẹn hình hài, họ vẫn lạc quan, vui vẻ. Có lẽ, họ cảm thấy quá hạnh phúc rồi khi còn được sống trên dương gian. Cái cảm giác chấp nhận ấy bây giờ lần đầu tui mới thấm thía. Có thể khi bão đến, với sức gió 11, 12 nhà tui sẽ bay mái tôn, cây sữa trước nhà có thể trốc gốc, nhưng so với viễn cảnh thành phố ĐN sẽ hoang tàn thật sự sau cơn bão, nhiều người sẽ phải sống cảnh màn trời chiếu đất, con số thương vong không biết sẽ là bao nhiêu, thì tui thấy lúc ấy mình vẫn quá mừng rồi.
Bão sẽ đến khoảng từ bốn giờ sáng. Tối hôm ấy vợ chồng tui đi ngủ sớm sau khi chat với hai con trai ở xa. Tội nghiệp tụi nó ở xa nhưng vẫn lo lắng lắm. Thằng lớn sau khi hỏi kỷ lưỡng ba mẹ đã chuẩn bị những gì, đã nhắc tui trử thêm nước uống, nước sinh hoạt nhiều nhất có thể. Mua thêm pin để phòng khi bị cúp điện dài dài. Còn thằng nhỏ.., trời ơi thương ghê, nó nói:
- Nhà mình không sao đâu. Con nguyện rồi, nếu nhà mình bình an qua cơn bão ni, con … ăn chay một tuần.
Ai bảo con trai thì quan tâm cha mẹ hời hợt? Tui là tui...muốn chảy nước mắt khi nghe con nói vậy đó. Tưởng đang khi lo lắng quá nó hứa cuội với Phật Trời thôi, sau bão tui không dám nhắc lại, sợ con quê độ. Ai ngờ nó ăn chay thật, ngày này đã là ngày thứ ba, và sẽ ăn đúng y một tuần không bỏ bữa nào. Lại còn khen cơm chay ngon nữa chớ. Thật là thương.
Có lẽ, ai cũng nhận được sự quan tâm, lo lắng của người thân ở xa như gia đình tui vậy.
Đêm ấy không biết sao tui ngủ ngon lành, mặc dù thỉnh thoảng có tỉnh giấc, ráng nghe tiếng gió rít bên ngoài để đoán già non bão đến chưa, nhưng trong cơn mơ ngủ chẳng nghe gì cả.
Sáng ra khi trời hửng sáng, tui mới thật sự tỉnh ngủ, bật dậy chạy ra cửa sổ nhìn trời. Thì cha mẹ ơi, trời mưa lất phất, cây cối lặng im. Chỉ như một cơn mưa đầu mùa.
Thì ra khi cách bờ biển chừng ba trăm kilo mét, bão đã chuyển hướng,chạy lên phía Vịnh bắc bộ, thay vì đi sâu vào bờ biển.
Đó là một phép lạ không thể lý giải. Dân miền Trung mừng như điên. Ai cũng nghĩ, có lẽ lời nguyện cầu của người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, đã động lòng trời?
Nếu cơn bão mang cái tên Việt hoá rất dễ thương Hải Yến cập bờ miền Trung, thì bây giờ Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, có lẽ cũng trở thành một Tacloban của Philippines, nơi đã gần như trở thành bình địa sau cơn bão, nơi mà giờ đây cả thế giới đang hướng về, với tấm lòng xót thương, chia xẻ.
Và không biết tui có còn đây để viết bài chia xẻ với bạn cảm xúc của một người vừa trải qua may mắn quá kỳ diệu này.
ĐN 13/11/2013
Sau những ngày đón bão HAIYAN.
Chin Bon
Chin Bon